Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 11/06/2012, 08:52 (GMT+7)
Liên kết đào tạo nguồn lực phi công hàng không dân dụng ở Trường Sĩ quan Không quân

“Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn lãnh thổ, trong công tác quy hoạch và các chương trình,...”1 là quan điểm chiến lược của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, cùng với thực hiện nhiệm vụ trung tâm đào tạo nguồn lực phi công quân sự, Trường Sĩ quan Không quân đã và đang liên kết đào tạo nguồn lực phi công hàng không dân dụng, phục vụ thiết thực cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trường Sĩ quan Không quân là một Trung tâm đào tạo phi công quân sự và cán bộ, nhân viên các chuyên ngành kỹ thuật không quân (KTKQ). Đây là nơi duy nhất đào tạo phi công lái máy bay phản lực chiến đấu cho lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam; là nơi chắp cánh cho những ước mơ của tuổi trẻ khao khát được bay lên làm chủ bầu trời, làm chủ khoa học - kỹ thuật; là cái nôi nuôi dưỡng, đào luyện nên lớp lớp cán bộ, sĩ quan, phi công và nhân viên các chuyên ngành KTKQ có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, trình độ năng lực chuyên môn giỏi, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Từ khi thành lập (20-8-1959) đến nay, Nhà trường đã đào tạo hàng nghìn cán bộ, học viên; trong đó, nhiều đồng chí giảng viên, học viên phi công về các đơn vị đã lập công xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trở thành cán bộ cao cấp, tướng lĩnh trong Quân đội; hoặc chuyển sang bay trên các loại máy bay vận tải hàng không hiện đại và nay trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành Hàng không Việt Nam (HKVN)... Với những thành tích đã đạt được, Nhà trường và Trung đoàn Không quân 910, 16 giảng viên, học viên đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân,… tặng Cờ, Bằng khen, Giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý khác; Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và Huân chương It-xa-la vì thành tích đào tạo phi công, cán bộ cho nước bạn. Những phần thưởng cao quý đó là động lực to lớn để Nhà trường tiếp tục phát huy và giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp đào tạo nguồn lực phi công cho Quân đội và đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhiệm vụ đào tạo phi công cho lực lượng Không quân nói riêng, cho ngành HKVN nói chung đặt ra rất nặng nề. Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục HKVN, mặc dù chịu tác động mạnh của khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường HKVN vẫn tiếp tục là một trong các thị trường hàng đầu, giữ được sự tăng trưởng tốt của đất nước. Riêng 3 tháng đầu năm 2012, lượng vận chuyển hành khách của toàn thị trường ước tính đạt hơn 5 triệu lượt người, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2011. Thị trường hàng không tăng trưởng mạnh là tín hiệu đáng mừng; đồng thời, cũng là thách thức lớn đối với ngành HKVN, khi mà nhiều lĩnh vực của ngành hiện tại vẫn chưa theo kịp và chưa đáp ứng được đà tăng trưởng đó. Một trong những tồn tại và thách thức lớn nhất đối với ngành HKVN hiện nay là nguồn nhân lực phi công đang rất thiếu và yếu (theo chuẩn quốc tế). Theo chiến lược phát triển của ngành HKVN, từ nay đến năm 2020, nhu cầu về phi công từ 1.500 đến 2.000 người (tăng gấp hơn hai lần số lượng phi công hiện nay). 

Như vậy, “cơn khát” nhân lực phi công đối với ngành HKVN là rất lớn. Điều đó đòi hỏi công tác đào tạo phi công của Ngành ngày càng trở nên cấp thiết. Theo số liệu thống kê của ngành HKVN, 1/3 số phi công của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) phải thuê của nước ngoài; Hãng Hàng không Jetstar Pacific Airlines có duy nhất 1 phi công Việt Nam; còn Air Mekong phải thuê 100% phi công của nước ngoài. Giá thuê phi công nước ngoài hiện rất cao (khoảng hơn 10 ngàn USD/phi công/tháng - gấp đôi mức thu nhập của một phi công Việt Nam). Như vậy, mỗi năm ngành HKVN phải bỏ ra khoảng 30 đến 40 triệu USD để thuê phi công nước ngoài, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Để khắc phục sự thiếu hụt phi công, thời gia qua Vietnam Airlines đã tích cực tuyển chọn, huấn luyện và gửi học viên phi công ra nước ngoài đào tạo. Tuy nhiên, kinh phí để đào tạo một phi công cơ bản là rất lớn (khoảng 120-150 ngàn USD). Đây cũng là một khó khăn không nhỏ về khả năng huy động nguồn vốn của Vietnam Airlines trong công tác đào tạo phi công hiện nay.

 Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc tiết giảm chi phí thông qua chương trình đào tạo và sử dụng phi công trong nước đang là một hướng chiến lược được các hãng hàng không lựa chọn. Đồng thời, với mục tiêu đặt ra là, để nâng dần tỷ lệ phi công là người Việt Nam lên 75% trong tổng số phi công khai thác từ nay đến năm 2015, dự kiến mỗi năm, Vietnam Airlines phải bổ sung tối thiểu 100 học viên tốt nghiệp phi công cơ bản được đào tạo ở trong và ngoài nước, thì mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của đội ngũ phi công trong Ngành lên hơn 10%/năm. Do đó, thực hiện kế hoạch nội địa hóa đội ngũ phi công sẽ giúp ngành HKVN không những tự chủ được nguồn nhân lực tại chỗ mà còn nâng cao lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng thành công chiến lược phát triển tổng thể của Ngành từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Mặt khác, phi công là loại hình lao động đặc biệt, luôn có yêu cầu cao về sức khoẻ, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ và bản lĩnh… Do đó, tỷ lệ thải loại trong công tác đào tạo phi công là tương đối cao (thường ở mức 20 - 25%). Theo quy trình đào tạo, phi công lái máy bay dân dụng phải trên 3 năm mới trở thành phi công thương mại; trên 15 năm mới trở thành phi công thực thụ (lái chính các loại máy bay như A.330, B.777), và để trở thành cơ trưởng trên các loại máy bay đó, phi công phải có ít nhất 10 năm bay liên tục, tuổi đời không trẻ hơn 35 và hàng chục ngàn giờ bay an toàn tích lũy. Vì thế, lực lượng phi công cơ hữu của Ngành hiện nay còn quá ít so với nhu cầu phát triển trong lĩnh vực vận tải hàng không. Đó cũng là lý do mà các hãng hàng không phải thực hiện giải pháp ký hợp đồng thuê phi công của nước ngoài.

Để từng bước giải quyết các bài toán nói trên, hằng năm, Trung tâm huấn luyện bay (TTHLB) – Tổng công ty (TCT) HKVN - tiến hành tuyển chọn một số lượng lớn học viên tạo nguồn đào tạo phi công cơ bản. Những học viên này phải trải qua các đợt tuyển chọn kỹ lưỡng cả về lai lịch chính trị, sức khỏe, trình độ văn hóa và ngoại ngữ theo quy định. Với mục đích giáo dục rèn luyện cho những phi công dân dụng tương lai luôn có ý thức tổ chức kỷ luật cao, lòng dũng cảm, yêu nghề, yêu Tổ quốc, bước đầu hình thành sự phát triển đúng đắn, lâu dài về năng lực, phẩm chất và chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết của nghề phi công; được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân, TCT HKVN, Trường Sĩ quan Không quân đã tổ chức liên kết đào tạo dự khóa 3 tháng cho học viên phi công dân dụng.

Chương trình đào tạo tại Trường Sĩ quan Không quân gồm 410 tiết học/12 môn học, bao gồm các nội dung: giáo dục chính trị; giáo dục thể chất - thể thao hàng không; kỹ thuật quân sự và các môn khoa học chuyên ngành: khí động lực học – nguyên lý bay; máy bay - động cơ hàng không; thiết bị hàng không… Học viên được trang bị các kiến thức ban đầu về ngành hàng không, quân sự, chính trị, qua đó nâng cao lòng trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, Nhà trường đã hoàn thành 8 khóa đào tạo với 506 học viên; đang tiếp nhận và đào tạo khóa 9, gồm 68 học viên. Tốt nghiệp khóa học, học viên được đánh giá, phân loại kết quả học tập, rèn luyện và được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình dự khoá bay tại Trường Sĩ quan Không quân. Đây cũng chính là một trong các điều kiện để TCT HKVN sàng lọc và xét chọn những học viên có kết quả học tập, rèn luyện tốt, kết hợp với kỳ thi sát hạch về trình độ ngoại ngữ theo quy định tại TTHLB trước khi gửi đi đào tạo phi công theo chuẩn quốc tế ở nước ngoài theo kế hoạch. 

Theo đánh giá của lãnh đạo TTHLB, học viên tốt nghiệp các khoá học tại Trường Sĩ quan Không quân đều đạt được cả 4 tiêu chí: sức khoẻ, phẩm chất chính trị, bản lĩnh quân sự và hiểu biết về kiến thức khoa học hàng không… Đó là những tiền đề tốt giúp cho mỗi học viên phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành người phi công ưu tú phục vụ trong ngành HKVN; đồng thời, sẵn sàng chuyển sang bay máy bay quân sự khi có yêu cầu. Những kết quả đạt được đó là minh chứng cho thấy việc liên kết đào tạo chương trình dự khóa cho học viên đào tạo phi công ở Nhà trường là một hướng đi đúng, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu liên kết đào tạo để tạo nguồn học viên gửi đi nước ngoài đào tạo phi công cơ bản. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức đào tạo phi công hàng không dân sự trong nước để giảm chi phí đào tạo, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hàng không dân dụng.

Trên cơ sở kết quả liên kết đào tạo vừa qua, lãnh đạo TCT HKVN và Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Không quân thống nhất khẳng định: với chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực sẵn có về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất tương đối hiện đại, Trường Sĩ quan Không quân đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng Không quân và liên kết đào tạo nguồn nhân lực hàng không dân dụng ở các trình độ khác nhau cho đất nước và quốc tế. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Ban Giám hiệu Nhà trường đang tập trung thực hiện tốt một số nội dung chính sau:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ liên kết đào tạo nguồn lực phi công hàng không dân dụng của Nhà trường. Đây là hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển của ngành Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) nước nhà  nói chung, của Nhà trường nói riêng. Kết quả liên kết đào của Nhà trường sẽ thiết thực góp phần vào nhiệm vụ xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế của đất nước. Từ đó, mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống giáo trình, giáo án, hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập, công tác hậu cần, kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu đào tạo phi công quân sự và đào tạo nguồn nhân lực hàng không dân dụng đa ngành nghề, đa cấp, như đào tạo phi công quân sự, dân sự trình độ đại học bay trên các loại máy bay cánh quạt, phản lực, trực thăng, vận tải…; đào tạo sĩ quan dù tìm kiếm cứu nạn đường không trình độ đại học; đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật các chuyên ngành hàng không (máy bay động cơ, vô tuyến điện tử, thiết bị hàng không, vũ khí hàng không…) trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học, v.v.

- Phối hợp với TCT HKVN, các cơ quan, nhà trường trong và ngoài Quân đội, các tổ chức hàng không có “thương hiệu” của nước ngoài trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, khoa học quân sự, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực hàng không; tổ chức các hoạt động câu lạc bộ hàng không; trao đổi kinh nghiệm trong công tác GD-ĐT nguồn lực hàng không… Đồng thời, tổ chức tốt việc tổng kết rút kinh nghiệm (về lý luận và thực tiễn) công tác liên kết đào tạo; trên cơ sở đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và chất lượng; đảm bảo có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, ý thức tổ chức, kỷ luật nghiêm, năng lực, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học giỏi, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, coi đây là nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng GD-ĐT của Nhà trường. Theo đó, phải làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng, đào tạo, đào tạo lại kết hợp tự học tập, tự nghiên cứu của đội ngũ giảng viên.

Với bề dày hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Trường Sĩ quan Không quân xứng đáng là một trung tâm hàng đầu đào tạo phi công quân sự, dân sự, cán bộ, nhân viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không… cho Quân đội và đất nước thời kỳ mới.

 Đại tá VŨ VĂN SỸ

Phó Hiệu trưởng, Tham mưu trưởng Nhà trường

                 

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 138.


 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.