Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 11/12/2023, 06:56 (GMT+7)
Lữ đoàn 171 nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, Lữ đoàn 171 tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, quyết tâm chiến đấu của bộ đội với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân) có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tuần tra quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền; tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thảm họa, thiên tai trên vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác. Những năm gần đây, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhân tố bất ổn, khó lường, nhiệm vụ của Lữ đoàn có sự phát triển mới, yêu cầu cao. Trong khi đó, các đơn vị thường xuyên hoạt động độc lập, dài ngày trên biển, môi trường khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên phải đối mặt với các tình huống phức tạp, cùng nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh tính mạng. Bên cạnh đó, vũ khí, trang bị, tàu thuyền phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, xuống cấp, thiếu đồng bộ; hậu phương, gia đình của cán bộ, chiến sĩ còn gặp khó khăn, v.v. Nhận thức đúng tình hình, chức năng, nhiệm vụ được giao cùng những khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác chính trị, tư tưởng, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, làm nền tảng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để đạt hiệu quả, Đảng ủy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị cho các đối tượng; tập trung thực hiện tốt đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, gắn với thực hiện hiệu quả đề án “Đổi mới công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên đến năm 2025 và những năm tiếp theo” theo phương châm “1 giảm, 1 tăng, 3 thực chất, 2 sát, 2 nâng”1. Trong đó, chú trọng giáo dục cho bộ đội về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; quan điểm nhất quán của Đảng ta trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp, những bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), v.v. Đồng thời, coi trọng biên soạn các chuyên đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Đơn vị, nhiệm vụ của các tàu chiến đấu săn ngầm và tổ chức giáo dục với các hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, đạt kết quả cao2. Để cán bộ, chiến sĩ có tư tưởng kiên định, vững vàng, Lữ đoàn thực hiện tốt quy chế quản lý tư tưởng quân nhân; nắm và định hướng dư luận trong đơn vị; tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nhận biết và xử lý tình huống tư tưởng nảy sinh cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ngành, tàu chiến đấu, kiên quyết không để bị động, bất ngờ về tư tưởng. Tăng cường giáo dục cho bộ đội nhận thức rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Lữ đoàn tàu chiến đấu chống ngầm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; những thuận lợi, khó khăn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà mỗi cán bộ, chiễn sĩ Hải quân phải khắc phục, vượt qua. Trên cơ sở đó, xây dựng thái độ, động cơ đúng đắn, ý chí khắc phục khó khăn, không sợ hy sinh, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, thực hiện tốt các khâu, các bước “dự báo, nắm, quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng”; các biện pháp tâm lý trong giải quyết tư tưởng theo phương châm: gần bộ đội, hiểu bộ đội, tin bộ đội để chủ động nắm, quản lý và kịp thời xử lý dứt điểm, không để nảy sinh tư tưởng tiêu cực, kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Nhờ đó, 100% cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng; nhận thức rõ biển, đảo là một phần lãnh thổ của Tổ quốc, chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; trách nhiệm bảo vệ là của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; trong đó, Bộ đội Hải quân giữ vai trò nòng cốt. Đồng thời, nhận thức sâu sắc về đối tượng, đối tác, đề cao cảnh giác, thực hiện đúng phương châm, đối sách xử lý tình huống theo sự chỉ đạo của Vùng và Quân chủng: kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích không mắc mưu khiêu khích, không để nước ngoài lấn chiếm, không để xảy ra xung đột, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn, nhất là lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên các tàu chiến đấu luôn nêu cao ý chí, quyết tâm trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tô thắm truyền thống cao đẹp của Bộ đội Hải quân Anh hùng. Phát huy truyền thống đó, Lữ đoàn tiếp tục đẩy mạnh rèn luyện ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội  thông qua thực tiễn huấn luyện và qua các hoạt động thực hiện nhiệm vụ trên biển, đảo. Đối với nhiệm vụ huấn luyện, Lữ đoàn thực hiện tốt phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”; tập trung đột phá vào huấn luyện “Cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật và thực hiện quy tắc an toàn và nâng cao chất lượng huấn luyện cho cán bộ”; “Luyện tập chiến đấu toàn tàu”, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và xây dựng Lữ đoàn “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” làm mục tiêu huấn luyện. Trong huấn luyện cán bộ, tập trung vào những vấn đề mới, nội dung còn yếu, gắn với chức trách, nhiệm vụ, nhất là tổ chức, phương pháp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành. Riêng với cán bộ mới, Lữ đoàn yêu cầu các tàu tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng sâu về kiến thức cơ bản, tính năng kỹ thuật, chiến thuật, thao tác, quy tắc sử dụng,... bảo đảm trình độ khá trở lên mới được thực hành dưới sự hướng dẫn của cán bộ ngành. Với đối tượng quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, Lữ đoàn chỉ đạo huấn luyện đi sâu vào thao tác, kỹ năng khai thác, sử dụng, sửa chữa máy móc, vũ khí, trang bị, nhất là đối với vũ khí, trang bị mới. Đối với phân đội, coi trọng huấn luyện chiến thuật cấp phân đội, tàu, thực hành xử lý các tình huống giả định khó; tăng cường huấn luyện đêm, chi viện đảo, chống ngầm trong điều kiện thời tiết, sóng gió phức tạp, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng. Quá trình thực hiện, chú trọng tăng thời gian thực hành theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”; kết hợp huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển được phân công. Trải qua thực tiễn đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân trước tình huống phức tạp, căng thẳng, nguy hiểm vẫn không lùi bước, xử trí linh hoạt, kiên trì bám trụ, kiên quyết đấu tranh, với quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ gác lại việc gia đình để nhận nhiệm vụ mà không đắn đo, suy tính; có đồng chí mới đi biển về, khi có tình huống lại xung phong tiếp tục lên đường ra thực địa. Qua đó, lan tỏa, truyền cảm hứng về những tấm gương tiêu biểu, góp phần thiết thực xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội.

Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Đây được coi là nội dung quan trọng nhằm tạo môi trường thuận lợi để bồi dưỡng phẩm chất nhân cách, ý chí chiến đấu của bộ đội. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là ở cấp chi bộ; coi trọng năng lực xây dựng, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết; thực hiện đột phá vào các nội dung: “2 chất lượng, 2 nêu cao”3, xây dựng chi bộ, đảng bộ theo tiêu chí “4 tốt”4; yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm: “Giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”; coi trọng kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm kỷ luật Đảng ngay từ cơ sở. Nhờ đó, hằng năm, 100% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ (28% trở lên hoàn thành xuất sắc); 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ (83% trở lên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ), đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Lữ đoàn đẩy mạnh các phong trào thi đua vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Phong trào thi đua “Đoàn kết, mẫu mực,  kỷ cương, sáng tạo, an toàn, quyết thắng”, “Huấn luyện giỏi, an toàn, làm chủ, chính quy, hiện đại”,… đạt hiệu quả cao, đã thực sự tạo động lực, khích lệ cán bộ, chiến sĩ nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Lữ đoàn luôn quan tâm chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, chính sách hậu phương Quân đội; chú trọng đối với cán bộ, chiến sĩ trên các tàu chiến đấu, các dịp lễ, Tết, v.v. Đồng thời, việc xét, đề bạt quân hàm, nâng lương, bổ nhiệm chức vụ, khen thưởng được cấp ủy các cấp tiến hành đúng quy chế, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai,... tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.

Phát huy kết quả đã đạt được, Lữ đoàn xác định tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu quả xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, vững vàng nơi “đầu sóng”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Thượng tá PHẠM NGỌC QUÝ, Chính ủy Lữ đoàn
________________

1 - 1 giảm: giảm lý thuyết; 1 tăng: tăng thực hành; 3 thực chất: dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra thực chất; 2 sát: sát thực tiễn, sát đối tượng; 2 nâng: nâng cao nhận thức trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị.

2 - Kết quả kiểm tra nhận thức chính trị hằng năm: 100% đạt yêu cầu; trong đó, 97 % trở lên khá, giỏi.

3 - “02 chất lượng”: (1) Nghị quyết lãnh đạo; (2) Tổ chức thực hiện nghị quyết. “02 nêu cao”: (1) Trách nhiệm nêu gương; (2) Tự phê bình và phê bình.

4 - “4 tốt”: (1) Nhận thức, trách nhiệm tốt; (2) Nền nếp, chế độ và chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt; (3) Dân chủ, đoàn kết, kỷ luật tốt; (4) Tự phê bình và phê bình tốt.

Ý kiến bạn đọc (0)