Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:54 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Việt Nam hiện còn trên 6,1 triệu héc-ta đất (chiếm khoảng 18,71% diện tích lãnh thổ) bị ô nhiễm bom mìn tồn sót sau chiến tranh. Việc làm sạch bom mìn đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, thời gian dài và rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã và đang được triển khai là một trong số đó, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện chủ trương của chính phủ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc về chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, ngày 08-3-2017, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 303/QĐ-TTg phê duyệt Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (Dự án KOICA). Đây là dự án đầu tiên của Chính phủ Hàn Quốc tài trợ bằng nguồn vốn ODA (viện trợ không hoàn lại) cho Việt Nam, nhằm giúp tỉnh Quảng Bình và Bình Định khắc phục hậu quả bom mìn.
Để triển khai thực hiện, ngày 03-4-2017, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định 1027/QĐ-BQP giao nhiệm vụ cho Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) làm chủ Dự án. Theo nội dung ký kết, VNMAC sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân 02 tỉnh Bình Định và Quảng Bình cùng các đơn vị Công binh khảo sát kỹ thuật khoảng 20.000 ha đất, tổ chức rà phá 8.000 ha đất khu vực ô nhiễm bom mìn, phục vụ an sinh và phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về y tế, phục hồi chức năng cho 200 nạn nhân, đào tạo nghề phát triển sinh kế cho 500 nạn nhân, hỗ trợ xây Nhà Tình nghĩa cho 50 gia đình nạn nhân tai nạn bom mìn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và nâng cao năng lực để hoàn thiện các chính sách điều phối, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh. Đồng thời, phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn do bom mìn cho nhân dân. Ngoài ra, Dự án còn giúp hỗ trợ việc thu thập thông tin về bom mìn và các thông tin liên quan, làm cơ sở cho hoạch định chính sách, nâng cao năng lực quản lý xử lý hậu quả bom mìn.
Đây là dự án mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, tác động lớn đến việc thu hút nguồn lực các quốc gia, các tổ chức quốc tế tham gia tài trợ cho Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn (Chương trình 504). Đồng thời, khẳng định năng lực của Việt Nam trong việc tổ chức tiếp nhận, sử dụng nguồn viện trợ nước ngoài một cách hiệu quả, đúng mục tiêu, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Thành công của Dự án không chỉ góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân Việt Nam với Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc, mà còn hướng đến những dự án có mức độ ảnh hưởng lớn hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn đối với công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2018 đến năm 2020; với quy mô gồm 5 hợp phần: khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; hỗ trợ hệ thống quản lý thông tin khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và quản lý, điều phối, giám sát, đánh giá hiện trạng tồn lưu bom mìn tại các địa phương nói trên. Lực lượng tham gia thực hiện dự án gồm nhiều thành phần, trong đó Hợp phần Khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn do lực lượng Công binh thực hiện; các hợp phần khác có lực lượng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Bình và Bình Định, v.v. Vì vậy, việc phối hợp, tổ chức điều hành các lực lượng tham gia thực hiện Dự án đảm bảo đúng quy trình, an toàn và đúng tiến độ là yêu cầu quan trọng trong việc triển khai thực hiện.
Tháng 9 năm 2018, Dự án bắt đầu được khởi động, sau gần 01 năm triển khai, mặc dù địa bàn thi công rộng, lực lượng tham gia thường xuyên biến động, nhưng VNMAC và các đơn vị công binh đã chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành việc khảo sát kỹ thuật hàng nghìn héc-ta đất, xác định chính xác các khu vực ô nhiễm để tổ chức rà phá, làm sạch và thu gom, xử lý được hàng chục nghìn vật nổ các loại. Chỉ tính riêng trong quý 4-2018, các lực lượng đã tiến hành khảo sát 4.794 ha; trong đó, tại tỉnh Quảng Bình 1.360 ha, xác định diện tích ô nhiễm là 1.245 ha, thu gom và xử lý 1.129 vật nổ các loại; tại tỉnh Bình Định là 3.435 ha, xác định diện tích ô nhiễm là 1.404 ha, thu gom và xử lý được 639 vật nổ các loại. Hợp phần Tuyên truyền, giáo dục cũng đã triển khai chương trình giáo dục nâng cao năng lực phòng tránh tai nạn bom mìn cho 71 cán bộ cấp tỉnh, huyện và trường học; hoàn thành khảo sát về nhận thức, thái độ, hành vi tại 11 xã, 08 trường học và cung cấp kiến thức cho 4.500 người dân địa phương, trong đó có 1.000 phụ nữ, 903 nam giới, 1.233 trẻ em gái và 1.364 trẻ em trai lứa tuổi học đường, làm căn cứ xây dựng các phương pháp tiếp cận hướng tới mục tiêu giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, v.v.
Những kết quả đó mới là bước đầu, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, để lại nhiều kinh nghiệm bổ ích trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành thực hiện Dự án và là cơ sở để VNMAC tiếp tục triển khai hoàn thành mục tiêu, nội dung còn lại của Dự án. Từ thực tiễn triển khai Dự án KOICA, Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc Trung tâm rút ra một số kinh nghiệm bước đầu sau:
Trước hết, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, từ khởi động Dự án (chuẩn bị cơ sở pháp lý, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị,...) đến tổ chức điều phối, quản lý thực hiện Dự án. Ngay sau khi có Quyết định 1027 của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Trung tâm đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ đối với từng đảng ủy viên, nhất là các đồng chí trong Ban Tổng Giám đốc trực tiếp chỉ đạo, điều phối từng hợp phần của Dự án; chỉ đạo thành lập tổ giúp việc xây dựng kế hoạch chi tiết các hợp phần, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban. Đồng thời, đề xuất Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Ban Điều phối, Ban Quản lý Dự án và theo chức năng thành lập 02 Ban Chỉ huy công trường trực thuộc; xây dựng kế hoạch tập huấn các nội dung liên quan, đặc biệt là quy trình khảo sát kỹ thuật, quy định an toàn, hoàn thiện hồ sơ, công tác nghiệm thu,... cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và lực lượng thi công để triển khai tổ chức thực hiện. Tiếp đó, VNMAC đã tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả cán bộ, nhân viên tham gia Hợp phần Khảo sát và rà phá. Nội dung tập trung vào phương pháp khảo sát kỹ thuật, xác định khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ, sử dụng thiết bị định vị GPS, cách lập bản đồ hiện trường, cách sử dụng máy dò và kỹ thuật xử lý tín hiệu, v.v.
Xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Đảng ủy Trung tâm tổ chức quán triệt nhiệm vụ, nội dung Dự án, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là cán bộ có nhiều kinh nghiệm và đã từng tham gia một số dự án, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu của Dự án. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và 02 tỉnh trong suốt quá trình triển khai, bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục, nhất là việc tổ chức tham vấn, thuê chuyên gia trong lĩnh vực bom mìn; thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin định hướng giải quyết các nội dung công việc, vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện; chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để Dự án được triển khai đúng tiến độ và có hiệu quả cao. Cấp ủy, chi bộ, chỉ huy các cấp tổ chức quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn và trách nhiệm trong thực hiện Dự án; tạo điều kiện giúp đỡ, động viên, hỗ trợ cán bộ, nhân viên khắc phục khó khăn, chủ động thời gian nghiên cứu tài liệu, văn bản, kết hợp đi thực tế nắm tình hình để phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hai là, tổ chức chặt chẽ việc triển khai thực hiện các hợp phần của Dự án, trong đó khảo sát kỹ thuật xác định tính chính xác các khu vực thực sự bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực cho công tác rà phá, làm sạch trên diện tích đã xác định, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Khi triển khai khảo sát kỹ thuật ở địa phương nào, các đơn vị đều tiến hành điều tra phi kỹ thuật trên cơ sở các dữ liệu đã được xác định trong hồ sơ của cơ quan quân sự cấp huyện, bản đồ ném bom của quân đội Mỹ cung cấp, kết hợp phỏng vấn các nhân chứng, phỏng vấn hộ gia đình hiện đang sinh sống và canh tác tại các khu vực trong vùng Dự án và khu vực nghi ngờ ô nhiễm. Trên cơ sở điều tra phi kỹ thuật, tiến hành khảo sát kỹ thuật số diện tích theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; khu vực ô nhiễm được đánh dấu, khoanh vùng trên bản đồ và ghi thông tin chi tiết trong phiếu khảo sát. Sau khảo sát, phần diện tích không ô nhiễm sẽ được bàn giao cho địa phương; phần diện tích ô nhiễm được phân loại rà phá ở các độ sâu theo quy định, bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đủ điều kiện canh tác, phát triển kinh tế lâu dài.
Cùng với triển khai thực hiện Hợp phần Khảo sát và rà phá - hợp phần chủ yếu, nặng nề, khó khăn nhất - VNMAC chủ động phối hợp với các đối tác và cơ quan chức năng, địa phương có liên quan từng bước xúc tiến các hợp phần còn lại, đảm bảo Dự án được thực hiện toàn diện, triệt để đạt mục tiêu đã đề ra.
Ba là, coi trọng công tác bảo đảm an toàn cho các lực lượng tham gia và làm tốt công tác thu thập thông tin về bom mìn, vật nổ. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang bị, chấp hành nghiêm các quy định, nhất là quy trình khảo sát, rà phá vừa là yêu cầu, vừa là quy định bắt buộc các lực lượng thi công phải triệt để chấp hành. Theo đó, các đơn vị tham gia thực hiện Dự án (nhất là các đơn vị Công binh tham gia khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn) phải bố trí lực lượng, trang bị phù hợp, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, cả nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch, hoặc nhiệm vụ đột xuất khi được cấp trên giao. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, VNMAC phân công các đồng chí phụ trách trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành quy định về an toàn trong quá trình thi công, quy định về công tác đối ngoại quân sự và các quy định của địa phương, giải quyết tốt mối quan hệ đoàn kết quân - dân nơi thi công; thực hiện nghiêm kế hoạch, phương án, tiến độ thi công đã được phê duyệt; kiên quyết không chạy theo tiến độ mà xem nhẹ công tác đảm bảo an toàn; đồng thời, quản lý chặt chẽ kinh phí, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cùng với đó, Trung tâm đã làm tốt công tác thu thập thông tin về bom mìn, vật nổ, bao gồm các thông tin về bom mìn, về nạn nhân bom mìn; các thông tin liên quan làm cơ sở cho hoạch định chính sách trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để VNMAC tiếp tục nâng cao năng lực tham mưu, điều phối, quản lý chất lượng, nội dung và mở rộng hoạt động của Chương trình 504 về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Đại tá NGUYỄN HẠNH PHÚC, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam
hậu quả bom mìn,dự án Việt Nam,Hàn Quốc
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm