Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 16/07/2018, 11:45 (GMT+7)
Học viện Phòng không - Không quân xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao

Học viện Phòng không - Không quân là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ đại học, sau đại học, hợp tác đào tạo quốc tế, nghiên cứu khoa học chuyên sâu về lĩnh vực phòng không - không quân của Quân đội. Những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ; sự thay đổi nhanh chóng các loại vũ khí, khí tài, nghệ thuật tác chiến phòng không - không quân cũng như xu thế đổi mới giáo dục và đào tạo, nhất là yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ hiện đại hóa Quân chủng đã đặt ra cho Học viện những mục tiêu, yêu cầu rất cao. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên của Học viện còn thiếu, chưa cân đối giữa các chuyên ngành, chất lượng có mặt chưa đáp ứng so với yêu cầu, nhất là trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng tiếp cận vũ khí trang bị mới và khoa học, công nghệ hiện đại. Trước thực tế đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã có nhiều chủ trương, biện pháp mang tính đột phá trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nói chung, xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên nói riêng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, trực tiếp góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được Bộ Quốc phòng và Quân chủng đánh giá cao.

Để có được kết quả đó, trước hết, Học viện tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, Đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đến năm 2020 của Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, Học viện đã xây dựng và tích cực triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”; Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”, nhằm thực hiện mục tiêu: “chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ IV đã đề ra.

Thực hiện chủ trương trên, Học viện tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên; đẩy mạnh thực hiện quy hoạch, kế hoạch kiện toàn, xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, đảm bảo đồng bộ, cân đối về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, có chất lượng cao, tâm huyết với nghề nghiệp. Đồng thời, làm tốt công tác tạo nguồn giảng viên; duy trì thực hiện nghiêm quy trình tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, bố trí sử dụng; xây dựng cho đội ngũ giảng viên động cơ phấn đấu đúng đắn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, năng lực, trình độ ngang tầm. Trong đó, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị, các chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực phòng không - không quân, làm nòng cốt nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trước thực trạng giảng viên ở một số chuyên ngành thiếu và mất cân đối, thậm chí hẫng hụt giữa các thế hệ, những năm qua, Học viện đã tích cực điều chỉnh, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, kết hợp với bổ sung đội ngũ giảng viên từ nhiều nguồn khác nhau, quan tâm tạo nguồn giảng viên từ số học viên tốt nghiệp loại giỏi có nguyện vọng ở lại trường. Đẩy mạnh tự bồi dưỡng, chuyển một số giảng viên có chuyên ngành gần sang các chuyên ngành còn thiếu; tích cực phát hiện nguồn, đề nghị trên điều động cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, chuyên ngành phù hợp, nhất là phi công về làm giảng viên.

Thiếu tướng, TS. Hà Xuân Trường trao thưởng cho các cá nhân đoạt giải trong Hội thi Trưởng bộ môn năm học 2017-2018

Cùng với kiện toàn tổ chức các bộ môn, khoa giáo viên, để nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ giảng viên, đảm bảo cho họ có đủ “Tâm”, “Tầm”, “Trí”, từng bước chuẩn hóa về chất lượng (học vấn, chức danh, trình độ công nhệ thông tin, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn, đạo đức nghề nghiệp) theo quy định của Bộ Quốc phòng, Học viện đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo. Theo đó, Học viện chủ động, tích cực xét và đề nghị các chức danh giảng viên, như: giảng viên chính, giảng viên cao cấp; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, như: kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo chuyên sâu, nhất là đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ngoài; ưu tiên tuyển chọn, đào tạo giảng viên các chuyên ngành: tác huấn, dẫn đường, ra-đa, tên lửa, kỹ sư hàng không và chỉ huy tham mưu cấp chiến thuật, chiến dịch. Hiện nay, trước thực tế các đơn vị trong Quân chủng đã và đang được trang bị, đưa vào sử dụng nhiều vũ khí, khí tài thế hệ mới, cải tiến, hiện đại hóa, Học viện chủ động mời cán bộ đầu ngành của Quân chủng và các đơn vị về tham gia quá trình đào tạo và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn nhằm thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức cho đội ngũ giảng viên. Đồng thời, tích cực cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn do trên tổ chức và đi thực tế chức vụ, tham quan, học tập chuyển loại khí tài, nghiên cứu thực tế tại các đơn vị, nhà máy trong Quân chủng, cũng như tham gia các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao ở các cấp, v.v. Hằng năm, Học viện còn chủ động đề xuất với Quân chủng thành lập kíp chiến đấu phân đội tên lửa, pháo phòng không tổ chức huấn luyện và tham gia bắn đạn thật cùng các sư đoàn phòng không1. Qua đó, giúp đội ngũ giảng viên tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, gắn lý thuyết với thực hành, nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, vận dụng vào xây dựng giáo trình, tài liệu và giảng dạy.

Song song với bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên ngành, Học viện đã triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ của Học viện Phòng không - Không quân giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”, nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để thực hiện chủ trương này, ngoài việc tăng cường cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, Học viện phối hợp với cơ quan chức năng, các trung tâm ngoại ngữ có uy tín mở các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho giảng viên và tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả chính xác, phấn đấu giảng viên có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn theo các chức danh. Đồng thời, chỉ đạo các khoa chuyên ngành lựa chọn giảng viên có trình độ ngoại ngữ tốt chuẩn bị nội dung, soạn giáo án và thực hành giảng một số bài bằng ngoại ngữ. Nhận rõ những tác động, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Học viện đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, khơi dậy tiềm năng tri thức tạo ra những sản phẩm có giá trị hàm lượng khoa học cao và ứng dụng kiến thức khoa học, sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn giảng dạy, đáp ứng yêu cầu giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, Học viện tăng cường mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp sư phạm cho giảng viên; chỉ đạo các bộ môn, khoa giáo viên duy trì nền nếp giảng tập, giảng thử, giảng rút kinh nghiệm, bồi dưỡng giảng viên theo phân cấp. Đồng thời, chú trọng tổ chức tốt hội thi, hội thao về phương pháp giảng dạy, thi giảng viên giỏi ở các cấp, xem đây là một trong những hướng quan trọng trong bồi dưỡng giảng viên. Đáng chú ý là, năm học 2017 - 2018, Học viện đã tổ chức tốt Hội thi Trưởng bộ môn giỏi, đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt. Với nỗ lực, quyết tâm cao và các biện pháp phù hợp, đến nay, 100% giảng viên của Học viện có trình độ đại học; 66,92% có trình độ sau đại học; trong đó có 5,48% tiến sĩ, giảng viên giỏi ở các cấp đạt 11,38%. Đến năm 2020, Học viện phấn đấu có 68% đến 70% giảng viên có trình độ sau đại học, trên 50% giảng viên trải qua thực tế chức danh tại đơn vị, tạo nguồn nhân lực quan trọng, “đầu tàu” trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo cả trước mắt và lâu dài.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, Học viện coi trọng công tác quản lý, rèn luyện và bảo đảm chế độ, chính sách đối với đội ngũ này. Trước hết, Học viện tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; chú trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, ở các khoa giáo viên, làm tốt công tác quản lý, rèn luyện đội ngũ để mỗi giảng viên thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, mẫu mực về đạo đức, lối sống, tấm gương mô phạm về phong cách sống cho học viên. Tăng cường kiểm tra giờ giảng, dự giờ, duy trì nền nếp kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, uốn nắn sai sót, hạn chế của giảng viên. Đồng thời, thường xuyên lấy ý kiến phản hồi về công tác giáo dục và đào tạo của học viên trong từng khóa học và cả đối với học viên đã ra trường; thực hiện nền nếp tham gia ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, học viên về chất lượng giảng viên. Từ đó, có sự điều chỉnh phương pháp, nội dung giảng dạy cho phù hợp. Mặt khác, Học viện quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên, như: đề bạt, bổ nhiệm, bảo đảm nhà ở, đất ở, tuyển dụng thân nhân của cán bộ, giảng viên vào công tác ở những vị trí phù hợp; trong đó, ưu tiên những giảng viên có nhiều đóng góp xây dựng Học viện, giảng viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo môi trường sư phạm lành mạnh, tốt đẹp, giúp đội ngũ giảng viên yên tâm phấn đấu vươn lên trong công tác.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và biện pháp, cách làm phù hợp, Học viện Phòng không - Không quân đã từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, làm nòng cốt xây dựng Học viện cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn sĩ quan phòng không - không quân cho Quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. HÀ XUÂN TRƯỜNG, Giám đốc Học viện
__________________

1 - Năm 2017, Học viện tham gia bắn đạn thật do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức, tiêu diệt mục tiêu, đạt giỏi.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.