Thứ Ba, 26/11/2024, 14:28 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Quản lý nhà nước về quốc phòng là mặt công tác thường xuyên, quan trọng trong sự nghiệp quốc phòng của mỗi địa phương. Nhận thức rõ điều đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang luôn coi trọng tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện tốt công tác này.
Đại tá Nguyễn Văn Tính gắn quân hàm cho các học viên lớp đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở khóa II. (Ảnh: baohaugiang.com.vn)
Những năm qua, tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về quốc phòng, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nhờ đó, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện nghiêm túc, toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tiềm lực quốc phòng được tăng cường; khu vực phòng thủ Tỉnh, huyện được xây dựng ngày càng vững chắc; chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang không ngừng được nâng cao; tình hình chính trị - xã hội ổn định. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để Tỉnh đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.
Nhằm đảm bảo tính pháp lệnh và thống nhất cao trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành thực hiện công tác quốc phòng theo đúng chức năng. Trước hết, Tỉnh tập trung quán triệt, giáo dục, tuyên truyền các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng cho mọi cán bộ, đảng viên và toàn dân trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào các văn bản quan trọng, như: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên, v.v. Đồng thời, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành địa phương soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện, như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch công tác quốc phòng hằng năm; Đề án đảm bảo quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030,… tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo cho công tác quốc phòng, quân sự được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, nhất quán, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị ở địa phương.
Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phát huy tốt vai trò tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác quản lý nhà nước về quốc phòng. Trước hết, là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quốc phòng, quân sự và hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho chính quyền quản lý, chỉ đạo xây dựng toàn diện các tiềm lực: chính trị - tinh thần, kinh tế, quân sự và an ninh, sát với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của địa phương. Qua đó, thiết thực góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an, các sở, ban, ngành, đoàn thể. Cơ quan quân sự đã chủ động tham mưu cho ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, quản lý chặt chẽ việc triển khai quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi, bưu chính - viễn thông,... phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng và an ninh. Trong đó, Tỉnh tập trung ưu tiên cho các công trình trọng điểm, các tuyến giao thông huyết mạch, như: Quốc lộ 61, các tuyến đường nối liền với các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, các trục đường nội tỉnh và xây dựng mới Đường 61B từ thị xã Vị Thanh đến Vàm Xáng nối với thành phố Cần Thơ; đầu tư xây dựng một số cảng nội thủy, như: Vị Thanh, Hậu Giang, Ngã Bảy, cảng chuyên dùng trên sông Hậu; nạo vét kênh Xà No, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp,… gắn kết chặt chẽ giao thông thủy - bộ, đảm bảo thuận tiện cơ động lực lượng khi có tình huống.
Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh tăng cường tiềm lực kinh tế của khu vực phòng thủ, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Phát huy thế mạnh về nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản, Tỉnh đã tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã; quy hoạch, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, khu nuôi trồng, chế biến tập trung,… tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng nông nghiệp. Trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên khuyến khích đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, như: đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp: Tân Phú Thạnh, Sông Hậu, Vị Thanh, Cái Tắc và các trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các huyện, v.v. Đồng thời, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất, vừa góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương, xóa đói, giảm nghèo, vừa tạo nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ nhu cầu quốc phòng và an ninh. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương làm tốt chính sách hậu phương quân đội. Bằng trách nhiệm và tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các cơ quan chức năng đã nỗ lực thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách (người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ) theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh không có hộ gia đình chính sách nào trong diện hộ nghèo; các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng được chính quyền chăm lo, phụng dưỡng chu đáo.
Thực tiễn cho thấy, sự bất cập về kiến thức và ý thức quốc phòng của một số cán bộ, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng công tác quốc phòng. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh chuẩn hóa kiến thức quốc phòng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Hằng năm, Hội đồng Giáo quốc phòng và an ninh Tỉnh xây dựng kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh, thực hiện nghiêm túc chế độ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, các ngành từ Tỉnh đến cơ sở. Đến nay, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng của Tỉnh luôn bảo đảm đúng kế hoạch và có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra. Năm 2015, cùng với cử 15 cán bộ đối tượng 1, 2 tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch tổ chức của Trung ương và Quân khu, Tỉnh đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 240 cán bộ đối tượng 3. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 21 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 2.000 cán bộ đối tượng 4. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp cho lực lượng vũ trang địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, đảm bảo không chỉ giỏi về quân sự mà còn có nền tảng kiến thức toàn diện về kinh tế - xã hội để tham mưu cho Tỉnh trong việc thẩm định, quy hoạch các dự án phát triển kinh tế, giúp ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quốc phòng gắn với cải cách thủ tục hành chính. Thời gian qua, một số văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quốc phòng của Tỉnh chưa bám sát yêu cầu thực tế của địa phương, tình trạng sao chép văn bản cấp trên vẫn còn. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp thực hiện tốt Chỉ thị 72/CT-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Thực hiện cải cách một bước hành chính trong lĩnh vực quốc phòng và Quân đội”. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh đẩy mạnh việc đổi mới quy trình xây dựng, soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quốc phòng theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch. Sự nghiệp quốc phòng là sự nghiệp của quần chúng, vì vậy, ngoài những nội dung quan trọng của nhiệm vụ quốc phòng, quân sự phải tuyệt đối bí mật, như: kế hoạch phòng thủ, phương án tác chiến,... những nội dung khác Tỉnh đã lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân, phản biện từ các tổ chức xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Do đó, các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng của Tỉnh đã đi vào cuộc sống, vừa là công cụ quản lý của nhà nước, vừa bảo đảm cho mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là các luật, chính sách có đối tượng điều chỉnh rộng, như: Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên, chính sách hậu phương quân đội, v.v. Ngoài ra, với chức năng là cơ quan trung tâm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh duy trì chặt chẽ các chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quốc phòng theo quy định của pháp luật; thường kỳ tổ chức đối thoại giữa chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất, giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao tiềm lực kinh tế - quốc phòng trên địa bàn.
Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho Tỉnh trong quản lý nhà nước về quốc phòng ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Đồng thời, đề cao trách nhiệm chính trị, tập trung thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, góp phần thiết thực xây dựng các cơ quan quản lý nhà nước các cấp vững mạnh.
Đại tá NGUYỄN VĂN TÍNH, Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh.
Hậu Giang,quản lý nhà nước,công tác quốc phòng
Ba đột phá nâng cao sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn 490 25/11/2024
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm
Ba đột phá nâng cao sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn 490