Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 27/08/2021, 08:21 (GMT+7)
Kinh nghiệm huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới ở Sư đoàn 308

Huấn luyện chiến thuật là nội dung quan trọng trong chương trình huấn luyện chiến đấu, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải thuần thục và vận dụng linh hoạt kiến thức tổng hợp, cả kỹ thuật chiến đấu bộ binh, binh chủng, ngành, thể lực,… trong từng bài tập, trận chiến đấu, chiến dịch. Đối với đơn vị bộ binh cơ giới, nội dung này càng có ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo cơ sở cho việc rèn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá tình hình, hạ quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy nhanh, chính xác; nâng cao trình độ sử dụng vũ khí, trang thiết bị của bộ đội, phát huy cao nhất hiệu quả hỏa lực tăng, thiết giáp trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, v.v. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) có nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng công tác huấn luyện; trong đó, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới theo hướng thiết thực, sát địa bàn, đối tượng tác chiến, phù hợp với vũ khí, trang thiết bị hiện có và kinh nghiệm, truyền thống của Quân đoàn là trọng tâm.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác huấn luyện, nhất là Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng, Mệnh lệnh công tác quân sự của Tư lệnh Quân đoàn, hướng dẫn của cơ quan cấp trên, hằng năm, Đảng ủy Sư đoàn ra nghị quyết lãnh đạo, xác định huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; chỉ đạo các đơn vị xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy, người chỉ huy; trong đó, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu và các chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể, phù hợp đặc điểm, tổ chức biến chế cơ quan, đơn vị mình. Để bảo đảm phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy trong tổ chức chuẩn bị, thực hành huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới, Sư đoàn yêu cầu việc xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện, đầu bài, tưởng định, các văn kiện chỉ đạo, đạo diễn,… phải được cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, thông qua; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cấp ủy viên phụ trách. Đồng thời, cử cán bộ cơ quan xuống hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc đơn vị, nhất là các bộ phận đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng. Cùng với đó, Sư đoàn tăng cường công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức cho bộ đội về vị trí, ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ luyện tập, diễn tập chiến thuật, truyền thống, kinh nghiệm chiến đấu của đơn vị, Quân đoàn, cùng những khó khăn, thách thức,… làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ tin tưởng vào vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam; đề cao trách nhiệm trong tổ chức chuẩn bị, thực hành huấn luyện chiến thuật. Từ đó, xây dựng động cơ, quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Báo cáo Quyết tâm chiến đấu trên sa bàn

Là đơn vị có bề dày thành tích trong huấn luyện, diễn tập, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Sư đoàn còn không ít khó khăn, như: trình độ đội ngũ cán bộ không đều, số cán bộ được đào tạo cơ bản bộ binh cơ giới, tăng thiết giáp và cán bộ ngành kỹ thuật (kỹ sư) còn thiếu; điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí hạn hẹp; xe tăng thiết giáp qua khai thác sử dụng nhiều năm xuống cấp, tính đồng bộ không cao, hành trình dự trữ thấp; thao trường, bãi tập ngày càng bị thu hẹp, v.v. Để nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới, hằng năm, Sư đoàn tổ chức rà soát điều chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị của các đơn vị, ưu tiên bố trí đủ cán bộ cho các đơn vị trực sẵn sàng chiến đấu và thực binh bắn đạn thật. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức đào tạo lại và gửi đi đào tạo lại tại Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp cho số cán bộ không đúng chuyên ngành bộ binh cơ giới; duy trì nền nếp công tác tập huấn và kế hoạch huấn luyện tuần, tháng cho cán bộ các cấp. Nội dung huấn luyện đi sâu vào những điểm còn yếu của năm trước, nội dung mới, sửa đổi; tổ chức phương pháp huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới; huấn luyện các bài bắn, lái, sử dụng thông tin trên xe BMP-1, PT76, ĐM-2, T54, T55; diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp đại đội, tiểu đoàn bộ binh cơ giới, diễn tập chỉ huy tham mưu trên bản đồ, ngoài thực địa có một phần thực binh bắn đạn thật, v.v. Chú trọng đối tượng bồi dưỡng, tập huấn là cán bộ đại đội, trung đội, trưởng xe, cán bộ mới ra trường, ít kinh nghiệm thực tiễn. Đối với lái xe, tập trung huấn luyện nâng cao trình độ lái tổng hợp dốc, lái bơi nước, lái trong đội hình chiến đấu, lái tổng hợp qua các vật cản, v.v.

