Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 24/07/2017, 08:12 (GMT+7)
Đào tạo sĩ quan dự bị ở tỉnh Hòa Bình - kết quả và kinh nghiệm

Sĩ quan dự bị là những cán bộ chỉ huy từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn trong đơn vị dự bị động viên. Chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên phụ thuộc rất lớn vào trình độ, năng lực chỉ huy, quản lý của đội ngũ này.

Nhận thức rõ điều đó, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm xây dựng đội ngũ sĩ quan dự bị đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có chất lượng toàn diện; tạo cơ sở xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, hùng hậu. Thực hiện chủ trương trên, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai bằng các biện pháp đồng bộ nhằm quản lý, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan dự bị. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, Tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, như: nguồn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp phục viên về địa phương ít; hằng năm, số sĩ quan dự bị phải giải ngạch nhiều; nên số lượng luôn thiếu so với nhu cầu.

Trước thực tế đó, Tỉnh đã chủ động đề xuất và từ năm 2011, được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dự bị tại Trường Quân sự Tỉnh bằng nguồn ngân sách địa phương. Đây là nhiệm vụ mà Tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm, tiến hành trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực còn hạn chế, khả năng ngân sách còn eo hẹp, v.v. Ngay sau khi có Quyết định giao nhiệm vụ của Quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các văn bản, thống nhất chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trước hết, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đào tạo sĩ quan dự bị và các cơ quan giúp việc; trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu là thành viên Ban Chỉ đạo. Để việc thực hiện đạt hiệu quả, Ủy ban nhân dân Tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh trực tiếp chỉ đạo Trường Quân sự Tỉnh tổ chức thực hiện. Với vai trò là cơ quan thường trực ban chỉ đạo, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tham mưu cho Tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo sĩ quan dự bị và các văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố về công tác tuyển chọn, cử cán bộ tham dự đào tạo sĩ quan dự bị. Cùng với đó, ban hành quy định về tiêu chuẩn, đối tượng tham gia đào tạo sĩ quan dự bị; tiến hành rà soát số lượng sĩ quan dự bị còn thiếu của các địa phương và căn cứ chỉ tiêu Quân khu giao để phân bổ chỉ tiêu cho các huyện, thành phố phù hợp với tình hình thực tiễn. Tỉnh xác định đối tượng nguồn đào tạo sĩ quan dự bị là hạ sĩ quan dự bị hạng 1, có lý lịch chính trị rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa, sức khỏe và độ tuổi theo quy định,... đủ tiêu chuẩn để trở thành sĩ quan dự bị. Công tác chuẩn bị đảm bảo cho thực hiện nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dự bị được Tỉnh coi trọng và đạt kết quả tốt nhất. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của sĩ quan dự bị, nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dự bị của Tỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện, bảo đảm công khai, dân chủ. Ngoài ra, Tỉnh còn chỉ đạo, hướng dẫn các huyện bảo đảm chế độ, chính sách cho các đối tượng đào tạo sĩ quan dự bị và tạo điều kiện thuận lợi cho những đồng chí đang là cán bộ của địa phương nhận nhiệm vụ đào tạo.

Cùng với thực hiện tốt công tác tuyển chọn đầu vào, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo Trường Quân sự chủ động kiện toàn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và xây dựng chương trình, nội dung đào tạo theo quy định. Để khắc phục khó khăn do đội ngũ cán bộ, giáo viên của Tỉnh còn mỏng, trong thời gian đầu chưa thể đảm nhiệm được toàn bộ nội dung đào tạo, Tỉnh phối hợp với Trường Quân sự Quân khu tăng cường giáo viên có chuyên ngành phù hợp tham gia giảng dạy. Đồng thời, tích cực kiện toàn biên chế, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trên cơ sở chương trình khung của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh lựa chọn cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm, phối hợp với Trường Quân sự Quân khu xây dựng chương trình phù hợp với đối tượng đào tạo và đặc điểm của Tỉnh. Về nội dung, đảm bảo tính toàn diện, cân đối các khối kiến thức về chính trị, quân sự, được chia thành 16 học phần; trong đó, trọng tâm là các nội dung công tác đảng, công tác chính trị, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật binh chủng hợp thành cấp phân đội. Do thời gian đào tạo ngắn (3 tháng), đối tượng đào tạo đa dạng, nhận thức không đồng đều, nên trong quá trình đào tạo, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo Nhà trường bám sát phương châm huấn luyện "cơ bản, thiết thực, vững chắc", phương châm giáo dục - đào tạo "cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu" kết hợp 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện và đào tạo; chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng, tích cực cập nhật kiến thức, các nội dung mới về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; kết hợp chặt chẽ huấn luyện lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính, gắn đào tạo với công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, v.v. Đặc biệt, để thực hiện chủ trương gắn đào tạo sĩ quan dự bị với xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở, Tỉnh chú trọng chuẩn hóa chương trình đào tạo theo yêu cầu phát triển của nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và tình hình địa phương; tổ chức cho học viên tham gia luyện tập, diễn tập động viên, diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; tham gia các hoạt động ngoại khóa, như: giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; giúp nhân dân làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới, v.v. Qua đó, giúp học viên củng cố kiến thức đã học, rèn luyện nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy, tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho công tác sau này. Cùng với đó, Nhà trường làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên, khuyến khích học viên nêu cao tinh thần tự học, tự rèn. Đồng thời, duy trì nghiêm túc việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên, tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi khóa đào tạo; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, v.v.

