Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 10/11/2011, 15:35 (GMT+7)
Kinh nghiệm tổ chức đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật của Cục kỹ thuật binh chủng

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW, ngày 29-11-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Chỉ thị 43-CT/ĐUTCKT của Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan kỹ thuật đầu ngành về Tăng thiết giáp (TTG) và tên lửa - khí tài đặc chủng, Cục Kỹ thuật Binh chủng đã triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ công tác kỹ thuật; trong đó có nhiệm vụ đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT) cho các đơn vị TTG, tên lửa - khí tài đặc chủng trong toàn quân.

alt
Xe thiết giáp BTR-152 sau khi được đồng bộ, nâng cấp. (nguồn: qdnd.vn)

Sau ba năm thực hiện, kết quả đạt được là: các nhà máy, xưởng, đơn vị sửa chữa, đồng bộ (SC,ĐB) toàn diện được hàng trăm xe TTG, pháo tự hành và nhiều xe chuyên dụng, xe bảo đảm kỹ thuật cùng hàng trăm loại bệ phóng, hệ thống tên lửa chống tăng (TLCT) các loại…, góp phần khôi phục tình trạng kỹ thuật, tình trạng đồng bộ của VK,TBKT, từng bước nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của các đơn vị trong toàn quân. Qua thực tiễn hoạt động, Cục rút ra những bài học kinh nghiệm, làm cơ sở để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả SC,ĐB toàn diện VK,TBKT trong thời gian tới. Đó là:

Trước hết, phải tập trung xây dựng hệ thống kế hoạch bảo đảm khoa học, phù hợp với từng loại VK,TBKT và ngân sách trong năm. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu; bởi lẽ, kế hoạch là yếu tố rất quan trọng bảo đảm hiệu lực cho công tác quản lý, điều hành; đồng thời, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đề ra. Để hệ thống kế hoạch có tính khả thi, các đơn vị trong Ngành khi xây dựng kế hoạch ở cấp mình phải xem xét một cách toàn diện từ mục tiêu, yêu cầu, thời gian cần hoàn thành, đến khả năng bảo đảm và đối tượng thực hiện… Mặt khác, thực trạng VK,TBKT của Quân đội phần lớn thuộc thế hệ cũ, trải qua nhiều năm chiến đấu, huấn luyện nên bị mất đồng bộ, xuống cấp, nhất là các thiết bị đặc biệt, thiết bị điện, hệ thống ổn định, khí tài quang học, hệ thống khí nén và các trang bị đồng bộ theo xe. Hiện nay, số lượng VK,TBKT cần SC,ĐB rất lớn, trong khi đó, các trang bị bảo đảm kỹ thuật, như: xe công trình, xe chở tăng,… cũng gặp phải tình trạng tương tự, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nhận thức rõ những khó khăn đó, Cục đã tập trung xây dựng kế hoạch SC,ĐB toàn diện, cụ thể cho từng loại VK,TBKT, tạo cơ sở cho các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Hằng năm, căn cứ vào nguồn ngân sách, nhu cầu, nhiệm vụ của đơn vị và năng lực của các cơ sở sửa chữa, Cục xác định rõ đối tượng được đồng bộ toàn diện và triển khai xây dựng kế hoạch đồng bộ từ rất sớm. Trong kế hoạch có sự phân công cụ thể nội dung, nhiệm vụ cho các cơ quan Cục, đơn vị có xe sửa chữa và lực lượng tham gia SC,ĐB; đồng thời, xác định rõ nội dung, khối lượng công việc và thời gian hoàn thành. Nội dung đồng bộ toàn diện gồm: bảo dưỡng 2, sửa chữa khắc phục các hư hỏng; kiểm tra, điều chỉnh các cụm, bộ phận của cả phần xe, phần vũ khí, thiết bị thông tin liên lạc và các hệ thống, thiết bị đặc biệt khác; trong đó, có nêu chi tiết nội dung cần thực hiện và yêu cầu đạt được sau khi SC,ĐB cho các cơ cấu, bộ phận cụ thể. Sau khi kế hoạch đồng bộ toàn diện được Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật phê duyệt, Cục thông báo ngay chỉ tiêu sản lượng, ngân sách và hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Đối với các đơn vị, trên cơ sở hướng dẫn của Cục đều tổ chức thành lập đội khảo sát, gồm những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm cùng với thợ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Nhìn chung, các đội khảo sát đã thực hiện đúng trình tự, đủ nội dung, tỉ mỉ, không bỏ sót; thống kê đầy đủ, chính xác, đúng danh điểm các chi tiết bị hư hỏng, các cụm thiếu đồng bộ của VK,TBKT... để có cơ sở xây dựng kế hoạch bảo đảm vật tư kỹ thuật, bố trí sắp xếp lực lượng và xác định mốc thời gian hoàn thành các công đoạn…

