Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:47 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Đoàn Kinh tế - quốc phòng (KT-QP) 337, Quân khu 4 chính thức nhận và triển khai nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện Dự án Khu KT-QP Khe Sanh, Quảng Trị đến nay đã được hơn 10 năm1. Khu vực Dự án do Đoàn đảm nhiệm rộng hơn 66.000 ha, nằm trên địa bàn 5 xã phía Bắc huyện Hướng Hóa, trong đó có 3 xã biên giới (với 72km đường biên giới với nước bạn Lào). Đây là địa bàn chiến lược nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, có Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử chạy qua; đã từng là vùng đất chịu sự tàn phá khốc liệt của bom đạn và chất độc hóa học do đế quốc Mỹ trút xuống.
Năm 1999, khi Đoàn về nhận nhiệm vụ, giao thông chưa phát triển, đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa; hậu quả của chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt cùng với tập tục du canh, du cư, đốt nương rẫy đã làm cho vùng đất trở nên hoang tàn, độ che phủ của rừng tự nhiên chỉ còn chưa đến 30%; dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều (trên 70%), đời sống văn hóa còn lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo cao (67,8%). Hệ thống chính trị cấp cơ sở chưa vững mạnh, có bản “trắng” đảng viên; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khá phức tạp…
Trước tình hình đó, Đoàn đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm, nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, làm việc và bắt tay ngay vào thực hiện Dự án. Các đơn vị của Đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn chủ trương phát huy tinh thần tự lực, tự cường xây dựng doanh trại, cơ sở hạ tầng của đơn vị; đồng thời, lồng ghép các chương trình 134, 135 với Dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, như: hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, đập thủy lợi… Đến năm 2010, Đoàn đã đầu tư xây dựng được gần 6.000 m2 diện tích nhà ở, sửa chữa nâng cấp 2.700 m2, làm mới sân và đường nội bộ 13.800 m2... Cùng với đó, Đoàn còn xây dựng được 5 đập thủy lợi, bảo đảm tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta đất canh tác, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân; xây dựng được gần 15 km đường liên thôn, liên xã, lắp đặt cáp quang bảo đảm thông tin liên lạc và làm đường điện cho một số thôn, bản… Đặc biệt là, đơn vị đã thành lập một Làng thanh niên lập nghiệp (thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng) với 50 hộ dân (mỗi hộ có 1 ha cà phê và 500 m2 đất vườn), 5 điểm dân cư từ 16 đến 30 hộ. Ngoài ra, còn đưa nhiều hộ gia đình từ đồng bằng lên sinh sống. Từ năm 2003 đến 2010, đơn vị bố trí, sắp xếp ổn định chỗ ở cho 460 hộ với 1.888 khẩu; trong đó, tiếp nhận 131 hộ (524 khẩu) từ nơi khác đến, 299 hộ (1.259 khẩu) dân cư nội vùng, 30 hộ (105 khẩu) gia đình quân nhân; sau khi các hộ gia đình ổn định sản xuất, đơn vị đã tổ chức bàn giao cho địa phương quản lý.
