Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 10/02/2025, 08:22 (GMT+7)
Kiên Giang xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Nằm ở cực Tây Nam Tổ quốc, có cả tuyến biên giới đất liền và biên giới biển, tỉnh Kiên Giang có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quân khu 9 và cả nước1. Nhận thức sâu sắc chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ và đặc điểm địa bàn, những năm qua, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp thực hiện công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ, đạt kết quả khá toàn diện. Cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được vận hành hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng khu vực phòng thủ có nhiều chuyển biến tích cực; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân. Khu vực phòng thủ Tỉnh, nhất là trên địa bàn trọng điểm, biên giới, trên các đảo được xây dựng vững mạnh cả về tiềm lực, lực lượng, thế trận. Đặc biệt, lực lượng vũ trang Tỉnh được quan tâm xây dựng tinh, gọn, mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh, tạo thuận lợi để địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Phối hợp với lực lượng Không quân trong Diễn tập Khu vực phòng thủ Tỉnh.

Để có được kết quả đó, cơ quan quân sự các cấp đã thực hiện tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới,... và đặc điểm, tính chất địa bàn, Bộ Chỉ huy Quân sự chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án,... nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Đồng thời, tham mưu củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khu vực phòng thủ, nhất là ban chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ,… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ tham mưu của cơ quan quân sự, Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, làm cơ sở xây dựng kế hoạch phân kỳ thực hiện.

Để tăng cường tiềm lực chính trị tinh thần của khu vực phòng thủ, Tỉnh coi trọng  đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Với chức năng là cơ quan thường trực, Bộ Chỉ huy Quân sự thường xuyên tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh tiến hành khảo sát, phân loại đối tượng, giúp Tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp. Trong 05 năm qua, Tỉnh đã có trên 300 cán bộ đối tượng 1, 2 và gần 29.000 cán bộ đối tượng 3, 4 hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định. Đồng thời, tổ chức 02 lớp bồi dưỡng cho 212 chức sắc, chức việc các tôn giáo. Cơ quan quân sự các cấp đã phối hợp với các trường cao đẳng, dạy nghề, trung học phổ thông trên địa bàn triển khai và hoàn thành môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho gần 43 nghìn học sinh, sinh viên. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Tỉnh phát huy có hiệu quả vai trò của các ngành chức năng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đẩy mạnh hoạt động của mô hình “Tết quân dân”2, thiết thực  xây dựng “thế trận lòng dân” và tiềm lực chính trị tinh thần của khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Quá trình thực hiện, Tỉnh chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục; đề cao vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin, truyền thông và thiết chế văn hóa ở cơ sở, chú trọng địa bàn biên giới, hải đảo. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; duy trì quan hệ hữu nghị với tỉnh Căm Pốt của Campuchia trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; thường xuyên phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nảy sinh trên tuyến biên giới, tuyến biển, tạo thế vững chắc cho khu vực phòng thủ Tỉnh.

Nhằm xây dựng tiềm lực kinh tế, tiềm lực  quân sự khu vực phòng thủ vững mạnh, Bộ Chỉ huy Quân sự thực hiện tốt công tác tham mưu về kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh theo phương châm “mỗi bước tăng trưởng kinh tế - xã hội là một bước củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh. Trong đó, chú trọng phát triển các lĩnh vực kinh tế có thế mạnh, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, dự án lưỡng dựng, phát triển kinh tế biển, đảo,... tạo nguồn lực vật chất cho xây dựng khu vực phòng thủ. Là địa bàn phát triển với tốc độ cao, với hàng trăm dự án đầu tư trên các lĩnh vực, nhất là thành phố Phú Quốc, Bộ Chỉ huy Quân sự đã làm tốt việc rà soát, thẩm định chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là dự án ở địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Từ việc tham mưu đúng, trúng, kịp thời, Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở thế trận quốc phòng, an ninh; tập trung phát huy thế mạnh từ điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch, giao thương với nước bạn, khai thác thủy sản, v.v. Trên cơ sở đó, nhiều cụm công nghiệp, nhà máy được xây dựng; hệ thống dịch vụ thương mại, vận tải, viễn thông, ngân hàng, chợ,... được củng cố, thúc đẩy giao thương trong Tỉnh và ra nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư, khai thác du lịch, tham quan thành phố Phú Quốc, Hà Tiên v.v. Đồng thời, tham mưu giúp Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, như: các tuyến đường giao thông bộ, thủy, hệ thống điện; quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng vùng, bảo đảm tính lưỡng dụng, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời bình, vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thời chiến. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã xác định, Tỉnh từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng điện, nước, môi trường, thủy lợi, thông tin liên lạc ở các khu vực: căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương; thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình quốc gia về việc làm, nhà ở cho người thu nhập thấp; tích cực kêu gọi đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng kinh tế biển, tập trung vào các ngành chủ yếu, như: sửa chữa và đóng tàu, cảng biển, vận tải biển, chế biến thủy hải sản, nghề cá, du lịch biển, v.v.

