Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 20/05/2022, 07:57 (GMT+7)
Đoàn Kinh tế quốc phòng 5 xây dựng “thế trận lòng dân” nơi biên giới

Đoàn Kinh tế - quốc phòng 5, Quân khu 4, được thành lập ngày 16/9/2002, có nhiệm vụ chính trị trung tâm là tham gia lao động sản xuất kết hợp với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng huyện Mường Lát1, tỉnh Thanh Hóa; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hình thành các cụm, điểm dân cư trên tuyến biên giới; giúp nhân dân tổ chức sản xuất, ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác dân vận và tuyên truyền đặc biệt, xây dựng địa bàn vững mạnh về an ninh chính trị, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh. Trên vùng dự án của Đoàn có hơn 100 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, với nhiều núi cao, độ dốc lớn, chất lượng thổ nhưỡng thấp; thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ xảy ra trên diện rộng, bất thường. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ mù chữ trên 37%, cùng nhiều vấn đề về phạm pháp hình sự, như: ma túy, di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, sự chống phá của các thế lực thù địch,... là những khó khăn, thách thức tác động trực tiếp tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đoàn. Đánh giá kỹ tình hình địa phương, những năm qua, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn luôn tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị động viên cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, lấy tình thương nhân dân làm động lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ năm 2019 đến năm 2021 là giai đoạn khó khăn nhất nhưng Đoàn đã ươm trên 30 vạn cây giống, tạo nguồn trên 400 con bò, dê, trồng trên 270 ha rừng, cây ăn trái; xây dựng 05 nhà văn hóa, hàng chục ki lô mét đường giao thông; mỗi năm bảo vệ trên 15.000 ha rừng,... tạo diện mạo mới trên vùng dự án. Các chương trình dự án được Đoàn triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả tốt, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần giảm hộ nghèo trong vùng dự án từ 71,4% (năm 2016) xuống còn gần 48% (năm 2021); hạn chế, ngăn chặn hiệu quả việc di, dịch cư tự do, chặt phá rừng; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội; được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu đánh giá cao.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả cho nhân dân xã Quang Chiểu

Để có kết qủa đó, trước hết, Đoàn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn dự án. Quán triệt, thực hiện quy định về chức năng, nhiệm vụ của đoàn kinh tế - quốc phòng, nhất là Nghị định số 22/2021/NĐ-CP, ngày 19/3/2021 của chính phủ về Khu kinh tế - quốc phòng, Đoàn phối hợp với cơ quan chức năng quy hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung hợp phần quy hoạch địa bàn được giao giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương. Đồng thời, khảo sát, đề nghị mở rộng Khu kinh tế - quốc phòng thêm 02 xã: Trung Lý, Nhi Sơn, làm cơ sở phân kỳ đầu tư các dự án chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, xây dựng công trình quân sự, dân sinh, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Nhằm bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân, thực hiện mục tiêu “an dân, ổn định, phát triển”, Đoàn chỉ đạo mỗi phòng, ban, đội giúp đỡ 02 hộ nghèo/xã thoát nghèo bền vững, tạo điểm sáng để các hộ gia đình khác học tập và làm theo; tích cực xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại thôn, bản, như: nuôi bò, lợn tập trung, vịt siêu trứng; trồng ngô lai, nấm sò,...; chỉ đạo các đội sản xuất trình diễn quy trình thực hiện và mời nhân dân tham quan, học tập, đã mang lại kết quả tích cực, được lan tỏa, nhân rộng. Bên cạnh đó, Đoàn tổ chức nhiều tổ, đội công tác bám bản, bám rừng để hướng dẫn kỹ thuật, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện dự án tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chủ động phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh Hóa và cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyển chọn 155 trí thức trẻ tình nguyện, (trên 70% có trình độ cao đẳng, đại học) ở các lĩnh vực: công nghiệp, nông lâm nghiệp, y tế, kinh tế - xã hội, luật, giáo dục cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ. Đây là lực lượng xung kích trong hướng dẫn nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, tham gia mở các lớp xóa mù chữ; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ vật tư, con giống cho nhân dân trong vùng dự án2. Cùng với đó, Đoàn tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng thấp với vùng cao,… thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Cùng với tham gia giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt và thực hiện nghị quyết số 488-NQ/ĐU, ngày 27/4/2015 của Đảng ủy Quân khu về “tăng cường đổi mới công tác dân vận của lực lượng vũ trang quân khu trong tình hình mới”, Đoàn phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt: chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ rừng; trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, an ninh biên giới quốc gia của công dân; đồng thời, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch; nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa các dự án kinh tế - quốc phòng đối với cuộc sống nhân dân, v.v. Quá trình triển khai, Đoàn vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp tuyên truyền để “nói cho dân hiểu”, như: tuyên truyền miệng, chiếu phim, truyền thanh; viết tin, bài trên nhóm “Miền Tây xanh” và trang “Tây tiến 05”,... để kịp thời phản ánh các hoạt động chính trị trong vùng. Sâu hơn nữa là thông qua giao lư­u văn hóa, văn nghệ, hội nghị gặp mặt, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt, các tổ công tác của Đoàn luôn bám dân, bám bản cùng nhân dân làm đường giao thông, xây trường học, xóa mù chữ, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và các chương trình dự án trồng trọt chăn nuôi cho đồng bào để tuyên truyền, vận động. Phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang trao đổi, nắm tình hình địa bàn đóng quân; trên cơ sở đó, đổi mới, bổ sung nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân một cách phù hợp, hiệu quả. Hưởng ứng phong trào thi đua lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, Đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ địa phương; động viên cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện huy động tiền, vật chất, phương tiện và hàng nghìn ngày công lao động, tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều việc làm, như: khơi thông, phát quang, khắc phục sạt lở đất, xây dựng đường giao thông nông thôn; xây tặng nhà mẫu giáo, nhà tình nghĩa; xóa nhà tranh tre, nứa lá, v.v. Là đơn vị nhận đỡ đầu xã Mường Chanh trong xây dựng nông thôn mới, năm 2021, Đoàn điều động hàng chục lượt phương tiện, hơn 1.000 ngày công vận chuyển hơn 1.000 m3 đất, đá sạt lở, san lấp nhiều ki lô mét đường, làm 300 m đường bê tông tại bản Lách; hỗ trợ vật chất, dọn vệ sinh tại nhiều bản trong xã. Đến nay, các xã trong vùng dự án Khu kinh tế - quốc phòng Mường Lát đã đạt từ 06 - 09 tiêu chí, trong đó có 14 bản được công nhận nông thôn mới. Bên cạnh đó, Đoàn tổ chức khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí gần 10.500 lượt bệnh nhân tại Trạm xá quân - dân y; tổ chức 04 đoàn dã ngoại khám, cấp thuốc miễn phí, kết hợp với tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, tham gia xây dựng mạng lư­ới y tế các xã, thôn, bản. Phối hợp mở 27 lớp (mỗi lớp 03 tháng) xóa mù chữ, mù tính toán cho gần 1.000 học viên; 15 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín, già làng, trưởng bản; tham gia dạy học, giúp đỡ học sinh yếu kém có hoàn cảnh khó khăn; được cấp ủy, chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện đánh giá cao, ghi nhận là điểm sáng về thực hiện chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về công tác xóa mù chữ trên địa bàn. Đến nay, 100% hộ dân ký kết không tái trồng cây thuốc phiện, không di cư tự do, 36/52 bản, khu phố được công nhận bản văn hóa cấp huyện; vận động được 800 hộ dân chuyển ra khu vực biên giới để thành lập 08 điểm dân cư mới, v.v. Phần lớn nhân dân yên tâm bám bản, tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống lành mạnh; tạo thế trận vững chắc trong bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới quốc gia.

Đoàn tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Để làm được điều đó, Đoàn chỉ đạo các đội công tác tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, nâng cao nhận thức về đường lối, chính sách của Đảng, quy trình tiến hành sinh hoạt Đảng cho cán bộ, đảng viên ở thôn bản, mà trước hết tập trung vào đội ngũ bí thư­, cấp ủy, cán bộ chủ trì bản, ban, ngành, đoàn thể trong xã. Trao đổi kinh nghiệm về: thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; quản lý, rèn luyện, bồi d­ưỡng, tạo nguồn phát triển đảng. Đoàn thường xuyên theo sát, giúp cấp ủy, chính quyền lựa chọn nhân sự bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại hội Đảng và tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể xã,... góp phần xây dưng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh. Từ năm 2019 - 2021, Đoàn giúp cấp ủy, chính quyền 09 lượt xã kiện toàn, củng cố hệ thống làm việc hành chính; bồi ­dưỡng 67 cán bộ thôn bản, kết nạp 36 đảng viên mới; hỗ trợ xen ghép cho 130 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống tại 11 cụm điểm dân cư. Đến nay 100% bản trong vùng dự án có hệ thống cơ sở chính trị vững chắc.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang trên địa bàn theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong xây dựng địa bàn an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn tốt trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào “toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Thường xuyên nắm chắc các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ lụt, cháy rừng, thống nhất phương án ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, không để bị động, bất ngờ. Những hoạt động của Đoàn đã, đang phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có tỉ trọng lớn trong phát triển, kinh tế, xã hội; tất cả vì cuộc sống yên vui, no ấm của nhân dân - yếu tố quan trọng trong ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc khu vực biên giới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đại tá HOÀNG VĂN VÕ, Đoàn trưởng
_______________

1 - Gồm các xã: Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu, Mường Chanh và thị trấn Mường Lát.

2 - Giai đoạn 2019 - 2021, cán bộ của Đoàn và đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đã tổ chức 200 buổi hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 10.500 lượt người; hỗ trợ trên 460 con bò, dê; trồng gần 130 ha cây ăn trái, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.