Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 18/05/2023, 10:07 (GMT+7)
Lữ đoàn 513 đột phá công tác huấn luyện

Cách đây 65 năm, ngày 19/5/1958, theo quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Tiểu đoàn Công binh 25 (tiền thân của Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3 ngày nay) được thành lập. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự phát triển của lực lượng binh chủng trong lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, đó cũng là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với Lữ đoàn, bởi ngày thành lập Đơn vị đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 68 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Những năm đầu thành lập, mặc dù quân số ít, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, song với tinh thần sục sôi cùng quân và dân cả nước “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, anh dũng, sáng tạo, bám cầu, bám đường để bảo đảm thông suốt những tuyến đường ra tiền tuyến. Với thành tích hơn 1.000 ngày đêm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chèo chở hơn 25 nghìn chuyến phà đưa người và xe tiếp viện cho chiến trường miền Nam an toàn, bắc trên 50 vạn mét cầu nổi, tham gia cùng các đơn vị bạn bắn rơi 01 máy bay Mỹ tại cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, động viên đúng vào dịp Tết Bính Ngọ (năm 1966). Tại đây, Bác ân cần dặn dò: “Các chú chớ tự mãn với những thành tích đã đạt được, mà phải cố gắng nhiều hơn nữa để đạt nhiều thành tích hơn nữa...”. Thấm nhuần lời dạy của Người, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các biện pháp, tạo sự chuyển biến vững chắc, toàn diện trên các mặt công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, Lữ đoàn 02 lần vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 1985 và 1994), 01 Huân chương Quân công hạng Ba, 01 Huân chương Chiến công Hạng Ba (năm 2000), 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2013), hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được khen thưởng.

Luyện tập bảo đảm vượt sông bằng phà tự hành GSP

Những năm gần đây, với chức năng của đơn vị công binh hỗn hợp trực thuộc Quân khu, Lữ đoàn có nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thi công các công trình quốc phòng; rà phá bom mìn, vật nổ và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất. Trong khi đó, đặc thù của Đơn vị là triển khai nhiệm vụ trên địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, lực lượng phân tán, khó khăn trong công tác quản lý, chỉ huy; phương tiện khí tài đặc chủng đã qua nhiều năm sử dụng, hệ số kỹ thuật không ổn định; lực lượng, phương tiện tham gia huấn luyện hoạt động trên công trường với mật độ lớn, cường độ cao, nhất là có sử dụng thuốc nổ, hỏa cụ nổ mìn phá đá hết sức độc hại, nguy hiểm, dễ xảy ra mất an toàn, v.v. Nhận thức rõ những khó khăn đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn quan tâm chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; trong đó, tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trước hết, chú trọng làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội về nhiệm vụ huấn luyện. Hằng năm, Lữ đoàn phải huấn luyện cho nhiều đối tượng với trình độ nhận thức khác nhau; vừa huấn luyện, vừa thực hiện nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao; trong khi vũ khí, trang bị kỹ thuật thiếu đồng bộ, công tác bảo đảm còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp thường xuyên biến động. Vì vậy, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung quán triệt, giáo dục cho bộ đội nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác huấn luyện, trọng tâm là Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW; Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 280-NQ/ĐU, ngày 10/4/2013 của Đảng ủy Quân khu về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; Mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân khu, cùng các chỉ tiêu, yêu cầu mà đơn vị cần đạt được. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, xác định những chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại; cụ thể hóa thành kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện, bảo đảm phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ từng chuyên ngành, điều kiện của đơn vị, đặc điểm địa bàn và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn Lữ đoàn.

Để công tác giáo dục đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp giáo dục; kết hợp giữa giáo dục tập trung theo chương trình huấn luyện cơ bản với giáo dục chuyên đề, theo nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn thông qua các hình thức, như: tuyên truyền cổ động, truyền thanh nội bộ, sinh hoạt rút kinh nghiệm, diễn đàn, tọa đàm, sinh hoạt chính trị tư tưởng, Ngày chính trị và văn hóa tinh thần, đối thoại dân chủ hằng tháng. Đồng thời, kết hợp công tác giáo dục với công tác thi đua, khen thưởng, nêu gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua thường xuyên, đột kích các giai đoạn huấn luyện. Ngoài ra, Lữ đoàn còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực bám sát mọi hoạt động của bộ đội, kịp thời phát hiện, định hướng tư tưởng, giải quyết tốt các vướng mắc nảy sinh. Vì thế, nhận thức và trách nhiệm của bộ đội về nhiệm vụ huấn luyện có sự chuyển biến mạnh mẽ, 100% cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai làlàm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện. Nhận thức rõ công tác chuẩn bị là khâu đầu tiên, nội dung có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến kết quả huấn luyện, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động bảo đảm đầy đủ số lượng, nâng cao chất lượng hệ thống kế hoạch, văn kiện, tiến trình biểu huấn luyện, giáo án, bài giảng, mô hình học cụ, vật chất, thao trường, bãi tập; phát huy trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ trong nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, vật chất huấn luyện, nhằm giảm chi phí, công sức bộ đội và nâng cao chất lượng huấn luyện. Với quan điểm “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, huấn luyện cán bộ là khâu then chốt, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện, quản lý, chỉ huy bộ đội. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào giải quyết các vấn đề chưa thống nhất, nội dung mới, khâu yếu, mặt yếu của năm trước và các vấn đề trọng tâm nâng cao chất lượng huấn luyện, như: phương pháp xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện và cách thức đăng ký, thống kê, theo dõi quân số, vũ khí, trang bị, phương tiện, kết quả huấn luyện và phương pháp duy trì luyện tập. Đồng thời, duy trì nghiêm công tác bồi dưỡng tại chức hằng tuần và chế độ thông qua giáo án cho cấp dưới, động viên đội ngũ cán bộ tận dụng thời gian tự học, tự nghiên cứu, thục luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp huấn luyện. Để đa dạng hóa các hình thức, biện pháp bồi dưỡng, Lữ đoàn kết hợp bồi dưỡng tập trung theo giai đoạn huấn luyện trong năm với bồi dưỡng thông qua hội thi, hội thao, kiểm tra huấn luyện, giao ban, hội ý, rút kinh nghiệm tuần, tháng,… theo phương châm “yếu đâu bồi dưỡng đó, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cơ quan bồi dưỡng đơn vị”. Nhờ đó, 100% cán bộ của Lữ đoàn huấn luyện được theo phân cấp, trong đó 85% - 90% cán bộ tiểu đoàn huấn luyện khá, giỏi; 80% cán bộ đại đội, trung đội đạt khá, giỏi; 100% cán bộ tiểu đội trưởng hoàn thành chức trách, 50% trở lên biết huấn luyện một số đề mục đơn giản.

Ba là, đột phá đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng huấn luyện. Xuất phát từ yêu cầu của công tác bảo đảm công binh phải sát nhiệm vụ, địa bàn cũng như sự linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống, nhất là những tình huống phức tạp, nguy hiểm,... Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp huấn luyện bảo đảm sát với đối tượng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn. Tập trung huấn luyện các nội dung thực hành bảo đảm công binh ở điều kiện địa hình phức tạp, thời gian gấp, thời tiết xấu, giả định địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tổ chức huấn luyện bộ đội theo phương châm: “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu các chuyên ngành: bảo đảm vượt sông, cầu đường, xây dựng công trình, rà phá bom mìn, vật nổ, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, v.v. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ thực tế tại các địa bàn; luân chuyển cán bộ từ đơn vị huấn luyện tĩnh tại ra các đơn vị hoạt động dã ngoại, xây dựng công trình, nhằm nâng cao khả năng vận dụng kiến thức lý luận vào thực hành nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Tăng cường huấn luyện thể lực, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ thành thạo kỹ thuật bơi vũ trang, vượt sông; huấn luyện ngụy trang che giấu lực lượng, hành quân mang vác nặng qua các loại địa hình, thời tiết phức tạp, nhằm rèn luyện, nâng cao sức bền chịu đựng, khả năng cơ động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện. Để công tác huấn luyện đạt hiệu quả, Lữ đoàn tập trung đổi mới toàn diện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”; linh hoạt điều hành, điều chỉnh nội dung, phương pháp, địa điểm huấn luyện phù hợp với từng thời điểm, nhiệm vụ, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng bồi dưỡng, kèm cặp nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ và cơ quan chuyên trách làm công tác tham mưu huấn luyện; kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan với đơn vị điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các kế hoạch, chương trình huấn luyện đề ra; kịp thời rút kinh nghiệm khâu yếu, mặt yếu, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan và đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện. Nhờ đó, kết quả huấn luyện của Lữ đoàn ngày càng được nâng lên1, nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng công nhận “Đơn vị huấn luyện Giỏi”, tham gia hội thi, hội thao các cấp đạt nhiều giải cao,... tạo động lực thúc đẩy đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phát huy những kết quả đạt được và truyền thống “Đoàn kết, hiệp đồng, chủ động tiến công, kiên cường, chiến thắng”, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 513 tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ huấn luyện trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá NGUYỄN TRỌNG TIẾN, Lữ đoàn trưởng
_______________

1 - Kết quả kiểm tra nội dung huấn luyện hằng năm của các đối tượng có 100% đạt yêu cầu, trong đó có 80% khá, giỏi; hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, vũ khí, trang bị.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.