Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 17/12/2012, 03:17 (GMT+7)
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dự bị động viên ở Sư đoàn 355

Sư đoàn 355 là đơn vị khung thường trực thuộc Quân khu 2, có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên (DBĐV); đồng thời, thực hiện huấn luyện chiến sĩ mới và các nhiệm vụ đột xuất. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao và trách nhiệm của mình, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm không ngừngnâng cao chất lượng công tác DBĐV; nhờ đó, tạo được sự chuyển biến toàn diện, vững chắc, đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là, công tác xây dựng lực lượng DBĐV ngày càng đi vào nền nếp, thực chất và hiệu quả hơn; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn với các địa phương giao nguồn được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, nhất là trong công tác thâm nhập, phúc tra, sắp xếp, quản lý nguồn; tổ chức huấn luyện, diễn tập cho lực lượng DBĐV đảm bảo đúng chỉ tiêu, chất lượng cao. Hiện nay, Sư đoàn đã sắp xếp quân dự bị vào các đầu mối đơn vị đạt 92,4% theo biên chế; trong đó, đúng chuyên nghiệp quân sự (CNQS) đạt 82% (tăng 4,2% so với năm 2006), gần đúng CNQS đạt 9,2% và không đúng CNQS là 8,8% (giảm 5,3% so với năm 2006); đảng viên đạt hơn 10%, đảm bảo 100% đơn vị động viên đều có đảng viên, đủ điều kiện thành lập chi bộ (khi khôi phục). Chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng động viên (SSĐV), sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của đơn vị DBĐV trong Sư đoàn được nâng cao, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Những thành tích trên là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sĩ trong Sư đoàn là yếu tố quyết định. Từ hoạt động thực tiễn, Sư đoàn rút ra một số kinh nghiệm:

Trước hết, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Sư đoàn và quân nhân dự bị (QNDB) đối với công tác DBĐV.Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn xác định đây là nội dung quan trọng hàng đầu và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, biện pháp cơ bản để nâng cao chất lượng công tác DBĐV. Lực lượng DBĐV là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, được tổ chức, xây dựng vững mạnh về mọi mặt trong thời bình, SSĐV thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết, nhất là tình huống chiến tranh. Vì thế, QNDB dễ nảy sinh tư tưởng giản đơn, xem nhẹ và cho rằng công tác này tuy quan trọng, nhưng chưa cần thiết, chỉ có ý nghĩa lâu dài, dẫn tới trách nhiệm thực hiện không cao. Bên cạnh đó, sự tác động, chi phối của mặt trái cơ chế thị trường cũng là những thách thức không nhỏ đối với công tác xây dựng lực lượng DBĐV. Nắm vững đặc điểm đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ; trọng tâm là giáo dục, quán triệt đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục hệ thống pháp luật của Nhà nước về Quốc phòng, quân sự, trực tiếp là Pháp lệnh về lực lượng DBĐV, Nghị định 39/CP của Chính phủ và các thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về công tác này. Qua đó, làm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Sư đoàn nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng chiến lược của công tác DBĐV, nhiệm vụ trọng tâm của Sư đoàn, của đơn vị; nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Đối với đơn vị khung thường trực, Sư đoàn chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức đảng, người chỉ huy, hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng trong giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho công tác này trở thành hoạt động thường xuyên trong tập huấn, bồi dưỡng của cán bộ các cấp và trong sinh hoạt, học tập, văn hóa, văn nghệ của bộ đội. Sư đoàn còn gắn công tác này với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phong trào Thi đua Quyết thắng và thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đối với lực lượng DBĐV, Sư đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cung cấp nguồn, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức để giáo dục phù hợp với từng đối tượng QNDB. Với cán bộ khung B, nhất là cấp phân đội, Sư đoàn kết hợp bồi dưỡng, giáo dục chính trị khi tập trung tập huấn, huấn luyện và báo động kiểm tra SSCĐ; trong học tập, công tác tại địa phương, cơ sở; trong các đợt kết hợp với cán bộ khung A phúc tra nắm nguồn. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ý thức trách nhiệm trong quản lý quân DBĐV…