Để thực hiện Dự án trồng rừng theo Quyết định số 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả cao, Đoàn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hướng Hóa và cấp ủy, chính quyền 5 xã trong vùng Dự án tiến hành quy hoạch, lập kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện của địa bàn. Các đơn vị tích cực triển khai xây dựng vườn ươm cây giống và tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rừng cho 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và nhân dân tham gia trồng rừng. Bên cạnh đó, Đoàn thường xuyên cử cán bộ có trình độ, năng lực về từng thôn, bản để vừa khảo sát nắm chắc địa bàn, tình hình đất đai, thổ nhưỡng, vừa bồi dưỡng, nâng cao kiến thức canh tác cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nơi địa hình hiểm trở, hướng dẫn bà con tận dụng đồi núi trọc, đất trống quanh vườn nhà để trồng rừng... Ngoài ra, theo quy trình, việc trồng rừng, mỗi năm chỉ dọn thực bì 2 đợt vào đầu và cuối mùa mưa; song dựa vào thực tế, Đoàn đã chỉ đạo dọn thêm 1 lần thực bì trung gian vào giữa mùa mưa để tránh cỏ dại mọc át cây non, tạo được thảm mục tăng dinh dưỡng cho cây và hạn chế cháy rừng. Bằng tinh thần tích cực và sáng tạo đó, từ năm 2000 đến nay, Đoàn đã có 40 vườn ươm với hơn 400 vạn cây giống các loại; cùng nhân dân trồng mới được 1.582 ha rừng và trồng cây trên các trục đường, trường học, trạm xá, công sở, vườn đồi của các gia đình; xây dựng 46 km đường ranh cản lửa, 15 km đường nội vùng, 15 chòi canh và 45 biển báo bảo vệ rừng... Đoàn cũng đã giao 537,9 ha rừng cho nhân dân chăm sóc, bảo vệ. Diện tích rừng trồng ngày càng phát triển tốt đã nâng độ che phủ của rừng trong khu vực lên 41,2%, góp phần hạn chế thiên tai, lũ lụt và bảo vệ môi trường sinh thái.
Xác định xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư, nên thời gian qua, các đơn vị đã tập trung xây dựng mô hình xóa đói giảm nghèo cho đồng bào trong vùng Dự án. Trước hết, Đoàn đã tổ chức cho cán bộ của các đội sản xuất, cán bộ chủ chốt của địa phương, các già làng và một số hộ gia đình ở các thôn, bản đi tham quan học tập những mô hình sản xuất tiêu biểu ở huyện Hướng Hóa; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để trang bị cho đồng bào những kỹ năng về sản xuất, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của họ. Cùng với đó, Đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương lựa chọn những gia đình chính sách, các hộ nghèo có lao động nhưng thiếu vốn đầu tư và có ý thức chấp hành pháp luật để tham gia xây dựng mô hình. Bước tiếp theo, Đoàn lựa chọn kỹ những cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, điều kiện canh tác của người dân và cử cán bộ kỹ thuật xuống các bản làng, kết hợp với các cán bộ thôn, xã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các hộ trồng cây, làm chuồng trại chăn nuôi... Chỉ huy Đoàn còn giao cho các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu giúp hộ nghèo, bản nghèo về giống vốn, phân bón, thuốc trừ sâu và công sức của bộ đội… Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức xây dựng nhiều mô hình khuyến nông - khuyến lâm ở các đội sản xuất làm mẫu cho nhân dân đối chứng, làm theo, như: mô hình trại chăn nuôi bò, vườn cây ăn quả, khu chăn nuôi lợn tập trung, ao cá...; qua đó, đã có 650 hộ dân tự nguyện tham gia. Đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các xã tiến hành khai hoang được 100 ha đất (có 30 ha ruộng nước, 70 ha đồng màu), hiện nay đã giao cho 166 hộ dân canh tác.
Nhằm giúp nhân dân thoát nghèo vững chắc và thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, Đoàn tích cực nghiên cứu, tìm tòi, phát huy thế mạnh của địa phương. Năm 2006, Đoàn mang giống cây dong riềng về trồng thử nghiệm. Kết quả cho thấy, đây là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư ít, trồng được trên nhiều loại đất mà không bao giờ mất mùa; nếu chăm sóc tốt, năng suất đạt 20 - 25 tấn/ha/vụ, sản xuất tinh bột đạt từ 7 đến 10 tấn bột/ha/vụ; thân và lá của cây còn được sử dụng làm thức ăn cho gia súc… Để khuyến khích nhân dân trồng loại cây này, Đoàn đã đầu tư xây dựng Xưởng chế biến miến dong, tổ chức thu mua hết củ dong tươi cho bà con trong vùng. Đến nay, Xưởng đi vào hoạt động ổn định, sản xuất miến dong đạt chất lượng tốt; tính riêng trong năm 2011, Xưởng đã thu mua 526 tấn củ tươi, sản xuất được 46 tấn tinh bột và 8 tạ miến dong. Có thể khẳng định, đây là mô hình dịch vụ hai đầu đạt hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 hộ trồng 53 ha dong riềng và 17 đến 20 người làm việc tại Xưởng. Bằng những cách làm đó, trong 10 năm, đơn vị đã giúp 179 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều thoát đói nghèo, góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ đói nghèo xuống còn 43% năm 2011 (theo tiêu chí mới).
