Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 24/09/2015, 13:50 (GMT+7)
Đoàn 338 thực hiện có hiệu quả dự án khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn
Các đại biểu dự hội nghị công bố quy hoạch khu KTQP Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do Quân khu 1 tổ chức (Ảnh:baolangson.vn)

Thực hiện Quyết định 568/1999/QĐ-BQP, ngày 04-5-1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Sư đoàn 338 chuyển thành Đoàn kinh tế - quốc phòng 338, làm nòng cốt trong xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn trên địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn. Đoàn có nhiệm vụ cùng với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch, bố trí lại dân cư; thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, tham gia xoá đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn chiến lược phía Bắc của Tổ quốc. Vùng Dự án có diện tích tự nhiên 124.845 ha, nằm trên địa bàn 20 xã của 05 huyện, có 198,8 km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc. Trong đó có 65 thôn, bản thuộc 16 xã biên giới. Dân số trong vùng Dự án khi bắt đầu triển khai có 27.770 nhân khẩu của 5.322 hộ, gồm 4 dân tộc chính: Tày (48,06%), Nùng (44,49%), Dao (6,54%), Kinh (0,66%); địa hình phức tạp, giao thông chưa phát triển, đi lại khó khăn, trường học, trạm y tế đều thiếu. Nhìn chung, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo trước năm 2010 trung bình là trên 65%; tình hình trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp, v.v.

Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ và nhận rõ những thuận lợi, khó khăn, Đoàn xác định trước hết phải tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Qua hơn 16 năm triển khai thực hiện Dự án, Đoàn luôn coi trọng kiện toàn tổ chức, biên chế phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ mới được giao; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí, quyết tâm, bản lĩnh chính trị để cán bộ, chiến sĩ và trí thức trẻ tình nguyện thấu suốt nhiệm vụ lao động sản xuất, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đơn vị. Cùng với các biện pháp trên, Đoàn đặc biệt quan tâm xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, nhất là ở các tổ, đội sản xuất. Để đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng, Đoàn chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ và trí thức trẻ tình nguyện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, pháp luật, kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm; kiến thức, kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng, công tác đối ngoại nhân dân. Mặt khác, Đoàn triển khai nhiều biện pháp đột phá nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; xây dựng ý thức tự giác trong chấp hành kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ ở mọi lúc, mọi nơi, v.v. Nhờ đó, 100% cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm công tác, gắn bó với địa bàn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nhiều năm liền Đảng bộ Đoàn đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Để đạt được mục tiêu của Dự án, Đoàn đã chủ động phối hợp, thống nhất với cơ quan chức năng của Quân khu và cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo đi trước một bước, tạo điều kiện phát triển kinh tế, bố trí, sắp xếp lại dân cư. Theo đó, Đoàn đã khảo sát, lập quy hoạch tổng thể, ưu tiên xây dựng các công trình quan trọng, cấp thiết, như: hệ thống giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch, các công trình thiết yếu trong khu dân cư tập trung, v.v. Từ năm 2000 đến nay, Đoàn đã dành 1/3 tổng giá trị của Dự án cho việc làm mới 08 tuyến đường giao thông liên xã, liên bản với chiều dài hơn 32 km; ngoài ra, còn làm thêm hàng loạt đường nhánh để thuận tiện cho sản xuất, tuần tra, chăm sóc rừng phòng hộ. Đồng thời, triển khai xây dựng 14 công trình thủy lợi với tổng chiều dài kênh mương trên 33 km, có thể tưới cho gần 500 ha lúa nước. Trong đó, các hồ chứa nước Cao Lâu, Nặm Thíu, các đập thủy lợi Bản Lầy, Tắp Tĩnh, Khuổi Lý, Khuổi Cáy, Bản Khén và Khiêng Lạn đều có khả năng cung cấp nước tưới cho hàng chục héc-ta cây trồng, bảo đảm cho đồng bào sản xuất từ một vụ lên hai vụ/năm. Nhờ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng các công trình thủy lợi, nên trong số đó có nhiều đập dâng tự chảy, tiết kiệm được chi phí bơm nước, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, để bảo đảm nước cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào một số bản xa nguồn nước, Đoàn đã hoàn thành 5 công trình cung cấp nước sinh hoạt phục vụ cho hàng ngàn người. Đồng thời với quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, Đoàn phối hợp chặt chẽ với địa phương quy hoạch 7 điểm dân cư tập trung, di giãn 121 hộ với 625 nhân khẩu thuộc các bản Pò Nhùng, Bắc Lệ, Nà Lầm, Phạ Tầm, Song Phe, Co Sâu và Nà Phát. Qua đó, đã hình thành các thôn bản mới sát biên giới, góp phần tạo nên “phên giậu” bảo vệ Tổ quốc.

