Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 18/12/2017, 13:30 (GMT+7)
Kinh nghiệm trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của tỉnh Hà Nam

Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Nam luôn chú trọng thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Trong đó, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (tuyển quân) là một trong những nội dung được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong Tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm túc, có nhiều đổi mới sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương và đạt được kết quả thiết thực1.

Để có được kết quả đó, trước hết, Tỉnh huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện công tác tuyển quân. Trên cơ sở nhận thức đúng ý nghĩa quan trọng của công tác tuyển quân và trách nhiệm của địa phương khi thực hiện “tròn khâu”, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã bám sát đặc điểm địa bàn, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ tuyển quân; đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cùng cấp và tổ chức thực hiện. Từ tham mưu của cơ quan quân sự, hằng năm, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương đều ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyển quân, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các địa phương đã quán triệt nhiệm vụ tuyển quân đến từng chi bộ, thôn, xóm, tổ dân phố; chú trọng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện công tác này. Mặt khác, Tỉnh thống nhất lấy hiệu quả tuyển quân là một tiêu chí để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương, nhằm đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện.

Hằng năm, trước khi bước vào mùa tuyển quân, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự và chủ trì tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, thành viên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, cán bộ chuyên trách làm công tác tuyển quân, nhằm thống nhất về quan điểm, chủ trương, quy trình tuyển quân, rút kinh nghiệm công tác tuyển quân của những năm trước đó, v.v. Đặc biệt, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh còn phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành trong khối nội chính chỉ đạo các địa phương mở lớp tập huấn cho cán bộ huyện, xã về nội dung, quy trình xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng và trong tuyển quân. Qua đó, tạo cơ sở cho triển khai thực hiện công tác tuyển quân, bảo đảm dân chủ, công bằng, đúng luật. Thực hiện nền nếp đó, vừa qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tổ chức tập huấn với thời gian 2 ngày cho chỉ huy trưởng quân sự và 116 bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn về công tác tuyển quân năm 2018; đồng thời, chỉ đạo ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố chủ trì tổ chức tập huấn cho phó chỉ huy trưởng quân sự, thành viên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cấp xã, đạt kết quả tốt.

Kinh nghiệm cho thấy, cùng với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, để thực hiện tốt công tác tuyển quân, phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất nhận thức trách nhiệm của toàn dân. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự đã tham mưu cho Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Nghĩa vụ quân sự, về nhiệm vụ tuyển quân. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với thực tế; chú trọng phát huy hiệu quả tuyên truyền của Đài Truyền hình, Báo Hà Nam, Cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh 3 cấp, lồng ghép nội dung công tác tuyển quân trong sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, trong hội nghị nhân dân, v.v. Nội dung tuyên truyền trọng tâm là giới thiệu Luật Nghĩa vụ quân sự, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, truyền thống của địa phương. Cùng với tuyên truyền thường xuyên, tuyên truyền cao điểm trong mùa tuyển quân, Tỉnh đã chỉ đạo đưa nội dung Luật Nghĩa vụ quân sự vào chương trình bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là học sinh các trường trung học phổ thông. Trong tuyên truyền, Tỉnh đã có cách làm sáng tạo, được Quân khu 3 đánh giá cao, đó là in tờ rơi giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự, các chế độ chính sách mà quân nhân và gia đình được hưởng khi tại ngũ, xuất ngũ, cũng như quy định xử lý các trường hợp vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự,... để phát đến 100% công dân trong diện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự. Bên cạnh công tác tuyên truyền, động viên, Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao hiệu quả giáo dục, răn đe. Với các biện pháp đồng bộ đó, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh đều thống nhất về nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành của công dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.

Trước sự phát triển của kinh tế thị trường, nam công dân trong độ tuổi nhập ngũ (nhất là các đối tượng không học hết trung học phổ thông) thường đi lao động xa, đi học không cắt khẩu, học xong không trở về địa phương,... đã tạo nên nguồn ảo và khan hiếm nguồn có chất lượng tốt. Khắc phục vấn đề đó, Tỉnh chỉ đạo các địa phương chú trọng làm tốt công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân nhập ngũ, nhất là đăng ký lần đầu. Hằng năm, trước khi tuyển quân, Tỉnh chỉ đạo 100% các huyện, thành phố tổ chức phúc tra, nắm nguồn; yêu cầu các địa phương thành lập tổ phúc tra liên ngành gồm cán bộ quân sự, công an, tư pháp, cựu chiến binh do đồng chí huyện ủy viên phụ trách cụm xã làm trưởng đoàn. Trong quá trình phúc tra, tổ công tác nắm việc đăng ký, quản lý nguồn, thực hiện các quy trình sơ tuyển, khám tuyển, các trường hợp tạm hoãn, tạm miễn nhập ngũ của các địa phương; đồng thời, xử phạt nghiêm các vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự theo Nghị định 120/NĐ-CP của Chính phủ. Trước khi sơ tuyển, khám tuyển, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương thông báo sớm cho công dân, doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn và lân cận về kế hoạch tuyển quân, nhập ngũ để doanh nghiệp, gia đình và công dân bố trí công việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.

Để nâng cao chất lượng tuyển quân, bảo đảm "tuyển người nào, chắc người đó", không để lọt vào Quân đội những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, Tỉnh chỉ đạo các địa phương đặc biệt coi trọng công tác xét duyệt, tuyển chọn công dân nhập ngũ, bảo đảm khách quan, dân chủ, minh bạch, đúng quy trình. Theo đó, các huyện, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành cùng tham gia xét tuyển quân với các xã, thị trấn; tiến hành xét tuyển đủ 3 lần, gồm: xét dự nguồn, xét độ dốc (xét ưu tiên về trình độ, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình), xét tuyển. Trong sơ tuyển, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp chủ động phối hợp với cơ quan công an quản lý hộ khẩu để nắm bắt thông tin, sàng lọc, phân loại chất lượng chính trị của công dân. Những trường hợp được tạm hoãn và miễn nhập ngũ đều được xét duyệt công khai, dân chủ, hợp tình, hợp lý. Mặt khác, để bảo đảm công tác tuyển quân gắn với công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, vào tháng 4 hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tổ chức hội nghị hiệp đồng tuyển quân ở cả cấp huyện và cấp tỉnh; thành phần gồm: địa phương giao quân, đơn vị nhận quân và đơn vị nhận nguồn dự bị động viên. Trong hội nghị này, các bên thống nhất chỉ tiêu quân số, đề xuất huấn luyện chuyên ngành quân sự đáp ứng nhu cầu xây dựng lực lượng dự bị động viên của địa phương, thống nhất về tiêu chí tuyển chọn, biện pháp thâm nhập đối với các đơn vị.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước về một số ít trường hợp công dân bị đơn vị đổi trả (chủ yếu do không bảo đảm sức khỏe), Tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh hướng dẫn các địa phương kiện toàn Hội đồng Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của các huyện, thành phố; tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn về quy trình kiểm tra sức khỏe, yêu cầu đặc thù sức khỏe công dân đối với từng loại hình đơn vị. Tỉnh còn tăng cường bác sĩ, trang bị y tế cho địa phương để thực hiện khám chuyên sâu, bảo đảm khách quan trong đánh giá, giảm thiểu sự chênh lệch kết quả sức khỏe công dân trước và sau khi nhập ngũ. Nhờ đó, chất lượng khám tuyển được nâng lên; những năm gần đây, Tỉnh không có trường hợp bù đổi, loại bỏ vì lý do sức khỏe. Riêng các đơn vị có tính đặc thù, Tỉnh chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho đơn vị trực tiếp thẩm định nguồn công dân nhập ngũ tại nơi khám sức khỏe để đạt được tiêu chuẩn theo quy định. Cùng với đó, Tỉnh yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ công dân trúng tuyển sau khi đã phát lệnh nhập ngũ, nhằm tránh vi phạm tiêu chuẩn sức khỏe theo Thông tư 50/BQP-BCA.

Với phương châm “Làm tốt chính sách hậu phương Quân đội là cánh tay nối dài góp phần nâng cao chất lượng tuyển quân”, Tỉnh chỉ đạo các địa phương chú trọng huy động các nguồn lực xã hội cho công tác tuyển quân, kịp thời động viên công dân nhập ngũ cả về vật chất, tinh thần. Các địa phương đã có nhiều cách làm thiết thực, như: tổ chức giao lưu văn nghệ để động viên thanh niên nhập ngũ; bồi dưỡng cho đối tượng kết nạp Đảng và kết nạp Đảng cho đối tượng đã đủ điều kiện vào Đảng trước khi nhập ngũ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà (mỗi suất khoảng 1 triệu đồng) cho gia đình công dân nhập ngũ, v.v. Từ năm 2016 tới nay, trong 740 đối tượng nguồn cảm tình Đảng được Tỉnh bàn giao cho các đơn vị, đã có 244 đồng chí được kết nạp. Đây không chỉ là biện pháp góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh, mà còn tạo nguồn cán bộ cho cơ sở và nâng cao tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dự bị động viên của Tỉnh.

Cùng với đó, Tỉnh còn chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức ký kết, tiếp nhận quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào làm việc, cam kết bảo lưu vị trí làm việc cho công nhân tham gia nhập ngũ. Năm 2017, Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Tỉnh tổ chức “Hội nghị hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm” cho bộ đội xuất ngũ của địa phương; trong đó, có sự tham gia của: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đảng ủy khối cơ quan, khối doanh nghiệp của Tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Ban quản lý các khu công nghiệp (Châu Sơn, Đồng Văn 1, Đồng Văn 2,...), Trường Cao đẳng nghề Hà Nam, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nam, v.v. Qua hội nghị này, chủ trương về dạy nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ tiếp tục được Tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo động lực, động viên, cổ vũ thanh niên yên tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cùng với các nội dung, biệp pháp trên, để tạo sự lan tỏa, đưa công tác tuyển quân đi vào chiều sâu, Tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị, tổ chức tốt lễ giao nhận quân trang trọng, thực sự là “Ngày hội tòng quân” ở địa phương. Đồng thời tổ chức tốt việc đón nhận con em của địa phương hoàn thành nghĩa vụ trở về, đảm bảo trang trọng, chu đáo, thiết thực.

Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt được, tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2018, phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá LƯƠNG MẠNH THẮNG, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
_________
____________

1 - Năm 2016 và 2017, Tỉnh có 2.650 công dân nhập ngũ, đạt 100% so với chỉ tiêu trên giao; trong đó, số công dân có sức khỏe loại 1 và loại 2 đạt trên 74%; công dân nhập ngũ có trình độ cao đẳng, đại học đạt trên 12%.

Ý kiến bạn đọc (0)