Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 09/01/2015, 08:29 (GMT+7)
Kinh nghiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình
Bộ đội biên phòng Quảng Bình giúp người Rục ở Thượng Hóa, Minh Hóa làm lúa nước
(Ảnh: bienphong.com.vn)

Quảng Bình là tỉnh đất không rộng, nhưng có tuyến biên giới dài (với hơn 200 km biên giới đất liền và trn 100 m bờ biển), đi qua nhiều địa bàn phức tạp. Những năm qua, tình trạng vượt biên sang đất Bạn làm ăn trái phép, khai thác lâm thổ sản, săn bắt động vật hoang dã, vận chuyển khai thác gỗ, buôn lậu, gian lận thương mại, pháo nổ, vật liệu nổ, vũ khí, súng đạn qua biên giới, cửa khẩu, xuất nhập cảnh trái phép diễn biến tương đối phức tạp. Trên vùng biển, các hoạt động xâm phạm, khai thác trái phép tài nguyên và đe dọa, uy hiếp ngư dân ta của tàu thuyền nước ngoài gia tăng, v.v. Trước tình hình đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển được giao. Từ thực tiễn công tác, chúng tôi xin rút ra một số kinh nghiệm sau.

Trước hết, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới, ven biển. Thực tiễn cho thấy, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò của các cấp, các ngành và toàn dân tham gia bảo vệ biên giới là vấn đề hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện đường biên giới của Tỉnh dài, địa hình phức tạp, lực lượng chuyên trách còn mỏng. Hằng năm, cùng với việc tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các chỉ thị về bảo vệ biên giới, các đồn Biên phòng đã triển khai nhiều đội công tác về các địa bàn cơ sở để vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Để công tác này đạt hiệu quả, BĐBP đã cụ thể hóa và lựa chọn nội dung giáo dục, tuyên truyền thiết thực, phù hợp với từng địa phương. Trong đó, tập trung làm cho đồng bào hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của việc tham gia bảo vệ biên giới; nắm vững các nội dung hiệp ước, quy chế, quy định quản lý biên giới, cửa khẩu; thấy rõ việc bảo vệ biên giới cũng chính là bảo vệ tài sản của gia đình, dòng họ mình, v.v. Qua đó, đồng bào tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự ở khu vực biên giới. Đối với các xã ven biển, BĐBP Tỉnh đã vận động nhân dân xây dựng các tổ “Tự quản tàu thuyền, bến, bãi”, “Tổ đoàn kết trên biển”; nắm vững luật pháp nước ta và luật pháp quốc tế ở các vùng biển để chủ động kết hợp sản xuất với tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng nghìn tin báo có giá trị; trong đó, có những tin đã góp phần trực tiếp vào thắng lợi các chuyên án trọng điểm của BĐBP. Bên cạnh đó, BĐBP Tỉnh chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhất là xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang; động viên các gia đình đưa trẻ em trong độ tuổi đến trường; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp, phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người dân. Các trạm Y tế quân - dân y kết hợp ở các đồn, trạm Biên phòng đã tích cực, chủ động tham gia chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, đã cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh còn vận động và kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ hàng trăm tỷ đồng xây dựng hàng trăm Nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, làm đường ra biên giới, đường dân sinh tạo điều kiện cho nhân dân đi lại làm ăn, sinh sống thuận lợi. Những việc làm thiết thực, hiệu quả của BĐBP Quảng Bình đã tạo niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, BĐBP. Điều đó, cũng tạo điều kiện cho việc phát huy vai trò quần chúng nhân dân quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo.

