Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 16/06/2016, 14:01 (GMT+7)
Giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở Lữ đoàn Pháo binh 572

Lữ đoàn Pháo binh 572 thuộc Quân khu 5, có nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Những năm qua, mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng với chủ trương đúng, quyết tâm cao và cách làm sáng tạo, Lữ đoàn đã phát huy được thế mạnh của mình, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trong đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Kết quả kiểm tra các nội dung giáo dục, huấn luyện, như: nhận thức chính trị, huấn luyện thể lực và kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành pháo binh đều đạt loại giỏi; tổ chức các cuộc diễn tập đều hoàn thành tốt nội dung, chỉ tiêu đề ra. Với thành tích xuất sắc đạt được, Lữ đoàn là một trong số ít đơn vị được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện Giỏi” liên tục 10 năm (2005 - 2015). Để có được kết quả đó, trên cơ sở quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Quân khu về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới, Lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Hằng năm, Lữ đoàn phải huấn luyện cho nhiều đối tượng với trình độ nhận thức khác nhau; trong khi đó, vũ khí, trang bị thiếu đồng bộ, công tác bảo đảm còn khó khăn, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp thường xuyên biến động, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đặt ra ngày càng cao, v.v. Vì vậy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội về nhiệm vụ này là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng huấn luyện. Từ nhận thức đó, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị quán triệt, giáo dục cho bộ đội nắm chắc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Quân khu về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung giáo dục cho bộ đội nhận thức rõ về đối tượng, đối tác của cách mạng, đối tượng tác chiến, nhất là thủ đoạn, biện pháp tác chiến của địch trong điều kiện mới. Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Để công tác giáo dục đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị vận dụng linh hoạt các biện pháp, kết hợp giữa giáo dục tập trung theo chương trình huấn luyện thường xuyên với giáo dục riêng và hoạt động của các “Tổ tư vấn giáo dục quân nhân”; kết hợp công tác giáo dục với công tác thi đua, khen thưởng, nhất là phát động phong trào thi đua đột kích trong các giai đoạn huấn luyện. Theo đó, các đơn vị và quân nhân phải đăng ký nội dung, chỉ tiêu thi đua cụ thể và xác định rõ trách nhiệm phấn đấu nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo từng cương vị, chức trách. Đồng thời, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Hoạt động của các tổ chức quần chúng, như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ đều hướng vào thực hiện hiệu quả công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội. Ngoài ra, Lữ đoàn còn chỉ đạo cơ quan và chỉ huy đơn vị tích cực bám sát mọi hoạt động của bộ đội, kịp thời phát hiện, giải quyết tốt các vướng mắc nảy sinh. Vì thế, nhận thức và trách nhiệm của bộ đội về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu có sự chuyển biến mạnh mẽ, 100% cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ đối với công tác huấn luyện, hằng năm, trước mỗi giai đoạn huấn luyện, Lữ đoàn thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ. Để nâng cao chất lượng tập huấn, Lữ đoàn đặc biệt quan tâm nghiên cứu, đưa vào chương trình tập huấn những nội dung do đơn vị cơ sở phát hiện, đề đạt, nhất là những mặt còn yếu và vấn đề mới, chưa thống nhất. Đối với đội ngũ cán bộ chính trị, ngoài việc được bồi dưỡng thống nhất về thứ tự nội dung, phương pháp giáo dục chính trị ở đơn vị, Lữ đoàn tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng soạn thảo kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị trong từng giai đoạn huấn luyện, diễn tập chiến thuật, sát với chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với đội ngũ cán bộ quân sự cấp phân đội, Lữ đoàn tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên ngành pháo binh; nâng cao trình độ soạn thảo giáo án, phương pháp huấn luyện đơn vị và kỹ năng bắn pháo kẹp súng trên sa bàn, v.v. Đặc biệt, đối với các nội dung khó, mới nảy sinh trong các cuộc diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, diễn tập chỉ huy cơ quan, tìm kiếm cứu nạn,… Lữ đoàn đều giải quyết thấu đáo, nhằm thống nhất về tổ chức và phương pháp tiến hành, nâng cao trình độ huấn luyện của cán bộ các cấp. Vào ngày thứ sáu hằng tuần, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị tổ chức bồi dưỡng chuyên ngành cho đội ngũ hạ sĩ quan chỉ huy và chuyên môn kỹ thuật. Để tăng tính cọ sát về trình độ, kinh nghiệm huấn luyện với các đơn vị khác, Lữ đoàn luôn chủ động cử cán bộ tham gia các đợt hội thi, hội thao chuyên ngành do Bộ và Quân khu tổ chức. Qua đó, kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh nội dung, phương pháp bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp. Ngoài ra, Lữ đoàn còn khuyến khích đội ngũ cán bộ các cấp đẩy mạnh phong trào tự học, tự rèn, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhờ đó, trong 5 năm (2010 - 2015), Lữ đoàn có 107 cán bộ đạt danh hiệu huấn luyện giỏi cấp Quân khu và toàn quân. Đây là nhân tố quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị.

Quán triệt Nghị quyết 765-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 75-NQ/ĐUQK của Đảng ủy Quân khu về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị tích cực đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho từng đối tượng. Trong đó, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật chuyên ngành pháo binh; kỹ thuật các bài bắn mục tiêu ẩn hiện và di động trên biển, trên đất liền từ cấp khẩu đội đến cấp tiểu đoàn; chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện đêm và huấn luyện thành thạo tác chiến hiệp đồng với các lực lượng trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp (đêm tối, sương mù,…). Đối với chiến sĩ mới, ngoài những nội dung huấn luyện theo quy định, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị coi trọng huấn luyện thể lực, nâng cao khả năng cơ động của bộ đội trong các tình huống chiến đấu. Chính vì thế, chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn được nâng cao; từ năm 2011 - 2015, Lữ đoàn có 20 lượt tiểu đoàn và cơ quan, 25 lượt đại đội đạt danh hiệu “Đơn vị huấn luyện Giỏi”.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn coi trọng thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, duy trì nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến và tuần tra canh phòng, bảo đảm an toàn nơi đóng quân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án tác chiến và thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập chặt chẽ, không để bị động bất ngờ trước các tình huống. Các cơ quan, đơn vị của Lữ đoàn chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão và tác chiến trị an, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân, được Quân khu và địa phương đánh giá cao.

Cùng với đó, Lữ đoàn chủ động thực hiện tốt công tác bảo đảm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Yêu cầu đặt ra đối với Bộ đội Pháo binh là vừa phải có sức khỏe đáp ứng yêu cầu “chân đồng, vai sắt”, vừa phải có trình độ văn hóa để “bắn giỏi, đánh trúng”. Vì vậy, Lữ đoàn chủ động phối hợp với các địa phương trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; trong đó, lựa chọn những công dân bảo đảm đủ tiêu chuẩn về sức khỏe và trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đơn vị.

Mặt khác, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuẩn bị đầy đủ lượng vật chất dự trữ, bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo Chỉ thị 22/CT-TM của Bộ Tổng tham mưu, Chỉ thị 1234/CT-HC của Tổng cục Hậu cần, Quyết định 15/QĐ-CHC, ngày 25-3-2013 và Hướng dẫn 518/HD-CHC, ngày 15-8-2013 của Cục Hậu cần Quân khu.

Trước đây, do nguồn đầu tư hạn hẹp, nên hệ thống thao trường huấn luyện của Lữ đoàn vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng, dẫn đến một số nội dung huấn luyện của đơn vị bị chồng chéo. Để giải quyết vấn đề này, Lữ đoàn chủ động huy động mọi nguồn lực, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương quy hoạch đất và triển khai xây dựng thao trường huấn luyện tổng hợp phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đến nay, Lữ đoàn đã xây dựng được gần 20 thao trường các loại. Trong đó, có 04 thao trường bắn súng; 04 thao trường huấn luyện điều lệnh đội ngũ; 01 thao trường tập chiến thuật vòng tổng hợp cấp tổ; 04 thao trường hợp luyện cấp đại đội pháo binh; 01 thao trường chỉ huy bắn cấp tiểu đoàn và lữ đoàn pháo binh; 04 sa bàn phục vụ diễn tập; 01 bể bơi,… bảo đảm phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.

Hiện nay, trước thực trạng một số phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật của Lữ đoàn do sử dụng nhiều năm đã xuống cấp và cũ, thiếu đồng bộ, trong khi kinh phí bảo đảm thay thế cho số trang bị này còn khó khăn, Lữ đoàn chủ trương, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, cải tiến thiết bị, mô hình, học cụ, nâng cấp kéo dài hạn sử dụng của vũ khí, trang bị, v.v. Thực hiện chủ trương đó, toàn Lữ đoàn đã có nhiều sáng kiến hay, sáng tạo, như: cải tiến gông pháo trong bắn đạn thật; thu nhỏ mục tiêu cho các bài bắn trên biển, trên đất liền và sáng kiến cải tiến 89 chủng loại mô hình học cụ huấn luyện mới,… được Quân khu đánh giá cao, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Cùng với công tác bảo đảm kỹ thuật, Lữ đoàn tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống doanh trại các đơn vị theo mẫu chính quy, bảo đảm nơi ở cho cán bộ, chiến sĩ, phù hợp với yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, giữ vững chất lượng bữa ăn, nâng cao đời sống, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Đại tá TRƯƠNG QUANG LỆNH, Lữ đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.