Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 30/09/2019, 09:47 (GMT+7)
Lữ đoàn 202 nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ ở đơn vị cơ sở, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202 (Quân đoàn 1) luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ nội dung này, bảo đảm hoạt động có nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Nhờ đó, các thiết chế văn hóa ở Lữ đoàn đã không ngừng được củng cố, đầu tư, phát triển; nội dung hoạt động văn hóa, văn nghệ đảm bảo tính đa dạng, phong phú, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, xây dựng môi trường văn hóa quân sự tốt đẹp, lành mạnh. Qua đó, góp phần bồi dưỡng, phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng có phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; tạo sức đề kháng, “miễn nhiễm” trước những tác động tiêu cực, tệ nạn xã hội, những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”; truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp, thi đua vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, Đơn vị vững mạnh toàn diện.

Để có được kết quả đó, trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Chỉ thị 355-CT/QUTW, ngày 20-4-2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Quân đội giai đoạn hiện nay”; kế hoạch, hướng dẫn của Quân đoàn, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đặc điểm của đơn vị, nhu cầu thưởng thức của bộ đội, đặc điểm của tuổi trẻ, tính khả thi cao. Đồng thời, tăng cường giáo dục, tạo sự thống nhất, chuyển biến về nhận thức và hành động của lãnh đạo, chỉ huy các cấp về hoạt động này. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò của chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp trong quản lý, điều hành; tổ chức quần chúng xung kích trong thực hiện; các cơ quan, trước hết là cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp làm nòng cốt, tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện; cán bộ, chiến sĩ là người trực tiếp tiến hành các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Do đó, không có hiện tượng xem nhẹ, khoán trắng mặt hoạt động này cho cấp dưới hoặc các tổ chức quần chúng. Mọi hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ của Lữ đoàn luôn được cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn, kiểm duyệt chặt chẽ, bảo đảm đúng định hướng chính trị, không có sai sót về quan điểm, đường lối, lệch chuẩn về giá trị. Bên cạnh đó, Lữ đoàn luôn quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng, tuyển chọn những cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có năng khiếu hoạt động văn hóa, văn nghệ làm hạt nhân, nòng cốt cho các đơn vị. Chủ động cử lực lượng này tham gia tập huấn do Quân đoàn tổ chức với các nội dung cơ bản, như: hướng dẫn dàn dựng các bài hát quy định trong Quân đội; phương pháp, kỹ năng giao tiếp quân sự; quy trình tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp cơ sở, v.v. Qua đó, nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp tiến hành; phát huy tính sáng tạo trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở Lữ đoàn.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ của Lữ đoàn luôn được gắn kết chặt chẽ với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, nhờ đó văn hóa, văn nghệ đã đi sâu vào từng hoạt động của bộ đội, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ hăng say học tập, rèn luyện.

Nhằm thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia, Lữ đoàn thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ cho phù hợp với đối tượng hưởng thụ. Với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, hoạt động văn hóa, văn nghệ của Lữ đoàn luôn bám sát đặc điểm, nhiệm vụ, đối tượng, trình độ, nhu cầu, sở thích của bộ đội; kịp thời cập nhật những vấn đề mới của xã hội, Quân đội; từ đó, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện với những nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, đảm bảo vừa đáp ứng được thị hiếu, vừa bảo đảm tính giáo dục và định hướng tư tưởng cho bộ đội.

Để đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin ngày càng cao của bộ đội, nhất là hạ sĩ quan, binh sĩ, Lữ đoàn quan tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm, hiệu quả chế độ thông báo chính trị - thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; đồng thời, yêu cầu cán bộ chính trị của các đơn vị phải dành thời gian tìm đọc, nghiên cứu, lựa chọn những nội dung thông tin quan trọng, bổ ích, sự kiện chính trị nổi bật trong ngày để phổ biến tới bộ đội. Chương trình truyền thanh nội bộ luôn bám sát, phản ánh kịp thời các hoạt động của đơn vị, nêu gương “người tốt, việc tốt”, bao gồm các bài viết, bài hát liên quan đến những sự kiện quan trọng của Quân đội, đất nước. Hình thức cổ động thao trường được đổi mới thường xuyên với những hoạt động vui nhộn, hấp dẫn giúp cho cán bộ, chiến sĩ giải trí, thư giãn sau mỗi giờ huấn luyện căng thẳng; xây dựng tinh thần đoàn kết, rèn luyện sự dẻo dai, bền bỉ, động viên bộ đội phấn khởi thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.

Cùng với chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngày lễ,... nhằm thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia vui chơi, giải trí, góp phần quản lý, duy trì kỷ luật, bảo đảm ổn định, an toàn, sẵn sàng chiến đấu cao, Lữ đoàn chỉ đạo Phòng Chính trị xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng nhân ngày lễ, kỷ niệm và tham gia hội diễn của Quân đoàn, giao lưu với đơn vị kết nghĩa và địa phương nơi đóng quân. Những tiết mục văn nghệ hát, múa, tiểu phẩm,... được đầu tư dàn dựng công phu, sáng tạo, tiết kiệm, hiệu quả với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu. Những bài hát hào hùng về người lính, người chiến sĩ xe tăng,... đã tác động tích cực tới tâm hồn, tình cảm của bộ đội, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về nghĩa vụ của mình đối với nhân dân, Quân đội và đất nước; tự hào là người lính Tăng thiết giáp, yên tâm gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua liên hoan, hội diễn, là dịp để phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân mới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ của Lữ đoàn.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm củng cố, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động này. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Thông tư 104/TT-BQP, ngày 13-8-2014 của Bộ Quốc phòng quy định về định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng với nguồn kinh phí trên cấp, Lữ đoàn đã chủ động phát huy nội lực, đầu tư củng cố, hoàn thiện cơ cở vật chất, thiết chế văn hóa nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ. Công tác bảo đảm sách, báo, tạp chí, phục vụ cán bộ, chiến sĩ luôn được thực hiện đầy đủ, đúng tiêu chuẩn ở các cấp. Phòng truyền thống của Lữ đoàn thường xuyên được củng cố, bổ sung các hiện vật, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cho bộ đội. Phòng Hồ Chí Minh ở các tiểu đoàn được đầu tư trang bị đa dạng, phong phú các loại tài liệu, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu để cán bộ, chiến sĩ bổ sung kiến thức về các lĩnh vực văn hóa, quân sự,  khoa học, kỹ thuật, xã hội, kinh tế,... từng bước xây dựng và phát triển “văn hóa đọc” trong đơn vị. Hệ thống truyền thanh nội bộ được đầu tư nâng cấp, sử dụng phần mềm ghi âm và biên tập trên máy tính, tạo sự đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Các pa-nô, khẩu hiệu thường xuyên được làm mới, bố trí hợp lý, bảo đảm thẩm mỹ và nội dung phù hợp theo từng giai đoạn, nhiệm vụ, chủ đề thi đua và các cuộc vận động. v.v. Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cổ vũ bộ đội hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Nhờ thực hiện tốt những nội dung trên, hoạt động văn hóa, văn nghệ của Lữ đoàn đã không ngừng được phát triển cả bề rộng và chiều sâu, gắn liền với đời sống hằng ngày, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, đưa Lữ đoàn 202 trở thành điểm sáng về hoạt động văn hóa, văn nghệ trong Quân đoàn1. Kết quả đó, đã góp phần quan trọng tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, khắc phục khó khăn, xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tá ĐÀO HOÀNG LONG, Chính ủy Lữ đoàn
______________

1 - Lữ đoàn đạt loại Xuất sắc trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2011; đạt giải Nhất Hội thi Tuyên truyền viên trẻ cấp Quân đoàn năm 2014; giải Nhất Liên hoan Nghệ thuật quần chúng cấp Quân đoàn năm 2018.

Ý kiến bạn đọc (0)