Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 07/06/2012, 15:14 (GMT+7)
Kết quả và kinh nghiệm sau hai năm thực hiện Luật Dân quân tự vệ ở Quân khu 3

 Sau 2 năm thực hiện Luật Dân quân tự vệ, công tác xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ Quân khu 3 đã có bước chuyển biến tích cực, toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trên địa bàn Quân khu.

alt
Lễ khai mạc Hội thi nhận thức Pháp luật về Luật Dân quân tự vệ tại thị xã Cẩm Phả (Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)
 

Luật Dân quân tự vệ (DQTV) là văn bản pháp quy cao nhất bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng và phát huy vai trò chiến lược của lực lượng DQTV trong thời kỳ mới. Nhận thức rõ điều đó, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 xác định: vấn đề quan trọng hàng đầu là phải lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, xây dựng và ban hành đồng bộ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật DQTV, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, lâu dài cho công tác xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng này trên địa bàn Quân khu. Theo đó, ngay sau khi Luật DQTV được ban hành (có hiệu lực từ ngày 01-7-2010), Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện; trong đó, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, của hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn Quân khu. Để việc triển khai thực hiện Luật được thống nhất, thực sự có hiệu quả, Quân khu đã tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 424 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cơ quan Quân khu, cấp uỷ, chính quyền các địa phương, chỉ huy cơ quan quân sự các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) và cán bộ chỉ huy tham mưu, cán bộ làm công tác DQTV của các địa phương, cơ quan, đơn vị (từ cấp huyện trở lên). Trên cơ sở đó, bộ chỉ huy quân sự (BCHQS) các tỉnh, thành phố, ban chỉ huy quân sự (CHQS) cấp huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức 190 lớp tập huấn cho 46.002 cán bộ các cấp. Nội dung tập huấn tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nhất là những quy định mới của Luật DQTV và những vấn đề cần làm rõ cho sát với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ sở. Qua tập huấn, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là của cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn Quân khu đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương nói chung và công tác DQTV nói riêng đã có sự chuyển biến quan trọng. Trên cơ sở pháp luật về DQTV và các văn bản chỉ đạo của Bộ, Quân khu, các địa phương đều tích cực triển khai tổ chức thực hiện bằng các đề án, kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ trên địa bàn. Đến nay, cả 9 tỉnh, thành phố của Quân khu đã xây dựng xong Đề án (Kế hoạch) triển khai thực hiện Luật DQTV và Đề án tổ chức đào tạo cán bộ ban CHQS cấp xã1.

Thực hiện Quyết định số 1602/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quân khu chỉ đạo mỗi tỉnh, thành phố xây dựng một xã, phường, thị trấn (cấp xã) điểm về tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật DQTV để rút kinh nghiệm, chỉ đạo công tác này ở 100% cấp xã. Tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến Luật thông qua tổ chức Hội thi tuyên truyền Luật DQTV với hình thức “sân khấu hoá” ở các cơ sở. Qua đó, đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, giúp cho mọi người “dễ nghe, dễ nhớ, dễ vận dụng” Luật vào thực tế.

Đặc biệt, Quân khu đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt Hội thi tìm hiểu pháp luật về DQTV và công tác DQTV cho đội ngũ cán bộ chủ trì cơ quan quân sự địa phương ở cả 3 cấp (huyện, tỉnh và Quân khu). Qua đó, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực tham mưu, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Luật DQTV cho đội ngũ này. Đối tượng tham gia dự thi gồm: chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã, cấp huyện và phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng BCHQS tỉnh, thành phố. Ngay từ đầu năm 2011, trên cơ sở tài liệu của Bộ, Quân khu đã nghiên cứu, biên soạn, cụ thể hóa, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ tập trung nghiên cứu, ôn luyện, chuẩn bị tốt về mọi mặt để Hội thi đạt kết quả cao nhất. Các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn; tham mưu thành lập các ban chỉ đạo, ban tổ chức, ban giám khảo, trọng tài, xây dựng điều lệ, quy tắc, chuẩn bị đề thi, đáp án, phòng thi, thao trường... Thực hiện kế hoạch này, toàn Quân khu đã tổ chức 103 Hội thi, với 2.965 lượt cán bộ tham gia. Tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đã có sự vận dụng một cách sáng tạo, mở rộng đối tượng dự thi tới cán bộ ban CHQS các cơ quan, tổ chức và chính trị viên, chỉ huy trưởng các đơn vị tự vệ từ cấp đại đội trở lên. Căn cứ vào kết quả Hội thi của các địa phương, Quân khu đã tuyển chọn những cán bộ đạt thành tích cao để thành lập đoàn tuyển thủ tham gia Hội thi do Bộ Quốc phòng tổ chức và đã giành giải Nhất toàn đoàn, được Bộ Quốc phòng tặng Cờ và nhiều bằng khen, giấy khen.

