Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 19/11/2020, 14:34 (GMT+7)
Lữ đoàn 675 nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu

Lữ đoàn Pháo binh 675 - Đoàn Pháo binh Anh dũng, thuộc Binh chủng Pháo binh, tiền thân là Trung đoàn Sơn pháo 675, thành lập ngày 20/11/1950, tại bản Nà Tấu, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngay sau khi thành lập, Lữ đoàn đã nhanh chóng ổn định tổ chức lực lượng, vừa hành quân, vừa huấn luyện và bước ngay vào chiến đấu, với các chiến dịch lớn, như: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Điện Biên Phủ,… chi viện hỏa lực kịp thời, chính xác cho các đơn vị truy quét địch trên chiến trường. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Lữ đoàn đã có mặt trên khắp các chiến trường, vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, chiến đấu hàng trăm trận, lập nhiều chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào thành tích vẻ vang của Bộ đội Pháo binh anh hùng1. Với ý chí, quyết tâm “đã đi là đến, đã đánh là thắng; còn người, còn trận địa, còn pháo còn chiến đấu; một người, một pháo cũng tấn công”, dù chiến đấu độc lập hay tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn thể hiện rõ tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tiến công địch, xây dựng nên phương châm tác chiến “đưa pháo lên cao, vào gần, bí mật tiếp cận mục tiêu, bắn chính xác từng viên đạn”, sáng tạo chiến thuật “Bôn tập” - nét độc đáo của nghệ thuật tác chiến Pháo binh Việt Nam. Với thành tích xuất sắc đó, Lữ đoàn được Bác Hồ khen tặng danh hiệu “Đoàn Pháo binh Anh dũng”; được Nhà nước 02 lần phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, năm 2008, Lữ đoàn từng bước chuyển thành đơn vị khung thường trực; đến năm 2018, tổ chức lại thành đơn vị đủ quân thời bình. Sau mỗi lần biến động về tổ chức, biên chế và nhiệm vụ mới, mặc dù gặp nhiều khó khăn, như: cán bộ, nhân viên chuyên môn thiếu; nhiều chức danh cán bộ không phù hợp, phải kiêm nhiệm; cán bộ đại đội, trung đội hầu hết thiếu kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy, huấn luyện bộ đội; cơ sở hạ tầng, thao trường, bãi tập xuống cấp,… nhưng Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng, chủ động đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, phát huy truyền thống, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ năm 2013 đến nay, Lữ đoàn luôn là một trong những đơn vị có thành tích cao trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh chủng và lực lượng pháo binh toàn quân; kết quả huấn luyện các đối tượng đạt khá trở lên.

Diễn tập, kiểm tra bắn đạn thật

Với kinh nghiệm 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, để “đánh giỏi, bắn trúng”, Lữ đoàn hết sức coi trọng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác huấn luyện. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 395-NQ/ĐU, ngày 19/3/2013 của Đảng ủy Binh chủng về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 – 2020 và những năm tiếp theo, hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu huấn luyện phù hợp với đối tượng; chỉ rõ thuận lợi, khó khăn, khâu đột phá và những nội dung cần tập trung thực hiện, nhất là sau khi có chủ trương kiện toàn thành Lữ đoàn đủ quân thời bình. Xây dựng và đẩy mạnh thực hiện các đề án đổi mới: cơ chế chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện; chương trình huấn luyện; tổ chức, phương pháp huấn luyện,… bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả. Trước thực tế đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn chỉ đạo thành lập “tổ chuyên gia” gồm các cán bộ nhiều kinh nghiệm của 04 cơ quan do đồng chí Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng làm tổ trưởng để huấn luyện bổ sung cho đội ngũ cán bộ từ trung đội đến tiểu đoàn; thường xuyên bám nắm đơn vị, hướng dẫn, uốn nắn các nội dung khó, khâu yếu, mặt yếu của cán bộ các cấp và truyền thụ kinh nghiệm trong huấn luyện, diễn tập, hợp luyện, chỉ huy bắn, v.v. Qua đó, vừa bảo đảm chất lượng huấn luyện phân đội, vừa nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ các cấp.

