Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 05/08/2021, 07:59 (GMT+7)
Đảng bộ Quân sự tỉnh Gia Lai lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự

Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có gần 90 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, với 44 dân tộc cùng sinh sống, dân số trên 1,5 triệu người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46%). Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh, kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển với tốc độ khá, quốc phòng - an ninh được tăng cường, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập đầu người còn thấp; các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá, lôi kéo đồng bào người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép; tình hình tranh chấp đất đai, dân di cư tự do, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; hệ thống chính trị cấp xã hoạt động có mặt còn hạn chế, v.v. Từ thực tiễn đó, để giữ vững ổn định trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.

Trước hết, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội về công tác quốc phòng, quân sự. Trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Đề án tổ chức xây dựng chốt dân quân thường trực tại các xã biên giới trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 - 2020; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Luật Dự bị động viên năm 2019; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự. Đồng thời, tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; giao chỉ tiêu công tác quốc phòng, quân sự địa phương hằng năm cho các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương.

Do là địa bàn chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng trong thế phòng thủ của Quân khu 5 và cả nước nên để tăng cường tiềm lực quốc phòng khu vực phòng thủ của Tỉnh, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm các quy chế hoạt động theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Thực hiện tốt công tác phối hợp với Công an, Biên phòng tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, phát hiện sớm âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Nổi bật là: đã tổ chức bóc gỡ, xóa bỏ các khung FULRO,  “Tin lành Đề ga” và tà đạo “Hà Mòn”, vận động hàng trăm lượt người trình diện, tự thú, phối hợp quản lý giáo dục các đối tượng tại cộng đồng, v.v. Đồng thời, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp, đối sách phù hợp, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh. Thường xuyên rà soát đăng ký nhân lực, phương tiện sẵn sàng tham gia đấu tranh, giữ vững chủ quyền biên giới, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố lực lượng quân báo nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, nhất là các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có đạo. Nhờ đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội, lực lượng vũ trang Tỉnh.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo đủ năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chú trọng bồi dưỡng, tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Tích cực giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng các tổ chức đảng ở cơ sở, như: duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, đề cao vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt công tác tạo nguồn là con em người dân tộc thiểu số để giới thiệu bồi dưỡng kết nạp đảng; phát triển đảng trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; kết hợp phát triển đảng viên trong bộ đội thường trực với tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, củng cố nền nếp, chế độ, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp thôn, làng; xây dựng lực lượng nòng cốt trong các tổ chức đoàn, hội; tham gia xây dựng, củng cố các xã, thôn, làng vững mạnh, nhất là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng nhà làm việc riêng cho Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã (phường, thị trấn); chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, phường đội trưởng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều đồng chí sau đào tạo, bồi dưỡng đã phát triển thành cán bộ chủ trì xã, phường và phát triển lên trên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở1.

Lãnh đạo lực lượng vũ trang Tỉnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện ở các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới và tiến hành công tác dân vận, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong nông dân, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh đã thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con chuyển đổi giống, vật nuôi, cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều mô hình giảm nghèo được lực lượng vũ trang Tỉnh thực hiện hiệu quả, như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Bời lời và làm lúa nước của Ban Chỉ huy Quân sự huyện K’Bang; mô hình hỗ trợ bò giống của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Cơ; huy động, kêu gọi các nguồn lực, các nhà hảo tâm chăm lo hỗ trợ xây dựng Nhà Tình nghĩa cho gia đình chính sách, gia đình nghèo của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang; phối hợp với Ngân hàng chính sách cho vay vốn, huy động lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên tham gia ngày công cải tạo vườn tạp, nuôi bò sinh sản của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đăk Đoa,… đã góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh.

Tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh vững mạnh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án tác chiến phù hợp với tình hình, tổ chức luyện tập, xử lý tốt các tình huống xảy ra. Trong huấn luyện, bám sát phương châm, phương hướng, nhiệm vụ, vận dụng linh hoạt các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp, các đơn vị tích cực huấn luyện nâng cao trình độ hiệp đồng, khả năng cơ động, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị hiện có, nhất là vũ khí, trang bị mới của bộ đội. Thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức  các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã hằng năm, bảo đảm chất lượng, sát thực tiễn. Lực lượng vũ trang Tỉnh tham gia diễn tập chỉ huy tham mưu 1 bên 2 cấp, có một phần thực binh trên địa bàn Tây Nguyên được Bộ Quốc phòng, Quân khu đánh giá cao. Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, lực lượng dự bị động viên “hùng hậu” hoạt động hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, sát nhiệm vụ, tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh có chuyển biến tích cực, không vi phạm kỷ luật. Công tác hậu cần, kỹ thuật, luôn bảo đảm đầy đủ lượng vật chất, trang bị hậu cần dự trữ sẵn sàng chiến đấu theo quy định. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, tích cực tăng gia, chăn nuôi nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội, quân số khỏe đạt 99,15%2. Công tác kỹ thuật, bảo đảm đầy đủ, kịp thời số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng, quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm an toàn, hiệu quả, không để xuống cấp, hư hỏng, mất mát.

Tiến hành đồng bộ các giải pháp trên, Đảng bộ Quân sự tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững ổn định trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc trên địa bàn với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Đại tá LÊ TUẤN HIỀN, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
__________________

1 - Từ năm 2015 đến nay, lực lượng vũ trang Tỉnh tham gia giúp đỡ địa phương xây dựng củng cố được 116 xã, 598 thôn, làng nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vững mạnh; xây dựng, sửa chữa được 163 (đạt 74,1%) nhà làm việc Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã. Hiện nay, đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ đạt 25,41%; đảng viên ở các đơn vị dự bị động viên đạt 13,1%; 100% chi bộ quân sự cấp xã có chi ủy.

2 - Từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng từng cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị 21 khu vực cách ly với khả năng tiếp nhận 3.720 công dân; tổ chức tiếp nhận và cách ly 4.551 người từ Campuchia về nước và các tỉnh có dịch trong nước, bảo đảm chặt chẽ, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, nhân dân tin cậy, yêu quý.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.