Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 13/09/2012, 15:39 (GMT+7)
Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở Quân chủng Phòng không - Không quân

Tiếp nhận, huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới là một nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình hiện đại hoá của Quân chủng Phòng không - Không quân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Quân chủng đã có nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực; trong đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật được Quân chủng đặc biệt quan tâm. 


Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm khu vực sản xuất của Nhà máy A32. 

Quân chủng Phòng không - Không quân là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước, Quân đội xác định đi ngay vào hiện đại. Thực hiện chủ trương đó, những năm gần đây, Quân chủng được đầu tư mua sắm nhiều vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật tiên tiến thế hệ mới. Việc đổi mới vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT) đã tạo ra sự biến đổi về chất, nâng cao một bước khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của Quân chủng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều đó cũng đặt ra cho Quân chủng những yêu cầu mới với không ít khó khăn, thách thức; đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên (CB,NV) kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) cho các loại vũ khí, trang bị này. Do các loại VK,TBKT mới được chế tạo dựa trên cơ sở ứng dụng những thành tựu tiên tiến về công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, các hệ thống điều khiển có sự tích hợp cao về cơ học, điện - điện tử, quang học; vì vậy, công tác BĐKT rất phức tạp, yêu cầu khắt khe và có sự khác biệt lớn so với các loại VK,TBKT thế hệ cũ. Trong khi đó, đội ngũ CB,NV kỹ thuật của Quân chủng còn thiếu và chưa cân đối giữa các lĩnh vực; trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nhiều mặt chưa theo kịp yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ và sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ; hệ thống trang thiết bị, dây chuyền công nghệ của các nhà máy, trạm, xưởng sửa chữa còn hạn chế…

Nhận thức rõ tình hình đó, Đảng uỷ Quân chủng đã ra Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác kỹ thuật (CTKT) trong tình hình mới và Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ tiếp nhận, huấn luyện làm chủ VK,TBKT mới (giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo). Quán triệt và thực hiện các nghị quyết trên, Cục Kỹ thuật Quân chủng đã xây dựng Chương trình hành động; trong đó, xác định xây dựng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ CB,NV kỹ thuật ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ là khâu đột phá.

Để thực hiện tốt khâu đột phá này, Đảng uỷ, Chỉ huy Cục Kỹ thuật đã coi trọng và tập trung trước hết vào lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ CB,NV, nhất là đối tượng trực tiếp tham gia tiếp nhận, chuyển loại khí tài mới. Ngành Kỹ thuật Quân chủng đã kết hợp chặt chẽ với các đơn vị, vận dụng linh hoạt các hình thức phổ biến, giáo dục. Ngành tập trung quán triệt sâu về các nghị quyết, chỉ thị của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng, Chương trình hành động của Cục và các yêu cầu trong tiếp nhận, huấn luyện làm chủ VK,TBKT mới cho các đối tượng; chú trọng giáo dục cho CB,NV kỹ thuật các cấp nhận thức rõ vị trí, vai trò, yêu cầu của CTKT trong tình hình mới, cũng như niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm đối với nhiệm vụ tiếp nhận, làm chủ VK,TBKT mới, xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

 Do yêu cầu nhiệm vụ chuyển loại khí tài, nên nhiều CB,NV kỹ thuật phải thay đổi vị trí công tác. Điều đó tác động không nhỏ đến tư tưởng của bộ đội. Vì vậy, đi đôi với tăng cường giáo dục, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan Kỹ thuật các cấp đã  chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của bộ đội, nhất là ở các đơn vị, các bộ phận có nhiều xáo trộn về biên chế, tổ chức, để kịp thời làm tốt công tác động viên bộ đội. Nhờ đó, tình hình tư tưởng trong các đơn vị luôn giữ được ổn định, 100% CB,NV kỹ thuật nhận nhiệm vụ mới đều thấy rõ vinh dự và trách nhiệm, có ý chí quyết tâm cao, tích cực, chủ động khắc phục khó khăn về hậu phương, gia đình, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Sửa chữa máy bay trực thăng 
 