Cùng với đó, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị tích cực bám sát mọi hoạt động của bộ đội, kịp thời phát hiện, giải quyết các vướng mắc nảy sinh trong tư tưởng, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua đột kích trong huấn luyện; tổ chức cho các tập thể, cá nhân đăng ký nội dung, chỉ tiêu thi đua; phân cấp, quy trách nhiệm huấn luyện theo cương vị, chức trách; lấy huấn luyện làm kết quả chính trong bình xét thi đua, khen thưởng; gắn huấn luyện với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới,... làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của bộ đội về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phát huy kinh nghiệm, truyền thống “lấy chiến trường làm thao trường, gắn huấn luyện với chiến đấu”, Lữ đoàn đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện. Bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huấn luyện toàn diện, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; lấy huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm và huấn luyện cán bộ, nhất là cán bộ cấp phân đội làm khâu then chốt. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp hằng tuần, tháng và trước mỗi giai đoạn huấn luyện được Lữ đoàn thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Nội dung huấn luyện đảm bảo thiết thực, phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đi sâu vào những điểm yếu của năm trước, nội dung mới, sửa đổi, tổ chức phương pháp huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành binh chủng, bắn pháo sa bàn, bắn núi, bắn biển, diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ, ngoài thực địa, phương pháp soạn thảo giáo án, tổ chức thông qua giáo án, giảng thử, giảng mẫu, v.v. Trong đó, chú trọng đối tượng bồi dưỡng là cán bộ đại đội, trung đội, cán bộ mới ra trường, còn ít kinh nghiệm thực tiễn. Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn thực hiện phân cấp, phân nhóm đối tượng (cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật); kết hợp bồi dưỡng nhiều nội dung trong một bài tập. Với cán bộ khung B, Lữ đoàn thường xuyên phối hợp với địa phương giao nguồn rà soát chặt chẽ số lượng, chất lượng; có kế hoạch huấn luyện chuyển loại chuyên nghiệp quân sự ở một số chức danh gắn với huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật chuyên ngành pháo binh, phương pháp soạn thảo, thông qua giáo án và huấn luyện, v.v. Đồng thời, tập huấn toàn diện những nội dung về chính trị, quân sự trong quản lý quân nhân dự bị; thứ tự động tác khi nhận lệnh động viên trước khi vào huấn luyện quân nhân dự bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức trách.

Với nhân viên chuyên môn kỹ thuật, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện theo hướng “thiết thực, hiệu quả”, tập trung vào các nội dung bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật; công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong chiến đấu. Duy trì nghiêm chế độ huấn luyện tại chức, thi nâng bậc thợ, bổ túc lái xe; gắn huấn luyện với bảo đảm kỹ thuật và thực hiện Cuộc vận động 50,… giúp nhân viên chuyên môn giữ vững và nâng cao tay nghề. Từ năm 2015 đến nay, Lữ đoàn tổ chức tập huấn cho gần 500 lượt cán bộ khung A, khung B và huấn luyện hàng nghìn lượt nhân viên chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trên 80% đạt khá, giỏi; 100% nhân viên chuyên môn hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách.

Đối với phân đội, do có nhiều thành phần lực lượng (pháo thủ, trinh sát, kế toán, đo đạc,…), mỗi bộ phận lại có những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau, nhưng đòi hỏi phải hiệp đồng chặt chẽ. Vì thế, Lữ đoàn chỉ đạo đơn vị bám sát các nội dung, tiêu chuẩn “Đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi” làm mục tiêu huấn luyện; tăng cường huấn luyện theo các phương án tác chiến, huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng cơ động, phối hợp, hiệp đồng tác chiến trong khu vực phòng thủ; huấn luyện trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, thời gian chuẩn bị gấp, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, v.v. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng huấn luyện bộ đội làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế; thành thục động tác từng người, từng khẩu đội, giỏi chức trách chính, biết một đến hai chức trách khác, làm cơ sở hợp luyện đại đội, tiểu đoàn pháo. Đồng thời, duy trì nghiêm kế hoạch huấn luyện đã được phê duyệt, tổ chức cho bộ đội học bù, học vét các nội dung không thực hiện được ngay trong tuần, tháng; duy trì nền nếp, chế độ thông qua giáo án bằng giảng thử ngoài thực địa; tăng cường sử dụng đội mẫu trong huấn luyện. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, chỉ đạo, điều hành, rút kinh nghiệm huấn luyện của chỉ huy, cơ quan các cấp; duy trì nền nếp hội thi, hội thao rộng khắp, tạo động lực nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Với cách làm đó, chất lượng huấn luyện của Lữ đoàn không ngừng được nâng lên; bộ đội thành thạo về kỹ thuật, chiến thuật, làm chủ vũ khí trang bị được biên chế, có khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao, nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Năm 2018, Lữ đoàn thực hiện làm điểm cho Bộ Quốc phòng về huy động, tiếp nhận, huấn luyện và tổ chức kiểm tra bắn đạn thật cho lực lượng dự bị động viên pháo binh; chiến thuật đạt khá, chỉ huy bắn đạt giỏi, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Binh chủng đánh giá cao. Ngoài ra, Lữ đoàn chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện, từ con người, xây dựng kế hoạch, bảo đảm cơ sở vật chất đến thao trường, bãi tập. Kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; tăng cường các biện pháp quản lý bộ đội, quản lý vũ khí, phương tiện kỹ thuật; nâng cao chất lượng toàn diện công tác hậu cần, kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (20/11/1950 – 20/11/2020), cán bộ, chiến sĩ Đoàn Pháo binh Anh dũng tiếp tục nỗ lực phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống “Anh dũng, sáng tạo, đoàn kết hợp đồng, cơ động giỏi, đánh chắc thắng”.

Thượng tá QUÁCH NGỌC VĂN, Lữ đoàn trưởng
______________

1 - Lữ đoàn đã bắn rơi, đánh chìm 13 máy bay, tàu chiến, phá hủy hàng nghìn lô cốt, phương tiện chiến tranh của địch, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.