Thực hiện chức năng của “đội quân công tác”, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận. Các đơn vị đều xây dựng quy chế hoạt động phối hợp, kết hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của huyện, xã; tổ chức giao ban cụm, tuyến hằng tháng, hằng quý để nắm tình hình, rút kinh nghiệm thực hiện. Đoàn chỉ đạo các trung đoàn, các đội thành lập các tổ công tác và tổ chức tập huấn, dạy tiếng đồng bào, tục lệ, tập quán của bà con chu đáo trước khi đi làm nhiệm vụ. Nội dung tuyên truyền, vận động của các đội công tác là phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, chính sách dân tộc, tôn giáo, mục tiêu của Dự án KT-QP; đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu; bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống mới… Đến nay, đã có 26/38 thôn được công nhận thôn văn hóa cấp huyện. Đoàn còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và Đoàn Thanh niên tuyển chọn được 43 đội viên trí thức trẻ tình nguyện tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp vào công tác tại các cơ sở, đội sản xuất của đơn vị. Các đội viên được tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm làm công tác dân vận để cùng với các tổ công tác của đơn vị tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng thôn, bản. Đó cũng là cách thức đơn vị tạo việc làm và môi trường rèn luyện cho các trí thức trẻ phát huy những kiến thức đã học vào thực tế để khẳng định bản thân, tích luỹ kinh nghiệm, nhanh chóng trưởng thành.
Vùng Dự án là địa bàn vùng sâu, xa Trung tâm y tế huyện Hướng Hóa, nên Đoàn đã đầu tư xây dựng Bệnh xá có trang, thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ, y sĩ có chuyên môn vững, nhằm nâng cao khả năng khám, điều trị sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Thời gian qua, Bệnh xá của Đoàn đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.376 lượt người trị giá 44.632.000 đồng, nhuộm tẩm hóa chất 212.000 chiếc màn cho nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe và là địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, Đoàn cũng rất chú trọng làm tốt công tác chính sách xã hội, như: quy tập được 113 hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ gạo dịp lễ, tết cho 1.474 hộ đồng bào Vân Kiều, trị giá 139 triệu đồng, giúp học sinh nghèo hiếu học hơn 14 triệu đồng; hằng năm, thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng hàng chục triệu đồng... Ngoài ra, bằng nguồn quỹ vốn của đơn vị và sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, Đoàn đã giúp nhân dân xây dựng được 3 Nhà tình nghĩa, 3 Nhà học tập cộng đồng, 3 Nhà mẫu giáo tổng trị giá 500 triệu đồng cho 5 xã.
Cùng với đó, Đoàn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, chủ động mở 4 lớp bồi dưỡng đối tượng đảng cho 137 đoàn viên ưu tú của 5 xã để tạo nguồn kết nạp đảng viên, góp phần xóa tình trạng bản “trắng” đảng viên; tổ chức tập huấn cho 640 lượt cấp ủy, bí thư chi bộ và tham mưu kiện toàn 6 chi bộ ghép ở các xã Hướng Phùng, Hướng Lập... Ngoài huấn luyện lực lượng dự bị động viên theo chức năng, nhiệm vụ, hằng năm, Đoàn còn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa giúp địa phương xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân và thực hiện các phương án sẵn sàng chiến đấu, phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn, diễn tập chiến đấu - trị an, diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng; tham gia giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh trung học phổ thông; phối hợp với các đồn biên phòng, kiểm lâm, công an, dân quân tích cực tuần tra bảo vệ chủ quyền biên giới, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Đại tá PHẠM VĂN TRUNG
Đoàn trưởng
________________
1 - Theo Nghị quyết số 150-NQ/ĐUQSTW, ngày 01-8-1998 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Quyết định số 739/1999/QĐ-BQP, ngày 24-5-1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm