Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 08/09/2022, 08:17 (GMT+7)
Hiệu quả công tác dân vận của Lữ đoàn Thông tin 134

Lữ đoàn Thông tin 134 là đơn vị trực thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc, có nhiệm vụ trực tiếp quản lý, khai thác, bảo đảm thông tin liên lạc cơ động phục vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên hướng, khu vực đã xác định; đồng thời, bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn Quân khu 1, Quân khu 3, Quân khu 4, một phần Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lữ đoàn gặp không ít khó khăn, nhất là một bộ phận trang bị, khí tài qua sử dụng nhiều năm xuống cấp, thiếu đồng bộ; dịch bệnh, thiên tai, sự cố diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp đến an toàn cơ sở hạ tầng thông tin, v.v. Trong khi đó, địa bàn đóng quân của Lữ đoàn phân tán, với 44 điểm trải dài trên 17 tỉnh (thành phố); các trạm thông tin đóng quân chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, tác động không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ của Đơn vị. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã triển khai toàn diện các mặt công tác, với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, công tác dân vận được xác định là một trong những nội dung trọng tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Từ thực tiễn thực hiện công tác dân vận, Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm; đồng thời, cũng là những giải pháp mà Đơn vị đã, đang thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1, Đảng ủy Lữ đoàn tập trung phát huy vai trò của các cấp ủy, chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận. Theo đó, Lữ đoàn tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy chế của Đảng, Quân ủy Trung ương về công tác dân vận2, làm cho đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống thông tin liên lạc mà Lữ đoàn đảm nhiệm. Đảng ủy Lữ đoàn yêu cầu trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, từng cấp ủy, chi bộ phải đánh giá, kiểm điểm kết quả lãnh đạo kỳ trước và xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp lãnh đạo kỳ sau; trong quy chế hoạt động công tác dân vận, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị của từng cơ quan, đơn vị phải xác định cụ thể nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận cho phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương. Công tác giáo dục nâng cao nhận thức về công tác dân vận cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ ở các tổ, trạm đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị coi trọng, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, bảo đảm phong phú, đa dạng. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, nhiệm vụ của công tác dân vận đối với việc bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin liên lạc nói chung, tuyến cáp mà Lữ đoàn đảm nhiệm nói riêng có bước chuyển biến rõ nét; ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, kỷ luật dân vận của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ khi tiếp xúc với nhân dân được đề cao. Với những nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả của công tác dân vận đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân - dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi đóng quân; đồng thời, trực tiếp góp phần bảo vệ an toàn các tuyến cáp và đài, trạm thông tin liên lạc của Lữ đoàn.

Thủ trưởng Lữ đoàn và lãnh đạo địa phương cắt băng khánh thành “Nhà tình nghĩa” và tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Trong điều kiện đóng quân trải rộng trên nhiều địa bàn, nhân dân địa phương có nhiều phong tục, tập quán khác nhau, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt phương châm: “sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” khi tiến hành công tác dân vận. Với mục tiêu: không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Lữ đoàn đã gắn việc thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” với đẩy mạnh có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, v.v. Trong tổ chức thực hiện, các đơn vị phát huy tốt vai trò của các trạm trưởng trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương,... để nắm chắc nhu cầu của địa phương, của nhân dân, làm cơ sở để tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn những chủ trương, biện pháp thích hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác dân vận tại chỗ gắn với đẩy mạnh mô hình “Trạm thông tin 4 tốt làm theo lời Bác” với những nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân trên địa bàn đóng quân. Nổi bật là: tổ chức hàng trăm buổi tư vấn, khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo; tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng (xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; xã Thụy An, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội) nhân các dịp lễ, Tết với số tiền hàng trăm triệu đồng. Tặng đồ dùng, trang thiết bị dạy học cho trường mầm non Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; xã Thụy An, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội với số tiền hơn 200 triệu đồng; ủng hộ quỹ “Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin”, “Phòng chống thiên tai” do tỉnh Hòa Bình phát động với tổng số tiền gần 170 triệu đồng. Tổ chức hơn 6.000 lượt cán bộ, nhân viên, chiến sĩ giúp các địa phương tu sửa Nhà văn hóa, trường học, đường liên thôn, liên xã, nạo vét kênh, mương thủy lợi. Tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền về các chương trình, cuộc vận động: “Chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, “Xây dựng gia đình văn hóa mới”, “Luật Nghĩa vụ quân sự” và các buổi trao đổi kinh nghiệm hoạt động đoàn, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,... làm cho nhân dân thêm tin tưởng vào Đảng, chính quyền và Quân đội, góp phần củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Những việc làm ý nghĩa trên là cơ sở thuận lợi để các đơn vị gặp gỡ, ký kết biên bản hiệp đồng bảo vệ an toàn tuyến cáp; đến nay, toàn Lữ đoàn đã ký với gần 6.000 lượt hộ gia đình, hơn 700 chủ máy xúc, 200 công ty, 800 xã, phường, thị trấn, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an toàn tuyệt đối hệ thống thông tin liên lạc, nhất là các tuyến cáp do Lữ đoàn quản lý, khai thác.

Nhằm phát huy tối đa vai trò của nhân dân trong duy trì an toàn hệ thống thông tin liên lạc, nhất là hệ thống tuyến cáp, Lữ đoàn xác định công tác “thông tin nhân dân” giữ vai trò quyết định. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong thực hiện phải luôn sáng tạo về phương pháp, phong phú về hình thức theo đúng nội dung “thông tin nhân dân” trong Quy chế số 463-QC/ĐU, ngày 10/11/2017 của Đảng ủy Lữ đoàn về công tác dân vận. Đồng thời, căn cứ vào đặc điểm từng địa phương và khả năng, tổ chức biên chế của đơn vị mình để vận dụng vào thực tiễn, bảo đảm sát sự chỉ đạo của trên; thực hiện chi tiết, chặt chẽ, khoa học, đạt kết quả cao. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, quy định của Quân đội về quản lý công trình quốc phòng. Nhờ đó, nhận thức của nhân dân trên các địa bàn mà Đơn vị đặt các trạm máy và tuyến cáp đi qua được nâng cao; thấy rõ: hệ thống thông tin liên lạc quân sự là công trình quốc phòng không thể xâm hại. Từ đó, phát huy trách nhiệm trong bảo vệ hệ thống quan trọng này, nhất là tuyến cáp trước những tác động của con người và sự tàn phá của thiên tai, góp phần bảo đảm sự hoạt động ổn định, vững chắc hệ thống thông tin liên lạc quân sự trong mọi tình huống.

Xác định chủ thể tiến hành công tác “thông tin nhân dân” là lực lượng nòng cốt tiến hành công tác dân vận tại các trung đội, tổ, trạm, nhất là vai trò của cán bộ chủ trì, Lữ đoàn thường xuyên kiện toàn các tổ công tác dân vận là những đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, chiến sĩ có ý thức chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, có khả năng giao tiếp, vận động, thuyết phục nhân dân để bồi dưỡng kỹ năng hoạt động công tác dân vận nói chung, công tác “thông tin nhân dân” nói riêng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác quan trọng này. Đồng thời, chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tích cực chủ động phối hợp, kết nghĩa với các tổ chức quần chúng địa phương, nhất là địa bàn có tuyến cáp của Lữ đoàn đi qua để trao đổi, phối hợp bảo vệ; thống nhất phương pháp thông báo khi có sự cố xảy ra; thời gian, cách thức tiến hành giám sát khi có sự tác động ngoại cảnh, v.v. Quá trình thực hiện, Lữ đoàn yêu cầu việc thực hiện nội dung công tác “thông tin nhân dân” phải đầy đủ, chi tiết, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và phải được thể hiện bằng văn bản cụ thể, có tính pháp lý. Qua đó, vừa củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, vừa vận động được nhân dân và các cơ quan, đoàn thể địa phương tích cực tham gia bảo vệ trạm máy, tuyến cáp của đơn vị.

Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền Lữ đoàn đạt danh hiệu “Đơn vị dân vận tốt”, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen trong Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” giữa giai đoạn 2016 - 2020 (năm 2018); Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen trong thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” (năm 2017). Kết quả đó đã khẳng định công tác dân vận của Lữ đoàn mang lại hiệu quả cao; nhân dân trên các địa bàn Đơn vị đóng quân luôn quan tâm, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cùng bảo vệ an toàn, giữ vững mạch máu thông tin liên lạc thông suốt. Qua đó, góp phần tăng cường mối đoàn kết gắn bó quân - dân, tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Chính ủy Lữ đoàn
_______________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6,  Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

2 - Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Nghị quyết số 49-NQ/QUTW, ngày 26/01/2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”; Quy chế công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.