Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 28/11/2022, 08:15 (GMT+7)
Lâm trường 103 đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh

Lâm trường 103 (Đoàn kinh tế - quốc phòng 327, Quân khu 3), tiền thân là Trung đoàn 103, có nhiệm vụ phòng thủ biên giới; huấn luyện, quản lý quân nhân dự bị; huấn luyện chiến sĩ mới; tăng gia sản xuất gắn với công tác dân vận,… ở nhiều địa phương trên địa bàn Quân khu 1, Quân khu 3. Trải qua 35 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Lâm trường luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Bộ Quốc phòng khen thưởng; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đơn vị đứng chân, làm nhiệm vụ tin yêu, quý mến, viết nên truyền thống “Đoàn kết, tự cường, tiến lên, vững chắc”. Hiện nay, Lâm trường đứng chân và làm nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng, đồng hành cùng nhân dân các dân tộc trên vùng dự án1 thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; điều kiện kinh tế, văn hóa, đời sống đồng bào còn khó khăn, lạc hậu; cán bộ, nhân viên Lâm trường phần lớn xa gia đình, doanh trại, cơ sở vật chất sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, v.v. Trước thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Lâm trường đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, động viên cán bộ, nhân viên khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, tự cường trong điều kiện mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được địa phương, cấp trên đánh giá cao.

Trước hết, Lâm trường phối hợp với địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng khu kinh tế - quốc phòng. Nhận thức rõ việc thực hiện tốt phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trong vùng dự án, Đảng ủy, chỉ huy Lâm trường quán triệt nghiêm quy định về chức năng, nhiệm vụ của đoàn kinh tế - quốc phòng, Nghị định số 22/2021/NĐ-CP, ngày 19/3/2021 của Chính phủ về Khu kinh tế - quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Lâm trường xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo tham gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể 02 xã: Quảng Đức, Quảng Sơn và Huyện đoàn Hải Hà xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với phân kỳ đầu tư các dự án: chăn nuôi; trồng trọt; xây dựng công trình quân sự, dân sinh; trồng rừng, bảo vệ rừng; nhất là xây dựng, mở rộng các điểm dân cư tiết kiệm. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch sử dụng đất, rừng phù hợp với quy hoạch chung; xác định lộ trình, kế hoạch xây dựng đường giao thông liên thôn, xã, trường học, công trình văn hóa và hệ thông kênh, mương nội đồng,… bảo đảm sử dụng nguồn vốn của đơn vị và địa phương hiệu quả. Quá trình thực hiện, Lâm trường thường xuyên nắm chắc tình hình nhân dân, địa bàn; giao chỉ tiêu, hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan, đội sản xuất phối hợp với địa phương huy động tối đa các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các công trình vào sử dụng. Kịp thời khảo sát, đề xuất địa phương, các cấp bảo đảm kinh phí xây dựng nhà ở, điện, đường,… đủ diện tích, công năng sử dụng để di dân, thành lập mới các bản và mở rộng một số điểm dân cư sát biên giới và nâng cao đời sống nhân dân gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từ năm 2015 đến nay, Lâm trường đã phối hợp với các lực lượng bảo vệ tốt 19 ha đất quốc phòng, gần 6.000 ha rừng phòng hộ, trồng mới 12 ha rừng; huy động trên 2.000 ngày công và hơn 200 triệu đồng phối hợp cùng địa phương làm mới, tu sửa hàng chục kilômét đường giao thông; xây dựng 17 nhà văn hóa, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, nhà giãn dân, trường học, hơn 400 m3 bờ kè, đập; nạo vét hơn 15km kênh mương; phối hợp xây dựng các công trình quân sự,… bảo đảm liên thông đường cơ động phục vụ dân sinh, sản xuất, quốc phòng.

Cán bộ, chiến sĩ Lâm trường giúp địa phương làm đường giao thông nông thôn

Cùng với đó, Lâm trường tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao sức khỏe, đời sống nhân dân. Do địa hình, thời tiết phức tạp, khắc nghiệt, để thực hiện hiệu quả các dự án, Lâm trường khảo sát kỹ địa bàn dân sinh, cơ sở vật chất, nhân lực từng hộ dân để phân bổ các gói hỗ trợ sản xuất hợp lý. Trước khi triển khai đại trà các chương trình chăn nuôi, trồng trọt, Lâm trường chỉ đạo mỗi ban, đội sản xuất lựa chọn con giống phù hợp, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại xã, như: nuôi trâu sinh sản, lợn, dê, tắc kè tập trung; trồng thông, chè, măng bát độ, gắn với trồng và bảo vệ rừng,... để nhân dân tham quan, xây dựng lòng tin vào các mô hình sản xuất mới và hiệu quả của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung làm điểm, rút kinh nghiệm, xây dựng quy trình chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp chọn giống, kỹ thuật nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản nông, lâm sản,... và hướng dẫn nhân dân thực hiện đã mang lại kết quả tích cực, được lan tỏa, nhân rộng. Để đạt hiệu quả cao, Lâm trường giao mỗi cơ quan, đơn vị lựa chọn, hỗ trợ một số hộ gia đình về cơ sở vật chất chăn nuôi, trồng trọt làm điểm về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ vốn cho các hộ thiếu vốn đối ứng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, tạo sự lan tỏa tại các thôn, bản. Tổ chức các tổ, đội công tác bám bản, bám rừng để hướng dẫn kỹ thuật, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện dự án, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Phát huy vai trò xung kích của lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, có trình độ cao đẳng, đại học ở các lĩnh vực: công nghiệp, nông lâm nghiệp, y tế, kinh tế - xã hội, luật, giáo dục,... trong việc tập huấn, hướng dẫn nhân dân sản xuất kết hợp truyền thụ khoa học kỹ thuật, văn hóa, đời sống, nâng cao dân trí. Thực hiện chương trình quân dân y kết hợp, Lâm trường sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí trên bảo đảm và trích thêm quỹ vốn đơn vị để mua sắm dụng cụ y tế, thuốc; duy trì hoạt động có hiệu quả 07 tủ thuốc thôn bản giáp biên; hằng năm, phối hợp với Bệnh viện Quân y 7 khám, chữa bệnh cho hơn 600 lượt người; cấp thuốc miễn phí, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách, trị giá hàng chục triệu đồng. Từ năm 2015 đến nay, Lâm trường tổ chức hàng trăm buổi hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho khoảng 10.000 lượt người; tập huấn phòng, chống cháy rừng, chăm sóc sức khỏe cho 240 lượt người và 135 lượt y tá thôn bản; huy động hàng nghìn ngày công thực hiện 14 dự án khuyến nông, 10 mô hình điểm, giúp hàng trăm hộ dân trồng cây, nuôi động vật có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Lâm trường hỗ trợ kinh phí xây dựng 15 chuồng gia súc, nhà vệ sinh cho nhân dân, tặng quà gia đình chính sách, người có uy tín, với trị giá trên 50 triệu đồng,... được địa phương đánh giá cao.

Đi đôi với phát triển kinh tế, Lâm trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và đời sống văn hóa, tri thức, kinh tế của đồng bào. Trong đó, tập trung phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo của Đảng; Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ rừng; Quy chế biên giới; trách nhiệm bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, an ninh biên giới quốc gia của công dân; âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch; nhiệm vụ của Lâm trường và vai trò, ý nghĩa các dự án kinh tế - quốc phòng đối với cuộc sống nhân dân, v.v. Qua đó, làm cho nhân dân thấu hiểu sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng khó khăn; hiểu biết về pháp luật, không nghe kẻ xấu lôi kéo, kích động; nâng cao trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lâm trường đã vận dụng nhiều phương pháp, phương tiện tuyên truyền, như: tuyên truyền miệng, truyền thanh; viết tin, bài trên mạng xã hội, thi tìm hiểu về Lâm trường, Quân đội; thông qua giao lưu văn nghệ, thể thao, hội trại, diễn đàn, tập huấn chuyển giao công nghệ,... để kịp thời phản ánh các hoạt động kinh tế, chính trị, quốc phòng trong Tỉnh và cả nước; những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, gương người tốt, việc tốt. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục gắn với quá trình bám dân, bám bản, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng cơ sở hạ tầng,... của các tổ công tác; kết hợp với điều tra xã hội học để hiểu rõ tâm lý, văn hóa, phong tục, tập quán của nhân dân. Từ đó, vận động nhân dân từ bỏ tập quán lạc hậu, xa rời mê tín, tà đạo; không tàng trữ vật liệu nổ và súng tự chế, buôn bán, vận chuyển ma túy, hàng lậu; không chặt phá rừng, di cư tự do; đồng ý di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở; nhất là sử dụng có hiệu quả các công trình dân sinh trong vùng dự án. Từ năm 2015 đến nay, Lâm trường tổ chức 50 đợt tuyên truyền, 50 đợt kiểm tra chăn nuôi, trồng trọt; vận động hơn 100 học sinh không bỏ học; giúp dân hàng nghìn ngày công làm chuồng, trại, chống rét cho vật nuôi và thu hoạch nông, lâm sản, tổ chức cuộc sống, v.v. Qua đó, nhân dân biết sống vệ sinh, chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng, chống dịch bệnh trên người, gia súc; yêu lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng môi trường xanh, sạch, bản làng văn hóa, v.v. Bên cạnh đó, Lâm trường coi trọng giúp các địa phương trong vùng dự án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; tham gia bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho già làng, trưởng bản, người có uy tín và nhân dân; phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đoàn, hội và kiến thức quân sự cho dân quân tự vệ, đội tự quản, nhất là bồi dưỡng văn hóa cho người có uy tín, cảm tình viên thôn, bản.

Cùng với các nội dung giải pháp trên, Lâm trường chú trọng nâng cao chất lượng công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng, quản lý lực lượng dự bị động viên. Tập trung duy trì nghiêm chế độ canh, trực; bổ sung, kiện toàn các phương án sẵn sàng chiến đấu; coi trọng tập huấn cán bộ, tu sửa thao trường, bãi tập, chuẩn bị vật chất huấn luyện đầy đủ. Phối hợp với địa phương giao nguồn tổ chức phúc tra, phát lệnh động viên, tận dụng thời gian huấn luyện quân nhân dự bị đạt kết quả cao. Thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; xây dựng tình huống huấn luyện theo địa bàn, nhiệm vụ; gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy,... bảo đảm hoàn thành 100% các nội dung huấn luyện, có trên 75% đạt khá, giỏi. Lâm trường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, công an, các đơn vị khác tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng, luyện tập các phương án giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống thiên tai, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên tuần tra đường biên, mốc giới, bảo vệ rừng; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua đó, nắm chắc tình hình an ninh chính trị, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên của nhân dân; đồng thời, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân nơi biên giới ngày càng vững chắc.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Lâm trường 103 tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng khu vực biên giới “giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng”, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá VŨ VĂN TUYẾN, Giám đốc Lâm trường
_______________

1 - Trong đó, trên 95% thuộc dân tộc thiểu số: Dao, Hoa, Tày, Nùng, Mường, Sán Dìu.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.