Thực tiễn cho thấy, do Cục thực hiện tốt việc xây dựng hệ thống kế hoạch, nhất là bảo đảm phù hợp với từng loại trang bị và ngân sách trong năm, nên trong chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra có nhiều thuận lợi, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, lựa chọn đúng đối tượng đồng bộ toàn diện. Trong điều kiện ngân sách, vật tư kỹ thuật còn hạn hẹp, nhu cầu đồng bộ toàn diện rất lớn, nên việc lựa chọn đối tượng đồng bộ toàn diện là một yêu cầu cấp thiết. Để giải quyết tốt vấn đề này, hằng năm, Cục đã căn cứ vào Chỉ lệnh công tác kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, nhu cầu bảo đảm trang bị cho nhiệm vụ SSCĐ; khả năng bảo đảm ngân sách, bảo đảm vật tư kỹ thuật tiến hành lựa chọn các đơn vị, chủng loại VK,TBKT đưa vào kế hoạch SC,ĐB cho phù hợp. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, ở địa bàn trọng điểm và các chủng loại xe chiến đấu mà Ngành có khả năng bảo đảm ở mức cao nhất. Năm 2009, bắt đầu triển khai chương trình đồng bộ toàn diện VK,TBKT, Cục đã chọn 3 đơn vị (đại diện cho cả 3 miền) là: Trung đoàn 409 (đại diện khối quân khu đóng quân tại phía Bắc), Lữ đoàn 215 (đại diện khối binh chủng đóng quân ở khu vực miền Trung), Trung đoàn 48 (đại diện khối quân đoàn đóng quân tại địa bàn Tây Nguyên). Năm 2010, Cục chọn 4 đơn vị: Lữ đoàn 201 (phía Bắc), Trung đoàn 206 (miền Trung), Trung đoàn 48 (khu vực Tây Nguyên), Trung đoàn 26 (miền Nam). Năm 2011, Cục chọn: Trung đoàn 102, Lữ đoàn 490, Lữ đoàn 45 (phía Bắc), Trung đoàn 574 (miền Trung) và Trung đoàn 416 (Đồng bằng sông Cửu Long).

Về chủng loại VK,TBKT để lựa chọn: Cục chủ trương đối với xe TTG, lựa chọn những loại có số lượng lớn, trang bị chủ yếu cho các trung, lữ đoàn TTG toàn quân và có khả năng bảo đảm được. Đối với xe công trình ngành TTG, xe chở tăng, giai đoạn đầu chỉ đồng bộ cho các xưởng sửa chữa, tiểu đoàn sửa chữa tổng hợp trực thuộc Cục, sau đó sẽ tổ chức đồng bộ cho trạm sửa chữa các đơn vị TTG trong toàn quân. Đối với ngành Tên lửa – khí tài đặc chủng, trọng tâm là  SC,ĐB các hệ thống điều khiển, bệ phóng và đạn TLCT; ngoài ra, còn tập trung vào đồng bộ toàn diện cho pháo tự hành, xe bệ phóng, xe dàn chở tên lửa, các xe công trình sửa chữa TLCT,...

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia SC,ĐB.  Hiện nay, VK,TBKT cần SC,ĐB có nhiều chủng loại, cấu tạo phức tạp, nên việc thực hiện có nhiều khó khăn, nhất là các trang, thiết bị đồng bộ kèm theo. Hơn nữa, các cơ sở bảo đảm kỹ thuật của Ngành chưa đủ khả năng sửa chữa một số thiết bị hiện đại. Vì vậy, để SC,ĐB toàn diện VK,TBKT cần có sự tham gia tích cực của các viện nghiên cứu và các nhà máy thuộc chuyên ngành kỹ thuật khác. Thời gian qua, căn cứ vào năng lực, khả năng huy động lực lượng của đơn vị và năng lực các cơ sở sửa chữa cấp chiến dịch, Cục đã thống nhất phân công cho các đơn vị tự tổ chức SC,ĐB một phần (hoặc toàn bộ) số xe TTG, xe bệ phóng và xe dàn chở tên lửa của đơn vị, tập trung vào nội dung SC,ĐB phần xe, sơn trong và ngoài xe, tạo nguồn và thay thế đồ da bạt trên xe…; ngoài ra, tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa pháo, súng và thiết bị thông tin liên lạc trên xe. Đối với các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sửa chữa cấp chiến lược, SC,ĐB các hệ thống trên xe; các xưởng trực thuộc Cục đảm nhận SC,ĐB hệ thống vũ khí, thông tin, khí nén, cứu hỏa trên xe TTG, pháo tự hành SU-122, 152. Cùng với đó là sự tham gia của nhiều học viện, viện nghiên cứu, nhà máy, như: Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Kỹ thuật cơ giới Quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Xí nghiệp X61 - Binh chủng Hóa học… Vì vậy, nhiều VK,TBKT và các loại khí tài khác sau khi được đồng bộ toàn diện đã hoạt động với đầy đủ tính năng kỹ thuật, chiến thuật theo thiết kế (đây là những nội dung trong nhiều năm qua Cục chưa có điều kiện thực hiện).

Bốn là, coi trọng làm điểm và tổ chức rút kinh nghiệm, từng bước nhân rộng. SC,ĐB toàn diện VK,TBKT là một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp. Do đó, Cục chỉ đạo các đơn vị và lực lượng tham gia SC,ĐB phải triển khai chặt chẽ, thận trọng từng bước theo đúng kế hoạch: làm điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng. Trước khi tổ chức thực hiện đồng bộ theo kế hoạch, các đơn vị đã chủ động nghiên cứu, bố trí lực lượng tham gia làm điểm từ 2 đến 3 xe TTG. Các lực lượng này được tổ chức huấn luyện mẫu một số nội dung, như: hướng dẫn khai thác sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ; áp dụng đúng quy trình công nghệ, các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định bảo đảm an toàn trong SC,ĐB. Sau đó, tiến hành rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chỉ rõ những mặt làm được và hạn chế trong thao tác và công tác bảo đảm cũng như chất lượng SC,ĐB… 

Năm 2009, sau khi làm điểm tại 3 đơn vị, Cục đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm sau năm đầu triển khai đồng bộ toàn diện VK,TBKT (tại Trung đoàn 409, Quân khu 1). Qua Hội nghị, Ngành đã rút ra được nhiều kinh nghiệm sâu sắc, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng SC,ĐB toàn diện VK,TBKT cho hai năm tiếp theo. Hiện nay, Cục đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm 3 năm đồng bộ VK,TBKT, nhằm thảo luận rút kinh nghiệm toàn diện việc tổ chức đồng bộ từ công tác chỉ đạo, kế hoạch, tổ chức thực hiện, phương pháp tổ chức, phân công nhiệm vụ đến sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị… Đồng thời, Hội nghị sẽ thống nhất những nội dung cần tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo.

Năm là, tổ chức nghiệm thu chặt chẽ, đúng quy trình sau khi SC,ĐB. Đây là công đoạn rất quan trọng để đánh giá chất lượng sản phẩm theo mục tiêu, yêu cầu đề ra. Vì vậy, Cục chỉ đạo các đơn vị phải căn cứ vào Quy định nghiệm thu sản phẩm quốc phòng do Bộ Quốc phòng ban hành để tiến hành nghiệm thu sản phẩm sau đồng bộ toàn diện. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở do đơn vị tổ chức nghiệm thu số xe sửa chữa tại đơn vị; thành phần gồm: đại diện đơn vị và các cơ sở tham gia SC,ĐB. Thực tế vừa qua, các sản phẩm sau sửa chữa đều được kiểm tra chất lượng một cách nghiêm túc, theo quy trình: kiểm thử trên các trang, thiết bị đo lường hiện có, sau đó tiến hành nghiệm thu ở các cấp theo tiêu chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt. Trong quá trình nghiệm thu, các bộ phận chú trọng “thử động” để kiểm tra chất lượng hoạt động, độ bền, độ ổn định của VK,TBKT và trang thiết bị kèm theo. Đối với xe TTG, tổ chức chạy thử xe trên bãi từ 8 đến 10 km để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các hệ thống, kết hợp lái, ngắm bắn ban đêm; các xe TTG bơi nước được thử độ kín và kiểm tra khả năng bơi nước. Tương tự đối với ngành Tên lửa – khí tài đặc chủng, các trang thiết bị, khí tài sau sửa chữa, đồng bộ được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Chất lượng sửa chữa, đồng bộ TLCT đã được khẳng định qua các đợt bắn đạn thật đạt kết quả tốt tại nhiều địa bàn khác nhau.

 Trên cơ sở kết quả nghiệm thu cấp cơ sở, Hội đồng nghiệm thu cấp Tổng cục (do Cục Kỹ thuật Binh chủng chủ trì) tiếp tục kiểm tra tình trạng đồng bộ 100% số xe đã nghiệm thu cấp cơ sở; nổ máy thử xe tại chỗ kết hợp kiểm tra hoạt động của các hệ thống vũ khí, thông tin liên lạc, thiết bị đặc biệt; ngâm nước thử độ kín các loại xe TTG, pháo tự hành bơi nước; tổ chức kiểm tra lái, bắn đêm mỗi đơn vị từ 3 đến 5 xe... Nhờ thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các bước trong nghiệm thu nên Ngành đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai sót, góp phần nâng cao chất lượng đồng bộ VK,TBKT.

Phát huy kết quả đạt được trong 3 năm SC,ĐB, thời gian tới, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu, cơ sở bảo đảm kỹ thuật và các đơn vị trong toàn quân tiếp tục nâng cao chất lượng đồng bộ toàn diện VK,TBKT theo kế hoạch, góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới.

Đại tá, KS. LÊ XUÂN PHƯƠNG

Cục trưởng Cục Kỹ thuật Binh chủng, TCKT

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.