Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 04/11/2019, 15:44 (GMT+7)
Kinh nghiệm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện ở Lữ đoàn 950

Lữ đoàn 950 - Quân khu 9 là đơn vị hỗn hợp, binh chủng hợp thành, có nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ đảo Phú Quốc - địa bàn vừa có giá trị về quốc phòng, an ninh, vừa có giá trị về du lịch, đóng góp ngân sách lớn nhất của tỉnh Kiên Giang. Nhận thức rõ vị trí, vai trò đó, Lữ đoàn tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần xây dựng thế trận phòng thủ của Tỉnh và Quân khu ngày càng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quốc và vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Vì thế, ngay sau khi thành lập (ngày 15-3-2014), Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định mọi mặt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể, chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, làm cơ sở để phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Từ thực tiễn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện 05 năm qua, Lữ đoàn rút ra một số bài học kinh nghiệm và đó cũng là các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Một là, thường xuyên chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị. Là đơn vị mới thành lập, đa số cán bộ, nhân viên được điều động từ đất liền ra đảo, điều kiện vật chất, doanh trại, nơi ăn, ở, sinh hoạt,... còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm và hoạt động của Đơn vị. Trước thực tế đó, Lữ đoàn xác định: ổn định tổ chức, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, khắc phục khó khăn, yên tâm công tác, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là vấn đề quan trọng hàng đầu. Để thực hiện, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng bộ đội; trọng tâm là giáo dục nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, Quân khu, Lữ đoàn và từng đơn vị; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tình hình quốc phòng, an ninh trên địa bàn, nhất là trên hướng biên giới biển,… từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của mọi quân nhân tham gia xây dựng đơn vị. Để đạt hiệu quả cao, hằng năm, Lữ đoàn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm cho đội ngũ cán bộ chính trị, nhất là chính trị viên, chính trị viên phó các tiểu đoàn và đại đội; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; kết hợp giáo dục chính trị với giáo dục quân sự, giáo dục pháp luật, cùng nhiều hoạt động khác1, sát đặc điểm, nhiệm vụ từng đơn vị. Cùng với đó, các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, như: Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần ở cơ sở, Hội thi “Tài năng binh nhì”2,... được tổ chức nền nếp, sáng tạo; vai trò gương mẫu của cán bộ, mối quan hệ, đoàn kết “cán binh” được giải quyết hài hòa, góp phần động viên, xây dựng bản lĩnh chính trị, tình yêu biển, đảo, đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng của bộ đội để xác định nội dung, phương pháp giáo dục sát hợp.

Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đảng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Lữ đoàn thường xuyên kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò của đảng viên với vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ lãnh đạo. Lữ đoàn cũng đề ra quy định về gương mẫu, trách nhiệm gắn với hiệu quả công tác, làm cơ sở để đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên. Song song với đó, Lữ đoàn quan tâm chăm lo xây dựng, giáo dục các tổ chức quần chúng; phát huy dân chủ, hướng hoạt động xung kích của các tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội đồng quân nhân vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, kết hợp chặt chẽ phong trào Thi đua Quyết thắng với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, v.v. Nhờ đó, những năm qua, 100% cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Hai là, chú trọng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, nắm vững Chỉ thị 37/CT-ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về xây dựng chính quy; Chỉ thị 917/1999/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; Chỉ thị 404/CT-QK của Tư lệnh Quân khu về cấm say rượu, bia và hút thuốc lá nơi công cộng, v.v. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa nhiệm vụ và quy định của trên thành quy chế, nội quy, quy định cấp mình; duy trì nghiêm túc chế độ ngày, tuần, lễ tiết tác phong; quản lý bộ đội chặt chẽ, nhất là ngày nghỉ, giờ nghỉ. Cùng với đó, Lữ đoàn tích cực tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo sự phấn khởi cho bộ đội, giảm thiểu căng thẳng sau công tác. Lữ đoàn còn đầu tư kinh phí xây dựng vườn hoa, cây cảnh, trồng cây xanh; củng cố, làm mới hệ thống pa-nô, bảng, biển, khẩu hiệu từ cơ quan đến các đơn vị, tạo sự chính quy gắn với cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp. Mặt khác, Lữ đoàn kiên quyết xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm kỷ luật, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, nên đã phát huy tốt hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Do đó, chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật của các đơn vị có nhiều chuyển biến tiến bộ, đi vào nền nếp, không có vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vi phạm kỷ luật thông thường ngày càng giảm.

Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 533-NQ/ĐU, ngày 07-3-2013 của Đảng ủy Quân khu “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” và mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu, hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn đều ra nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện; trong đó, xác định nội dung, chỉ tiêu cụ thể cho từng đối tượng, phân công cấp ủy viên phụ trách. Chỉ huy Lữ đoàn ban hành các văn bản về công tác huấn luyện, tạo cơ sở để các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, thống nhất và triển khai công tác chuẩn bị huấn luyện. Kết hợp nguồn ngân sách trên cấp với huy động nội lực, Lữ đoàn tập trung xây dựng hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện chuẩn và các mô hình, học cụ huấn luyện; tổ chức tập huấn nghiêm túc, tạo yếu tố vật chất cần thiết để nâng cao chất lượng huấn luyện. Là đơn vị hỗn hợp, nhiều binh chủng nên trong huấn luyện, cùng với bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” gắn với “nhanh, mạnh, chính xác”, Lữ đoàn còn đề ra yêu cầu “giỏi về chuyên ngành, vững về chiến thuật, kỹ thuật”. Theo đó, trong thực hành huấn luyện, Lữ đoàn bám sát đối tượng tác chiến, địa hình biển, đảo, đặc thù của từng binh chủng; chỉ đạo các đơn vị tăng cường huấn luyện theo nhiệm vụ tác chiến; trong đó chú trọng huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, kết hợp chặt chẽ huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và thể lực, v.v. Để nâng cao chất lượng huấn luyện theo hướng chuyên sâu các binh chủng, Lữ đoàn phân công từng cán bộ trong Ban Chỉ huy phụ trách huấn luyện các đơn vị theo chuyên ngành. Đây là biện pháp không những phát huy thế mạnh, sở trường của từng người mà còn là động lực để cán bộ tự giác nghiên cứu sâu về chuyên môn, rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng về chiến thuật, kỹ thuật chuyên ngành, làm cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành, kiểm tra huấn luyện của các đơn vị đạt hiệu quả cao. Vì vậy, từ năm 2014 đến nay, các nội dung huấn luyện của Lữ đoàn đều bảo đảm 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 80% khá, giỏi.

Cùng với đó, Lữ đoàn tập trung nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập, nhất là diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập chỉ huy - cơ quan, diễn tập có bắn đạn thật. Tưởng định diễn tập gắn sát thực tế nhiệm vụ chiến đấu của từng đơn vị. Các tình huống trong diễn tập góp phần rèn luyện năng lực chỉ huy, trình độ quản lý, điều hành, công tác tham mưu, phối hợp hành động cả khi chiến đấu độc lập và tác chiến hiệp đồng nhiều lực lượng trong điều kiện chiến tranh hiện đại, v.v. Do đó, các cuộc diễn tập của Lữ đoàn đều đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn, tạo điều kiện quan trọng để Lữ đoàn duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Đứng chân trên địa bàn trọng điểm, Lữ đoàn được đầu tư xây dựng hệ thống công sự chiến đấu cơ bản, kiên cố, vững chắc, liên hoàn và hiểm hóc; vũ khí, trang bị đầy đủ, chất lượng tốt - điều kiện quan trọng để nâng cao sức mạnh chiến đấu. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Lữ đoàn thường xuyên điều chỉnh phương án tác chiến cho phù hợp và tổ chức luyện tập thuần thục; duy trì hệ thống trực sẵn sàng chiến đấu nghiêm ngặt; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn, nắm chắc tình hình mọi mặt, kịp thời tham mưu cho Quân khu xử lý linh hoạt, đúng, trúng các tình huống, đạt chất lượng, hiệu quả. Vì thế, những năm gần đây, thế trận trong khu vực phòng thủ luôn được duy trì vững chắc, tình hình quốc phòng, an ninh luôn ổn định, kinh tế - xã hội phát triển.

Bốn là, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật. Lữ đoàn chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác hậu cần; kịp thời rà soát, bổ sung đủ lượng hậu cần dự trữ cho cả nhiệm vụ đột xuất và các phương án tác chiến theo quy định. Phong trào “Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” của Lữ đoàn được thực hiện tốt; Hội đồng giá duy trì nghiêm chế độ hoạt động nắm giá cả thị trường; tổ chức tiếp phẩm tập trung, khai thác nguồn lương thực, thực phẩm địa phương và nguồn tăng gia để nâng cao bữa ăn cho bộ đội. Đồng thời, thường xuyên quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo quân số khỏe trên 99%.

Với công tác kỹ thuật, Lữ đoàn chỉ đạo, triển khai toàn diện, kịp thời về số lượng, tốt về chất lượng và đồng bộ về vũ khí, trang bị, kỹ thuật. Cùng với đó, thực hiện nghiêm Cuộc vận động 50, nhất là công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, phân loại chất lượng, niêm cất, đăng ký, thống kê vũ khí, trang bị kỹ thuật; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, thi nâng bậc cho thợ kỹ thuật; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, v.v. Vì vậy, công tác kỹ thuật luôn đạt trên 100% kế hoạch, góp phần quan trọng vào xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đây là tiền đề để Lữ đoàn 950 hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Đại tá VÕ VĂN NAM, Lữ đoàn trưởng
______________

1 - Năm 2018, Lữ đoàn tổ chức 04 đợt chiếu phim truyên truyền, 18 đêm giao lưu văn nghệ, 105 bản tin nội bộ.

2 - Mỗi đại đội tổ chức 03 đội, mỗi đội có: chiến sĩ, người thân và đơn vị kết nghĩa, tiến hành thi để chọn 01 đội xuất sắc vào chung kết cấp tiểu đoàn. Nội dung thi gồm 04 phần: kiến thức, tài năng, giải ô chữ và kể chuyện.

Ý kiến bạn đọc (0)