Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 18/12/2014, 15:55 (GMT+7)
Kinh nghiệm nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở Lữ đoàn 242
Thượng tá Phạm Khắc Dũng (người đứng) chỉ huy đơn vị diễn tập tổng hợp
(Ảnh: qdnd.vn)

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo vùng Đông Bắc của Tổ quốc, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị vượt qua mọi khó khăn, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được kết quả tương đối toàn diện. Điều đáng nói là, hằng năm, cùng với hoàn thành 100% nội dung, thời gian, chương trình huấn luyện, SSCĐ cho các đối tượng theo kế hoạch, Lữ đoàn còn đạt được những thành tích mang tính đột phá. Trong đó, kết quả kiểm tra bắn đạn thật các loại súng và chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, binh chủng, kỹ thuật bơi vũ trang,… đều đạt khá, giỏi. Năng lực tổ chức chỉ huy, trình độ tham mưu - tác chiến của đội ngũ cán bộ các cấp được nâng lên. Hệ thống kế hoạch huấn luyện và phương án tác chiến ở các cấp, nhất là phương án phối hợp với các lực lượng trên địa bàn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tìm kiếm cứu nạn,... thường xuyên được bổ sung, hoàn chỉnh, bảo đảm sát với đối tượng, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động của đơn vị. Qua đó, chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ của các đơn vị được nâng cao, tạo cơ sở để Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đạt được, năm 2013, Lữ đoàn được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng Bằng khen, Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị Huấn luyện Giỏi”. Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác huấn luyện, SSCĐ, Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, tập trung giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng huấn luyện, SSCĐ của Lữ đoàn. Đặc biệt trong điều kiện, trang bị, khí tài của đơn vị có hạn, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, thì nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ có ý nghĩa quan trọng đối với sức mạnh SSCĐ và chiến đấu của Lữ đoàn. Nhận thức rõ điều đó, trước mỗi giai đoạn huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác huấn luyện, trọng tâm là Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” cùng mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Quân khu về công tác huấn luyện, SSCĐ cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề; trọng tâm xác định nội dung, biện pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ trong tình hình mới. Về nội dung giáo dục, đã được Lữ đoàn triển khai một cách toàn diện; trong đó, tập trung làm cho bộ đội hiểu rõ tình hình, nhiệm vụ của Quân đội, của đơn vị và vị trí, vai trò của công tác huấn luyện, SSCĐ đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được trong huấn luyện cho từng đối tượng; những thuận lợi, khó khăn đang đặt ra; từ đó, nêu cao quyết tâm, nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trên từng cương vị, chức trách đối với công tác huấn luyện, SSCĐ.

Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông vừa qua, Lữ đoàn kịp thời chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội. Trên cơ sở đó, xây dựng cho bộ đội niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng; vào vũ khí, trang bị hiện có, nghệ thuật quân sự và cách đánh của lực lượng vũ trang ta. Qua đó, khắc phục các biểu hiện tư tưởng chủ quan, hoặc bi quan, dao động thiếu niềm tin trong huấn luyện, SSCĐ. Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản, thường xuyên với giáo dục chuyên đề theo nhiệm vụ; gắn việc xây dựng quyết tâm, trách nhiệm với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo phương châm: sâu, rộng, cụ thể, thiết thực, sát chức trách, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của từng cá nhân, đơn vị. Đồng thời, Lữ đoàn chú trọng tổ chức các phong trào thi đua, nhất là các đợt thi đua đột kích, gắn với phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,…), Hội đồng quân nhân trong toàn đơn vị, tạo sức mạnh tổng hợp, tinh thần tự giác, trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ trong huấn luyện, SSCĐ. Nhờ đó đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn có nhận thức đúng về nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, có ý thức, quyết tâm, trách nhiệm cao, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, bảo đảm sát yêu cầu nhiệm vụ đơn vị. Công tác huấn luyện nói chung, nội dung và phương pháp huấn luyện nói riêng được Lữ đoàn chỉ đạo thường xuyên và đã trở thành nền nếp của đơn vị. Tuy vậy, ở một số mặt còn theo lối mòn, nội dung chưa sát với thực tiễn hoạt động của đơn vị, nên chưa tạo ra đột phá mới trong huấn luyện, SSCĐ. Để khắc phục tình trạng này, Lữ đoàn tập trung đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, nhất là huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ theo hướng: sát đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động, coi đó là biện pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của đơn vị.

Nét mới trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ của Lữ đoàn là, nội dung đã bám sát thực tiễn, đặc điểm của đơn vị cơ sở và hướng vào giải quyết khâu yếu, mặt khó, vấn đề mới. Trong đó, Lữ đoàn tập trung vào thống nhất về quy trình xây dựng và thông qua giáo án huấn luyện; thống nhất thứ tự, nội dung, phương pháp một buổi thực hành huấn luyện và tổ chức luyện tập kỹ thuật, chiến thuật tại thực địa. Để nâng cao chất lượng cho các lớp bồi dưỡng, Lữ đoàn lựa chọn một số đồng chí cán bộ có trình độ, kinh nghiệm huấn luyện tiêu biểu để làm mẫu, sau đó tiến hành thảo luận, rút ra điểm mạnh, điểm yếu để thống nhất triển khai thực hiện ở các đơn vị. Nhờ đó, hệ thống sổ sách giáo án và nội dung, phương pháp huấn luyện của đội ngũ cán bộ trong toàn Lữ đoàn được thực hiện thống nhất, đồng bộ, sát yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ.

Đối với huấn luyện đơn vị, nhất là ở 03 khung huấn luyện chiến sĩ mới (thuộc các tiểu đoàn: 162, Cô Tô, Ngọc Vừng), căn cứ vào nội dung, chương trình quy định, Lữ đoàn bổ sung một số nội dung, phương pháp huấn luyện mới cho đơn vị, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Điển hình là, nội dung huấn luyện kỹ thuật bắn súng bộ binh, nhờ mạnh dạn thực hiện phương pháp kết hợp giữa luyện tập tích cực và thực hành bắn thử bằng đạn thật (mỗi tháng một tư thế), mà kết quả của Lữ đoàn được nâng lên rõ rệt. Riêng nội dung kiểm tra ném lựu đạn và đánh thuốc nổ, Lữ đoàn chỉ đạo cán bộ các đơn vị thực hành làm mẫu “ném, đánh” trước cho bộ đội quan sát, sau đó lần lượt đưa chiến sĩ lên thực hành kiểm tra. Đối với huấn luyện bơi vũ trang, thay vì đưa bộ đội ra biển huấn luyện ngay từ đầu như trước đây, Lữ đoàn tổ chức tiến hành huấn luyện cơ bản theo 3 bước: (1) huấn luyện động tác kỹ thuật cơ bản bơi trên cạn; (2) tổ chức cho bộ đội tiếp nước và luyện tập bơi ngay trong hồ của đơn vị (những đồng chí bơi yếu được tập theo giáo án riêng); (3) đưa bộ đội ra biển rèn luyện bơi nâng cao. Nhờ sự đổi mới này, khả năng bơi của bộ đội được nâng lên một bước mới.

Cùng với đó, Lữ đoàn thường xuyên nắm vững tình hình các mặt, kịp thời bổ sung, điều chỉnh các phương án tác chiến; coi trọng tổ chức các cuộc diễn tập, nhất là diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên 1 cấp trên bản đồ và ngoài thực địa (có  một phần thực binh); phòng, chống thiên tai, tìm   kiếm - cứu nạn; phòng, chống cháy, nổ, cháy rừng; đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng,… trên địa bàn tổ chức diễn tập tác chiến hiệp đồng đánh địch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn luôn kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, SSCĐ với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ khả năng SSCĐ của đơn vị.

Ba là, thực hiện tốt các mặt bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Đứng chân và làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc, phạm vi Lữ đoàn đảm nhiệm rộng; lực lượng, phương tiện nhiều, lại đóng quân ở xa đất liền, xa sự chỉ đạo của cấp trên, nên thực hiện tốt công tác bảo đảm các mặt là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của Đơn vị. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới”; Chỉ thị 33/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng về quản lý, sử dụng vũ khí, đạn SSCĐ, Lữ đoàn đã thường xuyên đẩy mạnh công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ; trong đó, tập trung bảo đảm đầy đủ về số lượng, chất lượng, sự đồng bộ của vũ khí, trang bị, phương tiện cho nhiệm vụ này. Trước hết, Lữ đoàn tổ chức tốt việc rà soát, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở đơn vị, nhất là ở đơn vị cơ sở, bảo đảm đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Lữ đoàn đẩy mạnh thực hiện “Cuộc vận động 50” ở từng đơn vị, mà trọng tâm là nâng cao hệ số kỹ thuật của vũ khí, trang bị, phương tiện, khí tài; các thiết bị ở thao trường, bãi tập, thiết bị mô phỏng phục vụ yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Để công tác này sát với thực tế chiến đấu, Lữ đoàn chú trọng nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật trong các tình huống diễn tập, diễn tập tổng hợp, nhất là trong điều kiện tác chiến độc lập trên các đảo. Đối với công tác hậu cần, Lữ đoàn chủ động chỉ đạo cơ quan phối hợp với các đơn vị thường xuyên duy trì và quản lý chặt chẽ lượng vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ thường xuyên, cũng như đột xuất trong mọi tình huống. Đẩy mạnh phong trào tăng gia, chăn nuôi tại đơn vị, nhất là đầu tư xây dựng vườn rau chuyên canh, khu tăng gia và tiếp phẩm tập trung, cung cấp nhiều loại rau, thực phẩm tại chỗ có giá trị cho đơn vị1. Công tác phòng dịch, rèn luyện thể lực, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội cũng được Lữ đoàn quan tâm chăm lo. Bởi vậy, tỷ lệ quân số khỏe của Lữ đoàn luôn đạt trên 98%. Đây cũng là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá PHẠM KHẮC DŨNG, Lữ đoàn trưởng
____________________

1 - Năm 2013, các đơn vị của Lữ đoàn thu hoạch từ tăng gia, chăn nuôi được gần 200 tấn rau, quả, hơn 150 tấn thịt lợn, 10 tấn cá tươi và 10 tấn thịt gia cầm.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.