Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:15 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Nhà máy Thông tin M1 trước đây thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc1; từ cuối năm 2009, theo Quyết định số 4155/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được điều chuyển về Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Ngày 22-11-2010, Nhà máy chính thức chuyển đổi sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên (gọi tắt là Công ty Thông tin M1). Nhiệm vụ chủ yếu của Công ty là nghiên cứu, sản xuất các khí tài thông tin quân sự; sản xuất, sửa chữa các thiết bị điện tử - viễn thông phục vụ vận hành, khai thác mạng viễn thông của Tập đoàn và các sản phẩm phục vụ thị trường dân sinh. Ngay từ ngày đầu thành lập Công ty, Đảng ủy, Ban Giám đốc Tập đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên các hoạt động của Công ty, nhất là về đầu tư, đặt hàng sản xuất, kinh doanh (SX,KD) và giúp Công ty tiếp cận phương thức quản lý tiên tiến. Đó là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện cho Công ty hội nhập và phát triển.
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tập đoàn, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đã chủ động lãnh đạo xây dựng Công ty vững mạnh toàn diện. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, lãnh đạo Công ty đã tích cực giáo dục, động viên cán bộ, công nhân viên xây dựng tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống của Nhà máy trước đây, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thành tích nổi bật của Công ty là, từ một đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ sửa chữa lớn và vừa các khí tài thông tin quân sự, chỉ hơn 2 năm đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ, sản xuất thử nghiệm 08 loại khí tài thông tin quân sự, bao gồm các loại máy thu phát vô tuyến điện sóng ngắn và sóng cực ngắn có công suất 5-150W. Các khí tài trên đã được kiểm nghiệm sử dụng tại các đơn vị và đều được đánh giá có chất lượng tốt; các tính năng, chỉ tiêu kỹ thuật, chiến thuật đều đáp ứng tiêu chuẩn quân sự và phù hợp với phương pháp chỉ huy, tác chiến của Quân đội ta. Bộ Quốc phòng đã đánh giá rất cao thành quả này và cho phép Công ty triển khai sản xuất các khí tài trên để trang bị cho các đơn vị trong toàn quân. Đây là một thành công lớn không chỉ của Công ty, của Tập đoàn Viettel, mà còn của Quân đội; đồng thời, nó cũng là sự khích lệ lớn đối với đội ngũ cán bộ, công nhân viên Công ty, khẳng định khả năng tự sản xuất các khí tài thông tin, góp phần đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá ngành Thông tin Quân sự và nhiệm vụ xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân thăm và làm việc với Công ty (9-2012)
Từ hoạt động thực tiễn, chúng tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích, trong đó nổi lên 3 bài học sau đây.
Một là, luôn có chủ trương, giải pháp đúng, xây dựng ý chí quyết tâm cao để thực hiện khát vọng vươn lên. Với chức năng của một doanh nghiệp quân đội, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, vừa bảo đảm hoàn thành mục tiêu SX,KD, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty xác định vấn đề trọng tâm thường xuyên là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn thể cán bộ, công nhân viên về tình hình nhiệm vụ trên giao. Trên cơ sở đó, tập thể lãnh đạo Công ty thống nhất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, phát huy trí tuệ của tập thể, xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để có chủ trương đúng, Đảng ủy xác định, trước hết phải nắm vững nhiệm vụ chính trị trung tâm là nghiên cứu, sản xuất các khí tài thông tin quân sự; SX,KD là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, góp phần phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm cho cán bộ, công nhân viên và là cơ sở để Công ty nâng cao năng lực quốc phòng.