Đối với nhiệm vụ giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, Đoàn tích cực lựa chọn các mô hình sản xuất, cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác của đồng bào. Sau khi khảo sát địa bàn và tham khảo kinh nghiệm của ngành Lâm nghiệp, Đoàn quyết định sử dụng cây thông làm cây trồng chủ đạo để phủ kín những khu đất hoang hóa, đồi trọc. Đây là loại cây dễ trồng, chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng Dự án và cho thu hoạch nhựa rất năng suất, bán được giá cao. Đến nay, Đoàn đã sản xuất được gần 10 triệu cây thông giống, cung cấp và hướng dẫn nhân dân trồng mới hơn 3.840 ha rừng. Ở giai đoạn đầu, nguồn thu từ tiền công trồng mới và chăm sóc gần 3.500 ha rừng phòng hộ, hàng trăm héc-ta rừng tái sinh cũng đã giúp bà con trong vùng Dự án từng bước khắc phục khó khăn, yên tâm làm ăn theo sự chỉ dẫn của bộ đội. Cùng với đó, Đoàn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi; xây dựng các mô hình điểm về trồng lúa nước, ngô lai, xoài, trám, măng Bát Độ, nuôi lợn nái, lợn thịt, bò sinh sản,… để đồng bào tham quan, học tập. Hiện nay, các mô hình sản xuất đã phát huy tác dụng, nhiều hộ gia đình đã thực sự thoát nghèo (năm 2015 tỷ lệ hộ đói nghèo còn 23,8%); đặc biệt, cây thông đã cho thu nhựa, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và nâng cao ý thức tự giác trồng rừng và bảo vệ rừng của đồng bào ở khu Dự án.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, Đoàn tích cực tham gia củng cố, xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh. Hằng năm, Đoàn duy trì các đội công tác với thành phần gồm cán bộ, đoàn viên thanh niên, quân y sĩ, trí thức trẻ tình nguyện xuống bám, nắm cơ sở; thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Thông qua đó tuyên truyền, hướng dẫn để giúp đồng bào nâng cao nhận thức, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo, các vấn đề về chủ quyền quốc gia, biên giới. Đoàn tích cực tham mưu cho địa phương xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chính quyền và các tổ chức quần chúng. Đảng ủy, chỉ huy Đoàn giao cho các phòng, ban, đội sản xuất đưa trên 300 lượt đoàn viên xuống tham gia sinh hoạt cùng với chi đoàn địa phương để kiện toàn và khôi phục hoạt động cho 28 chi đoàn, 10 chi hội phụ nữ. Đồng thời, chỉ đạo các nông, lâm trường hằng năm tham gia huấn luyện cho dân quân các xã. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Đoàn vừa tổ chức các buổi chiếu phim, vừa phối hợp với phòng văn hóa, đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân bài trừ, xóa bỏ những hủ tục, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng làng bản văn hóa, gia đình văn hóa, v.v. Nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân và đưa công tác dân vận vào chiều sâu, Đoàn có nhiều biện pháp, hình thức huy động ủng hộ “quỹ hỗ trợ nông dân”, “quỹ nạn nhân chất độc da cam”, “ngày vì người nghèo”,… góp hàng ngàn ngày công thực hiện các việc sửa chữa nhà ở, thu hoạch mùa màng cho những gia đình chính sách, khó khăn. Cùng với đó, Đoàn đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết hợp quân - dân y, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vùng Dự án; phát huy hiệu quả của bệnh xá quân - dân y (được xây dựng trên cơ sở bệnh xá của Đoàn), tổ chức các đoàn công tác khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa; kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, phòng chống dịch bệnh. Thời gian qua, Đoàn đã giúp đỡ, củng cố được 4 trạm y tế của các xã: Bính Xá, Kiên Mộc, Tĩnh Bắc, Tú Mịch; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 23 y tá thôn, góp phần nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở.

Đến nay, Dự án Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn do Đoàn Kinh tế - quốc phòng 338 cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn triển khai đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, tạo nên một diện mạo mới cho vùng Dự án, có hướng phát triển vững chắc, khả thi. Các thôn, bản đều có trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, đường giao thông và công trình thủy lợi, bảo đảm cho người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, Chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo, các dự án ổn định và phát triển sản xuất đã thực sự giúp nhân dân có thu nhập để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Việc vận động nhân dân đến định cư ở các thôn bản dọc biên giới đạt được kết quả tích cực, tạo nên những “cột mốc sống” nơi “phên giậu” Tổ quốc. Các cơ sở chính trị được củng cố, quốc phòng - an ninh được tăng cường đã giữ vững sự ổn định chính trị, ngăn chặn kịp thời các điểm nóng, nhạy cảm, giảm các vi phạm quy chế đường biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành phân giới cắm mốc, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Từ thực tiễn tổ chức thực hiện, Đoàn rút ra một số bài học kinh nghiệm làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án Khu kinh tế - quốc phòng trong thời gian tới. Đó là:

1. Phải coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấu suốt nhiệm vụ của Đoàn kinh tế - quốc phòng; qua đó, thống nhất về nhận thức và hành động, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2. Thực hiện dự án có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng làm tốt công tác khảo sát, quy hoạch; lồng ghép có hiệu quả dự án của Khu kinh tế - quốc phòng với chương trình, dự án của địa phương.

3. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương trong tổ chức thực hiện các chương trình, dự án; nắm chắc tình hình địa phương, phong tục, tập quán,... phát huy vai trò nòng cốt của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để nâng cao hiệu quả vận động nhân dân tham gia vào các dự án của Đoàn.

4. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhất là ở tổ, đội sản xuất; đồng thời, bố trí, sử dụng hợp lý theo đúng năng lực, sở trường và có chế độ đãi ngộ thích đáng để họ yên tâm công tác, sẵn sàng đồng cam, cộng khổ, cùng ăn, cùng ở, giúp đỡ đồng bào.

Đại tá HÀ TIẾN LƯU, Chính ủy Đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)