Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 08/11/2012, 11:51 (GMT+7)
Kinh nghiệm xây dựng khu vực phòng thủ ở Tây Ninh

Những năm qua, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, trực tiếp là Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh, quân và dân Tây Ninh đã chăm lo xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) Tỉnh ngày càng vững chắc cả về tiềm lực và thế trận. Kết quả đó góp phần thiết thực vào việc giữ vững chủ quyền biên giới, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Để xây dựng KVPT vững chắc, đáp ứng yêu cầu  nhiệm vụ bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc, Tây Ninh đang tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp chính sau:

Một là, chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”, làm cơ sở để xây dựng  tiềm lực chính trị - tinh thần của KVPT. Tây Ninh có 240 km đường biên giáp với Cam-pu-chia. Tuy khu vực biên giới, nội địa cơ bản giữ được ổn định; nhưng, tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng quốc cấm; các hoạt động xuyên tạc, kích động để chống phá, truyền đạo trái pháp luật,... vẫn xảy ra, là những nhân tố tiềm tàng gây mất an ninh, ổn định nếu không được xử lý tốt. Do vậy, Tỉnh coi xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là cơ sở quan trọng, có tính quyết định đến việc xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của KVPT. Theo đó, Tỉnh tập trung phát triển KT-XH, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong xây dựng và hoạt động của KVPT. Thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2015, Tỉnh đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – nông, lâm nghiệp - dịch vụ; đổi mới cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường; tập trung phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, như kinh tế cửa khẩu, du lịch, các ngành, nghề truyền thống. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng việc làm, thu nhập cho người lao động và nguồn thu cho ngân sách. Lực lượng vũ trang (LLVT) Tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương chú trọng phối hợp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, thực hiện công tác dân vận, “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng cơ sở hạ tầng: “điện, đường, trường, trạm”, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Vì vậy, tình hình KT-XH của Tỉnh có bước phát triển đáng khích lệ. Năm 2011, GDP tăng 11,4%; cơ cấu các ngành: nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ là 38,1% - 28% - 33,9%; tổng thu ngân sách đạt trên 4 nghìn tỷ đồng (đạt 135% dự toán, tăng 33,56% so với năm trước); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.000 USD/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%. Nhờ đó, Tây Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu về kinh tế ở khu vực Đông Nam Bộ.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và kiểm tra đường tuần tra biên giới tỉnh Tây Ninh.
 

Gắn liền với đó, Tỉnh coi trọng thực hiện tốt chính sách xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động. Công tác tư tưởng và công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) được thường xuyên coi trọng. Cơ quan quân sự (CQQS), Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện sát với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. Đến nay, Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp được kiện toàn, đảm bảo đủ số lượng, đúng thành phần, cơ cấu hợp lý, đã xây dựng chương trình, kế hoạch, quy chế hoạt động... Nhờ đó, công tác giáo dục QP-AN ngày càng đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh chú trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở (bí thư chi bộ, trưởng thôn, ấp), già làng, trưởng tộc, chức sắc, chức việc tôn giáo... Về nội dung, tập trung bồi dưỡng những kiến thức cần thiết phục vụ trực tiếp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng và hoạt động KVPT theo nhiệm vụ, chức trách được giao. Đối với học sinh, sinh viên và nhân dân, Tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục; trong đó, chú ý sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các lễ hội truyền thống, các tổ, đội tuyên truyền miệng ở cơ sở để nâng cao nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời, qua đó đẩy mạnh các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới”, xây dựng gia đình, ấp, xã (phường) văn hóa, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, KVPT trong thời kỳ mới. 

