Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 14/05/2020, 09:47 (GMT+7)
Học viện Kỹ thuật Quân sự nâng cao hiệu quả bảo đảm kỹ thuật phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học
Học viện Kỹ thuật Quân sự là trường đại học trọng điểm quốc gia, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành khoa học công nghệ quân sự Việt Nam. Do đặc điểm là trường đại học kỹ thuật đào tạo đa ngành nên vũ khí, trang bị của Học viện tuy số lượng không nhiều nhưng đa dạng về chủng loại, như: vũ khí lục quân, tăng - thiết giáp, công binh, pháo binh, phòng không - không quân, tác chiến điện tử, thông tin, v.v. Phần lớn đều do Liên Xô chế tạo nên đã lạc hậu, xuống cấp, tình trạng đồng bộ kém; đồng thời, được đầu tư nhiều hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, khí tài hiện đại,... nhất là hàng loạt phòng thí nghiệm chuyên ngành được trang bị máy móc có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, v.v. Những đặc trưng đó, khiến công tác bảo đảm kỹ thuật có vị trí hết sức quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Phòng Kỹ thuật luôn chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, từng bước nâng cao chất lượng công tác, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở kỹ thuật1, bảo đảm tốt cho các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chính trị trung tâm của Học viện.
Nghiệm thu Phòng thí nghiệm Tăng thiết giáp

Trước hết, Phòng Kỹ thuật thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực kỹ thuật. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW, ngày 29/11/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, Phòng đã tham mưu cho Học viện xây dựng và triển khai quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở kỹ thuật; hoàn thiện quy hoạch khu kỹ thuật tại Trung tâm huấn luyện 125 ở Vĩnh Phúc, bước đầu triển khai quy hoạch khu kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm tại Hòa Lạc. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện: kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dự án đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên ngành, các chương trình, dự án thuộc chương trình, mục tiêu phát triển công tác kỹ thuật và kế hoạch công tác kỹ thuật hằng năm đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất chế thử của Học viện trong tình hình mới. Phòng tích cực tham gia xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển Học viện đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Dự án Nhà trường thông minh; phối hợp với các cơ quan chuyên ngành kỹ thuật cấp trên và các đơn vị trong toàn quân, đề xuất bổ sung vũ khí, trang bị theo yêu cầu huấn luyện, đào đạo. Đồng thời, tham gia mua sắm trang thiết bị cho các chương trình, dự án; xây dựng một số phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu chuyên sâu; các hạng mục tại khu Thử nghiệm kỹ thuật và kho đạn; từng bước tăng cường bảo đảm thí nghiệm, thực hành cho đào tạo sau đại học, v.v. Từ năm 2015 đến nay, Học viện triển khai đúng tiến độ nhiều dự án, như: Thiết kế vi mạch tích hợp chuyên dụng trong Bộ Quốc phòng; phòng thí nghiệm chuyên ngành phục vụ công nghiệp quốc phòng giai đoạn I; đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc Đề án “Tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất chế thử tại Học viện Kỹ thuật Quân sự” và “Đào tạo, bồi dưỡng lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin quốc phòng”. Đầu tư xây dựng gần 15.000 m2 các hạng mục của một số khu kỹ thuật2; xây mới 14 cơ sở kỹ thuật, nâng cấp 50 cơ sở kỹ thuật: phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm, phòng học tiếng, xưởng chế thử,... với tổng kinh phí trên 181 tỷ đồng.