Cùng với chuẩn bị về con người, Sư đoàn coi trọng làm tốt công tác kế hoạch, bảo đảm cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập; tích cực phát huy nội lực, huy động hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn ngày công tu sửa, nâng cấp phòng học chuyên dùng, hệ thống bến vượt, đường cơ động, vị trí bố trí mục tiêu,… khu vực bãi tập chiến thuật. Hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn đóng quân để tổ chức huấn luyện, như: Trường bắn TB4; Đồng Doi, v.v. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ huấn luyện được tiến hành sôi nổi, rộng khắp, chất lượng tốt. Trong 5 năm qua, Sư đoàn có trên 200 sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trong đó có nhiều sáng kiến, cải tiến có giá trị, như: bộ điều khiển xa vô tuyến điện RP25; thiết bị cảnh báo cháy nổ kho, trạm đạt giải Nhì toàn quân, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập của đơn vị.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), đối tượng tác chiến có ưu thế về vũ khí công nghệ cao; khả năng cơ động, trinh sát phát hiện hiện đại; tác chiến điện tử mạnh, phản ứng nhanh, linh hoạt, v.v. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đơn vị cơ động chiến lược của Bộ, Sư đoàn đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới theo hướng sát nhiệm vụ, thực tế chiến đấu, địa bàn hoạt động và cập nhật những vấn đề mới về nghệ thuật tác chiến bộ binh cơ giới trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, v.v. Bám sát chỉ thị, kế hoạch của trên, nhiệm vụ được giao, những năm gần đây, Sư đoàn tích cực nghiên cứu, đưa vào huấn luyện, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp đại đội bộ binh cơ giới các nội dung mới, như: cơ động lực lượng gắn với phòng tránh, đánh trả địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao; di chuyển, dịch chuyển đội hình chiến đấu; ngụy trang, nghi trang, nghi binh; phòng, chống tác chiến điện tử; tăng cường luyện tập, diễn tập các hình thức tác chiến tiến công địch đổ bộ đường không, lâm thời phòng ngự, v.v. Để đạt hiệu quả cao, Sư đoàn yêu cầu cán bộ huấn luyện các cấp phải trực tiếp chuẩn bị, thục luyện giáo án và giảng thử trước ít nhất một tuần. Các cơ quan, đơn vị thực hiện kiên quyết, chặt chẽ tất cả nội dung đề ra, từ chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cơ động trú quân, tập kết, đến tổ chức chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu. Quá trình huấn luyện, chấp hành nghiêm quy trình, từ đội ngũ chiến thuật bộ binh không xe đến tập tổng hợp có xe, từ cấp tiểu đội bộ binh cơ giới đến cấp đại đội bộ binh cơ giới, tập chiến thuật tiểu đoàn bộ binh cơ giới; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện theo tình huống; huấn luyện bộ đội khai thác sử dụng thành thạo thông tin liên lạc trên xe, cũng như khả năng hiệp đồng chiến đấu giữa bộ binh với xe tăng, thiết giáp.

Nhằm đưa bộ đội vào sát với các tình huống chiến đấu, rèn luyện năng lực tư duy, khả năng tổ chức, điều hành tác chiến của người chỉ huy và cơ quan, nhất là tính quyết đoán, năng lực sáng tạo, nhạy bén trong xử lý các tình huống, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực nghiên cứu, sử dụng thiết bị mô phỏng, phương tiện tượng trưng, tạo giả điều khiển xa; gửi lệnh được mã hóa qua phương tiện thông tin,… trong luyện tập, diễn tập các cấp. Tổ chức rèn luyện hành quân xa, mang vác nặng chặt chẽ, nghiêm túc, sát đối tượng, địa bàn, phương án tác chiến, nâng cao sức bền, khả năng cơ động của bộ đội.

Cùng với các nội dung, biện pháp trên, Sư đoàn coi trọng kết hợp huấn luyện chiến thuật với rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy; duy trì nghiêm quy chế công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác huấn luyện ngày, tuần, tháng và công tác bảo đảm an toàn, kịp thời phát hiện, khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với phong trào thi đua huấn luyện giỏi, v.v.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, biện pháp phù hợp, hiệu quả, công tác huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới của Sư đoàn có sự chuyển biến tiến bộ rõ nét. Trong 05 năm qua, kết quả huấn luyện cán bộ và phân đội: 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% - 80% khá, giỏi; 100% các cuộc diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp đại đội bộ binh cơ giới; diễn tập chỉ huy tham mưu trên bản đồ và ngoài thực địa có một phần thực binh bắn đạn thật đều đạt khá, bắn chiến đấu đạt giỏi, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, trong cuộc Diễn tập DT-17, các lực lượng của Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với 01 tiểu đoàn bộ binh cơ giới bắn chiến đấu đạt giỏi, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng biểu dương, khen thưởng. Thông qua huấn luyện, diễn tập, trình độ tổ chức, chỉ huy, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ các cấp được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Đơn vị.

Từ thực tiễn huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới, Sư đoàn rút ra một số kinh nghiệm sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp trong huấn luyện chiến thuật. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối quân sự, nghệ thuật tác chiến, vũ khí, trang bị hiện có và khả năng đánh thắng kẻ thù trong mọi tình huống.

2. Tiến hành công tác chuẩn bị huấn luyện chiến thuật đầy đủ, chu đáo, toàn diện, từ con người đến các loại văn kiện, giáo án, bài giảng, cơ sở vật chất bảo đảm, thao trường, bãi tập. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ ngày kỹ thuật hằng tuần, góp phần nâng cao chất lượng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện chiến thuật.

3. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ đại đội, trung đội, trưởng xe, lái xe, cán bộ trẻ mới ra trường, làm cơ sở huấn luyện cho phân đội. Duy trì nghiêm chế độ thông qua giáo án cho cấp dưới bằng giảng thử; động viên đội ngũ cán bộ tận dụng thời gian tự học, tự nghiên cứu, thục luyện giáo án nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp huấn luyện.

4. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện chiến thuật bộ binh cơ giới theo hướng sát nhiệm vụ, địa bàn, phương án tác chiến. Chú trọng huấn luyện đêm, huấn luyện dịch chuyển, cơ động phòng tránh, đánh trả địch tiến công bằng vũ khí công nghệ cao và huấn luyện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dã ngoại dài ngày. Đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng và diễn tập đối kháng.

5. Kết hợp huấn luyện chiến thuật với rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy; quan tâm chăm sóc sức khỏe bộ đội; duy trì nền nếp công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm huấn luyện và công tác bảo đảm an toàn, kịp thời phát hiện, khắc phục khâu yếu, mặt yếu.

6. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, gắn với phong trào thi đua huấn luyện giỏi, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị.

Đại tá VŨ VIỆT HÙNG, Sư đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.