Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:25 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Diễn tập là hình thức huấn luyện chiến đấu cao nhất, sát thực tế, trong đó có diễn tập chiến thuật. Đối với Bộ đội Tăng Thiết giáp, diễn tập chiến thuật có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở cho việc rèn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá tình hình, hạ quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy, nâng cao trình độ sử dụng vũ khí trang bị của bộ đội, phát huy cao nhất hiệu quả hỏa lực tăng thiết giáp trong đội hình chiến đấu độc lập ở cấp chiến thuật, cũng như tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, v.v. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Xe tăng 201 có nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện theo Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; trong đó, diễn tập chiến thuật được xác định là nội dung quan trọng và đổi mới theo hướng thiết thực, sát với đối tượng tác chiến, phù hợp với vũ khí, trang bị hiện có và kinh nghiệm, truyền thống của Bộ đội Tăng Thiết giáp.
Hằng năm, ngoài nội dung diễn tập theo kế hoạch, Lữ đoàn còn tham gia diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng do cấp trên tổ chức và tham gia diễn tập tác chiến phòng thủ của các tỉnh (thành phố), v.v. Từ năm 2013 đến nay, Lữ đoàn đã tham gia diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội “HN-13”; diễn tập chỉ huy tham mưu 1 bên 2 cấp trên bản đồ và ngoài thực địa “TG-14”; diễn tập chống địch phong tỏa đường không, tiến công hỏa lực trên hướng chiến trường miền Bắc “PK-14”; diễn tập chống khủng bố A0-37 với Binh chủng Đặc công, v.v. Thông qua diễn tập, trình độ tổ chức, chỉ huy, năng lực quản lý, điều hành huấn luyện, diễn tập của cán bộ các cấp được nâng lên; chất lượng huấn luyện và diễn tập phân đội của Lữ đoàn ngày càng vững chắc, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Binh chủng đánh giá cao.
Để có kết quả đó, trước hết, Lữ đoàn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác diễn tập, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng, kết quả diễn tập. Theo đó, cùng với việc tổ chức quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh, hướng dẫn của cấp trên về công tác huấn luyện, diễn tập, ra nghị quyết lãnh đạo công tác huấn luyện năm, trước mỗi cuộc diễn tập, 100% cấp ủy các cơ quan, đơn vị đều ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ diễn tập, trong đó đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu và các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế của đơn vị. Trong chuẩn bị và thực hành diễn tập, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị soạn thảo đầy đủ kế hoạch diễn tập, ý định diễn tập, các văn kiện chỉ đạo, đạo diễn,… và phải được cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, thông qua. Để phát huy cao nhất vai trò đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, Đảng ủy Lữ đoàn chỉ đạo cấp uỷ các cấp phân công cấp ủy viên phụ trách từng mặt công tác; tăng cường cán bộ cơ quan xuống hướng dẫn, đôn đốc đơn vị, nhất là các bộ phận đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng. Song song với đó, Lữ đoàn coi trọng việc phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện chủ quan, thỏa mãn dừng lại, hoặc ngại khó, ngại khổ, hạ thấp yêu cầu, khoán trắng cho cấp dưới.
Hai là, làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho diễn tập. Là đơn vị có bề dày thành tích trong huấn luyện, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Lữ đoàn còn không ít khó khăn, bất cập, như: trình độ đội ngũ cán bộ không đều, số cán bộ có bề dày kinh nghiệm và qua thực tiễn chiến đấu ngày càng ít; điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí hạn hẹp; vũ khí, trang bị kỹ thuật qua sử dụng nhiều năm xuống cấp, tính đồng bộ không cao; thao trường, bãi tập ngày càng bị thu hẹp, v.v. Để nâng cao chất lượng diễn tập, ngay trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình cho các đối tượng theo quy định; tổ chức học bù, học vét cho các đối tượng và các nội dung còn thiếu ngay trong tháng. Quá trình tổ chức huấn luyện bảo đảm đúng quy trình, từ đội ngũ chiến thuật không xe, có xe; tập chiến thuật 1 xe, đến đại đội tăng, tiểu đoàn tăng có xe đại biểu (ngày, đêm) và diễn tập chiến thuật các cấp. Chế độ rèn luyện hành quân xa, mang vác nặng được tổ chức sát với điều kiện diễn tập; trong đó, chú trọng huấn luyện kỹ từ những động tác truyền nhận khẩu lệnh, ký, tín hiệu trong hành quân, đến tổ chức xây dựng công sự trận địa, bảo đảm ngụy trang, nghi trang, tổ chức vượt sông, v.v.
