Thứ Năm, 24/04/2025, 03:30 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, những năm qua, Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) đã có nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp trong triển khai thực hiện và đạt nhiều thành tích thiết thực. Rõ nét nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra; nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện có nhiều đổi mới, chất lượng không ngừng được nâng lên; 100% khoa mục, nội dung huấn luyện của các đối tượng đều xếp loại khá, giỏi; nhiều năm Lữ đoàn vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện Giỏi”. Đây là cơ sở quan trọng để Lữ đoàn nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc tuyến biển, đảo vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Có được kết quả trên, trước hết, Lữ đoàn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ của Lữ đoàn là đảm nhiệm phòng thủ trên các đảo cách xa đất liền, với phạm vi rộng; điều kiện đi lại và đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn; yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đặt ra ngày càng cao, v.v. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trực tiếp là Nghị quyết số 396-NQ/ĐU, ngày 23/3/2023 của Đảng ủy Quân khu 3 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, xác định rõ các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đổi mới toàn diện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; trọng tâm là, đổi mới nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập; huy động các nguồn lực bảo đảm cho huấn luyện; kết hợp chặt chẽ huấn luyện với sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, chú trọng gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với từng mặt công tác được phân công phụ trách, khắc phục triệt để mọi biểu hiện buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, khoán trắng cho cấp dưới hoặc bớt xén nội dung, chương trình, hạ thấp yêu cầu trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Để đạt hiệu quả cao, quá trình triển khai, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đột phá khắc phục những khâu yếu, mặt yếu. Chú trọng đổi mới cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện thông qua xây dựng, quản lý chặt chẽ kế hoạch huấn luyện; tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của chỉ huy các cấp và cơ quan trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, tham mưu đề xuất, giúp Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện sát đối tượng, nhiệm vụ.
Cùng với đó, Lữ đoàn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 09/11/2023 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới”, xây dựng cho bộ đội ý chí, quyết tâm cao, không ngại khó khăn, gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, Lữ đoàn đẩy mạnh các hoạt động thi đua trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, v.v. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng để Lữ đoàn vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác chuẩn bị là một nội dung quan trọng, trực tiếp quyết định đến chất lượng huấn luyện. Nhận thức rõ điều đó, Lữ đoàn luôn chủ động chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, nhất là khâu kiện toàn tổ chức biên chế, tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện, chuẩn bị cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập, v.v. Theo đó, trước khi bước vào huấn luyện, Lữ đoàn tiến hành rà soát, điều chỉnh khung huấn luyện phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, ưu tiên bảo đảm cho các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ trên đảo; đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ huấn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp1. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào những vấn đề mới, khó và những nội dung chưa thống nhất. Đặc biệt, coi trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp về phương pháp tổ chức, chỉ huy, điều hành huấn luyện. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, nhiều năm qua, Lữ đoàn chú trọng tập huấn, bồi dưỡng số cán bộ mới ra trường, cán bộ chuyển đổi vị trí và mới được bổ nhiệm; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, phân loại cán bộ để có biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện hằng tuần, tháng; tổ chức thông qua giáo án, giảng thử, giảng mẫu, hội thi, hội thao cán bộ và phân đội đầy đủ, chặt chẽ. Với cách làm đó, hiện nay, 100% cán bộ của Lữ đoàn huấn luyện được theo phân cấp, có hơn 80% cán bộ huấn luyện khá và giỏi (35% giỏi).
Cùng với chuẩn bị về con người, Lữ đoàn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất bảo đảm cho huấn luyện, từ mô hình học cụ, thao trường, bãi tập đến giáo án, bài giảng,... theo hướng thống nhất, chính quy và hiện đại. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, sáng tạo các mô hình, học cụ. Riêng năm 2024, Lữ đoàn đầu tư mua 06 Flycam phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; làm mới 1.950 bia huấn luyện các loại, 1.540 mô hình học cụ; 64 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; sử dụng hơn 16 nghìn ngày công xây dựng, củng cố thao trường, bãi tập, v.v.