Cùng với đó, Học viện tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị, khí tài. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, trên cơ sở các quy định ngành3, Phòng Kỹ thuật chủ động soạn thảo, báo cáo Học viện phê duyệt kế hoạch, chế độ công tác, quản lý vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất được giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng chuyên ngành, cơ sở kỹ thuật. Hằng năm, Phòng hướng dẫn chi tiết, cụ thể chế độ quản lý, khai thác, quy trình, chỉ tiêu bảo đảm kỹ thuật tới từng loại trang bị; thống nhất hệ thống mẫu biểu quản lý, khai thác; cơ chế kiểm tra, báo cáo, điều động vũ khí, trang bị phù hợp với thời khóa biểu đào tạo. Tích cực triển khai hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin; thực hiện đánh mã số, mã vạch quản lý; theo dõi giờ, chu kỳ, thời lượng làm việc thực tế của vũ khí, trang bị thông qua mạng nội bộ. Đặc biệt, Phòng chủ trì xây dựng và đưa vào sử dụng Phần mềm quản lý năng lực cơ sở kỹ thuật theo hướng tích hợp, giúp người dùng dễ sử dụng, tra cứu; chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị tăng cường sử dụng phần mềm này trên mạng nội bộ để xây dựng “Kế hoạch khai thác các cơ sở kỹ thuật”, tự theo dõi, đánh giá hiệu quả khai thác cơ sở kỹ thuật. Hằng năm, Phòng tổ chức đánh giá hiệu quả khai thác đối với 100% các cơ sở kỹ thuật phục vụ đào tạo, nghiên cứu; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về: xuất kho, nhập kho, thanh quyết toán vật tư, tài chính; làm tốt công tác kiểm kê, cấp phát, tiếp nhận, thu hồi, thanh xử lý vũ khí, trang bị; quản lý, sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất đúng quy định hiện hành; xây dựng nền nếp việc theo dõi, chấm điểm thi đua trong công tác kỹ thuật, v.v.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm của các cơ sở kỹ thuật, Học viện xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa đúng chu kỳ và theo từng giai đoạn; đánh giá chất lượng máy móc, trang bị, dự báo hư hỏng,... từ đó, chủ động bảo đảm vật tư, kinh phí, xăng dầu đúng chủng loại, đủ số lượng và có chất lượng tốt, nhất là đặt hàng sản xuất phụ tùng, đồng bộ thay thế. Bám sát kế hoạch và chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, Phòng triển khai công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa cho từng loại vũ khí, trang bị, khí tài, phương tiện phục vụ chỉ huy, điều hành đúng chu kỳ và quy trình công nghệ, lấy chất lượng làm đầu, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; chủ động phối hợp tốt với các nhà máy của Tổng cục Kỹ thuật và các quân chủng, binh chủng thực hiện bảo dưỡng, sữa chữa, đồng bộ các bộ khí tài tên lửa, ra đa, ô tô, xe tăng - thiết giáp, xe máy công binh, thông tin,... nhất là triển khai thực hiện tốt kế hoạch đồng bộ xe ô tô hằng năm. Trong 05 năm qua, Phòng cùng các cơ sở kỹ thuật bảo dưỡng 12.608 lượt, sửa chữa và đồng bộ 10.082 lượt vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần quan trọng duy trì và nâng cao hệ số kỹ thuật bảo đảm phục vụ tốt các nhiệm vụ của Học viện.

Hướng dẫn bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật

Bên cạnh việc bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ chính trị của Học viện, Phòng đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện kỹ thuật. Hằng năm, căn cứ kế hoạch huấn luyện chiến đấu, kế hoạch giáo dục, đào tạo,... của Học viện, Phòng xây dựng kế hoạch huấn luyện kỹ thuật cụ thể, có tính khả thi cao. Trong đó, xác định rõ nội dung, thời gian huấn luyện bảo đảm tính chuyên sâu, thực hành cao và đi trước một bước để phục vụ tốt chương trình đào tạo. Trong huấn luyện, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; chỉ đạo các cơ sở kỹ thuật thực hiện nghiêm kế hoạch huấn luyện kỹ thuật thường xuyên. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo và chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong quá trình đầu tư chiều sâu, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở kỹ thuật. Từng bước tổ chức huấn luyện quản lý, vận hành các cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị theo tiêu chuẩn ISO 17025. Phối hợp, tham gia thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức thi nâng bậc thợ kỹ thuật hằng năm. Tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, nhân viên tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Để đạt hiệu quả cao, Phòng phối hợp với các bộ môn nắm chắc nội dung, yêu cầu về huấn luyện thực hành để có những bước chuẩn bị, tập huấn trước về phương pháp, kỹ năng, phối hợp với giảng viên chính của môn học; yêu cầu nhân viên kỹ thuật tự nghiên cứu tài liệu theo các yêu cầu của môn học, giúp đỡ giáo viên huấn luyện thực hành trong quá trình chuẩn bị và thực hiện,... tạo nền nếp tự học cùng giáo viên và học tập cùng học viên. Hằng năm, Học viện đều tổ chức hội thi quản lý, khai thác cơ sở kỹ thuật và vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, hội thao phòng cháy, chữa cháy, nội dung hình thức luôn được đổi mới phù hợp với thực tế; tập trung vào một số vấn đề cần giải quyết: công tác quản lý, giữ gìn vũ khí, trang bị; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; hiệu quả khai thác sử dụng vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật. Từ năm 2015 đến nay, Học viện đã bồi dưỡng nghiệp vụ cho 4.700 lượt cán bộ, nhân viên kỹ thuật; huấn luyện khai thác sử dụng và bổ túc tay nghề cho gần 1.300 lượt lái xe và thợ kỹ thuật, đội ngũ kỹ thuật viên, v.v.

Công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và bảo đảm an toàn được Học viện hết sức chú trọng, triển khai thực hiện nghiêm, chặt chẽ. Hằng năm, Học viện thường xuyên làm tốt công tác kiểm định, giám định các phương tiện đo, hệ thống trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật; giám định chất lượng hàng hóa mua sắm, nhập khẩu; giám định các trang bị có yêu cầu nghiêm ngặt về bảo đảm bí mật, an toàn thông tin; cấp phát phương tiện bảo hộ lao động, chế độ, phụ cấp độc hại đến 100% đối tượng được hưởng. Đồng thời, ban hành quy định công tác phòng cháy, chữa cháy; tích cực bổ sung trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ cho các cơ sở kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống kho súng, đạn dược. Phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị tổ chức bồi dưỡng kiến thức, luyện tập thực hành phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, học viên với nhiều hình thức phong phú. Thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các cơ sở kỹ thuật; thực hiện nghiêm quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng và an toàn giao thông. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, Học viện hoàn thành quy trình quản lý chất lượng thí nghiệm theo quy định cho 04 phòng thí nghiệm với 14 phép đo được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận; bổ sung năng lực thực hiện 15 phép thử tại 07 phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn hiện hành; xây dựng 23 tiêu chuẩn cơ sở và quốc gia, 23 quy trình quản lý phòng thí nghiệm,... đặc biệt đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, vũ khí, khí tài, trang bị và cơ sở, vật chất kỹ thuật.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Học viện đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công tác bảo đảm kỹ thuật; một số sản phẩm như: Máy bắn tập MBT03, Thiết bị chế áp Flycam,... được triển khai ứng dụng hiệu quả tại các đơn vị. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động 50 tạo động lực lớn từ sự đồng lòng của cán bộ, giảng viên, học viên chung sức khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị, khí tài tốt, bền, an toàn và thực hiện tiết kiệm vật tư, vật chất kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện.

Đại tá NGUYỄN VĂN CÔNG, Chủ nhiệm Kỹ thuật Học viện
__________________         

1 - Học viện có 139 cơ sở kỹ thuật, gồm: 28 phòng thí nghiệm cơ bản, cơ sở; 56 phòng thí nghiệm chuyên ngành; 40 phòng học chuyên dùng và 15 trạm xưởng.

2 - Khu Kỹ thuật Phòng không, khu Huấn luyện kỹ thuật, khu Trường bắn Hương Sơn, khu Thử nghiệm kỹ thuật Hòa Lạc, v.v.

3 - Quy định về trích kinh phí hỗ trợ công tác bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật; Quy trình đầu tư nâng cấp cơ sở kỹ thuật và quy trình bảo đảm kỹ thuật theo ISO 9001:2008; Quy định công tác phòng cháy, chữa cháy; Quy chế khai thác chung các cơ sở kỹ thuật.

 

Ý kiến bạn đọc (0)