Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 06/06/2011, 16:24 (GMT+7)
Học viện Hậu cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học

alt
Chỉ huy Học viện trao Bằng tốt nghiệp cho đại diện các khoá đào tạo ra trường năm học 2009-2010

Học viện Hậu cần là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) hậu cần hàng đầu của quân đội. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo hàng vạn cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp cho toàn quân, hàng ngàn cán bộ hậu cần cho quân đội nước bạn Lào, Cam-pu-chia và trên 1.000 sinh viên dân sự, phục vụ sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Cùng với đó, công tác NCKH của Học viện cũng góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện, phát triển lý luận khoa học hậu cần quân sự và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác hậu cần. Với những thành tích đạt được, Học viện đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều huân chương, huy chương và những phần thưởng cao quý khác.

Những năm gần đây, trước yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” và thực hiện chủ trương đổi mới công tác giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, Học viện đặc biệt chú trọng đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT, NCKH, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đồng thời là mục tiêu xuyên suốt, quyết định sự phát triển của Học viện cả trước mắt và lâu dài.

Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ trên, Học viện đã quán triệt sâu sắc và cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, của Quân uỷ Trung ương về quân sự, quốc phòng và GD-ĐT, trực tiếp là Nghị quyết 93 và 86 của Quân uỷ Trung ương, sát với chức năng, nhiệm vụ của một trung tâm đào tạo chuyên ngành hậu cần. Theo đó, Đảng uỷ Học viện đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH; Ban Giám đốc Học viện đã xây dựng Chương trình hành động, giao nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai thực hiện bằng các biện pháp cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị quản lý học viên thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Những năm qua, Học viện đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào; tích cực đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo của các bậc học, ngành học; đổi mới phương pháp dạy-học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy, NCKH. Đặc biệt, Học viện đã có bước đi đột phá trong xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên đầu đàn, chuyên gia đầu ngành (hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên của Học viện có trình độ đại học, trong đó 62,5% có trình độ sau đại học, trên 15% tiến sĩ; có 6 giáo sư, 24 phó giáo sư, 2 Nhà giáo Nhân dân, 14 Nhà giáo Ưu tú...). Bên cạnh đó, Học viện duy trì thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức điều hành, quản lý đào tạo, NCKH; tập trung ưu tiên đầu tư, tăng cường một bước cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác GD-ĐT, NCKH theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, tiến hành mở rộng liên kết đào tạo, NCKH; đẩy mạnh xây dựng 3 môi trường (văn hoá sư phạm; chính quy, quản lý kỷ luật; cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp), tạo động lực và điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ GD-ĐT, NCKH.

alt
Kiểm tra, hướng dẫn học viên triển khai ăn ở dã ngoại trong diễn tập Hậu cần
Nhờ có chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp, nên những năm qua, mặc dù nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện liên tục có sự phát triển cả về quy mô, loại hình, đối tượng đào tạo, lưu lượng học viên hằng năm lớn, cơ sở đào tạo phân tán trên nhiều khu vực, điều kiện bảo đảm còn khó khăn... nhưng, chất lượng GD-ĐT, NCKH của Học viện không ngừng được nâng lên. Kết quả các khoá đào tạo gần đây, tỷ lệ học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi luôn đạt trên 70%. Học viên quân sự tốt nghiệp ra trường đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, thực sự là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác hậu cần ở các cấp. Sinh viên dân sự khi ra trường bước đầu đã được xã hội tiếp nhận. Chất lượng NCKH có bước tiến bộ rõ nét; mỗi năm có hàng trăm đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến được nghiệm thu; trong đó, nhiều đề tài, sáng kiến đạt giải cao trong các cuộc thi “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân và được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Uy tín và vị thế của Học viện trong hệ thống nhà trường quân đội, hệ thống GD-ĐT quốc gia được khẳng định và nâng cao.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác GD-ĐT, NCKH của Học viện còn có những mặt hạn chế. Chương trình, nội dung đào tạo giữa các bậc học vẫn còn trùng lặp, cấu trúc giữa các khối kiến thức chưa thật hợp lý, có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Phương pháp dạy-học đã được đổi mới nhưng còn chậm. Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo có giai đoạn chưa được chú trọng đúng mức, nên có sự hẫng hụt giữa các thế hệ. Kết quả NCKH chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng và tính khả thi của một số đề tài chưa cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho đào tạo, NCKH tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá ngày càng cao của Học viện...

Kế thừa, phát huy truyền thống, kinh nghiệm đạt được và để khắc phục những hạn chế, nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng GD-ĐT, NCKH, từ năm học 2010-2011, Học viện Hậu cần đã và đang triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

1. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội, sự phát triển của khoa học-công nghệ, nghệ thuật quân sự và khoa học-kỹ thuật chuyên ngành hậu cần, Học viện đã chỉ đạo rà soát, đẩy mạnh nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chương trình, nội dung đào tạo hiện hành của các đối tượng; trong đó, tập trung xây dựng, chuẩn hoá chương trình, nội dung đào tạo Cử nhân Hậu cần cấp phân đội làm nền tảng để xây dựng chương trình, nội dung đào tạo cho các đối tượng khác. Trong quá trình thực hiện, Học viện kiên quyết loại bỏ những nội dung trùng lặp, khắc phục sự dàn trải, mất cân đối của các khối kiến thức và mất cân đối giữa các bậc học, đảm bảo hệ thống chương trình, nội dung đào tạo có tính liên thông, kế thừa giữa các bậc học, hoà nhập với hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện kết hợp đào tạo theo chức vụ với đào tạo học vấn, trang bị kiến thức vừa toàn diện, vừa chuyên sâu, coi trọng huấn luyện kỹ năng, kỹ xảo của từng chuyên ngành; xây dựng chương trình, nội dung đào tạo theo hệ thống tín chỉ và áp dụng một số chương trình tiên tiến cho đào tạo hệ dân sự. Mặt khác, Học viện chú trọng đổi mới nội dung các môn học đảm bảo thiết thực, hiện đại, cập nhật kiến thức mới về nghệ thuật quân sự, thực tiễn đơn vị, nhất là công tác bảo đảm hậu cần trong điều kiện kinh tế thị trường, trong tác chiến biển, đảo và chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao.