Quá trình huấn luyện, Lữ đoàn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện theo phương án, địa bàn, đối tượng tác chiến, lấy huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, kỹ thuật làm cơ sở và huấn luyện cán bộ làm khâu then chốt; tập trung huấn luyện nâng cao khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, trang bị mới; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện thực hành, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, thời gian chuẩn bị gấp. Xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ của đơn vị phòng thủ biển, đảo, Lữ đoàn coi trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện cho từng đối tượng. Đối với chỉ huy và cơ quan, tập trung nâng cao phương pháp, tác phong chỉ huy; năng lực thu thập thông tin, nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình; trình độ công tác tham mưu tác chiến, huấn luyện, nhất là phương pháp tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, soạn thảo văn kiện huấn luyện, diễn tập. Trong huấn luyện phân đội, Lữ đoàn tích cực đổi mới phương pháp, thực hiện đúng quy trình các bước huấn luyện từ thấp đến cao, từ phân đoạn đến tổng hợp; chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu sát với từng thành phần lực lượng, phương án tác chiến bảo vệ đảo; tăng cường huấn luyện nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các đảo, giữa lực lượng trên đảo với các lực lượng trên biển và huấn luyện bám trụ chiến đấu độc lập dài ngày,... đảm bảo cho bộ đội giỏi tác chiến độc lập, thành thạo trong tác chiến hiệp đồng. Đáng chú ý, Lữ đoàn tích cực đề xuất với Quân khu luân chuyển, điều động cán bộ các cơ quan, đơn vị trong bờ luân phiên ra công tác tại các đảo để rèn luyện, nâng cao năng lực toàn diện, tính quyết đoán, nhạy bén trong xử lý tình huống. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác đi theo dõi, kiểm tra ở các đơn vị trên tuyến đảo; duy trì, thực hiện có hiệu quả quy định đối với cán bộ cơ quan “một nửa quân số xuống theo dõi, kiểm tra đơn vị, một nửa quân số làm nhiệm vụ chuyên môn”. Kết thúc mỗi giai đoạn huấn luyện, Lữ đoàn đều tổ chức hội thi, hội thao, diễn tập nghiêm túc, chặt chẽ, nhằm nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy của cán bộ, trình độ hiệp đồng chiến đấu giữa các phân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Với cách làm trên, Lữ đoàn đã tạo được bước đột phá về chất lượng huấn luyện. Hằng năm, kết quả kiểm tra các nội dung 100% đạt yêu cầu trở lên, có trên 75% khá, giỏi.
Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, coi đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Lữ đoàn thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh, quy định của cấp trên về công tác sẵn sàng chiến đấu. Để đạt hiệu quả cao, cùng với tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác này cho cán bộ, chiến sĩ, Lữ đoàn và các đơn vị coi trọng xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn kiện và các phương án sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh xây dựng, củng cố hệ thống công sự trận địa trên các đảo, bảo đảm liên hoàn, vững chắc; duy trì nghiêm các chế độ: trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực phòng không, pháo binh, trực thông tin liên lạc, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Căn cứ vào tình hình thực tiễn và mục tiêu được giao, Lữ đoàn tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, Trung đoàn ra đa 295 (Sư đoàn Phòng không 363), các trạm ra đa Vùng 1 Hải quân, các đồn Biên phòng,… tiến hành trinh sát, nắm chắc tình hình, dự kiến mục tiêu để kịp thời bổ sung phương án, hoàn chỉnh kế hoạch hiệp đồng tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực, đổ bộ đường không, đường biển; tổ chức luyện tập thuần thục, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền huyện Vân Đồn và Cô Tô kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân2.
Song song với các giải pháp trên, Lữ đoàn coi trọng làm tốt công tác bảo đảm cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là bảo đảm kỹ thuật. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn quản lý nhiều loại vũ khí trang bị, trong khi đó môi trường, khí hậu biển, đảo tác động rất lớn đến công tác bảo quản, sử dụng. Khắc phục vấn đề này, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt nghiêm túc và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của trên về nhiệm vụ công tác kỹ thuật trong giai đoạn mới, trọng tâm là thực hiện tốt Cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”. Duy trì, thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, thống kê, phân tích, tìm ra nguyên nhân hỏng hóc để nhanh chóng đề ra các biện pháp khắc phục có hiệu quả, đảm bảo cho vũ khí, khí tài luôn đồng bộ, ổn định. Chính vì thế, hệ số bảo đảm (Kbđ) các loại vũ khí, trang bị của Đơn vị luôn đạt từ 0,9 đến 1, phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Kết quả đạt được trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mới là bước đầu nhưng đã, đang là cơ sở, động lực để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đủ sức bảo vệ vững chắc tuyến biển, đảo vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Đại tá PHẠM TUẤN ANH, Lữ đoàn trưởng __________________
1 - Năm 2024, tổ chức 20 lớp tập huấn cho 816 lượt cán bộ; trong đó, 02 lớp cho 194 lượt cán bộ cấp lữ đoàn; 10 lớp cho 430 lượt cán bộ cấp tiểu đoàn; 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 55 cán bộ, nhân viên chuyên môn các đơn vị binh chủng; 03 lớp cho 137 lượt cán bộ khung huấn luyện chiến sĩ mới.
2 - Năm 2024, Lữ đoàn đã điều động 1.077 lượt cán bộ, chiến sĩ, 38 lượt phương tiện kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) và hàng nghìn lượt người tham gia chữa cháy rừng, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Lữ đoàn 242,chất lượng huấn luyện,sẵn sàng chiến đấu,phòng thủ trên các đảo,huấn luyện theo phương án,đối tượng tác chiến
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp 21/04/2025
Học viện Hải quân nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị 14/04/2025
Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao đột phá đổi mới sáng tạo 10/04/2025
Một số kinh nghiệm trong diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình năm 2024 08/04/2025
Lữ đoàn Tác chiến điện tử 96 đẩy mạnh xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 28/03/2025
Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự 20/03/2025
Sư đoàn 316 nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới 17/03/2025
Bệnh viện Quân y 7A xây dựng đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên” 13/03/2025
Lữ đoàn 147 nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 10/03/2025
Sư đoàn 304 tập trung nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật 27/02/2025
Lữ đoàn Tác chiến điện tử 96 đẩy mạnh xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
Một số kinh nghiệm trong diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình năm 2024
Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao đột phá đổi mới sáng tạo
Học viện Hải quân nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp