Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 15/07/2019, 14:57 (GMT+7)
Học viện Phòng không - Không quân đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ của Học viện Phòng không - Không quân (tiền thân là Trường Sĩ quan Cao xạ, thành lập ngày 16-7-1964) đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao1, xây đắp nên truyền thống: “Đoàn kết, anh dũng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, dạy tốt, học tốt, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”. Với những thành tích đã đạt được, ngày 03-11-2004, Học viện được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp quản lý, bảo vệ bầu trời Tổ quốc, Quân chủng Phòng không - Không quân được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Bên cạnh việc hiện đại hóa vũ khí, trang bị, yếu tố con người được đặt lên hàng đầu. Do đó, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng đội ngũ cán bộ Phòng không - Không quân có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực toàn diện, phong cách lãnh đạo, chỉ huy khoa học, hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu đó, Học viện Phòng không - Không quân phải thực hiện tốt vai trò của trung tâm đào tạo sĩ quan các chuyên ngành của Quân chủng và Quân đội. Nhận thức rõ điều này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng; thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Thiếu tướng Bùi Đức Thành chủ trì Hội nghị Đảng ủy Học viện ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019

Trước hết, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Học viện vững mạnh về chính trị, làm cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong thực hiện, Đảng ủy Học viện thường xuyên coi trọng lãnh đạo xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, tăng cường đoàn kết, thống nhất, duy trì nền nếp, chế độ và tích cực đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng cấp ủy với tổ chức chỉ huy, xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, hướng vào nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, khắc phục khâu yếu, mặt yếu của từng cơ quan, khoa, đơn vị. Tập trung lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, làm cho cán bộ, giảng viên, học viên nhận thức sâu sắc nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Học viện trước yêu cầu xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại; đề cao trách nhiệm trong dạy - học, xây dựng động cơ học tập đúng đắn, giải quyết tốt mối quan hệ giữ người dạy và người học, không để các hiện tượng tiêu cực len lỏi vào môi trường đào tạo của Học viện. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên nắm, quản lý chắc tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ gắn với công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động dự báo và kịp thời giải quyết những vướng mắc; không để xảy ra hiện tượng mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và “phi chính trị hóa” Quân đội. Nhờ đó, tạo đồng thuận, động lực thúc đẩy cán bộ, giảng viên, học viên khắc phục khó khăn, tích cực, sáng tạo trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thi đua “Dạy tốt, học tốt, công tác tốt; xây dựng Học viện cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”.

Nhận thức rõ đội ngũ cán bộ, giảng viên là yếu tố có ý nghĩa quyết định để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nên Học viện coi trọng xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục để có số lượng, cơ cấu hợp lý, phẩm chất tốt, trình độ, năng lực, chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Học viện xây dựng Quy chế và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình tuyển chọn giảng viên; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường trong nước và nước ngoài theo lộ trình đã xác định, ưu tiên đối với giảng viên đầu ngành, trong diện quy hoạch. Thực hiện phương châm “Nhà trường gắn với đơn vị”, Học viện tích cực đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế quản lý, chỉ huy tại đơn vị, nhất là các đơn vị được trang bị vũ khí, khí tài mới, nhằm bổ sung kiến thức, rèn luyện phương pháp, tác phong chỉ huy, kỹ năng thực tiễn trong giảng dạy. Các khoa giảng viên tập trung xây dựng bộ môn mạnh về phương pháp giảng dạy, nghiên cứu; duy trì tốt nền nếp, chất lượng các hoạt động nghiệp vụ sư phạm, như: thông qua giáo án, dự giảng, bình giảng, giảng mẫu,… để bồi dưỡng, rèn luyện giảng viên. Hằng năm, Học viện tổ chức các lớp bồi dưỡng, thi chứng chỉ sư phạm, xét giảng viên giỏi các cấp, chức danh giảng viên, coi đây là tiêu chí để đánh giá, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên. Đồng thời, tổ chức đánh giá giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục theo phương pháp lấy ý kiến phản hồi từ người học; khuyến khích, động viên họ tích cực đi đào tạo sau đại học, ngoại ngữ, tin học làm cơ sở nghiên cứu, nắm vững các loại vũ khí, khí tài trang bị mới, nâng cao trình độ, năng lực sư phạm. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực sư phạm, trình độ quản lý, chỉ huy, phương pháp, tác phong công tác tốt. Hiện nay, 100% giảng viên, cán bộ của Học viện có trình độ đại học trở lên; trong đó, có hơn 71% sau đại học.

Tổ chức diễn tập cuối khóa cho học viên

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương về giáo dục và đào tạo, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Học viện đã tập trung đổi mới, chuẩn hóa về nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học. Bám sát quy trình, chương trình đào tạo cán bộ chỉ huy tham mưu phòng không - không quân các cấp, Học viện đẩy mạnh việc rà soát toàn bộ nội dung, chương trình, quy trình và thời lượng đào tạo các chuyên ngành phòng không - không quân; kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập, không còn phù hợp để đề nghị bổ sung, hoàn thiện2. Đồng thời, chủ động, nâng cao chất lượng biên dịch tài liệu, biên soạn giáo trình, giáo án điện tử, viết phần mềm mô phỏng phục vụ huấn luyện, giảng dạy theo vũ khí, khí tài, trang bị mới, cải tiến của Quân chủng. Đến nay, Học viện đã chuẩn hóa chương trình đào tạo cho 08/16 đối tượng. Ngoài ra, Học viện còn tập trung nâng cao chất lượng dạy, học, sử dụng ngoại ngữ, như: tổ chức thi tốt nghiệp môn tiếng Anh, tiếng Nga đối với học viên cấp phân đội; thí điểm bảo vệ luận văn thạc sĩ đối với học viên cao học và bảo vệ đồ án tốt nghiệp của kỹ sư hàng không bằng tiếng Nga.

Nhằm bổ trợ những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học viên, Học viện đã điều chỉnh, tăng thời gian huấn luyện thực hành chính khóa và tăng cường huấn luyện ngoại khóa; kết hợp huấn luyện trên thiết bị mô phỏng với huấn luyện trên khí tài, huấn luyện tại giảng đường với tham quan thực tế, thực tập, diễn tập; thực hiện nghiêm quy định bám lớp đối với cán bộ quản lý; nâng cao chất lượng ôn tập, tự học của học viên. Quy trình, nội dung, phương pháp thực tập, diễn tập được đổi mới, chuẩn hóa theo hướng: thực tập cán bộ kiêm chức từ tiểu đội đến đại đội, cán bộ lớp tại đơn vị quản lý học viên và thực tập theo chức danh tại đơn vị chiến đấu. Đối với huấn luyện thực hành và diễn tập tổng hợp cuối khóa, Học viện tăng diễn tập chiến thuật cơ động, hành quân đêm, bảo đảm sát thực tế, yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu. Hằng năm, Học viện tổ chức huấn luyện và tham gia bắn đạn thật pháo phòng không, tên lửa tại Trường bắn TB1 do Quân chủng tổ chức; cử các đoàn đi khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản hồi từ các đơn vị về chất lượng học viên sau khi ra trường để kiểm chứng, bổ sung cập nhật, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, chất lượng đào tạo của Học viện không ngừng nâng lên; phân loại học lực của học viên hằng năm có 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 70% khá, giỏi; sĩ quan khi tốt nghiệp có bản lĩnh, trình độ, năng lực đáp ứng tốt chức vụ ban đầu được đảm nhiệm.

Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Học viện chú trọng xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế quản lý giáo dục, đào tạo; xây dựng chương trình, hệ thống đảm bảo chất lượng để triển khai thực hiện thống nhất. Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo các khoa, cơ quan và đơn vị quản lý học viên duy trì nghiêm nền nếp, chế độ quản lý giáo dục, đào tạo, chấp hành kỷ luật, thực hiện chính quy trên giảng đường, thao trường; triển khai có hiệu quả các cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; tích cực đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả, tăng cường thi tập trung với nhiều hình thức, như: thi tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp, thực hành,… đưa công tác dạy - học vào thực chất. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào tự học tập, tự rèn luyện của học viên với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, như: “Lớp học tốt, rèn nghiêm”; các câu lạc bộ: “Học viên giỏi”, “Học viên nghiên cứu khoa học”, “Ngoại ngữ”, “Võ thuật”,… mang lại hiệu quả thiết thực. Hằng năm, nhiều học viên tham gia và đạt giải cao trong thi Olympic các môn Toán, Vật lý, Cơ học,… cấp toàn quốc.

Cùng với đó, Học viện luôn quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa, tích hợp hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đến nay, Học viện đã xây dựng được 75 phòng học phổ thông, 77 phòng học chuyên dùng hiện đại; hệ thống giảng đường, trận địa, bãi tập được bố trí liên hoàn, phục vụ tốt cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.

Bằng những giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng dạy - học của Học viện không ngừng được nâng lên. Năm học 2017 - 2018, Học viện được Bộ Quốc phòng tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

Phát huy kinh nghiệm và kết quả đạt được, thời gian tới, Học viện Phòng không - Không quân tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần đào tạo, xây dựng đội ngũ sĩ quan Phòng không - Không quân “vừa hồng, vừa chuyên”.

Thiếu tướng BÙI ĐỨC THÀNH, Chính ủy Học viện

___________

1 - Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được gần 7 vạn cán bộ, sĩ quan cho Quân đội và hơn 3 nghìn cán bộ cho quân đội các nước bạn Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan. Có 30 đồng chí từng là cán bộ, học viên của Học viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

2 - Năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019, Học viện đã rà soát và điều chỉnh 07 chương trình khung, 02 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ quân sự; xây dựng 03 chương trình khung giáo dục đại học, hoàn thành chuẩn đầu ra 11 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn CDIO đạt chất lượng tốt.

Ý kiến bạn đọc (0)