Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 09/10/2023, 08:16 (GMT+7)
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng địa bàn vững mạnh

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) được giao thực hiện Dự án Khu Kinh tế - Quốc phòng Khe Sanh trên địa bàn 14 xã, 99 thôn, bản của các huyện: Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn gặp không ít khó khăn, thách thức do địa bàn rộng, địa hình chủ yếu là rừng núi, giao thông chia cắt, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, bất thường; dân cư trên địa bàn chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống (có gần 80% là người Vân Kiều, Pa Cô), trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hủ tục còn tồn tại; kinh tế chậm phát triển (có 08 xã biên giới, 05 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn). Trước đặc điểm đó, cùng những bất cập về tổ chức, biên chế, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, tích cực phối hợp với địa phương triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu của Dự án, hướng trọng tâm vào giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí,... xây dựng địa bàn ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh vững mạnh.

Thủ trưởng Đoàn chủ trì lễ bàn giao công trình đường giao thông cho địa phương

Thực hiện Quyết định số 49/QĐ-TTg, ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng và phát triển các Khu Kinh tế - Quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Đoàn chủ động phối hợp với tỉnh Quảng Trị và các huyện vùng Dự án lập hợp phần quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và tích hợp vào quy hoạch của địa phương. Trong đó, xác lập rõ các khu vực: trình diễn mô hình trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; khu vực đóng quân, thao trường huấn luyện,... kết nối liên hoàn với các khu dân cư, trung tâm hành chính của địa phương. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, Đoàn sử dụng nguồn vốn thuộc Dự án, lồng ghép các nguồn vốn địa phương, khảo sát, thiết kế mặt bằng, xác định lộ trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: điện, đường, trường, trạm, hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, v.v. Cùng với đó, khảo sát các địa bàn có nguy cơ sạt lở cao, tham mưu, phối hợp với địa phương huy động nguồn lực, nhất là công sức của bộ đội, nhân dân, sắp xếp cho 681 hộ gia đình cư trú ổn định tại chỗ và di dời đến nơi ở mới. Trong đó, tổ chức khai hoang đất, cải tạo đồng ruộng, xây dựng được 09 điểm dân cư tập trung, quy mô từ 10 - 34 hộ; bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ 66 hộ/258 khẩu tại các xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Phùng; hỗ trợ di dời, tái định cư cho 35 hộ dân sinh sống tại các vị trí dễ bị sạt lở của xã Hướng Việt; tạo nên các làng thanh niên lập nghiệp, cụm làng, bản trên tuyến biên giới; đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo vành đai bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, sau vụ sạt lở đất tháng 10/2020 làm nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương, Đoàn phối hợp với địa phương khảo sát, nhanh chóng xây dựng mới Sở Chỉ huy, Công ty Xây dựng và 06 đội sản xuất, tạo thế bố trí mới. Giai đoạn 2018 - 2023, Đoàn xây dựng và bàn giao cho địa phương 02 công trình điện, gần 38km công trình đường giao thông, 13 công trình nước sinh hoạt, đập thủy lợi, 20 điểm trường, 03 nhà sinh hoạt cộng đồng, 02 công trình san lấp mặt bằng,... góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Phối hợp giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, văn hóa là yếu tố cốt lõi để xây dựng địa bàn ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng, an ninh. Với phương châm “bám dân, bám bản, làm cho dân tin, nói cho dân hiểu, trên tinh thần đoàn kết quân dân cá - nước”, Đoàn tích cực khảo sát nguyện vọng của dân, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu; lựa chọn cây trồng, con giống phù hợp; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và tổ chức làm trước, trình diễn, đối chứng. Trên cơ sở đó, tổ chức tham quan, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; cấp phát cây, con giống, nhân rộng mô hình. Nhờ vậy, những năm qua, đã xây dựng và nhân rộng thành công nhiều mô hình, như: trồng cây ăn quả, cà phê, dong riềng, lúa nước; nuôi bò, lợn, dê sinh sản, v.v. Để đạt hiệu quả, Đoàn phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ thường xuyên bám cơ sở, hướng dẫn, cùng nhân dân tổ chức sản xuất, quản lý cây trồng, vật nuôi, làm thay đổi cách nghĩ, cách sản xuất của đồng bào. Đặc biệt, Đoàn kiên trì triển khai các mô hình “Chi bộ đội sản xuất, cơ quan, đơn vị giúp các hộ nghèo xây dựng mô hình chăn nuôi sản xuất, giảm nghèo” và “Đội sản xuất kết nghĩa thôn, bản hỗ trợ giúp dân giảm nghèo”, nhằm gắn kết trách nhiệm lâu dài của các cơ quan, đơn vị với nhân dân. Đây là các mô hình gốc để cán bộ, nhân viên cơ quan, đơn vị bám bản, bám địa bàn, nghiên cứu điều kiện tự nhiên, thu thập kinh nghiệm để xây dựng các mô hình kinh tế. Cán bộ của Đoàn đã nỗ lực nghiên cứu thị trường để xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, như: nuôi dê giống địa phương, lợn Móng Cái ở xã Hướng Sơn, Hướng Việt; nuôi bò giống địa phương, bò Lai-sin ở xã Hướng Linh; trồng lúa nước ở xã Hướng Sơn, Hướng Lập; trồng dong riềng ở xã Hướng Phùng, v.v. Cùng với cung cấp dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn tổ chức sản xuất, để đảm bảo cho nhân dân có thu nhập ổn định, Đoàn liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; đầu tư một số dây chuyền sản xuất, thu mua, chế biến. Đáng chú ý, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực khắc nghiệt, bão lũ, khô hạn nhiều, việc trồng lúa nước rất khó khăn, nhưng với quyết tâm bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, Đoàn đã đầu tư kinh phí, áp dụng khoa học công nghệ và công sức để duy trì mô hình và diện tích trồng lúa nước trên địa bàn. Nhờ nỗ lực của Đoàn và cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay người dân đã bỏ thói quen phát rừng làm rẫy, trồng lúa trên núi, chăn thả gia súc tự nhiên, không chuồng trại, hiệu quả thấp, ô nhiễm môi trường, đời sống phụ thuộc thiên nhiên, chuyển sang thâm canh lúa nước 02 vụ/năm, biết trồng hoa màu, rau xanh, tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho chăn nuôi tập trung. Đến nay, các mô hình đang phát triển tốt, đàn gia súc giống tăng trưởng lên hàng trăm con; năng suất trồng lúa nước đạt 4,6 - 5,8 tấn/ha. Nhân dân các địa phương phối hợp với Đoàn trồng, chăm sóc, bảo vệ hàng trăm hec-ta rừng vành đai biên giới, rừng phòng hộ, đầu nguồn, góp phần chống lũ quét, sạt lở, bảo vệ địa hình và an toàn dân cư trong mưa, lũ. Nhờ đó, cuộc sống của gần 2.000 hộ dân trong vùng Dự án đã thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống gần 58%.

Đoàn 337 tổ chức nhận nuôi học sinh theo chương trình nâng bước em tới trường

Thực hiện chức năng “đội quân công tác”, Đoàn tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, làm công tác dân vận, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đoàn chủ động phối hợp với các ban, ngành tỉnh Quảng Trị và địa phương vùng Dự án xây dựng kế hoạch, nội dung củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị của Đoàn đã tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức bồi dưỡng, phát triển đảng viên ở các thôn, bản; tập huấn nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, đoàn thể, thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở, phương pháp vận động quần chúng, v.v. Từ năm 2018 đến nay, Đoàn giúp các địa phương mở 05 lớp bồi dưỡng đối tượng đảng, kết nạp 151 đảng viên. Chỉ đạo các đội sản xuất đẩy mạnh công tác dân vận; ký kết, phối hợp hoạt động với địa phương để bám dân, thực hiện 04 cùng1, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về chính sách dân tộc, tôn giáo. Quá trình thực hiện, Đoàn coi trọng phát huy lòng nhiệt huyết, vai trò xung kích của đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện, tổ chức các đội công tác bám thôn, bản, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, ngăn chặn hoạt động tà đạo, truyền đạo trái pháp luật; hướng dẫn cách ăn, ở, vệ sinh khoa học; góp phần xây dựng nếp sống mới, bảo tồn, phát triển giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào; đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch. Đi liền với phát triển kinh tế, Đoàn chú trọng đưa văn hóa, y tế về thôn, bản, nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho nhân dân; duy trì hiệu quả hoạt động của Bệnh xá quân - dân y, đội quân y cơ động để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân, đối tượng chính sách, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch bệnh, tệ nạn, bệnh xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện kế hoạch hóa gia đình2. Qua đó, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, các lực lượng trên địa bàn và cả người dân nước bạn Lào; góp phần tích cực vào công tác đối ngoại, xây dựng cộng đồng an toàn, biên giới hữu nghị, phát triển. Thời gian qua, Đoàn chỉ đạo các tổ chức thanh niên, phụ nữ, xây dựng, thực hiện tốt mô hình “5 cha 3 con”3, “Nâng bước em đến trường”, “Bữa cơm dinh dưỡng tại các điểm trường khó khăn” và quyên góp hỗ trợ tiền ăn, đồ dùng học tập, sách giáo khoa, phương tiện đến trường,… giúp đỡ 58 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; ngày càng củng cố lòng tin của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ vào “Bộ đội Cụ Hồ”.

Xây dựng địa bàn vững mạnh về quốc phòng, an ninh là một nhiệm vụ trọng tâm của các đoàn kinh tế - quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án. Nhận thức rõ điều đó, Đoàn chú trọng kiện toàn tổ chức biên chế, duy trì nghiêm nền nếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đẩy mạnh xây dựng các cơ quan, đội sản xuất vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng, cơ quan quân sự các huyện, xã thường xuyên trao đổi thông tin, nắm tình hình địa bàn, xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến; tham mưu cho địa phương kịp thời triển khai biện pháp đấu tranh ngăn ngừa, giải quyết dứt điểm các vụ việc, tình huống về quốc phòng, an ninh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ. Tích cực vận động nhân dân tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc; giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản; không tàng trữ, buôn bán, sử dụng chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ; không di cư tự do, vượt biên trái phép. Đồng thời, tham mưu, ký kết Quy chế Phối hợp bảo vệ địa bàn; tích cực giúp địa phương xây dựng lực lượng, thế trận khu vực phòng thủ, tham gia phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, trang bị đảm bảo cho phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Qua đó, phát huy tốt vai trò xung kích trong thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, góp phần giữ gìn mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân, xây dựng địa bàn vững mạnh về quốc phòng, an ninh, tạo vành đai vững chắc trên tuyến biên giới của Tổ quốc.

Đại tá UÔNG ĐÌNH TÂN, Đoàn trưởng
_______________   

1 - Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc.

2 - Tổ chức gần 200 buổi tuyên truyền cho gần 10.000 lượt người. Huấn luyện 05 kỹ thuật cấp cứu, cứu thương và phòng, chống một số bệnh thông thường cho 1.150 lượt học sinh; khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 8.500 lượt người, trị giá gần 500 triệu đồng.

3 - Mỗi nhóm 05 cán bộ của đội sản xuất nhận nuôi 03 học sinh tại đơn vị.

Ý kiến bạn đọc (0)