Hai là, tập trung xây dựng thế trận KVPT vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ địa phương trong thời bình và sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc kết hợp KT-XH với QP-AN ở từng khu vực và trên toàn địa bàn. Chủ trương, quan điểm, nội dung, giải pháp kết hợp thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược này được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển tổng thể của Tỉnh và của các sở, ban, ngành, địa phương. Để lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng KVPT, Tỉnh ủy đã ra nghị quyết chuyên đề; UBND Tỉnh đã phê duyệt Dự án xây dựng KVPT tỉnh Tây Ninh trong từng giai đoạn, làm cơ sở để các cấp, các ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện. Nổi bật là, CQQS đã phối hợp với Công an, các ngành chức năng tổ chức thẩm định các dự án, công trình trọng điểm, như: khu công nghiệp Tràng Bảng, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, Bourbon - An Hòa; cụm công nghiệp Chà Là, Thanh Điền, Bến Kéo; nhà máy xi măng Fico; hệ thống đường giao thông, kênh mương, bưu chính, thông tin liên lạc, lưới điện, y tế, giáo dục - đào tạo,... để các dự án, công trình này đảm bảo đúng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của KVPT. CQQS các cấp cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành xây dựng các văn kiện, kế hoạch tác chiến, động viên quốc phòng, phòng, chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng...; triển khai xây dựng các công trình chiến đấu (sở chỉ huy các cấp, các điểm tựa, cụm điểm tựa, hệ thống hầm hào), khu căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật. Đồng thời, tổ chức chăm sóc, bảo vệ rừng để tăng độ che phủ; bố trí sắp xếp các khu dân cư, các cụm, làng, xã chiến đấu, các chốt, trạm, đài quan sát; cải tạo các hang, động, điểm cao, địa hình có giá trị quân sự,... để tạo dựng thế trận phòng thủ “liên hoàn, vững chắc” trong KVPT. Căn cứ vào kế hoạch huấn luyện của Quân khu, chỉ thị của UBND Tỉnh, CQQS các cấp cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức luyện tập, diễn tập KVPT cấp Tỉnh, huyện (thị xã); diễn tập chiến đấu trị an xã (phường, thị trấn) đảm bảo đúng quy định, đạt kết quả tốt. Thời gian qua, Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập KVPT và diễn tập chiến đấu trị an làm điểm cho Bộ Quốc phòng và Quân khu. Thông qua các cuộc diễn tập, cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu” được vận hành tốt hơn; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trình độ tham mưu, phối hợp, hiệp đồng xử trí các tình huống tác chiến trong KVPT của các ban, ngành, đoàn thể được nâng lên. Thực hiện Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, CQQS đã chủ động cùng với Công an, Biên phòng xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong nắm tình hình, quản lý địa bàn, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương giáp ranh, nhất là 3 tỉnh (Svay-riêng, Prey-veng, Kông-pông-chàm) của Cam-pu-chia trong phân giới, cắm mốc, quản lý, xây dựng biên giới giữa hai nước hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ba là, xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong xây dựng và hoạt động của KVPT.  Để xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng, CQQS các cấp, các đơn vị đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư­ t­ưởng, nâng cao nhận thức của bộ đội về quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, của đơn vị; rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trư­ờng, t­ư tưởng, ý chí khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác chuẩn bị cho kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với việc “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kịp thời khắc phục những khâu yếu, mặt yếu, tạo chuyển biến vững chắc trong mọi mặt hoạt động, công tác của đơn vị.

CQQS các cấp thực hiện nghiêm việc kiện toàn tổ chức, biên chế theo quy định, ưu tiên đảm bảo quân số cho các đơn vị trực sẵn sàng chiến đấu, trực cơ động trên các hướng, địa bàn trọng yếu của Tỉnh. Đến nay, Tỉnh đã thành lập 114 Ban Chỉ huy Quân sự của cơ quan, tổ chức trực thuộc các huyện (thị); 100% xã (phường) thành lập chi bộ quân sự; 100% cán bộ xã (phường) đội trưởng là đảng viên. Lực lượng dân quân, tự vệ của Tỉnh được tổ chức theo đúng Luật Dân quân tự vệ, đạt 1,58% so với dân số; trong đó, đảng viên đạt 15,5%, đoàn viên đạt 56,8%. Lực lượng dự bị động viên được sắp xếp biên chế vào các đầu mối đơn vị đạt trên 97%, xếp đúng chuyên nghiệp quân sự đạt trên 70%, tỷ lệ đảng viên đạt trên 6%, đoàn viên đạt gần 50%. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, CQQS và các đơn vị dự bị động viên luôn bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, dân quân, tự vệ bám sát phương châm: “cơ bản, thiết thực, chất lượng”; đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, phư­ơng pháp, cải tiến mô hình, học cụ, làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt để huấn luyện đạt hiệu quả cao. Đối với cá nhân, tập trung huấn luyện nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, quản lý đơn vị cho đội ngũ cán bộ theo chức trách; làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho chiến sĩ, nhân viên chuyên môn. Đối với phân đội, chú trọng huấn luyện chuyên ngành, nâng cao khả năng cơ động, trình độ kỹ thuật, chiến thuật tác chiến độc lập, tác chiến hiệp đồng giữa bộ đội địa phương với các binh đoàn chủ lực trong KVPT; gắn huấn luyện quân sự với huấn luyện Điều lệnh, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, nhất là trực ban, trực chiến, tuần tra, canh gác,... đảm bảo khả năng sẵn sàng cơ động, tác chiến bảo vệ vững chắc địa phương trong mọi tình huống.

Đại tá NGUYỄN THIỆN TOÀN

Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)