alt
Báo cáo kết quả Lớp đào tạo, quản lý xây dựng giáo trình và bài giảng điện tử
2. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy-học phù hợp với nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo, thực hiện lấy người học làm trung tâm. Học viện chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giảng tập, giảng thử, giảng rút kinh nghiệm ở tất cả các cấp; tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, các cuộc hội thảo khoa học về phương pháp dạy-học; đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng phạm vi ứng dụng CNTT trong các khâu, các nội dung huấn luyện; khuyến khích giảng viên sử dụng phương tiện kỹ thuật dạy-học hiện đại, ứng dụng CNTT trong giảng dạy, nhằm tạo bước đột phá trong đổi mới phương pháp dạy-học; mục tiêu đến năm 2015, có 70-80% giảng viên sử dụng thành thạo các phương tiện dạy-học hiện đại. Các khoa giáo viên chỉ đạo tăng cường vận dụng phương pháp dạy-học nêu vấn đề, kết hợp chặt chẽ giữa giảng trên lớp với hướng dẫn học viên tự học, tự nghiên cứu. Học viện tiếp tục đẩy mạnh đổi mới khâu đánh giá kết quả học tập của học viên, chú trọng thực hiện đa dạng hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, ra đề thi theo hướng đề cao năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn. Mặt khác, Học viện coi trọng đổi mới phương pháp học tập của học viên, xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ môn học ở các đơn vị, tổ chức tốt việc trao đổi, rút kinh nghiệm học tập, nhất là phương pháp tự học, tự nghiên cứu, nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của người học, nâng cao chất lượng các giờ tự học, từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.  

3. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện xác định đây là khâu then chốt quyết định việc nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH. Hiện nay, Học viện tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020; xây dựng đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hoá, có cơ cấu hợp lý, đủ “tâm”, “tầm”, “trí”; phấn đấu đến năm 2015, trên 70% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó, có 18-20% tiến sĩ; 50% qua thực tế đơn vị,... Trong công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giảng viên, Học viện đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng nguồn “đầu vào”; chú trọng kết hợp nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, nhằm phát triển năng lực toàn diện của đội ngũ giảng viên, nhất là năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn; đặt ra yêu cầu cao, tạo áp lực trong việc tự tu dưỡng, rèn luyện; đồng thời, quan tâm chăm lo bảo đảm tốt chính sách, chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện thuận lợi và động lực khuyến khích đội ngũ giảng viên phấn đấu vươn lên ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi. Cùng với đó, Học viện tiếp tục duy trì thành nền nếp và nâng cao chất lượng Hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp; tăng cường mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài quân đội để trao đổi đội ngũ giảng viên có chất lượng cao tham gia giảng dạy, coi đây là một hướng quan trọng giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng GD-ĐT, NCKH.

4. Đẩy mạnh công tác NCKH, gắn kết chặt chẽ NCKH với GD-ĐT, tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo. Học viện đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch hoạt động GD-ĐT và NCKH; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia NCKH; trong đó, lấy Viện Nghiên cứu khoa học Hậu cần quân sự và các cán bộ, giảng viên có học vị, chức danh khoa học, các chuyên gia đầu ngành làm nòng cốt. Nội dung NCKH được định hướng tập trung vào các lĩnh vực phục vụ trực tiếp nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện và giải quyết những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn đơn vị. Công tác quản lý khoa học được đẩy mạnh và đổi mới, các đề tài NCKH được triển khai theo hướng đa dạng, chú trọng nâng cao tính ứng dụng vào thực tiễn. Trước mắt, Học viện ưu tiên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, chuẩn hoá hệ thống giáo trình, tài liệu, đổi mới phương pháp dạy-học; đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến, nâng cấp các trang thiết bị, đồ dùng dạy-học, ứng dụng CNTT, công nghệ mô phỏng phục vụ hoạt động giảng dạy và quản lý, điều hành huấn luyện.

5. Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng GD-ĐT. Công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục được Học viện quan tâm và duy trì chặt chẽ ở tất cả các khâu, các đối tượng học viên; trong đó, đặc biệt coi trọng phát huy vai trò chuyên trách của Ban Khảo thí và bảo đảm chất lượng Huấn luyện, tiến tới đưa công tác khảo thí độc lập với tổ chức đào tạo. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, Học viện đẩy mạnh phân cấp quản lý đào tạo cho cơ quan chức năng và các khoa giáo viên; đồng thời, làm tốt việc lấy ý kiến phản hồi từ người học và từ các cơ quan, đơn vị sử dụng học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp để rút kinh nghiệm trong đào tạo.

Cùng với đó, Học viện tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác GD-ĐT và NCKH, ưu tiên lĩnh vực CNTT và tự động hoá; tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, tập trung xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch vững mạnh, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện, thực sự chính quy, mẫu mực, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và đất nước trong thời kỳ mới.

Trung tướng, GS,TS. ĐỒNG MINH TẠI

Giám đốc Học viện

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.