Chiến sĩ DBĐV Sư đoàn 355 trong diễn tập (tháng 10-2011) (Nguồn: qdnd.nv)
 

Hai là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương cung cấp nguồn động viên, thực hiện tốt công tác tạo nguồn, sắp xếp, quản lý nguồn. Đây là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng tổng hợp của lực lượng DBĐV. Hiện nay, Sư đoàn nhận nguồn DBĐV trên địa bàn 3 tỉnh: Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Khó khăn đối với Sư đoàn là địa bàn động viên rộng, với 215 cơ sở xã (phường) giao nguồn, chủ yếu là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nguồn bổ sung cho các đơn vị của Sư đoàn ngày càng khó khăn do nguồn động viên từ các cơ sở cung cấp hằng năm giảm; số QNDB giải ngạch theo luật hoặc đi làm ăn xa ngày càng tăng… Những nhân tố đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xây dựng lực lượng DBĐV, nhất là khâu tạo nguồn và quản lý nguồn. Từ thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương giao nguồn, trực tiếp là cơ quan quân sự (CQQS) tỉnh, huyện (thị xã, thành phố) để trao đổi về biện pháp tạo nguồn, thống nhất về sắp xếp QNDB vào các đơn vị DBĐV theo tổ chức, biên chế, bảo đảm chất lượng, số lượng, đúng phương châm: “gần, gọn địa bàn”, coi trọng và ưu tiên tỷ lệ đúng CNQS. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân viên trực tiếp làm công tác quản lý, phúc tra; phối hợp chặt chẽ với CQQS địa phương làm tốt công tác chuẩn bị, thông báo sớm cho các cơ sở về thời gian phúc tra, kiểm tra SSĐV. Hằng năm, Sư đoàn tổ chức phúc tra, thâm nhập tại cơ sở 2 đợt (tháng 4 và tháng 10), ngoài ra còn phúc tra, thâm nhập trước khi tiến hành huấn luyện và kiểm tra SSCĐ (từ 10-15 ngày). Trên cơ sở đó, rà soát, đối chiếu lại danh sách, số lượng, chất lượng của đơn vị DBĐV; kịp thời đề nghị địa phương điều chỉnh, bổ sung QNDB mới được xuất ngũ (đủ tiêu chuẩn) thay số QNDB đã giải ngạch; nắm số lượng QNDB di biến động trong tháng, quý; phúc tra, thâm nhập trực tiếp toàn bộ số QNDB đã được biên chế, sắp xếp trong năm. Sư đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương khi tổ chức chi trả phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ khung B, cử cán bộ khung A phối hợp cùng CQQS địa phương tổ chức sinh hoạt chính trị, thông qua đó để nắm quân số, chất lượng chính trị, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình và khả năng thực hiện nhiệm vụ của QNDB. Các đơn vị tăng cường phối hợp với các địa phương cung cấp nguồn để bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khung B (từ tiểu đội trưởng trở lên) trong việc phúc tra, thâm nhập nguồn và quản lý nguồn động viên tại cơ sở. Nhờ đó, kết quả phúc tra hằng năm đạt 100% đầu mối các đơn vị DBĐV; trong đó, thâm nhập trực tiếp 65-75% quân số sắp xếp, biên chế vào đơn vị DBĐV; chất lượng chính trị, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự hằng năm được nâng lên và dần thu hẹp được địa bàn.

Qua thực hiện công tác DBĐV của Sư đoàn cho thấy, việc bảo đảm đồng thời đúng CNQS và gọn địa bàn là rất khó khăn; bởi nguồn động viên của Sư đoàn chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số; số lượng QNDB hạng 1 nhóm tuổi A ngày càng giảm; tuổi đời của QNDB ngày càng cao; QNDB có trình độ chuyên môn kỹ thuật thiếu do các địa phương không có nguồn… Vì vậy, trên cơ sở nguyên tắc xếp đúng CNQS và thu hẹp địa bàn động viên một cách hợp lý, Sư đoàn đã vận dụng xếp gọn địa bàn xã đối với các đơn vị bộ binh, cụm xã với đơn vị binh chủng; đồng thời, hằng năm phối hợp với các địa phương giao nguồn rà soát, thống nhất chỉ tiêu huấn luyện chuyển loại binh chủng cho QNDB. Với những biện pháp đó, công tác quản lý quân DBĐV của Sư đoàn ngày càng đi vào nền nếp, số QNDB được gọi tập trung huấn luyện, kiểm tra SSĐV luôn bảo đảm đủ chỉ tiêu. Cùng với đó, Sư đoàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương giao nguồn tổ chức tốt việc nhận xét bổ nhiệm, đề bạt quân hàm sĩ quan dự bị, miễn nhiệm và giải ngạch đối với QNDB theo đúng luật; bảo đảm đúng, đủ, kịp thời mọi chế độ, chính sách DBĐV theo quy định.

Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ SSCĐ và chiến đấu của đơn vị DBĐV. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng các kế hoạch phúc tra thâm nhập nguồn, tiếp nhận lực lượng DBĐV, tập huấn, huấn luyện; đồng thời, kiểm tra, củng cố hệ thống thao trường, bãi tập, bảo đảm đầy đủ vật chất huấn luyện, nơi ăn, ở cho QNDB. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ khung A và khung B, bảo đảm đủ khả năng quản lý, huấn luyện đơn vị theo phân cấp. Với cán bộ khung A, hằng năm, Sư đoàn tổ chức hai đợt tập huấn cho cán bộ từ cấp đại đội trở lên và cơ quan Sư đoàn, thời gian 5 ngày. Nội dung tập trung vào bồi dưỡng kiến thức quân sự; thống nhất chương trình, nội dung, phương pháp tập huấn, huấn luyện cho khung B và huấn luyện QNDB; quy trình tiến hành động viên; công tác đảng, công tác chính trị trong động viên quân dự bị; tổ chức huấn luyện và diễn tập chỉ huy - cơ quan 1 bên 1 cấp và 1 bên 2 cấp từ cấp Trung đoàn đến Sư đoàn có thực hành kiểm tra SSĐV và tiếp nhận đơn vị DBĐV qua trạm tiếp nhận vào huấn luyện. Đối với cán bộ khung B, tập trung bồi dưỡng điều lệnh đội ngũ, điều lệnh quản lý bộ đội; thống nhất về phương pháp huấn luyện, chuẩn bị giáo án và thực hành huấn luyện phân đội theo phân cấp; công tác tổ chức, chuẩn bị chiến đấu của các hình thức chiến thuật, làm cơ sở cho diễn tập cấp mình và cấp trên. Trong huấn luyện cho chiến sĩ và phân đội DBĐV, Sư đoàn chỉ đạo tập trung vào huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh, binh chủng, hoàn thiện chiến thuật cấp trung đội, đại đội, làm cơ sở cho diễn tập cấp phân đội. Trong quá trình huấn luyện, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị bám sát phương châm và đối tượng QNDB; tập trung huấn luyện theo nhiệm vụ, sát với đối tượng tác chiến, địa bàn hoạt động, bảo đảm chắc, gọn từng nội dung. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành các chế độ, quy định về DBĐV... Nhờ đó, chất lượng huấn luyện của Sư đoàn trong những năm qua không ngừng được nâng lên; kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm có 100% nội dung đạt yêu cầu, trong đó 75% khá, giỏi; tổ chức diễn tập có thực hành động viên quân dự bị đều đạt giỏi, an toàn tuyệt đối.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nên chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSĐV, SSCĐ của các đơn vị DBĐV được nâng cao, đảm bảo cho Sư đoàn đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá NGUYỄN TRUNG THÁI

Sư đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.