Trước khi thực hành diễn tập, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát trình độ chuyên môn của các đối tượng tham gia diễn tập; kiểm tra vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là xe tăng, súng pháo, đạn,… trên cơ sở đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế, ưu tiên các vị trí trọng yếu, đơn vị đảm nhiệm thực binh, trực sẵn sàng chiến đấu A2. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tổ chức quán triệt sâu sắc chỉ thị diễn tập của cấp trên, các quy định trong diễn tập, nhất là quy định bảo đảm an toàn cho mọi cán bộ, chiến sĩ; xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng, nhất là trưởng xe, lái xe, pháo thủ. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ diễn tập và những nội dung còn yếu như: lái tổng hợp dốc, lái qua bãi lầy, lái lên xuống phương tiện, lái tổng hợp 5a, bắn súng trên xe tăng, bắn ở khoảng cách xa, bắn nửa gián tiếp,… giúp trưởng xe, lái xe, pháo thủ nắm chắc quy tắc, vận dụng linh hoạt vào lái hành quân, lái bắn, lái chiến thuật.
Đối với đội ngũ cán bộ, Lữ đoàn thực hiện tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, coi đây là khâu then chốt để nâng cao chất lượng công tác diễn tập của Đơn vị. Cùng với việc duy trì nghiêm chế độ tập huấn cán bộ hằng năm, bồi dưỡng cán bộ 02 ngày/tháng, trước mỗi đợt diễn tập, Lữ đoàn chú trọng tổ chức huấn luyện đi trước, sát với nội dung diễn tập. Với chỉ huy và cơ quan, tập trung huấn luyện về âm mưu, thủ đoạn tác chiến của địch; nghệ thuật sử dụng tăng thiết giáp; phương pháp tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, soạn thảo kế hoạch, văn kiện diễn tập, v.v. Đối với cấp phân đội, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung huấn luyện về trình tự, nội dung các bước chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến đấu; thời cơ, phương pháp di, dịch chuyển xe tăng, ngụy trang, nghi binh, v.v. Nhờ đó, trình độ, năng lực thực hành tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện và phương pháp huấn luyện, diễn tập của đội ngũ cán bộ được nâng lên. Đến nay, 100% cán bộ của Lữ đoàn đủ khả năng tổ chức, điều hành diễn tập. Từ năm 2013 đến nay, kết quả kiểm tra diễn tập trung đội tăng có bắn chiến đấu, diễn tập vòng tổng hợp đại đội, tiểu đoàn tăng: 100% đơn vị đạt khá, bắn chiến đấu đạt giỏi. Đặc biệt, năm 2014, Lữ đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng với Sư đoàn 3 tại Trường bắn TB1, với nhiều nội dung mới, khó, lần đầu tiên đưa vào diễn tập; kết quả 100% mục tiêu bị tiêu diệt trong thời gian quy định.
Ba là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp diễn tập theo hướng sát nhiệm vụ, sát địa bàn. Là đơn vị dự bị chiến lược của Bộ, nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn Thủ đô; đồng thời, sẵn sàng phối hợp cùng với các lực lượng tham gia chống khủng bố và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất. Theo đó, Lữ đoàn đưa vào huấn luyện và diễn tập các nội dung mới, như: phòng tránh, đánh địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao; di dịch chuyển đội hình chiến đấu, ngụy trang, nghi trang, nghi binh; tăng cường các hình thức chiến thuật phòng ngự, phòng chống bạo loạn, lật đổ; chốt giữ, đánh chiếm mục tiêu bị mất và bảo vệ con tin trong diễn tập vòng tổng hợp cấp đại đội, tiểu đoàn tăng, v.v.
Để bảo đảm các cuộc diễn tập đạt chất lượng cao, đúng mục đích, yêu cầu đề ra, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan soạn thảo các văn kiện diễn tập đầy đủ, đúng quy định, phù hợp với nguyên tắc lý luận, sát với thực tế địa hình khu vực diễn tập; tổ chức trinh sát thực địa, xác định phương án diễn tập và hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn diễn tập. Trong thực hành diễn tập, Lữ đoàn thực hiện kiên quyết, chặt chẽ ngay từ bước chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; luyện tập nhuần nhuyễn các bước: báo động, mở niêm, cơ động trú quân, tập kết chiến đấu; tích cực vận dụng phương pháp “đạo theo diễn”; tăng cường sử dụng phương tiện tượng trưng, tạo giả, gửi lệnh được mã hóa qua phương tiện thông tin,… nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết đoán của người chỉ huy trong xử trí các tình huống, bảo đảm vừa vận dụng lý luận, vừa có tính thực tiễn cao.
Bốn là, thực hiện nền nếp công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nâng cao kết quả công tác chuẩn bị, thực hành diễn tập. Lữ đoàn duy trì nghiêm quy chế công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm (cấp trung đội kiểm tra, rút kinh nghiệm vào cuối ngày; cấp đại đội cuối tuần, cấp tiểu đoàn cuối tháng; cấp lữ đoàn hằng tháng và quý). Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết được Lữ đoàn tiến hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trong những nhiệm vụ phức tạp, như: tổ chức cơ động vượt chướng ngại vật phức tạp, vượt sông, bắn đạn thật và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Trong quá trình kiểm tra, chỉ huy và cơ quan chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót của đơn vị để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời. Mặt khác, thông qua kiểm tra để rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, tác phong chỉ huy của đội ngũ cán bộ; thực hiện chính quy hóa ở tất cả các nội dung diễn tập, tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, từ công tác tham mưu tác chiến của người chỉ huy và cơ quan đến hành động chiến đấu của phân đội; nhất là trong hiệp đồng tác chiến, chấp hành thời gian, kỷ luật thao trường và các quy định bảo đảm an toàn trong diễn tập. Sau mỗi đợt diễn tập, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị tổ chức sơ kết, tổng kết nghiêm túc, đánh giá đúng mạnh, yếu trên từng mặt, từng giai đoạn, chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, tránh bệnh hình thức, chạy theo thành tích. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong diễn tập.
Cùng với các nội dung, biện pháp trên, Lữ đoàn quan tâm làm tốt công tác bảo đảm huấn luyện, diễn tập; trong đó, chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện phương pháp huấn luyện vũ khí mới, đầu tư nâng cấp phòng học chuyên dùng, hệ thống hầm chỉ huy, đường cơ động, vị trí bố trí mục tiêu,… khu vực bãi tập chiến thuật, Trường bắn Hòa Thạch, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật phân đội xe tăng và kỹ thuật bắn chiến đấu. Mặt khác, Lữ đoàn tổ chức quán triệt, chấp hành nghiêm túc các mặt công tác hậu cần, kỹ thuật; nâng cao chất lượng xây dựng nền nếp chính quy, duy trì kỷ luật thao trường; thực hiện tốt việc phát động thi đua trong diễn tập, góp phần nâng cao chất lượng diễn tập, nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thượng tá HỒ VIẾT TRƯƠNG, Lữ đoàn trưởng
diễn tập chiến thuật ở Lữ đoàn Xe tăng 201
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm