Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 13/10/2022, 08:11 (GMT+7)
Kinh nghiệm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Chăm của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận

Nằm ở vùng duyên hải, cực Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (34 dân tộc), cư trú đan xen và rộng khắp trên các địa bàn. Trong đó, đồng bào Chăm là một trong những dân tộc có số dân đông nhất, với hơn 9.041 hộ/39.656 khẩu, chiếm 3,12% dân số toàn Tỉnh và chiếm 38,98% so với số dân các dân tộc thiểu số, sống tập trung chủ yếu ở 04 xã thuần và 09 thôn xen ghép thuộc 6/10 huyện, thị, thành phố (cư trú đông nhất ở huyện Bắc Bình, chiếm 57,28%); trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn. Đồng bào Chăm theo hai tôn giáo chính là Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bà ni; sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy theo phong tục truyền thống. Ngoài ra, còn một số đồng bào Chăm theo đạo Islam. Đây cũng là vấn đề mà các thế lực thù địch đã, đang triệt để lợi dụng để gia tăng các hoạt động chống phá hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Tỉnh, v.v.

Công tác dân vận nói chung, trong Quân đội nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân, góp phần giữ vững và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn coi trọng và thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Chăm nói riêng. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, hằng năm, lực lượng vũ trang Tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể. Theo đó, các đơn vị lực lượng vũ trang cấp tỉnh, huyện, xã đều xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch tại vùng dân tộc thiểu số; thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, tham gia đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các phần tử xấu, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các mô hình như: “Tự phòng, tự quản”, “Ánh sáng an ninh”, “Dân vận khéo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, “Lực lượng vũ trang tăng cường đoàn kết với dân tộc, tôn giáo”, “Nhà tình nghĩa quân - dân”,... được xây dựng và nhân rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng vùng đồng bào dân tộc Chăm, từ năm 2018 đến nay, lực lượng vũ trang Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà “Tình nghĩa quân - dân” cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thắt chặt tình quân - dân trong tình hình mới. Công tác hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào được xem là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Tỉnh và được triển khai thường xuyên, liên tục nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nâng cao đời sống tinh thần, vật chất. Các hoạt động được tổ chức thường xuyên, như: biểu diễn văn nghệ, giao lưu, kết nghĩa, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; huy động nguồn lực sửa chữa đường liên thôn, kênh mương nội đồng, trường học, nhà ở, v.v.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh thăm chúc tết Ramưwan
của đồng bào dân tộc Chăm

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang Tỉnh quan tâm triển khai thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào dân tộc Chăm nói riêng; gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, v.v. Trong thực hiện, các cơ quan, đơn vị đã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cốt cán, đoàn viên, hội viên là người dân tộc Chăm để tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, cử cán bộ phụ trách bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh luôn là lực lượng tiên phong, có mặt “mọi lúc, mọi nơi” hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phòng, chống dịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, thuốc, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ở vùng đồng bào dân tộc Chăm, thông qua các mô hình như: “Phiên chợ không đồng”, “Cửa hàng không đồng”, “Cửa hàng nhân ái”, “Chuyến xe tình nghĩa”, “10.000 ly sữa cho trẻ vùng dân tộc thiểu số”, “Tổ vay vốn tiết kiệm”, v.v.

Với những việc làm thiết thực trên của lực lượng vũ trang Tỉnh đã góp phần giúp cho đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào Chăm nói riêng không ngừng nâng cao đời sống, vươn lên no ấm, tiến bộ, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; giữ vững và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc, đồng bào luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Từ thực tiễn tiến hành công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Chăm, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận rút ra một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.

Một là, thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực tiến hành công tác dân vận cho các tổ chức, lực lượng làm nhiệm vụ quan trọng này. Đây là nội dung, kinh nghiệm quan trọng hàng đầu, nhằm bổ sung, phát triển, nâng cao ý thức chính trị, trình độ thực tế và khả năng công tác để các tổ chức, các lực lượng làm công tác dân vận hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cho thấy, những năm qua, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Tỉnh đã coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực tiến hành công tác dân vận cho các tổ chức, các lực lượng, nên tạo được những chuyển biến tiến bộ, góp phần quan trọng vào chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, trước những phát triển, diễn biến phức tạp của thực tiễn, nhất là những tác động, lôi kéo, kích động của các thế lực chống phá trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực công tác dân vận cho các tổ chức, các lực lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ dân vận trong tình hình mới; kịp thời khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa tích cực học tập, rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ, năng lực công tác dân vận ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ dân vận của đơn vị. Đồng thời, phải lưu ý những yếu tố ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Chăm nói riêng.

Hai là, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan để tiến hành công tác dân vận. Đây là bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn tiến hành công tác dân vận trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta nói chung, lực lượng vũ trang Tỉnh nói riêng. Thực tiễn đó cũng thêm phần khẳng định, chỉ khi nào sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Tỉnh với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các lực lượng khác trên địa bàn được chặt chẽ, đồng bộ, khoa học thì công tác dân vận nói chung, vùng đồng bào Chăm nói riêng mới thu được kết quả toàn diện. Ngược lại, nếu cơ quan, đơn vị nào không coi trọng việc phối hợp, kết hợp này thì khó tránh khỏi những vướng mắc, bị động, chồng chéo hoặc bỏ sót địa bàn quan trọng và kết quả công tác dân vận sẽ không cao. Do đó, công tác dân vận của lực lượng vũ trang Tỉnh phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể ở địa phương. Phát huy vai trò cơ quan quân sự địa phương vừa làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, vừa là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn cùng tiến hành công tác dân vận.

Ba là, nắm chắc tình hình mọi mặt của địa phương, lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác dân vận cho phù hợp. Thực tiễn cơ cấu dân số, phong tục, tập quán,... của đồng bào các dân tộc thiểu số của Tỉnh cho thấy, đồng bào dân tộc Chăm có số lượng lớn, với nhiều nét văn hóa riêng, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hủ tục còn tồn tại, tình hình tín ngưỡng tôn giáo đa dạng, phức tạp, v.v. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở địa bàn này, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên phối hợp với các lực lượng khác tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là tình hình dân tộc, tôn giáo, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, đời sống vật chất, tinh thần cũng như phong tục, tập quán văn hóa của nhân dân và của già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc cũng như mọi hoạt động của của địa phương để lựa chọn nội dung và các hình thức, biện pháp tiến hành công tác dân vận phù hợp.

Bốn là, coi trọng và phát huy tốt vai trò những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và trong các tôn giáo. Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số của Tỉnh nói chung, đồng bào dân tộc Chăm nói riêng, những người có uy tín là bộ phận có vai trò rất quan trọng trong nhân dân; tiếng nói, việc làm của họ có ảnh hưởng rất lớn đối với đồng bào. Do đó, khi tiến hành công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Chăm, lực lượng vũ trang Tỉnh cần coi trọng vai trò của những người là trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, phải chủ động đến với họ, vừa vận động vừa tranh thủ vai trò, uy tín của họ trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong tham gia xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở. Đồng thời, cần coi trọng việc phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, tín đồ tôn giáo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong tham gia giám sát hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị,... góp phần xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn Tỉnh.

Đại tá NGÔ MINH LỰC, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)