Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 17/10/2013, 14:46 (GMT+7)
Kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện của Lữ đoàn Thông tin 205

Lữ đoàn 205 (trước đây là Trung đoàn 205 - Trung đoàn Thông tin đầu tiên của Quân đội) thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL), được thành lập ngày 23-10-1958. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Đơn vị đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bảo đảm TTLL thông suốt, vững chắc phục vụ Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu chỉ huy, chỉ đạo các chiến trường miền Nam và chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Với những thành tích xuất sắc đó, Đơn vị và 03 tập thể (Tiểu đoàn 77, Đại đội 5, Đại đội 10) vinh dự được Nhà nước trao tặng Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 205. (Ảnh: TTXVN)

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng Binh chủng hiện đại và Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2011 - 2020, Lữ đoàn được giao quản lý, khai thác, sử dụng một khối lượng lớn các trang thiết bị thông tin đa chủng loại; được đầu tư nhiều trang bị, khí tài (TBKT) mới, hiện đại, gồm: hệ thống tổng đài, truyền dẫn; thông tin vô tuyến điện; mạng truyền số liệu, truyền hình; mạng thông tin vệ tinh; hệ thống Trunking… Với các TBKT đó, Lữ đoàn bảo đảm liên lạc bằng nhiều phương tiện: thoại, báo, truyền số liệu, truyền hình, truyền ảnh, quân bưu… đáp ứng yêu cầu bảo đảm TTLL thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), nhất là trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, nhiệm vụ A2, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn… Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh những thuận lợi, Lữ đoàn gặp không ít khó khăn. Nhiều lực lượng làm nhiệm vụ phân tán, độc lập, chịu sự tác động nhiều chiều của môi trường xã hội. Đơn vị cùng lúc phải triển khai nhiều nhiệm vụ với cường độ, áp lực cao và phải phối hợp, hiệp đồng với nhiều đầu mối cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội… Ý thức rõ nhiệm vụ được giao và những khó khăn, thách thức, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD), đáp ứng yêu cầu bảo đảm TTLL “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi tình huống. Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị VMTD, Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, thường xuyên xây dựng Lữ đoàn vững mạnh về chính trị, coi đó là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng tổng hợp của đơn vị. Là đơn vị đảm nhiệm chức năng Tổng trạm thông tin đầu cuối của Bộ Quốc phòng, nhiều lực lượng làm nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật, nên yêu cầu đặt ra đối với CB,CS, nhân viên chuyên môn kỹ thuật (CMKT) của Lữ đoàn rất cao, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải duy trì sự ổn định, vững chắc của hệ thống thông tin. Vì thế, Lữ đoàn luôn giáo dục cho CB,CS có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất chính trị, năng lực công tác, đạo đức, lối sống, tính kỷ luật và tác phong chính quy. Các phân đội thường xuyên quán triệt cho CB,CS nêu cao ý thức, trách nhiệm trước mỗi ca trực, kíp trực, bảo đảm TTLL luôn thông suốt; đồng thời, làm tốt công tác định hướng tư tưởng, xây dựng ý chí vượt khó, vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đặc thù có nhiều bộ phận hoạt động phân tán, độc lập nên Lữ đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục chính trị, phân công cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm, tổ chức lớp học phù hợp với từng đối tượng. Ngoài nội dung theo quy định, Lữ đoàn đã biên soạn các chuyên đề giáo dục riêng cho một số lực lượng thực hiện nhiệm vụ độc lập có nguy cơ vi phạm kỷ luật, mất an toàn cao. Năm 2013, Lữ đoàn đã biên soạn và đưa vào giáo dục 06 chuyên đề, tập trung vào những vấn đề đang được xã hội và đơn vị quan tâm, như: văn hóa tham gia giao thông; một số nội dung của Bộ luật Hình sự; những quy định về chấp hành pháp luật, kỷ luật liên quan đến thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CB,CS, nhân viên điều sửa dây, máy lẻ, tuần tra, bảo vệ tuyến cáp và vận hành thông tin quân bưu; định hướng sử dụng in-tơ-nét… Những nội dung thiết thực đó không chỉ kịp thời trang bị cho CB,CS, nhân viên những kiến thức pháp luật cần thiết, mà còn trở thành “liều vắc xin” hữu hiệu để ngăn ngừa, phòng tránh những biểu hiện vi phạm, mất an toàn có thể xảy ra.

Kinh nghiệm của Lữ đoàn cho thấy, dù công tác giáo dục có làm tốt đến đâu, nhưng đội ngũ cán bộ các cấp không thực sự gương mẫu thì khó có thể thành công. Do đó, Lữ đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, từ chỉ huy Lữ đoàn đến các cơ quan, đơn vị phải nêu gương trước cấp dưới cả trong lời nói và việc làm. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại thẳng thắn giữa lãnh đạo, chỉ huy với các bộ phận hoặc từng cá nhân, thông qua đó, giải quyết triệt để mọi vướng mắc, không để sự việc phát sinh, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tập thể, giữa cấp trên và cấp dưới, cá nhân và đơn vị, xây dựng bầu không khí đoàn kết, dân chủ trong đơn vị. Nét mới trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thời gian qua là Lữ đoàn đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống mạng LAN kết nối đến 100% Phòng Hồ Chí Minh, đầu mối cấp đại đội, tổ, trạm lẻ, giúp cho việc giáo dục, quán triệt tới bộ đội nhanh chóng, kịp thời. Lữ đoàn cũng coi trọng phát huy hiệu quả của “Tủ sách pháp luật”, “Ngăn sách pháp luật”, chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Website của Lữ đoàn; nhờ đó, kịp thời cập nhật kiến thức pháp luật, chỉ thị, quy định về quản lý, duy trì kỷ luật trong đơn vị và phục vụ nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin của bộ đội. Qua thực tế cho thấy, đây là một kênh thông tin quan trọng mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho CB,CS.

Hai là, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, công tác kết hợp chặt chẽ với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, đơn vị an toàn. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Binh chủng, Lữ đoàn đã chú trọng triển khai kế hoạch huấn luyện sát với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTLL, SSCĐ và TBKT của đơn vị. Để hoàn thành các chỉ tiêu huấn luyện, Lữ đoàn xác định lấy nhiệm vụ bảo đảm TTLL thường xuyên, SSCĐ làm mục tiêu phấn đấu, tập trung huấn luyện theo hướng: hiện đại, chuẩn hóa, chuyên sâu, bảo đảm khai thác thành thạo các TBKT hiện có và khí tài thông tin thế hệ mới; nâng cao trình độ công tác tham mưu thông tin, khả năng cơ động lực lượng, kết nối, bảo đảm TTLL trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, tác chiến khu vực phòng thủ và phòng, chống tác chiến điện tử. Xác định huấn luyện cán bộ là khâu then chốt, Lữ đoàn luôn chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp phân đội. Cùng với đó, Lữ đoàn tích cực bồi dưỡng cho nhân viên CMKT về quy trình điều hành, khai thác thông tin, về vùng mạng và TBKT, nhất là khí tài thế hệ mới; tham gia hội thi công nhận danh hiệu “Báo vụ cấp 3”, “Kiện tướng báo vụ” và hội thi “Thợ sửa chữa khí tài vô tuyến điện toàn quân”1. Trong huấn luyện phân đội, Lữ đoàn thực hiện nghiêm nội dung, chương trình, thời gian cho các đối tượng; trong đó, coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng thông tin cơ động; duy trì huấn luyện bổ sung, huấn luyện bù, vét cho các đối tượng; lấy tiêu chí xây dựng “Phân đội thông tin cơ động tinh nhuệ” làm mục tiêu huấn luyện; đồng thời, thường xuyên đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện, bảo đảm đúng thực chất, lấy chất lượng bảo đảm TTLL từng ca trực làm tiêu chí đánh giá. Với cách làm như vậy, Lữ đoàn thường xuyên duy trì quân số tham gia huấn luyện đạt trên 98,5%; thực hiện đầy đủ 100% nội dung, chương trình, thời gian theo quy định; kết quả kiểm tra hằng năm 100% đạt yêu cầu, có trên 75% khá, giỏi.

Do đặc thù của đơn vị, CB,CS của Lữ đoàn luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phức tạp, tác động trực tiếp đến nhận thức, tâm lý, sức khỏe của bộ đội. Vì vậy, kết hợp giữa huấn luyện, công tác và nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, đơn vị an toàn được Lữ đoàn xác định là khâu then chốt, nhằm giải quyết dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu. Để thực hiện tốt nội dung quan trọng này, Lữ đoàn đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp: duy trì và thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp chính quy; quản lý chặt chẽ con người, TBKT thông tin theo quy định, bảo đảm an toàn trong đơn vị. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, phân loại chất lượng từng quân nhân để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Đối với những quân nhân cá biệt, cấp ủy các cấp đã tổ chức phân công đảng viên kèm cặp, giúp đỡ. Đơn vị còn tổ chức lắp đặt hệ thống camera để giám sát việc chấp hành lễ tiết tác phong của bộ đội khi ra vào doanh trại. Đối với các bộ phận đóng quân phân tán, các đài, trạm lẻ, Lữ đoàn yêu cầu đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy trong huấn luyện, công tác và quản lý bộ đội; nêu cao tính tự giác, tự quản, tự rèn của từng quân nhân. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, chất lượng công tác, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy có chuyển biến rõ nét; các mục tiêu đề ra đều được thực hiện nghiêm túc, vi phạm kỷ luật thông thường giảm xuống dưới 0,2%.

Ba là, duy trì nghiêm túc chế độ quản lý, khai thác, sử dụng, bảo quản TBKT thông tin, nhất là TBKT mới. Hiện nay, bên cạnh những TBKT thông tin truyền thống, Lữ đoàn được giao quản lý, khai thác, sử dụng một số lượng lớn các loại TBKT thế hệ mới. Trong điều kiện trang bị kỹ thuật đa dạng, trang bị thế hệ cũ thiếu đồng bộ, lực lượng dự bị mỏng, Lữ đoàn đã chủ động khắc phục khó khăn, bảo đảm TBKT đầy đủ, đúng chủng loại, chất lượng tốt, phục vụ cho nhiệm vụ thường xuyên; quản lý nắm chắc tình hình TBKT hiện có để khai thác hiệu quả, bảo đảm hệ số cao; duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ bảo quản, bảo dưỡng TBKT, thực hiện nghiêm quy định về công tác kỹ thuật tại đơn vị. Lữ đoàn luôn quán triệt cho CB,CS, nhân viên CMKT nêu cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, khai thác TBKT thông tin, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ TBKT; đề xuất quy hoạch, phương án bảo đảm kỹ thuật cho các trang bị đặc thù; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm an toàn thông tin, an toàn phòng, chống cháy nổ… Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho cán bộ kỹ thuật, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên CMKT; sẵn sàng tiếp nhận, khai thác hệ thống quản lý điều hành mạng thông tin quân sự; đưa nhiều sáng kiến trong nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật vào ứng dụng, như: thiết bị Modem CQ-TBBĐ (phát thông báo báo động); thiết bị khống chế Ma níp trạm phát; phần mềm quản lý trang bị, vật tư; phần mềm hỗ trợ huấn luyện mật ngữ M82, công vụ điện; biên soạn tài liệu kinh nghiệm sửa chữa, khắc phục, xử lý các sự cố kỹ thuật… Để tăng tính vững chắc cho hệ thống thông tin, Lữ đoàn luôn chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khắc phục lỗi hệ điều hành hệ thống cáp quang; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, kịp thời rút kinh nghiệm về công tác quản lý, điều hành, khai thác thông tin; chú trọng củng cố, nâng cấp trạm sửa chữa, duy trì tốt Trung tâm bảo đảm kỹ thuật khu vực, phát huy vai trò nòng cốt trong huấn luyện, sữa chữa khí tài thế hệ mới và hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị khu vực phía Bắc hoạt động có hiệu quả, thực hiện nghiêm công tác kỹ thuật.

Từ những bài học kinh nghiệm trên, CB,CS Lữ đoàn Thông tin 205 đang tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng đơn vị VMTD, xây dựng Lữ đoàn chính quy, mẫu mực.

Đại tá NGUYỄN VĂN TRỊ

Chính ủy Lữ đoàn
_________

1 - Trong Hội thi Thông tin toàn quân (6-2013), Lữ đoàn đạt 02 danh hiệu “Báo vụ cấp 3”, 02 danh hiệu “Kiện tướng báo vụ”; Hội thi “Thợ sửa chữa vô tuyến điện toàn quân” đạt giải Nhất toàn đoàn.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.