Cùng với đó, lực lượng vũ trang Tỉnh chủ động xây dựng các công trình chiến đấu; xây dựng các đồn, trạm biên phòng; xây dựng hệ thống đường ven đảo phục vụ dân sinh, quốc phòng. Cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động nguồn lực xây dựng các hạng mục, công trình trong khu vực phòng thủ. Để tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chú trọng tham mưu quy hoạch dân cư, xây dựng nông thôn mới, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế - quốc phòng trên hướng biên giới, biển, đảo, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống kho xăng dầu, cùng các công trình trọng điểm, như: Sân bay Quốc tế Phú Quốc, Sân bay Rạch Giá; Cống ngăn mặn Cái Lớn, Cái Bé; đường hành lang ven biển, đường tuần tra biên giới, đường cơ động ven biển, đảo, v.v.

Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tổ chức diễn tập vòng tổng hợp năm 2024.

Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh là một nội dung quan trọng trong khu vực phòng thủ. Theo đó, Tỉnh tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu cao, có cơ cấu tổ chức, thành phần phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng. Tỉnh chú trọng xây dựng lực lượng thường trực tinh, gọn, mạnh, trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng; có số lượng hợp lý, được tổ chức phù hợp; thường xuyên duy trì huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch; tổ chức, biên chế các đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo đảm 99% quân số; tuyển quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng theo phương châm “gần, gọn địa bàn”, “quân đâu, cán đó”, bảo đảm sắp xếp đủ biên chế cho các đơn vị theo kế hoạch và quản lý chặt chẽ phương tiện, vật tư, sẵn sàng động viên khi cần thiết. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp” phù hợp với từng địa bàn; tỷ lệ lãnh đạo đạt trên 29%, 100% chi bộ quân sự cấp xã có chi ủy, 100% ấp đội trưởng, trung đội trưởng dân quân là đảng viên; 100% cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở. Thời gian qua, Tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây thực sự là nhân tố quan trọng, trực tiếp nâng cao sức mạnh, tiềm lực quân sự của khu vực phòng thủ Tỉnh.

Đi liền với xây dựng lực lượng, Tỉnh đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập. Các đơn vị lực lượng vũ trang Tỉnh duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh và tổ chức luyện tập theo các phương án, kế hoạch tác chiến khu vực phòng thủ, kế hoạch phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ. Trong đó, chú trọng tăng cường các biện pháp nắm tình hình, nhất là trên địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, các đảo và vùng biển Tây Nam để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có đối sách xử lý phù hợp,... không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế hoạt động của khu vực phòng thủ, Bộ Chỉ huy Quân sự đã tham mưu cho Tỉnh tổ chức tốt các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ. Từ năm 2020 đến nay, Tỉnh đã chỉ đạo 100% thành phố, huyện và các xã, phường, thị trấn diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ và diễn tập phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, đạt kết quả tốt.

Nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ, góp phần xây dựng thế trận phòng thủ Quân khu vững chắc, thực hiện tốt chủ trương chiến lược của Đảng.

Đại tá NGUYỄN VĂN NGÀNH, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
______________________
        

1 - Với 49,677km đường biên giới bộ; 200km đường bờ biển; vùng biển rộng khoảng 63.290km2; vùng nước lịch sử chung với Campuchia rộng khoảng 16.000km2. Tỉnh có 05 quần đảo, hơn 143 đảo lớn nhỏ; trong đó, 43 đảo có dân sinh sống; có 15 huyện, thành phố (01 huyện đảo, 01 thành phố đảo; 07 huyện, thành phố ven biển).

2 - Qua gần 10 năm triển khai thực hiện mô hình “Tết quân dân”, Tỉnh đã huy động được trên 150 tỉ đồng; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 5.000 người dân, xây dựng được 630 nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội, bê tông hóa gần 60km đường và xây dựng 50 cầu giao thông nông thôn.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.