Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 11/06/2013, 09:09 (GMT+7)
Lữ đoàn 26 bảo đảm vững chắc thông tin liên lạc cho mọi nhiệm vụ

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 20-7-1965, Lữ đoàn Thông tin 26 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân  được thành lập. Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, nhất là trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã vượt qua bom đạn, hy sinh, bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) kịp thời, vững chắc cho Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ huy các đơn vị chiến đấu, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ bảo đảm TTLL phục vụ Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ huy, quản lý vùng trời của Tổ quốc, Lữ đoàn được giao bảo đảm TTLL cho các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống bão lụt, cháy rừng… và các nhiệm vụ đột xuất khác. Trong mọi hoàn cảnh, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, giữ “mạch máu thông tin” thông suốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng thăm và kiểm tra đơn vị

Trước yêu cầu xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại, nhiệm vụ bảo đảm TTLL của Lữ đoàn có sự phát triển mới với yêu cầu rất cao. Ở bất cứ thời khắc nào trong ngày, TTLL cũng phải bảo đảm thông suốt để các lực lượng theo dõi, giám sát toàn bộ hoạt động trên không phận của quốc gia, bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến bay. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn phải luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, tính cẩn trọng “từng phút, từng giây”, không cho phép để xảy ra sai sót, dù là nhỏ nhất. Đây cũng là đặc điểm chi phối rất lớn đến mọi hoạt động của đơn vị. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, nhằm tăng cường tính vững chắc của hệ thống thông tin (HTTT); trong đó, bảo đảm TTLL cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm an toàn bay, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đặc thù hoạt động của lực lượng phòng không, không quân là yêu cầu rất cao về tính hiệp đồng tập thể, mà trong đó lực lượng thông tin là một thành phần quan trọng và là “mắt xích” kết nối các lực lượng trong Quân chủng. Nhận thức rõ điều đó, Lữ đoàn luôn chú trọng duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực 24/24 giờ, từ kíp trực ban chiến đấu sở chỉ huy đến các đài, trạm; tổ chức, bố trí thành phần các kíp ban, thời gian canh trực một cách khoa học, kịp thời rút kinh nghiệm qua từng phiên ban, nhằm nâng cao chất lượng trực ban sẵn sàng chiến đấu. Hằng tuần, Lữ đoàn tổ chức luyện tập kíp chiến đấu tại sở chỉ huy, nhằm nâng cao trình độ hiệp đồng, khả năng xử lý các tình huống về TTLL của cán bộ, chiến sĩ các kíp trực ban. Trong quá trình luyện tập, các tình huống được xây dựng trên cơ sở hoạt động của các đơn vị phòng không và không quân ở các khu vực trên phạm vi cả nước theo thời gian thực. Thông qua mỗi buổi luyện tập, Lữ đoàn đã rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác cao, tạo sự chính xác tuyệt đối đến từng chi tiết, từng phần việc của mỗi người, mỗi bộ phận. Từ đó, tổ chức rút kinh nghiệm, kịp thời chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, nguyên nhân và biện pháp khắc phục, làm cơ sở đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Cùng với đó, Lữ đoàn đã chủ động củng cố, xây dựng hệ thống văn kiện tác chiến thông tin, phục vụ cho các nhiệm vụ của Quân chủng; nâng cao hệ thống máy phát tại trạm phát A chống ngập cục bộ; củng cố, tăng cường độ vững chắc của HTTT bảo đảm bay tại Trạm 26… Năm 2012, Lữ đoàn duy trì TTLL thường xuyên đạt 99,62% (tăng 0,02% so với chỉ tiêu kế hoạch). Tỷ lệ phiên ban đạt 100% yêu cầu, trong đó có 98% khá, giỏi (80,2% giỏi). Những năm gần đây, Lữ đoàn còn hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia diễn tập hằng năm theo kế hoạch; hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ động bảo đảm TTLL phục vụ Quân chủng huấn luyện vòng tổng hợp tên lửa S-300, bắn ném bom của các đơn vị không quân, diễn tập chống áp đặt vùng cấm bay, phong tỏa đường không, đường biển, v.v..

Trực sẵn sàng chiến đấu

Để duy trì trạng thái hoạt động ổn định của HTTT, Lữ đoàn luôn coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật (CMKT). Quán triệt Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân chủng, Lữ đoàn triển khai chặt chẽ kế hoạch huấn luyện đã được phê duyệt, chú trọng công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên CMKT. Trong đó, huấn luyện cán bộ được xác định là khâu then chốt, quyết định đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Do đặc thù hoạt động của đơn vị có nhiều trang bị, thiết bị hiện đại, công nghệ cao, Lữ đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp không chỉ làm tốt công tác tham mưu huấn luyện, thuần thục về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn phải thành thạo về công nghệ thông tin, nắm chắc các chuyên ngành, làm cơ sở để huấn luyện, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp dưới và phân đội. Thực hiện mục tiêu đó, Lữ đoàn duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn cán bộ trước mỗi giai đoạn huấn luyện; trong đó, chú trọng tập trung vào các nội dung mới, các khâu yếu, mặt yếu của năm trước… Lữ đoàn còn chủ động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, thành lập các tổ giáo viên chuyên trách, làm nòng cốt để đảm nhiệm huấn luyện, bồi dưỡng đối với giáo viên từng chuyên ngành.

Cùng với đó, Lữ đoàn coi trọng tổ chức học tập, rèn luyện kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đối tượng nhân viên CMKT; trong đó, chỉ đạo quyết liệt việc cán bộ, nhân viên CMKT có trình độ, tay nghề vững kèm cặp, bồi dưỡng trực tiếp đối với nhân viên mới và đội ngũ kỹ thuật viên kế cận, nhân viên báo vụ, tiêu đồ, thông tin bảo đảm bay, dẫn hướng… Nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, tài liệu bảo đảm cho huấn luyện, xây dựng kế hoạch, xác định rõ nội dung, thời gian đến phương pháp tổ chức huấn luyện, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị; đồng thời, chỉ đạo tích cực đổi mới phương pháp huấn luyện, kết hợp huấn luyện với khai thác, sử dụng, vận hành các phương tiện, khí tài thông tin hiện có. Nội dung huấn luyện tập trung vào việc nâng cao chất lượng bảo đảm TTLL, hiệu quả vận hành, khai thác HTTT và sử dụng, bảo quản phương tiện, khí tài thông tin. Mặt khác, Lữ đoàn còn chủ động đầu tư, củng cố, nâng cấp các giảng đường huấn luyện, như: giảng đường huấn luyện báo vụ, huấn luyện tiêu đồ, phòng huấn luyện tự động hóa và hệ thống giảng đường huấn luyện kíp chiến đấu… Nhờ vậy, thông qua huấn luyện, trình độ tổ chức và năng lực thực hành của đội ngũ cán bộ các cấp, chiến sĩ và nhân viên CMKT được nâng lên rõ rệt. Xuất phát từ đặc điểm trang bị, khí tài thế hệ mới nên Lữ đoàn chú trọng động viên, khuyến khích và phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, nhất là về công nghệ thông tin. Qua đó, tạo nên phong trào tự học tập, tự nghiên cứu, vươn lên làm chủ phương tiện, trang bị rộng khắp trong toàn Lữ đoàn. Kết quả huấn luyện năm 2012, Lữ đoàn hoàn thành 100% nội dung, thời gian theo kế hoạch, quân số huấn luyện thường xuyên đạt 98,93%; kết quả kiểm tra huấn luyện chuyên ngành 100% đạt yêu cầu, có 78,6% khá, giỏi (52,1% giỏi); tham gia Hội thi Thông tin toàn Quân chủng, Lữ đoàn đạt giải Nhất.

Hội thi Nhân viên báo vụ giỏi năm 2012

Là đơn vị kỹ thuật nên công tác quản lý, sử dụng, khai thác các phương tiện, khí tài thông tin luôn được Lữ đoàn xác định là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến chất lượng, độ ổn định và tính vững chắc của HTTT. Hiện nay, ngoài một số phương tiện, khí tài thế hệ mới, như: tổng đài kỹ thuật số, hệ thống Vsat… Lữ đoàn còn quản lý một số lượng lớn trang bị, khí tài thông tin đã qua nhiều năm sử dụng, một số xuống cấp, tính đồng bộ không cao, dễ phát sinh hư hỏng; vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế khan hiếm. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên CMKT có kinh nghiệm chuyên môn, tay nghề vững hầu hết đã lớn tuổi, số nhân viên CMKT trẻ được đào tạo cơ bản nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong xử lý những tình huống về kỹ thuật... Nhận rõ đặc điểm đó, Lữ đoàn đã thường xuyên giáo dục, động viên bộ đội nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo trong khai thác, sử dụng các trang bị kỹ thuật hiện có. Một số kỹ sư trẻ mới ra trường được Lữ đoàn bố trí đưa xuống ngay đơn vị, vừa giúp họ trải nghiệm thực tiễn công tác, vừa làm nòng cốt về kỹ thuật, bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên CMKT tại đơn vị. Cùng với đó, Lữ đoàn luôn duy trì thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ bảo quản, bảo dưỡng trang bị, khí tài; chấp hành tốt Điều lệ Công tác kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục hỏng hóc, duy trì hệ số kỹ thuật theo quy định (k=1).

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn thường xuyên coi trọng, nhằm làm cho mỗi sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Theo đó, công tác giáo dục đã tập trung quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, mà trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng về tình hình, nhiệm vụ; triển khai thực hiện các chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng theo quy định, gắn với xây dựng bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, lòng say mê nghề nghiệp, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, tạo nên môi trường đoàn kết, gắn bó trong đơn vị. Hiện nay, mặt trái cơ chế thị trường có tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm và nhận thức của cán bộ, chiến sĩ. Từ thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã thường xuyên chăm lo giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, người quân nhân cách mạng; đồng thời, duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chính quyền và các tổ chức quần chúng. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện tư tưởng và hành động sai trái, giữ vững ổn định về mọi mặt, để mọi quân nhân yên tâm công tác, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trăn trở lớn nhất của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn là làm sao xây dựng được ý thức trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện nhiệm vụ. Thông qua thực tiễn, câu trả lời là phải xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, đoàn kết, cấp trên hiểu cấp dưới, cơ quan hiểu đơn vị, cán bộ hiểu chiến sĩ, đồng cam cộng khổ. Đây là vấn đề cơ bản, cốt lõi và là “chìa khóa” để dẫn tới thành công. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung trước hết vào việc phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật cùng với vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tổ chức đánh giá chất lượng của cán bộ theo hiệu quả công việc, gắn công tác cán bộ với công tác xây dựng Đảng. 

Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 26 tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng công tác, giữ vững “mạch máu” TTLL thông suốt, kịp thời, nhằm góp phần cùng các lực lượng của Quân chủng quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

 

Đại tá, Kỹ sư KHÚC NGUYÊN SƠN

Lữ đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.