Cùng với đó, BĐBP Tỉnh tích cực tham gia xây dựng khu dân cư, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cũng giống như nhiều tỉnh miền núi, biên giới khác, địa bàn biên giới của Quảng Bình chủ yếu tập trung đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn; mật độ dân cư thấp. Trước thực trạng đó, BĐBP Tỉnh chủ trương xây dựng, củng cố các khu dân cư biên giới, bảo đảm có cuộc sống ổn định, phát triển, góp phần xây dựng lực lượng và tạo lập thế trận biên phòng toàn dân bảo vệ đường biên, mốc giới ngày càng vững chắc. Thực hiện chủ trương đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động xây dựng Đề án quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư vùng biên giới. Để Đề án thực sự đi vào cuộc sống, BĐBP đã tổ chức chặt chẽ việc khảo sát địa bàn, nhằm điều tra nắm vững điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để triển khai thực hiện. Theo đó, các thôn, bản nằm trong dự án đều được đầu tư xây dựng cơ bản, gồm: nhà ở, khu vực tăng gia, sản xuất; hệ thống đường giao thông (đường vào bản, đường ra biên giới), trường, trạm, cùng các công trình thiết yếu khác, đảm bảo cho đồng bào không những ổn định cuộc sống, mà còn có thể làm giàu ở vùng biên giới. Hiện tại, các cụm dân cư mới, như bản: Tân Ly, Làng Ho (huyện Lệ Thủy) với những công trình đồng bộ, khang trang, sạch đẹp là một trong những điểm sáng của khu dân cư biên giới. Cùng với công tác quy hoạch, bố trí dân cư, BĐBP Tỉnh còn giúp dân nhiều mô hình sản xuất phong phú, phù hợp với từng địa bàn, như: chăn nuôi trâu, bò, lợn, dúi, ươm cây trồng rừng, cấy lúa nước; trong đó, mô hình trồng lúa nước đạt hiệu suất cao (40 tạ/ha) được đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Bình phấn khởi đón nhận như một luồng sinh khí mới. Để tạo niềm tin cho đồng bào về cách làm ăn mới, BĐBP hướng dẫn đồng bào quy trình trồng lúa nước từ khâu làm đất, ủ giống, gieo mạ đến khi thu hoạch. Từ kết quả ban đầu, BĐBP cùng các cơ quan chức năng của Tỉnh đã nghiên cứu, nhân rộng mô hình trồng lúa nước ra các xã biên giới: Cà Xèng, Cha Lo, Ra Mai, v.v. Nhờ đó, cây lúa nước đã phát triển mạnh, trở thành nguồn cung cấp lương thực chính, giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, yên tâm lao động sản xuất, xây dựng thôn, bản khu vực biên giới.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, các đơn vị Biên phòng Tỉnh luôn kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ. Trong điều kiện tổ chức biên chế có hạn, trong khi đó nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển nặng nề, phức tạp. BĐBP Tỉnh xác định  vấn đề quan trọng hàng đầu là phát huy vai trò nòng cốt của BĐBP, cùng với đó là sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân. Vì thế, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh chủ trương tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện chủ trương này, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung huấn luyện sát với điều kiện địa hình, nhiệm vụ và đối tượng tác chiến. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện huấn luyện theo hình thức cuốn chiếu và tích cực tổ chức học bù, học vét cho các thành phần thiếu, vắng, đảm bảo các đối tượng đều được huấn luyện đúng, đủ nội dung, chương trình theo quy định. Để khắc phục tình trạng này, chỉ huy các đơn vị chú trọng xây dựng kế hoạch khoa học, kết hợp giữa tổ chức lực lượng huấn luyện với phân công lực lượng làm nhiệm vụ ở các tổ, đội công tác để vừa thực hiện các biện pháp công tác biên phòng, vừa bảo đảm sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, cũng như đột xuất khi có tình huống, vừa bảo đảm quân số huấn luyện.

Để BĐBP Tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ trên hai tuyến biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quán triệt sâu sắc các chỉ lệnh, mệnh lệnh chiến đấu và huấn luyện của cấp trên; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng những nội dung mới, khó và phức tạp cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, nhất là những cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện ở các đơn vị. Cùng với đó, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện, như: giáo án, tài liệu, bãi tập, mô hình học cụ, thao trường, khu vực rèn luyện thể lực, v.v. Trong huấn luyện, các đơn vị bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” và các mối kết hợp, nhất là kết hợp huấn luyện với sẵn sàng chiến đấu. Trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển, BĐBP Tỉnh luôn coi trọng công tác bảo vệ đường biên, mốc giới, địa bàn và khu vực đóng quân. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã chú trọng huấn luyện đơn vị gắn với sẵn sàng chiến đấu tại chỗ bảo vệ đồn, trạm, địa bàn và khu vực; đồng thời, coi trọng xây dựng các phương án phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng khi có tình huống. Trong huấn luyện đơn vị, chỉ huy các cấp thường xuyên tổ chức luyện tập các phương án chiến đấu, tích cực tham gia diễn tập chiến đấu trị an trên địa bàn, diễn tập khu vực phòng thủ. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh còn tổ chức diễn tập vòng tổng hợp cho Tiểu đoàn cơ động, tác chiến trị an, nhằm rèn luyện khả năng xử lý tình huống có thể xảy ra trên các tuyến biên giới, vùng biển. Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, BĐBP Tỉnh còn tích cực đổi mới hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, bảo đảm cho bộ đội vừa sẵn sàng chiến đấu cao, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển là thực tiễn rất khắc nghiệt, gắn liền với gian khổ, hy sinh, đòi hỏi bộ đội phải có tâm thế vững vàng. Từ thực tiễn đó, trong huấn luyện hằng ngày, cũng như diễn tập đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, các đồn Biên phòng đã tạo ra các tình huống luyện tập sát với thực tế để bộ đội làm quen với những khó khăn, thách thức có thể xảy ra. Đồng thời, rèn luyện năng lực hành động, tác phong tích cực, kiên quyết, dũng cảm trước kẻ thù và những cám dỗ, tiêu cực của xã hội; đặc biệt là đẩy mạnh đấu tranh với các hiện tượng chủ quan, không hiểu rõ nhiệm vụ, không nắm vững đối tượng tác chiến, âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, v.v. Vì thế, khi đấu tranh với kẻ thù, các loại tội phạm, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Tỉnh rất vững vàng, giữ vững nguyên tắc, chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển. Ghi nhận những thành tích đã đạt được, BĐBP Tỉnh đã được Nhà nước và Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng cao quý: năm 2010, 2012, 2013, 2014 Bộ Quốc phòng tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng; năm 2011, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2014, Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Ngoài ra, hằng năm, BĐBP Tỉnh đều được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tặng Bằng khen, Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đại tá BÙI QUANG ĐỨC, Phó Chỉ huy trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.