Không bằng lòng với kết quả đạt được, luôn có ý chí vươn lên đạt mục tiêu cao hơn là khát vọng mang tính truyền thống của các thế hệ lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên của Công ty qua các thời kỳ. Vì vậy, ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, Công ty đã nhanh chóng thực hiện việc sắp xếp lại mô hình tổ chức, bổ sung lực lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, kết hợp với phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ. Một ý nghĩ nung nấu của các thế hệ lãnh đạo Công ty và của cán bộ, công nhân viên là làm sao phải tự nghiên cứu, chế tạo, sản xuất “tròn khâu” các loại khí tài thông tin quân sự để trang bị cho các đơn vị trong toàn quân. Nhưng trên thực tế, đây là quá trình đầy thử thách. Không ít khâu, công đoạn thấm đẫm mồ hôi, công sức của cán bộ, nhân viên. Song lãnh đạo, Ban Giám đốc Công ty đặt ra quyết tâm là:phải ra được sản phẩm, sản phẩm phải được thực tiễn kiểm nghiệm; phải đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý, với phương châm: làm nhanh, làm quyết liệt, làm đến cùng. Với quyết tâm đó, lãnh đạo, chỉ huy Công ty sát cánh ngày đêm cùng cán bộ, nhân viên để hoàn thành bằng được nhiệm vụ mà Tập đoàn giao cho. Cùng với thành công trong việc nghiên cứu, chế thử 08 loại khí tài thông tin quân sự, Công ty còn sản xuất thành công loạt USB 3G và điện thoại di động 2G đầu tiên (do Viettel tự thiết kế), triển khai sản xuất thử nghiệm hàng chục sản phẩm do các đơn vị trong Tập đoàn phối hợp nghiên cứu, chế thử; sửa chữa hàng chục ngàn sản phẩm card viễn thông, góp phần đưa Tập đoàn Viettel trở thành đơn vị kinh doanh viễn thông duy nhất trong cả nước tự sửa chữa các thiết bị trạm thu phát di động. Ngoài ra, Công ty đang tích cực phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu, chế thử các thiết bị quân sự khác, như: thiết bị thông tin trên tàu Cảnh sát biển, thiết bị bắn bia tập, cải tiến và sản xuất ra đa P19...
Dây chuyền sửa chữa thiết bị truyền hình hội nghị TOLYCOM
Ba là, nâng cao trình độ quản lý, điều hành và tổ chức SX,KD một cách chủ động, khoa học, hiệu quả. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty luôn nhận thức rằng, xây dựng mô hình quản lý tiên tiến, khoa học là chìa khóa dẫn đến thành công của mọi doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty đã tập trung kiện toàn mô hình tổ chức sao cho phù hợp với yêu cầu SX,KD theo phương thức mới, bảo đảm thống nhất từ khâu điều hành đến quy trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm. Công ty xác định, nhiệm vụ SX,KD có hiệu quả hay không đều phải dựa trên ba yếu tố: nghiên cứu phát triển; đổi mới công nghệ và quản lý chất lượng sản phẩm. Vì vậy, Công ty áp dụng nhiều giải pháp về kỹ thuật và công nghệ; về tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư và kinh doanh; đồng thời, quan tâm xây dựng chiến lược ma-két-tinh, tích cực tìm kiếm, ký kết các hợp đồng sản xuất, duy trì các bạn hàng truyền thống và chủ động mở rộng thị trường, đối tác. Bên cạnh đó, Công ty luôn bám sát định hướng, nhiệm vụ của Tập đoàn để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện SX,KD có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ huy Công ty luôn quán triệt cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền tinh thần cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật, không vì lợi nhuận mà xa rời nhiệm vụ chính trị trung tâm. Vì thế, năng suất, chất lượng, hiệu quả SX,KD và doanh thu của Công ty năm sau luôn cao hơn năm trước, đồng thời bảo đảm được tính bền vững. Sau gần 3 năm trở thành thành viên của Tập đoàn Viettel, doanh thu của Công ty tăng 2,6 lần, thu nhập bình quân đầu người từ 5,1 triệu đồng (năm 2009) lên 13,07 triệu đồng hiện nay.
Những bài học kinh nghiệm trên đang được Công ty tiến hành đồng thời cùng với các giải pháp: chăm lo xây dựng các tổ chức vững mạnh; phát triển công nghệ và sản phẩm mới; quản lý chất lượng sản phẩm; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên… Tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty luôn xác định, phải tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống “Đơn vị Anh hùng” của Nhà máy Thông tin M1 trước đây; nêu cao tinh thần tự lực tự cường, không ngừng vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật; phấn đấu trở thành một trong những đơn vị chủ chốt trong khối sản xuất thiết bị, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Viettel trở thành đơn vị hàng đầu về nghiên cứu, sản xuất các thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, nhanh chóng hội nhập, phát triển cùng các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Đại tá NGUYỄN CAO SƠN
Giám đốc Công ty
1 - Ngày 21-11-1945 theo Sắc lệnh số 61/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xưởng Vô tuyến điện thuộc Sở Vô tuyến điện Việt Nam được đưa vào phục vụ Quân đội, sau này phát triển thành Nhà máy Thông tin M1 (Binh chủng Thông tin liên lạc). Đây cũng là cái nôi phát triển các nhà máy, xưởng, trạm thông tin của toàn quân sau này.
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm