Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 05/03/2018, 10:29 (GMT+7)
Diễn tập chuyên ngành khu vực phòng thủ của tỉnh Nam Định - kết quả và kinh nghiệm

Diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ các cấp nói chung, của các sở, ngành, địa phương nói riêng là nội dung quan trọng trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, tỉnh Nam Định đã coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công nhiều cuộc diễn tập chuyên ngành với nhiều giải pháp đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Trong đó, công tác diễn tập của các sở, ngành, địa phương được Tỉnh hết sức coi trọng. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, diễn tập bảo đảm tác chiến của các sở, ngành và diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, phường, thị trấn, giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, năm 2017, Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức 02 cuộc diễn tập chuyên ngành gồm: Bảo đảm tác chiến phòng thủ đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và diễn tập khu vực phòng thủ của huyện Giao Thủy và huyện Xuân Trường; diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn của huyện Nghĩa Hưng, được Quân khu đánh giá cao.

Xử trí tình huống trong diễn tập của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Để các cuộc diễn tập, nhất là diễn tập của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế đạt kết quả tốt, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh sớm ban hành kế hoạch diễn tập, quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức diễn tập và các tiểu ban giúp việc. Đồng thời, tổ chức các hội nghị quán triệt, giao nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia diễn tập; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nắm vững mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của các cuộc diễn tập, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm, xây dựng quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân trong các cuộc diễn tập trên địa bàn. Thực tiễn các cuộc diễn tập trước đây cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ngành, tuy nắm được thứ tự, các bước tiến hành, nhưng còn nhiều hạn chế trong việc “nhập vai”, thực hiện xử lý tình huống còn lúng túng, chưa sát với thực tiễn, đặc điểm địa phương và tính chất nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo diễn tập Tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho gần 700 lượt cán bộ trong các khung diễn tập. Nội dung tập huấn tập trung vào quy trình, thứ tự nội dung các bước trong diễn tập, biện pháp khắc phục những mặt còn yếu, thiếu của các lần diễn tập trước đây; trong đó, tập trung cụ thể hóa, thể hiện rõ Quyết định 17/2012/QĐ-TTg, ngày 26-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế hoạt động của các lực lượng trong khu vực phòng thủ”. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan xây dựng ý định diễn tập, trình Bộ Tư lệnh Quân khu 3 phê duyệt và tiến hành soạn thảo hàng trăm văn kiện chỉ đạo, điều hành diễn tập đúng quy định, phù hợp với ý định diễn tập. Điều đáng nói là, trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành và tình hình thực tiễn của địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tổ chức các cuộc diễn tập sở, ngành, bảo đảm chặt chẽ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Đối với diễn tập của Sở Y tế, nội dung tập trung vào huy động lực lượng, phương tiện thành lập bệnh viện dã chiến; tiếp nhận, xử lý, cứu chữa thương binh, bệnh binh bảo đảm cho tác chiến khu vực phòng thủ Tỉnh; thực hành triển khai đội phẫu cứu chữa thương binh, bệnh binh của Khoa Hồi sức - Phòng mổ và tiến hành điều trị thương binh, bệnh binh tại các khoa: Ngoại, Nội, X - quang và Xét nghiệm. Với diễn tập của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nội dung tập trung vào kêu gọi, hướng dẫn ngư dân, tàu thuyền vào khu neo đậu tránh, trú bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông, cửa biển, khắc phục đê, kè, cống tại các điểm xung yếu. Đối với diễn tập khu vực phòng thủ huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh phân công cán bộ các sở, ngành tham gia vào lực lượng đạo diễn và tổ chức diễn tập đồng thời 02 huyện trên một hướng phòng thủ của Tỉnh, nhưng vẫn thực hiện đầy đủ các nội dung diễn tập, rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí.

Trong thực hành diễn tập, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm cơ chế theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho các sở bố trí cán bộ vào các khung diễn tập theo đúng cương vị, chức trách được giao. Đồng thời, chủ động bồi dưỡng, hướng dẫn nội dung, phương pháp tham mưu cho số cán bộ này về chuyên ngành trong từng giai đoạn; nội dung chỉ đạo, điều hành lực lượng của sở, ngành chuyển hoạt động vào các trạng thái quốc phòng và tổ chức hiệp đồng, bảo đảm cho tác chiến, phù hợp với từng vai diễn. Nhờ đó, trong quá trình diễn tập, đã thể hiện rõ cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành; cơ quan quân sự, công an, các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu và trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo chức năng. Trong đó, về cơ bản, các ý kiến đề xuất đã sát thực tế và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Quân khu về tổ chức diễn tập kết hợp với xây dựng các công trình quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh chỉ đạo diễn tập bảo đảm tác chiến phòng thủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gắn với thực hành khắc phục tình trạng đê, kè xung yếu tại các vị trí trọng điểm trước mùa mưa bão; diễn tập bảo đảm tác chiến phòng thủ Sở Y tế kết hợp với tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn; diễn tập khu vực phòng thủ huyện Xuân Trường, Giao Thủy gắn với xây dựng hệ thống hầm hào, công sự, trận địa, trong khu vực phòng thủ huyện, tu sửa làm đường giao thông, góp phần xây dựng nông thôn mới, v.v.

Thực hành tìm kiếm cứu nạn trong diễn tập của huyện Nghĩa Hưng

Diễn tập thực binh là phần thể hiện tổng hợp, toàn diện năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp, hiệp đồng của các sở, ngành, địa phương trong bảo đảm tác chiến khu vực phòng thủ. Tỉnh chỉ đạo sát sao, lựa chọn nội dung phù hợp, nhất là khi thực hành cơ động một phần cơ quan huyện và các phòng, ban, ngành, đoàn thể vào sở chỉ huy thống nhất; thực hành đánh địch đổ bộ đường không trong diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện; triển khai đội phẫu cứu chữa cơ bản trên thực địa, thực hành cứu chữa thương binh và nhân dân; kêu gọi, hướng dẫn ngư dân cho tàu thuyền vào khu neo đậu tránh, trú bão và tìm kiếm, cứu nạn trên sông, trên biển trong diễn tập của các sở. Đó cũng là những nội dung đòi hỏi phải tập trung nhiều công sức, nhân lực với cường độ cao, sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị, phương tiện. Song, nhờ chuẩn bị chu đáo nên các lực lượng đã phối hợp, hiệp đồng triển khai thực hiện tốt, đạt mục đích, yêu cầu đề ra và bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, vũ khí, trang bị.

Thông qua diễn tập, Tỉnh rút ra những vấn đề về lý luận, thực tiễn trong xây dựng khu vực phòng thủ; kiểm tra, đánh giá khả năng lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; vai trò tham mưu của các ban, ngành và trình độ tổ chức chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong khu vực phòng thủ đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Quá trình chuẩn bị và thực hành diễn tập là quá trình bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Đây cũng là dịp để lực lượng vũ trang địa phương thể hiện năng lực làm tham mưu, hiệp đồng và vai trò nòng cốt trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền địa phương, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ diễn tập chưa sâu rộng. Việc quán triệt, chuẩn bị nội dung diễn tập của các cơ quan, đơn vị thời gian đầu còn chậm; một số văn kiện chưa sát với thực tế và đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương, tính khả thi chưa cao. Trong diễn tập vận hành cơ chế, các hội nghị chưa thể hiện rõ tính khẩn trương trong điều kiện thời chiến, nội dung, biện pháp đề xuất chưa cụ thể. Phần thực hành xử lý tình huống, một số lực lượng triển khai còn chậm; sự phối hợp giữa các bộ phận chưa nhịp nhàng, khẩn trương, xử lý của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thuần thục, v.v. Từ thực tiễn và kết quả các cuộc diễn tập, Tỉnh rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, kịp thời cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thành các chương trình, kế hoạch sát với đặc điểm, điều kiện cụ thể của sở, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh nói chung, diễn tập nói riêng. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ chủ chốt các sở, ngành, địa phương.

Hai là, thực hiện tốt công tác chuẩn bị diễn tập, từ con người đến cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm; trong đó, chú trọng làm tốt việc tổ chức quán triệt, giao nhiệm vụ diễn tập, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, từng thành viên tham gia diễn tập; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các thành phần. Đồng thời, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, các cơ quan, ban, ngành làm tham mưu và tổ chức thực hiện, trong đó lực lượng quân sự, công an làm nòng cốt.

Ba là, lựa chọn thời điểm và thời gian diễn tập phù hợp; xác định nội dung diễn tập thiết thực, hiệu quả, sát với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; tránh lãng phí, hình thức và không làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác của các địa phương và các ngành. Đặc biệt, trong lựa chọn, xây dựng các tình huống, cần đi vào trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành. Từ đó, kịp thời rút ra những vấn đề cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ.

Bốn là, đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức diễn tập, phù hợp yêu cầu thực tế; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả diễn tập, bảo đảm khách quan, thực chất. Sau mỗi cuộc diễn tập có tổng kết, rút kinh nghiệm chặt chẽ để nâng cao hiệu quả xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ; đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập.

Đại tá LƯƠNG VĂN KIỂM, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)