Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 19/10/2023, 07:24 (GMT+7)
Giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện ở Lữ đoàn Pháo binh 75

Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh điều chỉnh tổ chức biên chế; tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Pháo binh 75 (Quân khu 7) đặc biệt coi trọng đổi mới công tác huấn luyện chiến đấu, tạo bước đột phá nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Lữ đoàn luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, Lữ đoàn quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 1908-NQ/ĐU, ngày 27/4/2023 của Đảng ủy Quân khu 7 về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”, các chỉ thị, hướng dẫn của Binh chủng Pháo binh và cơ quan cấp trên bằng các chủ trương, giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp với đặc thù một đơn vị binh chủng chiến đấu và đạt được những kết quả tích cực. Công tác huấn luyện của Lữ đoàn có sự đổi mới, phát triển toàn diện, chất lượng ngày càng nâng lên. Qua kiểm tra, kết quả huấn luyện ở các nội dung đã đạt độ đồng đều, tương đối vững chắc, tạo nền tảng để Lữ đoàn không ngừng nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu; liên tục 03 năm qua, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Kết quả đó là tổng hợp của nhiều yếu tố và mặt công tác hợp thành; trong đó, Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Trước hết, Lữ đoàn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện và đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ quan trọng này. Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng huấn luyện, sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi phần lớn đội ngũ cán bộ của Lữ đoàn còn trẻ, tuy được đào tạo cơ bản nhưng kinh nghiệm, phương pháp tổ chức điều hành huấn luyện, chỉ huy đơn vị còn hạn chế; vũ khí, trang bị đã qua nhiều năm sử dụng xuống cấp, thiếu đồng bộ; Đơn vị đóng quân trên địa bàn thành phố, việc cơ động và bảo đảm thao trường huấn luyện gặp khó khăn, v.v. Nhận thức rõ điều đó, trước mỗi giai đoạn huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức quán triệt nghiêm túc mệnh lệnh huấn luyện, chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu của Tư lệnh Quân khu và các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác huấn luyện. Trên cơ sở đó, ra nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động. Quá trình thực hiện, Lữ đoàn đặt lên hàng đầu việc đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện, cũng như những khó khăn, thách thức, yêu cầu mới đặt ra đối với mỗi chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ này. Lữ đoàn đã chú trọng gắn công tác giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng xung kích hướng vào thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Cùng với đó, Lữ đoàn triển khai nhiều biện pháp quyết liệt đưa công tác huấn luyện đi vào thực chất, nhất là tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra chất lượng huấn luyện, kiểm tra đột xuất, vượt cấp. Chỉ đạo gắn huấn luyện với xây dựng chính quy; kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân tiêu biểu. Kiên quyết khắc phục tư tưởng thỏa mãn dừng lại, biểu hiện hình thức, bệnh thành tích trong huấn luyện, tạo chuyển biến vững chắc về nhận thức, trách nhiệm trong toàn Đơn vị.

Là đơn vị binh chủng chiến đấu, gồm nhiều thành phần, lực lượng, nội dung, yêu cầu huấn luyện khác nhau; để đạt kết quả cao, Lữ đoàn luôn coi trọng làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức rà soát, điều chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị của các đơn vị và chỉ đạo triển khai toàn diện công tác chuẩn bị cho huấn luyện. Trong đó, chú trọng kiện toàn đầy đủ đội ngũ cán bộ khung đơn vị huấn luyện các cấp, nhất là cấp phân đội, ưu tiên đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới; đồng thời, duy trì nền nếp, chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cán bộ ở các cấp bằng các biện pháp tổng hợp. Thực hiện phương châm “yếu đâu bồi dưỡng đó, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cơ quan bồi dưỡng đơn vị”, nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào giải quyết các vấn đề chưa thống nhất, khâu yếu, mặt yếu trong huấn luyện của năm trước, nội dung mới, các vấn đề trọng tâm trong năm, nhất là về tổ chức, phương pháp huấn luyện, luyện tập, sửa tập; nội dung, phương pháp, xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện, đăng ký, thống kê quân số, vũ khí, trang bị, phương tiện, kết quả huấn luyện, v.v. Bằng các biện pháp phù hợp, chất lượng đội ngũ cán bộ huấn luyện của Lữ đoàn được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp. Cùng với yếu tố con người, Lữ đoàn chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị về vũ khí, phương tiện, vật chất bảo đảm và thao trường cho từng chuyên ngành. Các đơn vị đã tích cực huy động các nguồn lực bảo đảm cho huấn luyện; phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ, đồ dùng phục vụ huấn luyện. Lữ đoàn đã có nhiều sáng kiến hay, sáng tạo,… được Quân khu đánh giá cao, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu của các đơn vị1

Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện toàn diện, gắn với chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát đặc điểm, nhiệm vụ của từng lực lượng, phù hợp với vũ khí, trang bị hiện có; trong đó, lấy huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm và huấn luyện cán bộ làm khâu then chốt. Đối với chỉ huy - cơ quan, nội dung đi sâu vào nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu tác chiến, phương pháp huấn luyện, diễn tập, v.v. Đối với cán bộ phân đội, chú trọng bồi dưỡng kỹ thuật chuyên ngành pháo binh; tổ chức, phương pháp huấn luyện, thông qua giáo án và giảng thử; trong đó, tập trung khắc phục những điểm yếu, hạn chế trong huấn luyện của cán bộ các cấp và thống nhất nội dung mới, sửa đổi. Đối với cán bộ chính trị không qua đào tạo pháo binh, cán bộ mới ra trường, Lữ đoàn tổ chức bồi dưỡng riêng về kỹ thuật chuyên ngành. Bên cạnh duy trì nghiêm chế độ huấn luyện tại chức, hằng tháng, Lữ đoàn tiến hành kiểm tra cán bộ những nội dung cơ bản, như: bắn pháo sa bàn, trinh sát đo đạc, kế toán, hậu cần, kỹ thuật,… theo chức trách, kịp thời khắc phục điểm yếu cho từng người. Hằng năm, tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan trên bản đồ và ngoài thực địa có thực binh,... giúp nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ, nhất là năng lực phân tích, đánh giá tình hình, sửa tập cho phân đội và trình độ tham mưu, chỉ huy tác chiến.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, Lữ đoàn hết sức coi trọng huấn luyện cơ động nhanh, nhất là triển khai, thu hồi pháo, đạn và rời khỏi trận địa nhanh; huấn luyện nâng cao khả năng hành quân xa, vượt qua các loại địa hình; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện theo tình huống; kết hợp huấn luyện chiến thuật với luyện tập các phương án cơ động, sẵn sàng chiến đấu, phòng tránh đánh trả; ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện. Bên cạnh đó, Lữ đoàn chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện phân đội và nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung huấn luyện bộ đội thuần thục kỹ thuật, chiến thuật pháo binh, giỏi tác chiến độc lập, tác chiến hiệp đồng binh chủng và tác chiến phòng thủ Quân khu; tin tưởng vào cách đánh, khai thác, sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài hiện có, giỏi chức trách của mình và đảm nhiệm được từ 01 đến 02 chức trách khác, sẵn sàng thay thế nhau trong khẩu đội. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn bám sát tiêu chuẩn “Đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi”, cụ thể hóa cho từng lực lượng: pháo thủ, trinh sát, kế toán, thông tin; chỉ đạo tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, thực hành trên pháo, trên trang bị, ngoài dã ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật với chuyên ngành, gắn huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, thể lực, v.v.. Ngay sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, Lữ đoàn chủ động cân đối thời gian để huấn luyện chuyển binh chủng, bảo đảm cho chiến sĩ mới nhanh chóng tiếp cận, hòa nhập trong đội hình huấn luyện khẩu đội pháo. Quá trình thực hiện, Lữ đoàn coi trọng phân loại đối tượng; phát huy vai trò của đội mẫu; kết hợp huấn luyện truyền thống với hiện đại, cơ bản với nâng cao, tập trung huấn luyện thành thục động tác từng người, từng khẩu đội, làm cơ sở hợp luyện cấp đại đội, tiểu đoàn pháo; tổ chức xoay vòng đổi tập một cách khoa học, nhằm tận dụng tối đa thời gian, vật chất, thao trường, v.v.

Là đơn vị pháo xe kéo, việc bảo đảm cơ động chiến đấu giữ vai trò rất quan trọng, nên việc huấn luyện nội dung bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nhất là huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, tay nghề cho đội ngũ lái xe, thợ sửa chữa,… được Lữ đoàn hết sức coi trọng. Để làm được điều đó, Lữ đoàn chú trọng nghiên cứu đổi mới nội dung, tăng cường tổ chức diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp các cấp; diễn tập bắn đạn thật; luyện tập cơ động đường dài; tham gia diễn tập chiến đấu hiệp đồng binh chủng, tác chiến phòng thủ Quân khu,... xem đây là hướng quan trọng, thiết thực rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ tham mưu, chỉ huy tác chiến của cán bộ, trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội.

Cùng với đó, Lữ đoàn chủ động thực hiện tốt công tác bảo đảm huấn luyện. Yêu cầu đặt ra đối với Bộ đội Pháo binh là vừa phải có sức khỏe đáp ứng yêu cầu “chân đồng, vai sắt”, vừa phải có trình độ để “đánh giỏi, bắn trúng”. Vì vậy, Lữ đoàn chủ động phối hợp với các địa phương trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; trong đó, lựa chọn những công dân bảo đảm đủ tiêu chuẩn về sức khỏe và trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đơn vị. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lượng vật chất dự trữ, bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện. Do đứng chân trên địa bàn đô thị, nên hệ thống thao trường huấn luyện của Lữ đoàn vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng, dẫn đến một số nội dung huấn luyện bị chồng chéo. Để giải quyết vấn đề này, Lữ đoàn đã tham mưu cho Quân khu và chủ động huy động mọi nguồn lực, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện bảo đảm đồng bộ, thống nhất theo quy định. Hiện nay, trước thực trạng một số phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật của Lữ đoàn do sử dụng nhiều năm đã xuống cấp và thiếu đồng bộ, trong khi kinh phí bảo đảm còn khó khăn, Lữ đoàn chủ trương đẩy mạnh phong trào giữ tốt dùng bền, tích cực sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng, nâng cao chất lượng, độ tin cậy, kéo dài hạn sử dụng của vũ khí, trang bị, v.v. Bên cạnh đó, Lữ đoàn chỉ đạo thực hiện tốt công tác hậu cần, nhất là bảo đảm điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng bữa ăn và đời sống, sức khỏe để cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, yên tâm công tác, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN HOÀNG BỔNG, Lữ đoàn trưởng
__________________

1 - Năm 2022, Lữ đoàn có 10 sản phẩm được công nhận sáng kiến cấp cơ sở (06 giải B, 04 gải C) cấp Quân khu.

Ý kiến bạn đọc (0)