Thực tế cũng cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật DQTV trong điều kiện mới không thể theo ý thức chủ quan, mà phải được tiến hành một cách khoa học, thận trọng, vững chắc, thực sự hiệu quả. Vì vậy, cùng với tuyên truyền, phổ biến Luật, thực hiện Quyết định số 1902/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quân khu đã tập trung xây dựng một số đơn vị điểm để rút kinh nghiệm. Quân khu đã phối hợp với Cục DQTV, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án xây dựng mô hình điểm về tổ chức, huấn luyện, hoạt động và những biện pháp quản lý lực lượng DQTV. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, BCHQS tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo huyện Bình Liêu, Tiên Yên và Thành phố Uông Bí ra Nghị quyết, thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện 4 mô hình điểm, gồm: Tiểu đội dân quân thường trực biên giới xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu; Trung đội dân quân biển xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên; Trung đội tự vệ Nhà máy Chế tạo thiết bị nâng - hạ Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, Thị xã Uông Bí và Ban CHQS Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Than Uông Bí. Tháng 7-2011, cả 4 mô hình trên đã tổ chức ra mắt và tiến hành huấn luyện, hoạt động theo quy định của Luật DQTV. Theo kế hoạch, tháng 6-2012 Bộ Quốc phòng và Quân khu sẽ chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trên địa bàn Quân khu và toàn quốc.

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật, Quân khu luôn coi trọng công tác kiểm tra, thanh tra, qua đó kịp thời rút kinh nghiệm, biểu dương những địa phương thực hiện tốt, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những mặt còn hạn chế. Năm 2011, Quân khu đã tiến hành kiểm tra chuyên đề về công tác triển khai tổ chức thực hiện Luật và công tác DQTV của 8 tỉnh trong Quân khu (riêng Thành phố Hải Phòng do Bộ Quốc phòng kiểm tra). Năm 2012, Quân khu tiếp tục tổ chức kiểm tra chuyên đề về việc xây dựng và triển khai thực hiện các đề án trong địa bàn.

Thực hiện các quy định của Luật, nhất là những điểm mới trong công tác tổ chức xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng DQTV, Quân khu đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn các ban CHQS cấp xã, ban CHQS cơ quan, tổ chức và các cơ sở DQTV. Đồng thời, có các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo được sự chuyển biến thực sự về “chất” của từng đơn vị DQTV trong địa bàn Quân khu. Thực hiện chủ trương này, các địa phương đã đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng 443 chi bộ quân sự ở các cơ sở đi đôi với việc phát triển đảng viên, đoàn viên, góp phần đưa tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV đạt 21,7% (tăng 0,02% so với năm 2010), tỷ lệ đoàn viên đạt 55,8% (tăng 0,26%). Bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp”, căn cứ vào điều kiện thực tế, Quân khu đã chỉ đạo tiến hành xây dựng lực lượng DQTV có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, xung yếu; trong đó, ưu tiên xây dựng lực lượng DQTV cơ động, thường trực, phòng không và DQTV biển thực sự có chất lượng, hiệu quả.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DQTV được các địa phương coi trọng. Trong đó, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ ban CHQS cấp xã theo các chương trình trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở để từng bước chuẩn hóa đội ngũ này. Công tác huấn luyện lực lượng DQTV được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng, đủ nội dung, thời gian và quân số... nên chất lượng có bước chuyển biến tích cực. Các văn kiện tham mưu tác chiến ngành và kế hoạch hoạt động của lực lượng DQTV đều được xây dựng, củng cố, hoàn thiện; do đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV trong Quân khu cao hơn, nhất là trong duy trì lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định. DQTV đã phối hợp với các lực lượng trong từng địa bàn tích cực tham gia bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, tham gia phong trào “Xây dựng nông thôn mới”... Hai năm qua, lực lượng DQTV đã tổ chức tuần tra, canh gác 416.338 ngày công; tham gia kiểm tra trên 600 phương tiện đường thủy, phát hiện 42 vụ vi phạm quy chế biên giới; lao động giúp dân gần 100 ngàn ngày công, tu sửa đường giao thông nông thôn, kênh mương, khắc phục 17 vụ cháy rừng và phòng, chống khắc phục hậu quả bão, lũ; cứu hộ 354 tàu thuyền, sửa chữa 295 ngôi nhà… được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. Trên cơ sở thực hiện các quy định của Luật, việc bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ DQTV trên địa bàn Quân khu có nhiều thuận lợi và tốt hơn. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ DQTV cao hơn quy định của Luật; nhiều tỉnh đã hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội bằng nguồn ngân sách địa phương cho chỉ huy phó ban CHQS cấp xã, giúp cán bộ yên tâm gắn bó với công tác DQTV.

Sau 2 năm thực hiện Luật DQTV, Quân khu 3 rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: Một là, phải thường xuyên phát huy vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật DQTV. Hai là, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật DQTV, nhất là kết hợp triển khai thực hiện Luật với đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt thực hiện Kết luận số 41-KL/TW, ngày 31-3-2009 của Ban Bí thư Trung ương về “tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức triển khai thực hiện Luật DQTV. Ba là, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật DQTV với nhiều hình thức phong phú, sinh động. Bốn là, coi trọng xây dựng mô hình điểm về tổ chức, huấn luyện, hoạt động và quản lý lực lượng DQTV theo quy định của Luật; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện ở các địa phương. Đặc biệt, cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng các đề án (kế hoạch) nhằm cụ thể hóa Luật sát với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Luật DQTV tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất, hiệu quả trên địa bàn Quân khu trong thời gian tới.

 Thiếu tướng PHẠM HỒNG HƯƠNG

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu

                   

1 - 7/9 địa phương đã phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Luật; 8/9 địa phương đã phê duyệt Đề án tổ chức đào tạo cán bộ ban CHQS cấp xã.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.