Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 04/03/2022, 13:44 (GMT+7)
Kết quả và kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng dự bị động viên ở tỉnh Tây Ninh

Tây Ninh là tỉnh biên giới, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng chiến lược quan trọng trong thế trận quốc phòng, an ninh của Quân khu 7, được Trung ương chọn làm điểm xây dựng khu vực phòng thủ cho cả nước. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là điều kiện thuận lợi để Tỉnh đẩy mạnh công tác quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc; trong đó có nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, góp phần tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân ban hành các nghị quyết, chỉ thị về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; xác định rõ: xây dựng lực lượng dự bị động viên là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, cơ quan quân sự các cấp tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản về xây dựng lực lượng dự bị động viên, góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới.

Để bảo đảm xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, làm cơ sở cho việc sắp xếp, bổ nhiệm theo biên chế vào đầu mối các đơn vị, hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh xây dựng kế hoạch động viên huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, phúc tra, kiểm tra lực lượng dự bị động viên; tổ chức hội nghị hiệp đồng giữa địa phương giao nguồn và đơn vị nhận nguồn. Cơ quan quân sự các cấp duy trì nghiêm chế độ đăng ký vào ngạch dự bị, đăng ký bổ sung, di chuyển và giải ngạch quân nhân dự bị; riêng đối với quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương được quản lý chặt chẽ ngay từ đầu; thực hiện giao nhận trực tiếp tại cơ quan quân sự huyện, thành phố và thông báo về các xã, phường, thị trấn quản lý để nắm chắc về số lượng, chất lượng chuyên nghiệp quân sự. Cùng với đó, tiến hành chặt chẽ việc đăng ký phúc tra nguồn quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật nền kinh tế quốc dân; hướng dẫn các địa phương thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tiến hành phúc tra rà soát ở tất cả cơ sở từ ấp, tổ dân phố để đăng ký quản lý toàn diện quân nhân dự bị; rà soát, xét duyệt giải ngạch, miễn nhiệm những trường hợp quá tuổi, sức khỏe yếu,... tạo sự quản lý thống nhất, đồng bộ ở cả ba cấp (tỉnh, huyện và xã). Hệ thống sổ sách đăng ký, quản lý quân nhân dự bị hằng năm được hoàn thiện đầy đủ cả về số lượng và chất lượng, thuận lợi cho việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, sắp xếp bổ nhiệm.

Căn cứ nhu cầu biên chế và thực lực nguồn quân nhân dự bị, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự huyện, xã tổ chức sắp xếp, bổ nhiệm quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên theo phương châm “lấy đúng chuyên nghiệp quân sự là chính, kết hợp với gần, gọn địa bàn, quân đâu cán đó”. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên từng bước được nâng lên, đi vào chiều sâu, có nền nếp, nhất là chất lượng về chính trị và tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự. Đến nay, toàn Tỉnh đã sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị đạt 100% chỉ tiêu trên giao; trong đó, tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 90,7%; tỷ lệ đảng viên 9,4%, đoàn viên 48,7%, đảm bảo sẵn sàng huy động theo yêu cầu, nhiệm vụ động viên.

Cùng với công tác đăng ký quản lý, sắp xếp nguồn, các cơ quan, đơn vị tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập cho lực lượng dự bị động viên, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống. Hằng năm, quân số tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu luôn đạt trên 99,98% so với chỉ tiêu; kiểm tra đánh giá kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% - 80% khá, giỏi. Năm 2021, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo huyện Gò Dầu tổ chức động viên huấn luyện cán bộ khung B từ tiểu đội đến tiểu đoàn trưởng; huyện Tân Biên tổ chức động viên kiểm tra sẵn sàng động viên, huấn luyện tham gia diễn tập khu vực phòng thủ; Trung đoàn bộ binh 174 tổ chức huy động, tập trung huấn luyện dự bị động viên đạt kết quả khá; Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh trực tiếp động viên, huấn luyện 01 tiểu đoàn và 03 đại đội (Đặc công, Phòng hóa và Vận tải) đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thông qua huấn luyện, diễn tập, chất lượng chính trị, trình độ tổ chức, chỉ huy, quản lý của cán bộ các cấp, trình độ chuyên môn, kỹ chiến thuật, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dự bị động viên được nâng lên. Kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động tập trung huấn luyện, diễn tập, lực lượng dự bị động viên của Tỉnh luôn bảo đảm thời gian, quân số, chất lượng, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

1. Thường xuyên coi trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân trong Tỉnh đối với công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, nhưng do xuất phát điểm thấp, nên Tây Ninh vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí không đồng đều,… và cũng là địa bàn mà các thế lực thù địch thường xuyên chống phá gây phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tình hình đó, tác động không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói chung, công tác dự bị động viên nói riêng, đòi hỏi cơ quan quân sự các cấp thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên trên địa bàn. Xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, sát đặc điểm, nhiệm vụ của địa phương và từng đơn vị dự bị động viên. Trong đó, tập trung làm cho mọi tổ chức, cá nhân và cả hệ thống chính trị nắm vững quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên và huy động khi có tình huống xảy ra. Để đạt hiệu quả cao, việc phối hợp tuyên truyền, giáo dục được tiến hành thường xuyên, liên tục cả trước, trong và sau khi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên với tuyên truyền, giáo dục thông qua tuyển quân, động viên, huấn luyện quân nhân dự bị và diễn tập khu vực phòng thủ. Trong thực hiện, gắn hoạt động giáo dục, quán triệt với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và phong trào Thi đua Quyết thắng, phong trào Thi đua yêu nước của địa phương, coi trọng nhân rộng điển hình tiên tiến, v.v. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác dự bị động viên, huy động sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

2. Chú trọng làm tốt công tác tạo nguồn và quản lý nguồn quân nhân dự bị. Đây là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng tổng hợp của lực lượng dự bị động viên. Đặc biệt hiện nay, trên địa bàn Tỉnh, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, thu hút nhiều lao động, dẫn đến tình trạng di, dịch dân tự do, gây khó khăn trong quản lý nhân khẩu, quản lý xã hội trên địa bàn. Trong khi đó, đa số quân nhân dự bị đang ở tuổi lao động tạo thu nhập chính cho gia đình, nên việc rời quê hương đi làm ăn xa trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là điều khó tránh khỏi; do đó, việc quản lý đối tượng này đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chỉ có thể quản lý tốt nguồn động viên khi quân nhân dự bị hoạt động, công tác, lao động sản xuất tại địa phương. Vì thế, để giữ chân họ yên tâm ở tại địa phương, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, như: đầu tư xây dựng các trung tâm dạy nghề để ưu tiên cho quân nhân dự bị học nghề, lập nghiệp hoặc tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các hội nghề nghiệp ở địa phương. Thông qua hội cựu chiến binh và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng các quỹ tình thương đồng đội, xóa đói, giảm nghèo,… tổ chức hỗ trợ vốn sản xuất cho những quân nhân phục viên, xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phối hợp với đơn vị nhận nguồn kịp thời tổ chức động viên, thăm hỏi những gia đình thuộc diện chính sách, neo đơn, tổ chức hỗ trợ khi gia đình họ bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, v.v. Đồng thời, kiên quyết xử lý theo pháp luật những cơ quan, đơn vị, gia đình và cá nhân quân nhân dự bị có hành vi bao che, trốn tránh nghĩa vụ quân sự và đăng ký dự bị động viên.

3. Tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, phương pháp tổ chức huấn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp. Do đối tượng quân nhân dự bị đa dạng, độ tuổi, sức khỏe, trình độ, nhận thức không đồng đều, thời gian tập trung huấn luyện ngắn, không thường xuyên,… nên đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở có vị trí vai trò hết sức quan trọng đến kết quả huấn luyện đối với lực lượng này. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ quan tham mưu tác huấn, cán bộ trực tiếp huấn luyện ở đơn vị. Trước mỗi đợt huấn luyện quân nhân dự bị, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp cho cả khung A và khung B, theo phương châm yếu khâu nào bồi dưỡng khâu ấy; lấy cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, khung A bồi dưỡng khung B, cơ quan bồi dưỡng đơn vị; trong đó, chú trọng tập trung giải quyết những khâu yếu, mặt yếu của năm trước, thống nhất những nội dung khó và mới trong huấn luyện. Chú trọng bồi dưỡng, củng cố, nâng cao trình độ, năng lực tham mưu huấn luyện chiến đấu; phương pháp tổ chức, quản lý, điều hành huấn luyện; các kỹ năng thực hành, làm mẫu và phổ biến kinh nghiệm trong huấn luyện, quản lý quân nhân dự bị, v.v. Đối với khung B, cần đẩy mạnh bồi dưỡng về yếu lĩnh, động tác kỹ thuật, chiến thuật; phương pháp huấn luyện, duy trì luyện tập cho phân đội; rèn luyện các kỹ năng để lực lượng dự bị động viên sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai và chống bạo loạn trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Kết quả và kinh nghiệm trên là cơ sở quan trọng để thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên cũng như nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, năng lực động viên đối với lực lượng này, góp phần tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Đại tá NGÔ THÀNH ĐỒNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)