Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 05/07/2012, 15:55 (GMT+7)
Học viện Lục quân xây dựng chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới

Học viện Lục quân là trung tâm đào tạo cán bộ quân sự cấp chiến dịch - chiến thuật cho Quân đội ta và quân đội một số nước bạn. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, Học viện có nhiều giải pháp xây dựng chính quy, hiện đại.

 

Từ khi thành lập (07-7-1946) đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Học viện Lục quân ngày càng phát triển, xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ có uy tín trong hệ thống nhà trường quân đội. Trải qua 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện đã đào tạo hơn 300 khóa học với hơn 40.000 cán bộ chỉ huy – tham mưu binh chủng hợp thành cấp trung, sư đoàn và các chuyên ngành binh chủng, hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ quân sự cho Quân đội ta và quân đội hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia, góp phần quan trọng cung cấp nguồn nhân lực quân sự, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay và làm nghĩa vụ quốc tế. 

alt
Thực hành báo cáo quyết tâm chiến đấu trên sa bàn
 

Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) của Học viện có những yêu cầu mới cao hơn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đổi mới toàn diện công tác GD-ĐT, xây dựng Học viện theo hướng chính quy, hiện đại, tạo sự chuyển biến vững chắc về chất lượng, hiệu quả công tác GD-ĐT và nghiên cứu khoa học…; trong đó, tập trung vào những giải pháp chính sau: 

Một là, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, công nhân viên, chiến sĩ của Học viện trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quy, hiện đại.  Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện ra các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm đổi mới công tác GD-ĐT được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết 93, Nghị quyết 86 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và những nội dung phát triển mới về nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ Quân đội. Trên cơ sở đó, khối cơ quan, các khoa, hệ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên chức quốc phòng về mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Học viện chính quy, hiện đại; xem đó là nhân tố quan trọng, quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Học viện; đồng thời, là công việc thường xuyên, lâu dài, phải được cụ thể hóa trong mọi mặt, mọi lĩnh vực công tác của Nhà trường và đòi hỏi cao ở trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng như của mọi quân nhân trong Học viện. Trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức, Học viện đang triển khai xây dựng chính quy, hiện đại trên mọi mặt công tác. Trong GD-ĐT, Học viện đã chú trọng thống nhất hệ thống sơ đồ, bảng kẻ, giáo trình, giáo án của giảng viên theo quy chuẩn; rà soát toàn bộ hệ thống tài liệu và sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống hóa, số hóa các tài liệu, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên. Gần đây, Học viện tổ chức 2 hội nghị chuyên đề về xây dựng chương trình, nội dung và ra đề thi, kiểm tra; qua đó, đã rút kinh nghiệm và đề xuất nhiều biện pháp thiết thực giúp Ban Giám đốc chỉ đạo đổi mới công tác dạy – học, khắc phục tình trạng trùng lặp về nội dung giữa các bậc học và cấp học; tập trung đầu tư mua sắm các trang thiết bị dạy - học hiện đại cho phòng phương pháp, các giảng đường chuyên dụng của các khoa giảng viên; xây dựng hệ thống sa bàn, sở chỉ huy diễn tập hiện đại; triển khai hệ thống thông tin mạng diện rộng trong toàn Học viện phục vụ cho công tác chỉ huy, quản lý GD-ĐT… Học viện tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông nội bộ, giảng đường, thao trường, bãi tập, nhà làm việc, nhà ở cho cán bộ, công nhân viên và học viên; xây dựng cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp”; xây dựng thiết chế văn hóa, hệ thống pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Cùng với đó, Học viện tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 917 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự ở khối cơ quan với phương châm: “Nói ngắn, viết gọn, tham mưu đúng, trúng, hiệu quả, hướng dẫn cụ thể, kiểm tra sâu sát”.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất đạo đức, năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chính quy, hiện đại. Thực tế ở Học viện cho thấy, con người, mà trước hết là đội ngũ cán bộ, giảng viên là nhân tố quan trọng có tính quyết định đến xây dựng chính quy, hiện đại và khả năng hoàn thành nhiệm vụ GD-ĐT được giao. Cán bộ, giảng viên có tốt, đủ đức, tài thì mới đào tạo được học viên tốt, thực sự hữu ích cho Quân đội và xã hội. Do vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chú trọng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ của Đảng bộ Học viện trong thời kỳ mới. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch và kế hoạch bồi dưỡng phát triển toàn diện đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; ưu tiên xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt mạnh và nguồn giáo sư, phó giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện: 100% có trình độ đại học (trong đó, gần 50% có trình độ sau đại học); 27 phó giáo sư, 98 tiến sĩ, 188 thạc sĩ, 5 Nhà giáo ưu tú. Riêng đội ngũ giảng viên có 14 phó giáo sư, 60 tiến sĩ, 126 thạc sĩ. Học viện phấn đấu đến năm 2015, có trên 60% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, 12-15% tiến sĩ, 60 phó giáo sư, 1-2 giáo sư, 12-15% là Nhà giáo giỏi cấp Bộ, Nhà giáo ưu tú và Nhà giáo nhân dân. Để đạt mục tiêu đó, Học viện chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng; gắn công tác giáo dục, bồi dưỡng với rèn luyện cán bộ, giảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện với đi thực tế các đơn vị và tự học tập, rèn luyện của cán bộ, giảng viên. Học viện cũng phối hợp chặt chẽ với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội để cử cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ. Trước yêu cầu mới, Học viện tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên trong việc vận dụng các phương pháp và sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại; nhất là, đột phá vào viết bài giảng điện tử, sử dụng phần mềm dạy - học; đưa mạng thông tin vào hoạt động chỉ huy, quản lý, điều hành huấn luyện; từng bước tiến tới giảng dạy bằng công nghệ mô phỏng đối với một số chuyên ngành. Đồng thời, Học viện chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, luyện tập, diễn tập cho phù hợp với từng đối tượng, theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; nhất là, bồi dưỡng nâng cao năng lực tư duy, tổ chức huấn luyện, quản lý, chỉ huy, tham mưu, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị,… trong các tình huống đấu tranh quốc phòng, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Các hoạt động hội thảo, trao đổi kinh nghiệm sư phạm, chuyên môn nghiệp vụ, dự giảng, bình tập, bình giảng cũng được coi trọng; qua đó, kịp thời đúc kết các bài học kinh nghiệm có tính lý luận và thực tiễn, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Sau mỗi khóa học, Học viện tổ chức đoàn cán bộ đi nghiên cứu, khảo sát các đơn vị trong toàn quân để nghe các đơn vị phản ánh về chất lượng đào tạo, từ đó có kế hoạch bổ sung, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp GD-ĐT cho phù hợp ở những khóa học sau.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, Học viện chú ý tạo mọi điều kiện để cán bộ, giảng viên, học viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học; ưu tiên những sáng kiến, đề tài về kinh nghiệm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, huấn luyện, nghiên cứu, tổng kết, hoàn chỉnh lý luận về các hình thức chiến thuật cấp trung, sư đoàn, lực lượng vũ trang địa phương và nghệ thuật chiến dịch cơ bản; tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch - chiến đấu...; thiết thực góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT và xây dựng chính quy, hiện đại của Học viện. 

alt
Trao tặng Nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách
 

Ba là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Học viện xác định, đây  là cơ sở nền tảng đảm bảo để Học viện đủ khả năng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm, trong đó có nhiệm vụ xây dựng chính quy, hiện đại. Theo đó, Đảng ủy Học viện tập trung lãnh đạo thực hiện tốt việc quán triệt, triển khai quan điểm, đường lối, các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác xây dựng Đảng, nhất là Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 317-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… Tùy vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức đảng các cấp chú trọng xây dựng, hoàn thiện quy chế lãnh đạo, các chương trình, kế hoạch hành động; duy trì nghiêm các chế độ quy định, nguyên tắc trong sinh hoạt đảng; nhất là, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên… Trong xây dựng Đảng, chú trọng xây dựng đội ngũ cấp ủy, bí thư, phó bí thư có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn, làm hạt nhân để phát huy tốt năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực quản lý, chỉ huy của chính quyền các cấp; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì; xây dựng đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ… Đồng thời, tích cực đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “ba không”1 theo tinh thần Nghị quyết 707-NQ/ĐU của Đảng ủy Học viện về chống tiêu cực trong GD-ĐT; đưa công tác GD-ĐT của Học viện đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Học viện Lục quân nhất định xây dựng thành Nhà trường kiểu mẫu về chính quy, hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

Thiếu tướng, TS. TRẦN XUÂN NINH

Giám đốc Học viện

                  

1 - Ba không: không tiêu cực trong thi, kiểm tra; không bệnh thành tích trong GD-ĐT và không vi phạm đạo đức nhà giáo.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.