Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:10 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ và đặc thù của đơn vị binh chủng chiến đấu trong đội hình của quân đoàn chủ lực cơ động, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202 (Quân đoàn 1) luôn đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kỹ thuật, xác định đây là nhân tố quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Đơn vị. Những năm gần đây, nhiệm vụ của Lữ đoàn có sự phát triển mới, với yêu cầu ngày càng cao và toàn diện. Trong khi đó, vũ khí, trang bị kỹ thuật được biên chế đã qua sử dụng nhiều năm, xuống cấp, tính đồng bộ không cao; kinh phí bảo đảm hạn chế, vật tư, phụ tùng khan hiếm; cán bộ, nhân viên kỹ thuật còn thiếu, trình độ không đồng đều, v.v. Để khắc phục thực trạng trên, Lữ đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao.
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác kỹ thuật. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới”, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết; các mục tiêu, chỉ tiêu công tác kỹ thuật được đưa vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, cụ thể hóa trong kế hoạch công tác của các cấp để thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về tầm quan trọng, thuận lợi, khó khăn trong công tác kỹ thuật, nhất là vai trò của công tác bảo đảm kỹ thuật đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Từ đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm, xây dựng cho bộ đội ý thức giữ tốt, dùng bền, tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác kỹ thuật; kiên quyết khắc phục tư tưởng thỏa mãn, chủ quan, dừng lại, hoặc biểu hiện chỉ coi trọng việc bảo dưỡng vũ khí, phương tiện mới được trang bị, xem nhẹ bảo đảm kỹ thuật cho phương tiện thế hệ cũ.
Cùng với đó, Lữ đoàn coi trọng phát huy vai trò nòng cốt của ngành Kỹ thuật trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Hằng năm, căn cứ Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu và Chỉ lệnh Công tác kỹ thuật của Quân đoàn, Phòng Kỹ thuật xây dựng kế hoạch bảo đảm, thống nhất nội dung, thời gian thực hiện công tác kỹ thuật, nhất là những nội dung mới và khâu đột phá. Trong thực hiện, Lữ đoàn chỉ đạo Phòng Kỹ thuật phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị, đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; kịp thời sửa chữa, bổ sung để duy trì tình trạng kỹ thuật, bảo đảm cơ số theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp công tác kỹ thuật, nhất là thực hiện nghiêm chế độ bảo quản ngày, tuần, tháng; chế độ nổ máy và chạy thử kiểm tra tình trạng kỹ thuật các loại phương tiện, xe máy sẵn sàng chiến đấu, kịp thời phát hiện, sửa chữa những hư hỏng phát sinh. Để đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn thực hiện nghiêm việc phân cấp bảo đảm kỹ thuật, phân rõ trách nhiệm của đơn vị, ngành Kỹ thuật trong bảo dưỡng, sửa chữa. Đi đôi với việc chỉ đạo cơ quan tham mưu và kỹ thuật tăng cường công tác kiểm tra, duy trì nền nếp công tác kỹ thuật, Lữ đoàn chú trọng phát huy vai trò của Trạm sửa chữa để nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa tại đơn vị; gắn công tác bảo đảm kỹ thuật với thực hiện Cuộc vận động 50 ở các cấp, v.v. Cùng với duy trì, nâng cao chất lượng chế độ “Giờ kỹ thuật”, “Ngày kỹ thuật” ở đơn vị, hằng tháng, Lữ đoàn chỉ đạo tổ chức 02 “Ngày kỹ thuật”, cán bộ chủ trì trực tiếp quán triệt, giao nhiệm vụ và cùng với chỉ huy các cơ quan, đơn vị đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Nhờ đó, Lữ đoàn luôn duy trì hệ số kỹ thuật của nhóm trang bị tác chiến, huấn luyện bằng 1, nhóm bảo đảm và niêm cất trên 0,95.
Trước thực trạng lực lượng chuyên môn kỹ thuật của Lữ đoàn thiếu so với biên chế, chưa cân đối về ngành nghề, lứa lớp, trình độ tay nghề có mặt còn hạn chế, Lữ đoàn đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đủ về số lượng, có chất lượng cao, làm nòng cốt trong thực hiện công tác kỹ thuật. Theo đó, Lữ đoàn có nhiều biện pháp phù hợp, như: điều chỉnh lực lượng kỹ thuật, ưu tiên bố trí đủ nhân viên kỹ thuật ở khối đại đội trực thuộc, nhất là Trạm sửa chữa; tăng cường công tác quy hoạch, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề cho lực lượng này, v.v. Cùng với lựa chọn, cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật đi đào tạo chuyển loại, chuyển cấp, tham gia các lớp tập huấn do Quân đoàn và Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức, Lữ đoàn đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện kỹ thuật tại đơn vị theo phân cấp; khuyến khích cán bộ, nhân viên kỹ thuật tự học, tự bồi dưỡng cho nhau để nâng cao trình độ tay nghề; chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng tự sửa chữa, khắc phục hỏng hóc của các thành viên kíp xe. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn chỉ đạo thực hiện huấn luyện toàn diện, nhưng chuyên sâu, lấy thực hành là chính; coi trọng kết hợp thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với huấn luyện; tăng cường truyền thụ kinh nghiệm cho nhân viên, thợ kỹ thuật trẻ. Bên cạnh huấn luyện các nội dung về bảo dưỡng, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế, Lữ đoàn chỉ đạo Phòng Kỹ thuật tập trung huấn luyện kỹ về: thứ tự công việc mở niêm cất, bảo dưỡng phân đoạn vũ khí, trang bị trong chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; khắc phục những hư hỏng thường gặp ở xe tăng, thiết giáp trong cơ động chiến đấu; cứu kéo và sửa chữa cơ động; lái xe ô-tô ban đêm, v.v. Đến nay, nhiều cán bộ kỹ thuật của Lữ đoàn có trình độ đại học; đội ngũ nhân viên kỹ thuật có bậc thợ, tay nghề vững, nhiều đồng chí đạt bậc 6, 7, đủ khả năng bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ theo phân cấp, bước đầu có thể bảo đảm được một số nội dung sửa chữa vừa xe tăng, thiết giáp.
Đi liền với huấn luyện, bồi dưỡng xây dựng nguồn nhân lực, Lữ đoàn huy động các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị; củng cố, nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật của đơn vị, nhất là Trạm sửa chữa. Thời gian qua, cùng với sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách của trên đầu tư, Lữ đoàn đã phát huy nội lực trong việc nâng cấp nhà xưởng, kho tàng, các trang thiết bị công nghệ, tạo chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, năng lực bảo đảm. Trạm sửa chữa của Lữ đoàn được đầu tư, chuyển giao nhiều trang thiết bị, công nghệ hiện đại và được quy hoạch thành các phòng chuyên ngành bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất đối với từng loại vũ khí, trang bị hoặc từng khối chức năng trên xe tăng, thiết giáp. Từ năm 2013 đến nay, Lữ đoàn làm mới 100% cửa nhà để xe, 350m2 mái nhà xưởng, 95m2 nền nhà kho, 825m đường bê tông, 01 phòng điều hành khu kỹ thuật, 01 trạm kiểm tra kỹ thuật, 06 lán cứu hỏa, v.v. Bên cạnh đó, Lữ đoàn đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và tổ chức tốt nhiều hội thi kỹ thuật, như: “Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và mô hình, học cụ huấn luyện”, “Lái xe an toàn”, “Kỹ thuật tăng thiết giáp”,… làm cơ sở nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật. Từ năm 2013 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã nghiên cứu thành công 72 sáng kiến, cải tiến, phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm kỹ thuật, đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là các sáng kiến: Bơm bổ sung dầu thủy lực giảm chấn xe tăng; Dụng cụ tháo trục xoắn xe tăng; Bộ kẹp sửa chữa ly hợp chính xe PT76; Dụng cụ tự giải cứu xe ô tô bị sa lầy; Vam tháo lắp máy khởi động, v.v. Tham gia các hội thi cấp Quân đoàn, Lữ đoàn đạt 01 giải Nhì và 01 giải Ba hội thi “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật và mô hình, học cụ huấn luyện”, giải Nhất hội thi “Kho Quân khí cấp chiến thuật”, giải Nhì hội thi “Lái xe an toàn”. Ở cấp Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn đạt giải Nhì hội thi “Kỹ thuật tăng thiết giáp”, giải Nhì hội thi “Chủ nhiệm kỹ thuật giỏi”, v.v.
Nhằm nâng cao hệ số kỹ thuật cho các loại phương tiện, vũ khí, trang bị, Lữ đoàn luôn đẩy mạnh công tác bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ định kỳ theo phân cấp; chỉ đạo Phòng Kỹ thuật xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật theo tuần, tháng và theo dõi, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo dưỡng thường xuyên. Đồng thời, tích cực triển khai bảo dưỡng kỹ thuật cấp 2, sửa chữa nhỏ và vừa tại Trạm sửa chữa; trong đó, thực hiện chặt chẽ các bước dự toán vật chất, giao, nhận, kiểm tra, nghiệm thu vũ khí, trang bị trước và sau sửa chữa. Quá trình bảo dưỡng, sửa chữa được thực hiện theo dây chuyền, nguyên công, bảo đảm chất lượng từng cụm, khối trước khi lắp ráp và kiểm tra tổng thể. Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cử nhân viên kỹ thuật tham gia quá trình bảo dưỡng, sửa chữa trang bị được quản lý để vừa học tập, vừa kiểm soát chất lượng; tăng cường lực lượng kíp xe hỗ trợ Trạm sửa chữa thực hiện các công việc nặng, đơn giản,... góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Với các biện pháp tích cực đó, chất lượng công tác kỹ thuật của Lữ đoàn không ngừng được nâng cao. Năm 2016 và 2017, Lữ đoàn đã thực hiện tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa hơn 400 lượt xe ô-tô và xe tăng, thiết giáp; niêm cất 168 lượt ô tô, xe tăng; bảo dưỡng, sửa chữa hàng nghìn lượt súng bộ binh, khí tài, trang bị khác. Đồng thời, tham gia đồng bộ 20 xe tăng T59, PT76 và ĐM2; bảo dưỡng cấp 2, sửa chữa, khắc phục hư hỏng 100% số xe tăng, thiết giáp hiện có; thay thế toàn bộ hệ thống ổn định, trợ lực tay lái cho xe tăng và hồi phục tính năng bơi vượt sông cho 10 xe tăng, thiết giáp nhóm huấn luyện. Hiện nay, 100% xe tăng, thiết giáp của Lữ đoàn đạt cấp 2, sẵn sàng cơ động chiến đấu.
Không chỉ tập trung bảo đảm tốt về kỹ thuật cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, Lữ đoàn chủ động chuẩn bị bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ tác chiến, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng đột kích trong đội hình quân đoàn chủ lực cơ động. Lữ đoàn chỉ đạo Phòng Kỹ thuật xây dựng, thường xuyên rà soát, hoàn thiện các kế hoạch bảo đảm kỹ thuật cho từng phương án tác chiến, làm cơ sở để chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm và tổ chức luyện tập. Những năm qua, ngành Kỹ thuật đã triển khai tập bài bảo đảm kỹ thuật cho chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu và cho diễn tập chiến thuật cấp đại đội, tiểu đoàn, diễn tập cơ động lực lượng toàn Lữ đoàn, đạt hiệu quả tốt. Thông qua tập bài, giúp cán bộ kỹ thuật nắm vững nội dung tham mưu, chỉ huy bảo đảm kỹ thuật và tổ chức lực lượng kỹ thuật trong từng loại hình chiến thuật, chiến dịch; chuẩn bị tâm thế, quyết tâm, nâng cao năng lực thực hành bảo đảm, kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật trong bảo dưỡng, sửa chữa cơ động, cứu kéo vũ khí, trang bị trong điều kiện chiến đấu ác liệt, gian khổ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống, v.v.
Với các biện pháp đồng bộ, phù hợp, Lữ đoàn 202 luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác kỹ thuật, góp phần bảo đảm cho Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng là lực lượng đột kích quan trọng của Quân đoàn.
Đại tá TRƯƠNG PHẠM NGỌC, Lữ đoàn trưởng
Lữ đoàn 202,công tác kỹ thuật,sẵn sàng chiến đấu
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm