Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 26/04/2022, 07:50 (GMT+7)
“Dân vận khéo” góp phần bảo đảm an toàn các tuyến cáp ở Lữ đoàn 205

Lữ đoàn Thông tin 205, Binh chủng Thông tin Liên lạc là đơn vị Tổng trạm thông tin Sở chỉ huy/Bộ Quốc phòng; trung tâm kết nối, điều hành khai thác mạng thông tin liên lạc quân sự toàn quân. Hiện nay, Lữ đoàn được giao quản lý, khai thác, sử dụng một khối lượng lớn các trang, thiết bị thông tin đa chủng loại và hiện đại nhất của Quân đội1. Trực tiếp quản lý, khai thác gần 3.000 km dây bọc, cáp đồng, cáp quang các loại, được triển khai trên phạm vi địa bàn rộng, mật độ dân cư đông đúc, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn các tuyến cáp do đơn vị quản lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã triển khai toàn diện các mặt công tác, với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ; trong đó, đẩy mạnh thực hiện phong trào Thi đua “dân vận khéo” là giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua đó, Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm, đồng thời cũng là những giải pháp đã, đang được Đơn vị thực hiện có hiệu quả.

Trước hết, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong thực hiện công tác “Dân vận khéo”, bảo đảm an toàn cho các tuyến cáp. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn; cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, tổ chức tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch của trên về công tác dân vận. Đồng thời, Đảng ủy Lữ đoàn đã ban hành và thực hiện nghiêm Quy chế lãnh đạo công tác dân vận, Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào Thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”. Trong đó, xác định cụ thể nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận để bảo đảm an toàn cho các tuyến cáp của đơn vị. Thực hiện tốt việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dân vận nói chung, dân vận trong bảo đảm an toàn cho các tuyến cáp nói riêng. Qua đó, tạo sự thống nhất nhận thức: việc bảo đảm an toàn các tuyến cáp là yêu cầu thường xuyên, liên tục, là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để Lữ đoàn hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm. Cùng với đó, Lữ đoàn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp duy trì nghiêm chế độ, nền nếp kiểm tra, đánh giá thực chất công tác dân vận trong bảo đảm an toàn các tuyến cáp; xác định rõ hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong thực hiện. Từ đó, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo hiệu quả, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị và những thay đổi của địa bàn nơi tuyến cáp đi qua.

Cán bộ Lữ đoàn tiến hành công tác Thông tin nhân dân

Thứ hai, thực hiện hiệu quả công tác “thông tin nhân dân”. Đây là mô hình thể hiện sự sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Thông tin liên lạc; là hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm an toàn cho trạm máy, tuyến cáp trước những tác động của con người và sự tàn phá của thiên tai; đồng thời, là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý, chỉ huy, điều hành, trực tiếp góp phần bảo đảm sự hoạt động ổn định, vững chắc hệ thống thông tin liên lạc quân sự. Vì vậy, Lữ đoàn đã ban hành hướng dẫn, quy định tiến hành công tác “thông tin nhân dân” chi tiết, chặt chẽ, khoa học; xác định đây là công tác quan trọng trong thực hiện “dân vận khéo”. Theo đó, chủ thể tiến hành công tác “thông tin nhân dân” là toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Lữ đoàn, trên cơ sở phân cấp nhiệm vụ từ Lữ đoàn tới các trung đội, tổ trạm, theo mốc thời gian quy định2, tiến hành các hình thức giao tiếp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp3 và nhân dân trên địa bàn có tuyến cáp của Lữ đoàn đi qua để trao đổi về đặc điểm tuyến cáp; đề nghị phối hợp bảo vệ; thống nhất phương pháp thông báo khi có sự cố xảy ra; thời gian, cách thức tiến hành giám sát khi có sự tác động ngoại cảnh, v.v. Quá trình tiến hành, Lữ đoàn yêu cầu cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phải chấp hành nghiêm kỷ luật quan hệ quân - dân; hết sức khéo léo, linh hoạt trên cơ sở luôn lắng nghe và tôn trọng nhân dân; vận dụng phương pháp phù hợp với từng đối tượng, theo đúng thứ tự ưu tiên và phân cấp quản lý; lấy vận động, thuyết phục là chính; làm đến đâu chắc đến đó. Nội dung tiến hành công tác “thông tin nhân dân” phải đầy đủ, chi tiết, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện bằng văn bản cụ thể. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ vận động nhân dân tham gia bảo vệ an toàn tuyến cáp với tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, lịch sử truyền thống của Bộ đội Thông tin liên lạc; quy định về quản lý công trình quốc phòng, trao đổi về tình hình địa bàn, v.v. Qua đó, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, vận động được nhân dân và các cơ quan, đoàn thể tích cực tham gia bảo vệ an toàn tuyến cáp của đơn vị.

Thứ ba, thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương pháp, lực lượng tiến hành công tác dân vận để bảo vệ an toàn tuyến cáp. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đóng quân phân tán tại 11 vị trí trên địa bàn 07 quận, huyện của Thủ đô Hà Nội, Lữ đoàn đã vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận để bảo đảm an toàn các tuyến cáp. Khi điều kiện phòng, chống dịch bệnh của địa phương cho phép, các lực lượng đã kết hợp nhiệm vụ tuần tra, giám sát tuyến cáp với tiến hành gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, tuyên truyền, vận động, gửi thông báo và ký kết văn bản với các cơ quan, đơn vị và nhân dân. Cùng với đó, thông qua các hoạt động giao ban địa bàn, các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết,… để trao đổi nắm tình hình, thống nhất các biện pháp phối hợp bảo vệ an toàn tuyến cáp.

Xuất phát từ đặc điểm, hầu hết cán bộ, nhân viên của đơn vị đều thường trú trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Đảng ủy Lữ đoàn yêu cầu đảng viên được giới thiệu tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú, nhất là những khu vực tuyến cáp xung yếu (có nguy cơ bị sạt lở, chập cháy); những nơi liên quan đến xây dựng, khai thác đất đá; các gia đình có máy xúc, máy ủi; các hộ kinh doanh (bán hàng dọc theo trục đường),… tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ nhiệm vụ của đơn vị và tính chất quan trọng của các tuyến cáp. Trên cơ sở đó, tích cực, chủ động, nêu cao ý thức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn các tuyến cáp của Quân đội.

Cùng với đó, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị gắn việc thực hiện phong trào Thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” và các nội dung, biện pháp dân vận trong bảo đảm an toàn tuyến cáp với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp lồng ghép nội dung, chỉ tiêu của công tác dân vận với phong trào Thi đua Quyết thắng, các phong trào, các cuộc vận động khác, như: phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống dịch bệnh; các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, v.v. Qua đó, tạo khí thế sôi nổi, thúc đẩy cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thực hiện tốt công tác dân vận và hình thành đa dạng các “kênh” để tiến hành công tác dân vận, bảo đảm an toàn các tuyến cáp.

Thứ tư, thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng tiến hành công tác dân vận cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân và các cơ quan, tổ chức ở Thủ đô Hà Nội tham gia bảo vệ an toàn các tuyến cáp của Quân đội là hoạt động dân vận mang tính đặc thù, nhiều khó khăn; phải tiếp xúc, vận động nhiều đối tượng, thành phần khác nhau, v.v. Vì vậy, đòi hỏi người tiến hành công tác dân vận phải có trình độ, kỹ năng, phương pháp linh hoạt, phù hợp mới đem lại hiệu quả. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, đặc biệt là cấp ủy viên phụ trách dân vận và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác dân vận. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào nâng cao ý thức, trách nhiệm, kiến thức, kinh nghiệm, nguyên tắc tiến hành công tác dân vận, nhất là kỷ luật quan hệ quân - dân. Đồng thời, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu nắm bắt tình hình địa bàn dân cư, phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nâng cao năng lực giao tiếp, khả năng đặt vấn đề và thuyết phục nhân dân. Đặc biệt là khả năng xử lý các tình huống bất ngờ, đột xuất; những nơi phức tạp về an ninh, chính trị nơi có tuyến cáp  đi qua. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác dân vận đều được giáo dục, quán triệt thấm nhuần quan điểm: trong bất luận mọi trường hợp, đều phải giữ vững tinh thần kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân. Bên cạnh đó, thường xuyên được bồi dưỡng nắm chắc sơ đồ, chất lượng hệ thống vùng mạng, chỉ giới tuyến, vị trí hệ thống bể, cột, mốc cáp, các vị trí măng xông, các vị trí trọng yếu trên tuyến thuộc phạm vi đơn vị quản lý, làm cơ sở để vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tiến hành dân vận, góp phần bảo đảm an toàn, thông suốt các tuyến cáp một cách vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thượng tá NGUYỄN HUY DŨNG, Phó Chính ủy Lữ đoàn
_______________________

1 - Hệ thống VTĐsn, VTĐscn, hệ thống tổng đài điện tử kỹ thuật số, hệ thống truyền dẫn công nghệ SDH/OTN, hệ thống truyền số liệu công nghệ IP, Radio Trunking, hệ thống thông tin vệ tinh, thông tin truyền hình,... có khả năng kết nối, bảo đảm thông tin tới các đơn vị, các lực lượng cơ động làm việc trên khắp mọi miền Tổ quốc.

2 - Sáu tháng một lần, trực tiếp phối hợp làm “thông tin nhân dân” với ban chỉ huy quân sự huyện, quận, công ty quản lý đường sắt, phân khu quản lý đường bộ khu vực; những cơ quan, đơn vị và hộ gia đình trong khu vực tuyến, trạm thông tin đơn vị quản lý. Ba tháng một lần, trao đổi phối hợp với các đài viễn thông trong khu vực, làm việc với cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố, công an viên của thôn; các chủ hộ xây dựng, máy xúc,... và các hộ dân nơi tuyến cáp đi qua, các khu vực xung yếu. Hằng tháng, xây dựng kế hoạch làm “thông tin nhân dân”; trao đổi với các hạt quản lý đường bộ, nhà ga, cung đường sắt, cung thông tin tín hiệu. Hằng tuần, xây dựng lịch tuần tra, tuần tra tuyến. Định kỳ hai ngày trong tuần cử lực lượng (01 cán bộ hưởng lương, 01 chiến sĩ), trực tiếp giao nhiệm vụ tuần tra tuyến và làm “thông tin nhân dân”.

3 - Công an, các đơn vị quân đội; các công ty quản lý đường sắt, hạt quản lý đường bộ, nhà ga, cung thông tin, gác chắn, tuần đường; các doanh nghiệp (vận tải, xây dựng, điện lực...), nhà thầu, đơn vị thi công, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.