Hai là, đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện chuyển loại (HLCL), nâng cao trình độ cho đội ngũ CB,NV kỹ thuật. Công tác HLCL được Quân chủng đặc biệt quan tâm, xác định là nội dung then chốt, không chỉ cấp thiết trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản lâu dài. Mục tiêu đặt ra là phải xây dựng đội ngũ CB,NV kỹ thuật có cơ cấu hợp lý, chuẩn hoá về trình độ chuyên môn, tay nghề theo từng vị trí công tác, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu BĐKT cho các loại trang bị, khí tài mới, ngày càng hiện đại. Thực hiện mục tiêu này, Cục đã bám sát các kế hoạch mua sắm trang bị, các chương trình, dự án cải tiến, hiện đại hoá VK,TBKT của Quân chủng và rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ CB,NV kỹ thuật các cấp; từ đó, chủ động tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân chủng chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật. Thời gian qua, Cục đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành lựa chọn CB,NV kỹ thuật tham gia nhiệm vụ tiếp nhận, huấn luyện, chuyển loại VK,TBKT mới, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ CB,NV kỹ thuật theo kịp tiến trình đổi mới VK,TBKT của Quân chủng.

Để đội ngũ CB,NV có thể nhanh chóng đáp ứng yêu cầu CTKT phục vụ tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng khí tài mới, công tác HLCL được Cục chỉ đạo đẩy mạnh ở tất cả các cấp, bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, kết hợp chặt chẽ giữa HLCL ở nước ngoài với huấn luyện ở trong nước. Ngành chú trọng đào tạo theo kíp đồng bộ, đào tạo giáo viên để tự HLCL trong nước và xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các kỹ sư, nhân viên, thợ kỹ thuật giỏi về kỹ thuật hàng không, kỹ thuật phòng không, kỹ thuật xe máy cho các cơ sở BĐKT và đơn vị. Thực hiện chủ trương chuẩn bị chu đáo lực lượng kỹ thuật trước khi VK,TBKT mới được tiếp nhận đưa về nước, những năm qua, Cục luôn chủ động đi trước một bước, lựa chọn những CB,NV ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, khả năng ngoại ngữ tốt, ưu tiên cán bộ trẻ, cử đi HLCL ở nước ngoài để  làm nòng cốt trong việc biên dịch, biên soạn tài liệu, làm giáo viên HLCL ở trong nước và làm chuyên gia các chuyên ngành kỹ thuật. Mặt khác, Cục chỉ đạo tăng cường tổ chức HLCL kỹ thuật và chuyển giao công nghệ ở trong nước, lấy đào tạo tại chỗ là hướng chủ yếu, nhằm chuyển loại số lượng lớn CB,NV kỹ thuật các cấp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá Quân chủng. Để thực hiện tốt vấn đề này, Ngành đã chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy cơ quan Kỹ thuật các cấp đối với nhiệm vụ HLCL; chỉ đạo các đơn vị bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc trong HLCL; kết hợp hài hoà giữa huấn luyện toàn diện và chuyên sâu, sát với chức trách của từng đối tượng, chú trọng huấn luyện thực hành, nhằm nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị, khí tài mới cho đội ngũ CB,NV.


Chế tạo và lắp ráp máy bay VNS-41
 

Trước những yêu cầu đòi hỏi cao trong HLCL, Ngành đã có nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, chủ động chuẩn bị đủ các yếu tố cần thiết, cả về con người, tài liệu, vật chất, trang thiết bị… đảm bảo phục vụ HLCL đạt kết quả tốt nhất. Thời gian qua, việc tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho CB,NV kỹ thuật trước khi tham gia HLCL được Ngành đẩy mạnh ở tất cả các cấp, bởi đây là “kiến thức nền” để tiếp thu, xử lý các kiến thức chuyên môn kỹ thuật. Tính đến nay, Cục đã tổ chức mở 26 lớp học tiếng Nga cho 1.245 CB,NV; đồng thời, phối hợp với Học viện Hải quân, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Đoàn 871 mở nhiều khoá học tiếng Anh, tiếng Nga, đảm bảo số CB,VN tham gia HLCL đều được bồi dưỡng về ngoại ngữ phù hợp với các dự án tiếp nhận khí tài. Song song với đó, Ngành chú trọng bồi dưỡng, xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ “giáo viên mũi” HLCL là những cán bộ có chất lượng cao được lựa chọn từ các đơn vị, học viện, nhà trường trong Quân chủng; đồng thời, tích cực tranh thủ các chuyên gia nước ngoài làm nhiệm vụ chuyển giao khí tài, đẩy mạnh hình thức “HLCL trong nước bằng chuyên gia nước ngoài”, nhằm tiết kiệm kinh phí và giúp CB,NV học hỏi những kinh nghiệm quý về kỹ năng chuẩn đoán, xử lý các hỏng hóc. Công tác biên dịch, biên soạn tài liệu, giáo trình về VK,TBKT mới cũng được Ngành quan tâm đầu tư thích đáng. Các chuyên ngành kỹ thuật đã tập trung biên dịch, biên soạn đầy đủ các thuyết minh kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng và thường xuyên cập nhật các thông báo kỹ thuật, khuyến cáo của nhà sản xuất để bổ sung vào nội dung huấn luyện. Tính riêng năm 2011, Ngành đã tổ chức biên dịch 58.235 trang tài liệu, biên soạn và in ấn 295 đầu tài liệu với trên 2 triệu trang. Đến nay, Quân chủng đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu tài liệu kỹ thuật phục vụ HLCL và khai thác VK,TBKT mới. Bên cạnh đó, Ngành tích cực nghiên cứu, đầu tư mua sắm các thiết bị phục vụ HLCL, nhất là các thiết bị, phần mềm mô phỏng, nâng cấp các phòng học kỹ thuật ở các đơn vị theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu của các đối tượng. Không dừng lại ở đó, trong quá trình thực hiện CTKT, Ngành tăng cường kiểm tra, quản lý chắc trình độ khai thác của CB,NV kỹ thuật, nhất là những nội dung phức tạp, từ đó có kế hoạch huấn luyện bổ sung, huấn luyện chuyên sâu cho các thành phần. Mặt khác, Ngành đẩy mạnh các hoạt động hội thao, hội thi, kịp thời phổ biến kinh nghiệm hay trong khai thác VK,TBKT mới giữa các đơn vị. Với những nỗ lực đó, từ năm 2005 đến nay, Quân chủng đã tổ chức thành công 106 lớp HLCL ở cả trong và ngoài nước với hàng ngàn lượt CB,NV kỹ thuật tham gia học tập về các loại VK,TBKT thế hệ mới. Qua HLCL, lực lượng kỹ thuật của Quân chủng đã hoàn toàn làm chủ về công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị khí tài, góp phần duy trì tốt trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho tất cả VK,TBKT mới và VK,TBKT sau cải tiến, đưa vào làm nhiệm vụ theo đúng kế hoạch.

Ba là, quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách đối với đội ngũ CB,NV kỹ thuật trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, huấn luyện, chuyển loại VK,TBKT mới. Cục đã chỉ đạo các đơn vị kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách, quan tâm và tạo điều kiện để CB,NV giải quyết khó khăn về hậu phương, gia đình khi thay đổi công tác; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, Cục đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện một số chế độ chính sách đối với CB,NV kỹ thuật trực tiếp khai thác, sử dụng, sửa chữa, bảo quản VK,TBKT mới; từ đó, tham mưu, đề xuất với Quân chủng đề nghị Bộ Quốc phòng bổ sung 19 danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 40 chức danh đặc thù quân sự, bảo đảm chính sách đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, nhất là chế độ đãi ngộ với số cán bộ, chuyên gia kỹ thuật đầu ngành, tạo điều kiện để họ yên tâm, gắn bó phục vụ lâu dài.

Nhiệm vụ của ngành Kỹ thuật Quân chủng trong giai đoạn mới rất nặng nề. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung trên đây là cơ sở quan trọng để Ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Đại tá NGUYỄN VĂN ĐẢM

Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.