Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 08/06/2017, 09:50 (GMT+7)
Kinh nghiệm thực hiện công tác đối ngoại của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn

Đối ngoại biên phòng là bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại quốc phòng; một trong những biện pháp công tác cơ bản, góp phần bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ Tổ quốc từ xa. Nhận rõ điều đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng thực hiện tốt công tác quan trọng này.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài trên 231km, giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; trong đó, có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính và 09 cửa khẩu phụ. Khu vực biên giới do Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn phụ trách gồm 20 xã, 01 thị trấn thuộc 05 huyện với 89 thôn, bản giáp biên, có 07 dân tộc cùng chung sống. Đây là địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, cửa ngõ quan trọng của đất nước với các hoạt động sôi động về thương mại, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, du lịch, v.v. Đồng thời, đây cũng là nơi các thế lực thù địch, các loại tội phạm tập trung hoạt động mạnh và diễn biến phức tạp. Trước thực tế đó, để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; trong đó, đẩy mạnh thực hiện công tác đối ngoại biên phòng là một trong những biện pháp quan trọng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được kết quả tích cực, góp phần giữ vững sự ổn định biên giới, xây dựng vùng biên giới Lạng Sơn hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Bộ đội Biên phòng Tỉnh là đơn vị điển hình trong thực hiện công tác đối ngoại, được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Trong quá trình triển khai thực hiện công tác đối ngoại, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn rút ra một số bài học kinh nghiệm, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

1. Thường xuyên giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về công tác đối ngoại biên phòng. Trong đó, tập trung làm rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác đối ngoại đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng nói chung, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn nói riêng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị quán triệt sâu sắc các văn bản, chỉ thị của cấp trên về công tác đối ngoại biên phòng; trọng tâm là Nghị định 89/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 05/2003/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng và Chỉ thị 2570/CT-BTLBP của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác đối ngoại biên phòng. Để đạt hiệu quả cao, các đơn vị đã vận dụng linh hoạt, đa dạng hình thức, biện pháp giáo dục, tuyên truyền, đảm bảo toàn diện, sâu rộng cho tất cả các đối tượng, chú trọng đối tượng là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện công tác đối ngoại ở các cửa khẩu, đồn, trạm biên phòng. Cùng với tuyên truyền, giáo dục, các đơn vị đã tích cực phổ biến, trao đổi kinh nghiệm tiến hành công tác đối ngoại; chú trọng phòng ngừa, đấu tranh với những nhận thức lệch lạc, biểu hiện đơn giản trong hoạt động đối ngoại. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác đối ngoại biên phòng, thấy được vai trò, trách nhiệm của mình, tích cực tham gia, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Tỉnh trao đổi Kế hoạch phối hợp công tác với lãnh đạo Tổng đội Công an Biên phòng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)

2. Vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp đối ngoại biên phòng. Công tác đối ngoại biên phòng có tính đặc thù cao, là sự cụ thể hóa quan điểm, phương châm đối ngoại quốc phòng, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và tuân thủ thông lệ quốc tế. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đa dạng hóa các hình thức, phương pháp đối ngoại biên phòng; chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch, duy trì hoạt động đối ngoại biên phòng nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình. Trong đó, đảm bảo sự thống nhất về quan điểm, nguyên tắc, phù hợp về nội dung, biện pháp, làm cơ sở cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động đối ngoại. Đồng thời, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chỉ đạo các cấp coi trọng xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với Công an Biên phòng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; mở rộng quan hệ đối ngoại biên phòng cả ở cấp tỉnh và cấp đồn; thực hiện đa dạng hình thức, phương pháp đối ngoại, như: gửi thư trao đổi, thông báo tình hình, chúc mừng nhân dịp những ngày lễ lớn của mỗi nước, ngày truyền thống của lực lượng; gặp gỡ trao đổi, hội đàm theo định kỳ hoặc đột xuất; phối hợp tuần tra song phương; tổ chức giao lưu chính trị, văn hóa - thể thao, thăm hỏi xã giao; thiết lập đường dây nóng giữa hai bên,... để trực tiếp trao đổi, thống nhất, kịp thời xử lý có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên khu vực biên giới, cửa khẩu.

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã tiến hành hàng trăm buổi gặp gỡ, hội đàm, tuần tra song phương với Tổng đội Công an Biên phòng tỉnh Quảng Tây, các trạm Hội ngộ hội đàm Bộ đội Biên phòng Long Châu, Bằng Tường, Trạm kiểm tra biên cảnh Pò Chài, Lũng Vài,… tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hai bên đã ký kết, kết nghĩa giữa các đơn vị đồn - trạm với chủ đề "Chung tay kết nghĩa, xây dựng đồn - trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên". Ngoài hai lực lượng Công an Biên phòng và Bộ đội Biên phòng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn còn ký kết bản ghi nhớ công tác phối hợp với Ty Công an Quảng Tây để cùng nhau trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm hoạt động qua lại biên giới, như: ma túy, tiền giả, mua bán người, tội phạm khủng bố,... và đã thu được kết quả tốt. Đặc biệt, vừa qua, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đăng cai tổ chức thành công “Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 3”. Các đồn Biên phòng đã phối hợp với Bạn duy trì việc giao lưu học tập chính trị cho cán bộ, chiến sĩ với chủ đề “Lá cờ Đảng soi sáng biên cương”. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2017, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã phối hợp với Tổng đội Công an Biên phòng; các đồn, trạm Biên phòng tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trao đổi 66 thư, tổ chức 03 cuộc hội đàm; gặp gỡ trao đổi trực tiếp 08 lần, v.v. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực biên giới đẩy mạnh hoạt động đối ngoại với chính quyền, nhân dân bên kia biên giới. Qua hoạt động đối ngoại đã giúp hai bên trao đổi, phối hợp giải quyết tốt công tác quản lý biên giới, nhất là nâng cao năng lực kiểm tra đường biên, kiểm soát cửa khẩu, bàn bạc, thúc đẩy triển khai mô hình “một cửa khẩu, một điểm dừng”; cải cách thủ tục hành chính; phối hợp ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Phối hợp tuần tra song phương

3. Kết hợp chặt chẽ công tác đối ngoại biên phòng với ngoại giao nhân dân và gắn hoạt động đối ngoại với các biện pháp nghiệp vụ biên phòng khác. Khu vực biên giới do Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn quản lý là một trong những địa bàn trọng điểm, hoạt động giao thương diễn ra sôi động, lưu lượng người, phương tiện và hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh lớn. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chú trọng phát huy vai trò của nhân dân, kết hợp công tác đối ngoại biên phòng với ngoại giao nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác đối ngoại. Theo đó, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương ở khu vực biên giới đẩy mạnh hoạt động ngoại giao với tổ chức đảng, chính quyền, nhân dân nước Bạn bằng nhiều hình thức, nhất là hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các thôn (bản) dọc tuyến biên giới. Từ đầu năm 2017 đến nay, các sở, ban, ngành của Tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập đã trao đổi 42 thư, hội đàm 02 lần, gặp gỡ trao đổi trực tiếp 04 lần với chính quyền địa phương phía Bạn. Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cũng tích cực triển khai thực hiện các hoạt động ngoại giao nhân dân, chủ động gắn kết nội dung đối ngoại biên phòng với ngoại giao nhân dân. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, làm cho nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là nhân dân nước Bạn hiểu rõ về chủ quyền lãnh thổ, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở của Đảng, Nhà nước ta.

Những năm qua, cùng với coi trọng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại sản xuất, buôn bán, thăm thân,… Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các xã, thôn, bản giáp biên giới tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện, tuyên truyền, vận động nhân dân; gặp gỡ, trao đổi với các vị trưởng bản, trưởng dòng họ, nhằm tranh thủ mối quan hệ dân tộc, thân tộc của đồng bào hai bên biên giới để tuyên truyền làm cho nhân dân ý thức rõ vấn đề quốc gia, quốc giới, chấp hành nghiêm các văn kiện pháp lý đã ký kết về biên giới đất liền giữa hai nước. Từ tham mưu của Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, các địa phương đã tổ chức kết nghĩa được 09 cụm dân cư hai bên đường biên giới. Thông qua các hoạt động trên, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã tạo hình ảnh tốt đẹp và niềm tin trong lòng nhân dân ở khu vực biên giới, làm cơ sở quan trọng để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới

4. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại biên phòng. Đây là khâu quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng. Bởi lẽ, đối ngoại biên phòng là công tác đặc biệt, tính tổng hợp cao, các nhiệm vụ, tình huống xảy ra trên khu vực biên giới thường đa dạng về hình thức, phức tạp về tính chất, nội dung liên quan trực tiếp đến quan hệ quốc gia, dân tộc. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chú trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực toàn diện, có khả năng xử lý linh hoạt, đúng nguyên tắc các tình huống. Trong đó, Tỉnh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại, các tổ, đội trinh sát, vận động quần chúng và cán bộ, chiến sĩ ở các cửa khẩu, đồn, trạm biên phòng. Quá trình thực hiện, các đơn vị vận dụng đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp huấn luyện, bồi dưỡng tại chỗ với lựa chọn, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức. Để đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đơn vị còn tập trung huấn luyện cho bộ đội nắm vững quan điểm, phương châm, nguyên tắc nghiệp vụ đối ngoại biên phòng, kiến thức lễ tân ngoại giao và nội dung các văn bản pháp lý về biên giới mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết. Cùng với đó, tổ chức cho cán bộ, nhân viên luân phiên tham gia các hoạt động đối ngoại, phân công cán bộ có kinh nghiệm giúp đỡ chặt chẽ để họ nâng cao trình độ, năng lực và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Nhằm khắc phục thực trạng trình độ tiếng Trung Quốc của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, bên cạnh tăng cường tổ chức bồi dưỡng tại đơn vị, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tự học, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị phối hợp với lực lượng Biên phòng Bạn tổ chức “Lớp học hữu nghị Việt - Trung”, làm cơ sở nhân rộng trong toàn Tỉnh. Theo kế hoạch phối hợp, hằng tuần, hai bên luân phiên cử cán bộ sang đồn biên phòng tại các cửa khẩu để dạy tiếng cho nhau. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tỉnh biết tiếng Trung Quốc được nâng lên, đảm bảo đủ khả năng, tự tin, chủ động trong các hoạt động đối ngoại.

Phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa công tác đối ngoại biên phòng, thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đại tá TRỊNH QUỐC HUY, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.