Công tác bảo đảm cho đào tạo được Tỉnh quan tâm đúng mức. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đáng kể phục vụ cho nhiệm vụ này. Những năm qua, Tỉnh đã bố trí trên 30 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa hệ thống giảng đường, thao trường, nơi ăn, ở cho học viên, mua sắm trang thiết bị, học tập,... bảo đảm điều kiện sinh hoạt, giảng dạy, học tập, rèn luyện tốt nhất theo khả năng có thể để thực hiện chương trình đào tạo.

Các đơn vị ký giao ước thi đua “Học tốt, dạy tốt, kỷ luật nghiêm và an toàn tuyệt đối” tại Lễ khai giảng lớp đào tạo sĩ quan dự bị khóa V của Tỉnh. (Ảnh: quankhu3.vn)

Với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng, đến nay, tỉnh Hòa Bình đã đào tạo được 05 khóa sĩ quan dự bị chuyên ngành binh chủng hợp thành cho 300 đồng chí, từ nguồn kinh phí của địa phương. Kết quả các khóa: có trên 78% đạt khá, giỏi, 100% học viên tốt nghiệp được Bộ Quốc phòng phong quân hàm thiếu úy sĩ quan dự bị. Hiện nay, Tỉnh đang tổ chức đào tạo sĩ quan dự bị khóa 06 cho 60 đồng chí. Kết quả đó đã kịp thời khắc phục sự thiếu hụt sĩ quan dự bị của Tỉnh, từng bước ổn định tổ chức, biên chế và nâng cao chất lượng các đơn vị dự bị động viên. Các sĩ quan dự bị sau đào tạo được bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên đã phát huy tinh thần trách nhiệm, vận dụng tốt kiến thức đã học trong chỉ huy, quản lý, huấn luyện, rèn luyện các đơn vị dự bị động viên và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện, diễn tập ở các đơn vị dự bị động viên của Tỉnh được nâng lên rõ rệt. Hằng năm, kiểm tra động viên đạt 100% chỉ tiêu, kết quả huấn luyện đạt loại khá. Trong quá trình công tác, nhiều đồng chí đã thể hiện rõ được năng lực quản lý, chỉ huy đơn vị của người sĩ quan Quân đội và được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn; nhiều đồng chí được cấp ủy địa phương quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý, tạo nguồn cán bộ lâu dài.

Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dự bị trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên nói chung, đào tạo sĩ quan dự bị nói riêng.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác tạo nguồn, tổ chức đào tạo và quy hoạch, sắp xếp, sử dụng sĩ quan dự bị.

Ba là, thực hiện tốt công tác phối hợp, hiệp đồng giữa cơ quan quân sự với các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể địa phương; huy động sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị trong tuyển chọn, quản lý và sử dụng đội ngũ sĩ quan dự bị sau khi đào tạo.

Bốn là, tích cực huy động các nguồn lực, bảo đảm tốt cho công tác đào tạo và quan tâm chăm lo, thực hiện chế độ, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ được cử đào tạo.

Năm là, thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi khóa đào tạo, kịp thời biểu dương, khen thưởng những địa phương, tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dự bị.

Đại tá HÀ TẤT ĐẠT, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)