Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 15/08/2013, 15:46 (GMT+7)
Kinh nghiệm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn 308

Là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Sư đoàn là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự và một số nhiệm vụ đột xuất khác. Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị, coi đó là nhân tố có tính nền tảng để Sư đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, Sư đoàn đã cụ thể hóa việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu thành các tiêu chí cụ thể sát với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị (CQ,ĐV); trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Hoạt động Câu lạc bộ thanh niên trong ngày nghỉ, giờ nghỉ

1. Tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp. Để làm được điều đó, Sư đoàn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là đối với đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, đối ngoại quân sự và đơn vị hoạt động phân tán, độc lập. Nội dung giáo dục toàn diện, trong đó tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nắm vững quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; tình hình nhiệm vụ của Quân đội, của đơn vị; âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” và mưu đồ thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta của các thế lực thù địch. Qua đó, xây dựng cho mọi quân nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao cảnh giác, tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình giáo dục, Sư đoàn coi trọng việc đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục sát với đặc thù của một đơn vị chủ lực, cơ động của Bộ, phù hợp với từng đối tượng; kết hợp giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục đột xuất theo nhiệm vụ; giữa giáo dục cơ bản với nắm chắc diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng, giải quyết dứt điểm các vướng mắc nảy sinh. Đồng thời, chú trọng trang bị cho CB,CS những kiến thức về pháp luật, về đối ngoại quân sự,… cùng những luận giải khoa học để có nhận thức và ứng xử đúng đắn với các tình huống phức tạp, nhất là trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.

Cùng với đó, Sư đoàn tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng. Sau đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, Sư đoàn đã chỉ đạo các CQ,ĐV thực hiện nhiều biện pháp nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm tạo chuyển biến rõ nét trong đơn vị. Đến nay, 100% đại đội trong Sư đoàn có chi bộ; 100% chi bộ đại đội đủ quân có chi ủy. Những tồn tại, hạn chế trong công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ… ở một số cấp ủy được chỉ ra trong kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đến nay đã và đang được khắc phục. Rõ nét nhất là trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ở các cấp đã bảo đảm nguyên tắc, quy trình, khách quan, khoa học, chính xác; lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và cá nhân cán bộ làm cơ sở đề bạt, bổ nhiệm. Bên cạnh đó, “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) được Sư đoàn thường xuyên chú trọng; qua đó, tích cực xây dựng và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến làm nòng cốt để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

2. Đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao khả năng, trình độ SSCĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Xác định huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên của đơn vị trong thời bình; là yếu tố quyết định trình độ, khả năng tác chiến của bộ đội, sức mạnh chiến đấu của đơn vị, nên những năm qua, Sư đoàn luôn coi trọng công tác này. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và bám sát các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, nhất là Nghị quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn đã có nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện cho các CQ,ĐV. Hằng năm, Đảng ủy Sư đoàn đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện; trong đó, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung và biện pháp thực hiện. Trước khi huấn luyện, Sư đoàn tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ các cấp; trên cơ sở đó, tổ chức điều chỉnh lực lượng, ổn định tổ chức, biên chế đơn vị theo đúng quy định của Bộ và Quân đoàn1. Đồng thời, Sư đoàn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện và chuẩn bị các loại mô hình, học cụ, giáo án, thao trường, bãi tập, nhất là bảo đảm đường cơ động và thao trường huấn luyện cho xe cơ giới. Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo nên trong thực hành huấn luyện có nhiều thuận lợi, chất lượng huấn luyện của Sư đoàn không ngừng được nâng lên. Năm 2012, 100% nội dung huấn luyện đều đạt yêu cầu; trong đó, có 75 - 80% khá và giỏi; 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp (trong đó, trên 90% cán bộ tiểu đoàn, 85% cán bộ đại đội, 80% cán bộ trung đội huấn luyện đạt khá, giỏi). Trong quá trình huấn luyện, các đơn vị đã bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với đặc điểm, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, trang bị, đối tượng tác chiến và địa bàn hoạt động. Trong đó, lấy huấn luyện chiến thuật làm trung tâm; huấn luyện kỹ thuật, binh chủng làm cơ sở; huấn luyện cán bộ làm khâu then chốt. Coi trọng huấn luyện cho bộ đội giỏi tác chiến bằng vũ khí trong biên chế, tác chiến độc lập và thành thạo tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng; chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng cơ động đường dài, huấn luyện đêm trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Riêng đối với các đơn vị làm nhiệm vụ đối ngoại quân sự, Sư đoàn chỉ đạo xây dựng các chương trình huấn luyện chuyên sâu; trong đó, tập trung vào phương pháp tổ chức chỉ huy chiến đấu hiện đại; diễn tập tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng và kỹ thuật bắn trên xe cơ giới trong điều kiện phức tạp; đồng thời, chú trọng kỹ năng trình diễn đội mẫu phục vụ các đoàn nước ngoài tham quan, góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Huấn luyện vượt chướng ngại nước cho xe BMP-1

Cùng với huấn luyện cho lực lượng thường trực, Sư đoàn coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện cho lực lượng dự bị động viên (DBĐV). Trước hết, Sư đoàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để nắm nguồn, sắp xếp, kiện toàn biên chế vào các đơn vị huấn luyện đủ theo quy định; tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ “khung B” và duy trì huấn luyện, kiểm tra theo kế hoạch riêng bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, chất lượng. Kết thúc mỗi giai đoạn huấn luyện, Sư đoàn đều tổ chức diễn tập (cấp tiểu đoàn có một đại đội DBĐV bắn đạn thật), nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng xử trí các tình huống tác chiến cho từng đơn vị DBĐV. Bên cạnh đó, Sư đoàn tích cực đổi mới công tác điều hành, quản lý huấn luyện theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”; công tác hội thao, kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện được tổ chức chặt chẽ đã phản ánh thực chất, khách quan chất lượng huấn luyện của đơn vị. Mặt khác, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiện toàn, bổ sung các loại văn kiện SSCĐ (A, A2); phương án phòng, chống thiên tai, bão lụt, cháy nổ, cháy rừng… và hiệp đồng với địa phương tổ chức luyện tập, diễn tập nâng cao khả năng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Với nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả; năm 2012, Sư đoàn là đơn vị đứng đầu Quân đoàn về công tác huấn luyện, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.

3. Nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, cải cách hành chính quân sự và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật đối với việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, của đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ nhiệm vụ này và coi đây là một khâu đột phá trong xây dựng CQ,ĐV vững mạnh toàn diện. Để công tác này đi vào chiều sâu và ổn định vững chắc, Sư đoàn chủ trương: vừa duy trì nghiêm nền nếp các chế độ quy định, vừa tăng cường giáo dục, động viên mọi người thực hiện nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Đáng chú ý là, Sư đoàn đã phát huy vai trò của các tổ chức trong đơn vị; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là thực hiện “đối thoại dân chủ” giữa lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và CB,CS để tìm biện pháp thực hiện hiệu quả. Qua đó, đã xuất hiện nhiều sáng kiến hay, như: phong trào “Thanh niên tự quản”, thành lập “Ban an toàn giao thông” nội bộ, góp phần đưa công tác này đi vào chiều sâu, thành ý thức tự giác của mọi quân nhân ở mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, Sư đoàn còn đẩy mạnh “cải cách hành chính quân sự”, tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác, lề lối làm việc của cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ quan, nhằm nâng cao khả năng nắm, dự báo tình hình và tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp; đồng thời, thực hiện tốt quy chế bảo vệ chính trị nội bộ, phòng gian, bảo mật… Nhờ đó, những năm gần đây, tình hình Sư đoàn luôn ổn định (năm 2012, tỷ lệ vi phạm kỷ luật giảm xuống còn 0,07%, số vụ việc nghiêm trọng giảm 100% so với năm 2011), tham gia cuộc thi CQ,ĐV “chính quy, điều lệnh, kỷ luật” do Quân đoàn tổ chức (năm 2012), cả 3 khối: cơ quan, đơn vị đủ quân, đơn vị khung thường trực của Sư đoàn đều đạt giải Nhất.

Hội thi Bếp nuôi quân giỏi

Công tác hậu cần, kỹ thuật bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất được Sư đoàn luôn quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Về công tác hậu cần, Sư đoàn chú trọng xây dựng đầy đủ các văn kiện, kế hoạch hậu cần theo các phương án SSCĐ ở các cấp; bảo đảm tốt lượng dự trữ vật chất hậu cần SSCĐ theo quy định và duy trì nghiêm các chế độ, quy định về luân phiên, đổi hạt… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Sư đoàn tích cực đổi mới phương thức bảo đảm, kết hợp khai thác nguồn hậu cần tại chỗ với nguồn của trên cấp và đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi trong đơn vị để bảo đảm tiêu chuẩn định lượng, nâng cao đời sống của bộ đội; đồng thời, thực hiện tốt việc tiết kiệm trong sử dụng ngân sách, xăng dầu, điện, nước… Đối với công tác kỹ thuật, Sư đoàn chú trọng bảo đảm kịp thời, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), phương tiện, xe máy cho các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, SSCĐ và cứu hộ, cứu nạn; kết hợp chặt chẽ giữa bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa… VKTBKT theo quy định với tăng cường nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp, tăng hạn sử dụng để kéo dài tuổi thọ VKTBKT. Sư đoàn phấn đấu thường xuyên duy trì hệ số kỹ thuật (Kt=1), hệ số bảo đảm (Kbđ=1) cho các phương tiện, xe máy… phục vụ nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Sư đoàn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với tên gọi “Sư đoàn quân Tiên phong” anh hùng.


Đại tá DOÃN THÁI ĐỨC
Sư đoàn trưởng
__________

1 - Quân số đơn vị huấn luyện đạt 92% trở lên, đơn vị làm nhiệm vụ A2 đạt 97%, đơn vị trực SSCĐ cho Bộ và Quân đoàn đạt 100%.

Ý kiến bạn đọc (0)