Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 07/11/2016, 07:10 (GMT+7)
Cục Công trình quốc phòng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ

Cục Công trình Quốc phòng thuộc Bộ Tư lệnh Công binh là cơ quan đầu ngành về xây dựng công trình quốc phòng trong toàn quân, có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Bộ Quốc phòng quản lý về công trình quốc phòng trong phạm vi cả nước. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đó, Cục luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Phòng Công trình - đơn vị tiền thân của Cục Công trình Quốc phòng được thành lập ngày 07-11-1956. Ngay từ ngày đầu thành lập và trong suốt những năm chiến tranh ác liệt, mặc dù bộn bề khó khăn, song Cục Công trình Quốc phòng đã nỗ lực khắc phục, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng công trình phòng thủ ở miền Bắc. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các công trình quốc phòng do Cục nghiên cứu, thiết kế được Hội đồng Khoa học Nhà nước đánh giá là những công trình đạt giá trị khoa học kỹ thuật cao, thu được những hiệu quả to lớn, làm giảm tối đa thiệt hại về người, vũ khí, trang bị kỹ thuật và cơ sở vật chất của ta trong chiến tranh, góp phần quan trọng vào thành tích vẻ vang của Bộ đội Công binh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Cục có sự phát triển, vừa phải nghiên cứu, xây dựng công trình chiến đấu, vừa nghiên cứu, xây dựng sân bay, bến cảng,… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng khi chiến tranh xảy ra. Trong thời kỳ này, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Cục có sự trưởng thành, phát triển vượt bậc, nghiên cứu, giải quyết thành công nhiều vấn đề về thiết kế, kỹ thuật thi công trong điều kiện địa chất phức tạp. Cục đã nghiên cứu thiết kế, chỉ đạo xây dựng hàng trăm đường hầm, hàng chục nghìn công sự, công trình sở chỉ huy ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, góp phần bảo vệ vững chắc, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển, đặt ra cho công tác xây dựng công trình quốc phòng những yêu cầu rất cao. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Cục luôn bám sát tình hình mọi mặt, chủ động nghiên cứu, thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Binh chủng, Bộ Quốc phòng về xây dựng, quản lý, bảo quản công trình quốc phòng và khu quân sự. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X và phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Cục tích cực tham mưu, giúp thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế quản lý, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật về quản lý chất lượng xây dựng và bảo quản công trình quốc phòng, từng bước pháp chế hóa công tác quản lý, đầu tư xây dựng công trình chiến đấu trên phạm vi cả nước. Đặc biệt là, Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, tham mưu, đề xuất xây dựng Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, được Quốc hội thông qua và ban hành năm 1994, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Xây dựng công trình chiến đấu, ngoài những yêu cầu về kỹ thuật, chiến thuật, còn đòi hỏi nguồn ngân sách lớn. Ý thức rõ điều đó, Cục tích cực nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ Tư lệnh, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ, nhằm động viên sức mạnh tổng hợp của các địa phương xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn và cả nước vững mạnh. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chủ nhiệm công binh các quân khu, tỉnh (thành phố) tham mưu cho địa phương huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Cùng với đó, Cục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các đơn vị, địa phương xây dựng quy hoạch, khảo sát thiết kế và quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự; thực hiện sửa chữa, cải tạo, duy tu, bảo dưỡng, không để hư hỏng, xuống cấp,... bảo đảm không để bị động trước mọi tình huống.

Trước những diễn biến phức tạp, mau lẹ của tình hình khu vực, nhất là trên Biển Đông, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Cục đã tập trung rà soát, nghiên cứu đánh giá, tham gia ý kiến với các bộ, ngành, địa phương, tích cực tham gia quy hoạch, xác định vị trí, quy mô xây dựng các công trình phòng thủ của các Bộ, ngành Trung ương phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, khu vực và cả nước, theo Quyết định 2412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng công trình chiến đấu có tính đặc thù và yêu cầu riêng rất cao; vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, một mặt, Cục tăng cường quán triệt, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, xây dựng ý chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặt khác, Cục tích cực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và chiến sĩ tham gia xây dựng. Trong quá trình thực hiện, Cục chỉ đạo tổ chức khảo sát thực tế, xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng, phương án triển khai, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, thường xuyên bám sát hiện trường, vừa trực tiếp làm, vừa đôn đốc kiểm tra cụ thể, tỉ mỷ, kiên quyết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn. Cùng với đó, Cục đẩy mạnh thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán các công trình chiến đấu; nghiên cứu, đề xuất cơ quan cấp trên về nhu cầu cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và bảo đảm chế độ, chính sách cho các đối tượng xây dựng công trình chiến đấu, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, v.v.

Thực hiện chức năng đầu ngành về xây dựng công trình quốc phòng toàn quân, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, khả năng bảo đảm ngân sách, Cục tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch triển khai công trình chiến đấu và nhu cầu lực lượng, trang bị, ngân sách,… bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch dài hạn và phân kỳ theo từng giai đoạn của các bộ, ngành, địa phương. Để đạt hiệu quả cao, Cục chỉ đạo thực hiện đầu tư tập trung, hoàn thành dứt điểm từng công trình, nhất là những công trình có quy mô lớn, giá trị chiến thuật cao; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tài chính; tăng cường công tác quản lý, điều hành thống nhất các hoạt động xây dựng, quản lý và bảo quản công trình chiến đấu. Đồng thời, đề xuất với Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng tập trung đầu tư mua sắm các trang thiết bị lớn, hiện đại; sản xuất vật tư, thiết bị công trình và dự trữ sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị công binh toàn quân mua sắm bổ sung trang bị thi công nhỏ, từng bước cơ giới hóa thi công, nhất là thi công đường hầm.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công trình chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong chiến tranh hiện đại, sử dụng vũ khí công nghệ cao, Cục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng nhanh công nghệ mới vào thực hiện nhiệm vụ. Đảng ủy Cục đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học; ban hành quy chế, cơ chế, chính sách thu hút đông đảo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành tham gia và đầu tư thích đáng nguồn kinh phí cho hoạt động này. Nội dung nghiên cứu, sáng chế tập trung vào những vấn đề cấp thiết từ thực tiễn đặt ra, phục vụ thiết thực nhiệm vụ. Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học ở Cục trở thành phong trào sôi nổi, thu hút đông đảo mọi người tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, Cục đang tập trung nghiên cứu các giải pháp thiết kế sở chỉ huy cấp chiến dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và công trình ẩn nấp, công trình chiến đấu, công trình cất giấu vũ khí, trang bị quý hiếm cho địa hình ven biển, hải đảo; đồng thời, xây dựng các giải pháp xử lý sự cố sụt lở trong thi công đường hầm, v.v.

Bên cạnh đó, Cục chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và chủ trì biên soạn các văn bản pháp quy về xây dựng công trình chiến đấu, như: Quy tắc an toàn lao động trong xây dựng công trình chiến đấu, Quy chế xây dựng công trình chiến đấu (Quy chế 116); Định mức xây dựng công trình chiến đấu (Định mức 124); Hướng dẫn lập Tổng dự toán xây dựng công trình chiến đấu và Giáo trình công tác nổ, công sự, đường hầm,... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để có được kết quả đó, trong quá trình xây dựng, trưởng thành, Đảng ủy, chỉ huy Cục thường xuyên quan tâm xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện. Trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ phòng, ban theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; rà soát, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn cán bộ kết hợp với bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, bảo đảm đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy quân sự, năng lực toàn diện và chuyên sâu.

Với những thành tích đạt được, năm 2005, Cục vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2016, Cục được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Công trình Quốc phòng đang nỗ lực học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng Cục vững mạnh toàn diện, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh anh hùng trong thời kỳ mới.

Đại tá NGUYỄN THANH HẢI, Cục trưởng Cục Công trình Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.