Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 24/07/2019, 07:28 (GMT+7)
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 338 - điểm tựa vững vàng cho nhân dân biên giới

Đoàn Kinh tế - quốc phòng 338 thuộc Quân khu 1, đảm nhiệm phát triển Dự án Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn trên địa bàn 05 huyện biên giới tỉnh Lạng Sơn, với diện tích trên 1.200km2. Những năm qua, Đoàn luôn vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt chức năng sẵn sàng chiến đấu và tham gia phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp cùng đảng bộ, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị, xây dựng các điểm dân cư, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân,... tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm bám đường biên, cột mốc, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, điểm tựa vững vàng cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi địa đầu phía Bắc Tổ quốc.

Đại tá Tạ Đức Thanh cắt băng khánh thành công trình giao thông tại xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn

Đơn vị đứng chân, thực hiện nhiệm vụ trong vùng có gần 99% là người dân tộc thiểu số; kinh tế khó khăn, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu; nhận thức về quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế còn hạn chế, v.v. Trước thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác dân vận, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đồng bào về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng và tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Quán triệt và thực hiện nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 1375-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu 1 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, hằng năm, Đoàn tích cực nghiên cứu viết bài, cung cấp tài liệu tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng ở địa phương, cơ sở. Nội dung tập trung tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; các chương trình, dự án phát triển kinh tế gắn với quốc phòng của địa phương; xây dựng nông thôn mới; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, v.v. Cùng với đó, Đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ tổ chức hội nghị gặp mặt các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; vận động các nhà trường, tổ chức quần chúng thường xuyên giao lưu, kết nghĩa với Đơn vị. Qua đó, vừa tạo tình cảm tốt đẹp, đoàn kết, vừa nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của cộng đồng để có biện pháp tuyên truyền, thực hiện tốt công tác tư tưởng với nhân dân. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giúp dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng dự án.

Thực hiện Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020”, Đoàn đã tuyển dụng và huấn luyện được 104 đội viên; tăng cường lực lượng này về các đội sản xuất tại các xã để khảo sát tình hình kinh tế - xã hội địa phương; hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân trên các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, vệ sinh, phòng dịch, chăm sóc sức khỏe, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh,… và tham gia các đợt tuyên truyền đặc biệt, mang lại hiệu quả cao. Từ năm 2010 đến nay, Đoàn thực hiện 40 buổi chiếu phim phục vụ cho khoảng 13.600 lượt người; tổ chức 69 buổi tuyên truyền đặc biệt cho gần 6.000 lượt người; khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt người, cấp gần 400 triệu đồng tiền thuốc miễn phí cho nhân dân. Song song với đó, Đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương ký kết quy chế phối hợp công tác, gắn thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng, an ninh với xây dựng địa bàn. Đồng thời, tích cực tham mưu, giúp địa phương xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho nhân dân khu vực biên giới; tập huấn về quản lý địa bàn, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ các xã, thôn, bản, v.v. Qua đó, Đoàn giúp địa phương xây dựng, củng cố, kiện toàn 30 tổ chức đoàn, phụ nữ, cựu chiến binh; đào tạo, bồi dưỡng được 23 y tá thôn, bản; xây dựng và huấn luyện đội phẫu thuật, cứu chữa ban đầu (gồm 12 cán bộ y tế cấp xã),... bảo đảm nâng cao chất lượng chính trị, năng lực của tuyến y tế cơ sở, góp phần tăng cường thế trận quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Để tạo nền tảng trong thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Đoàn đẩy mạnh thực hiện các dự án gắn với phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Trên cơ sở quy hoạch khu kinh tế - quốc phòng và lộ trình đầu tư đã được cấp trên phê duyệt, Đoàn tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các dự án: trồng rừng phòng hộ, rừng vành đai biên giới, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, định cư,... bảo đảm phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng cường quốc phòng từng thời kỳ. Quá trình triển khai, Đoàn xác định rõ các vùng phát triển dân cư, sản xuất, trồng rừng và hệ thống kết cấu hạ tầng phải gắn với công trình quân sự, phù hợp với thế trận khu vực phòng thủ.

Đồng bào trong vùng dự án sống phân tán trên núi cao, giao thông đi lại khó khăn; đời sống nhân dân đa phần tự cung, tự cấp; sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ chưa được khai thác, v.v. Trước tình hình đó, Đoàn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn tổ chức khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thực hiện các dự án trồng, chăm sóc rừng; nghiệm thu chăm sóc, giao khoán bảo vệ rừng cho nhân dân,... bảo đảm phủ xanh đất trống, đồi trọc góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế rừng và tạo công ăn, việc làm tại chỗ cho nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, xóa đói, giảm nghèo phù hợp với địa bàn và tập quán canh tác của người dân. Thực hiện phương châm “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để nhân dân làm theo”, Đoàn chỉ đạo các nông trường, lâm trường, đội sản xuất, cùng lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các xã cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình, như: trồng cây ba kích tím; trồng chanh leo; chăn nuôi bò sinh sản và lợn thương phẩm, v.v. Đoàn mua tặng bò sinh sản cho các hộ nghèo làm vốn sản xuất; hỗ trợ các hộ gia đình mua giống gia súc, cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và đôn đốc nhân dân thực hiện,... giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tăng thu nhập, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Tặng bò sinh sản giúp các hộ nghèo tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, Lạng Sơn

Bên cạnh đó, Đoàn phối hợp với các lực lượng trên địa bàn rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, mở rộng diện tích đất canh tác; xây dựng kết cấu hạ tầng ban đầu; hỗ trợ kinh tế, công cụ sản xuất, kỹ thuật canh tác,... đưa nhân dân ra định cư ở các thôn, bản cũ sát biên giới, bảo đảm khôi phục, phát triển, phân bố dân cư phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế vùng và thế bố trí quốc phòng; tạo “phên giậu” vững vàng trên vành đai biên giới, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Điểm đáng chú ý nữa là, Đoàn đã chủ động phối hợp với địa phương khảo sát, lập quy hoạch tổng thể về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; ưu tiên xây dựng các công trình quan trọng, cấp thiết, như: hệ thống giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch, các công trình thiết yếu trong khu dân cư tập trung,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống nhân dân. Từ năm 2010 đến nay, Đoàn đầu tư trên 181 tỷ đồng để trồng 993 ha rừng ở 03 huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc; hỗ trợ ổn định tại chỗ 03 hộ, di dời 49 hộ để xây dựng mới 03 điểm dân cư tập trung; xây dựng 06 công trình nước sạch, trên 28 km đường giao thông nông thôn, gần 40 km kênh dẫn nước và Công trình truyền tải điện 35 kV,... phục vụ cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Năm 2018, Đoàn chi trên 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân trồng 04 ha ba kích và 03 ha chanh leo; tặng 35 con bò sinh sản cho 35 hộ gia đình, 200 con lợn giống cho 40 gia đình. Kết quả đầu tư đó, đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của nhân dân; thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển hiệu quả, bền vững; thu nhập của nhân dân trên địa bàn tăng 10 lần so với năm 1999, số hộ nghèo giảm còn gần 31%, hộ cận nghèo gần 7,5%.

Cùng với đó, Đoàn chú trọng thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Để thực sự là điểm tựa cho địa phương giải quyết các tình huống ban đầu về quốc phòng, Đoàn tăng cường quản lý, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đáp ứng tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; duy trì nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực cơ động; bảo đảm quân số cao nhất cho phân đội trực chiến. Đồng thời, thường xuyên xây dựng, kiện toàn hệ thống văn kiện tác chiến; phối hợp với địa phương tổ chức huấn luyện, diễn tập, nhất là diễn tập tiếp nhận quân dự bị động viên theo quy định. Song song với đó, Đoàn tăng cường công tác quản lý, nắm chắc nguồn dự bị động viên; nâng cao chất lượng huấn luyện quân dự bị và tập huấn khung B; chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự xã, huyện để huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ quân sự, chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sẵn sàng chiến đấu. Những năm gần đây, trên địa bàn vùng dự án, tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội, như: cờ bạc, nghiện hút, buôn bán người qua biên giới, buôn lậu, lao động thuê trái phép diễn ra khá phức tạp. Để giải quyết vấn đề đó, Đoàn thường xuyên tham gia trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn, nắm chắc tình hình hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn và các loại tội phạm, nhất là các hành vi xâm phạm an ninh, quốc phòng. Từ đó, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương can thiệp từ sớm, từ xa, giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đông người; các vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều cấp, ngành, đối tượng, như: vi phạm về đất đai, khai thác tài nguyên, phá rừng,... không để các phần tử xấu tạo cớ, kích động chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, bảo đảm ổn định an ninh trong khu vực. Bên cạnh đó, Đoàn phối hợp với lực lượng Công an, các đồn Biên phòng trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy tại các địa bàn trọng điểm, địa phương có quốc lộ, tỉnh lộ và nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới, nhất là các xã Cao Lâu, Xuất Lễ (huyện Cao Lộc), Tam Gia, Yên Khoái (huyện Lộc Bình), Bình Xá (huyện Đình Lập); đấu tranh với tệ nạn cờ bạc, số đề, nghiện hút; theo dõi, hạn chế nhân dân đi lao động trái phép bên kia biên giới,... bảo đảm an toàn cho nhân dân yên tâm sinh sống.

Qua hơn 20 năm xây dựng, phát triển và hoạt động, với tinh thần “không ngại khó khăn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 338 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng với cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn xây dựng “phên giậu” vững chắc, giữ vững chủ quyền, an ninh nơi biên giới.

Đại tá TẠ ĐỨC THANH, Đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)