Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:19 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Trải qua gần 42 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới phía Tây Nam tỉnh Gia Lai, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, Công ty 72 - Binh đoàn 15 đã từng bước làm thay đổi diện mạo vùng đất này. Đáng chú ý là đã tạo nên “Đường biên xanh” với bạt ngàn cây cao su, cà phê và đem lại cuộc sống ổn định, no ấm cho hàng nghìn hộ dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Công ty 72 đứng chân trên địa bàn 03 xã biên giới: Ia-Pnôn, Ia-Nan, Ia-Dom, một phần xã Ia-Kla và thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, với hơn 35 km đường biên giới giáp với Cam-pu-chia. Đây là địa bàn đặc biệt khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp và cơ sở hạ tầng chậm phát triển, nhất là về giao thông. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định; trong đó, nổi lên là sự chống phá của các thế lực thù địch; tình trạng buôn lậu, vượt biên trái phép và các loại tội phạm khác còn diễn biến phức tạp, v.v. Trước thực tế đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty xác định phải bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy bản lĩnh và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đẩy mạnh phát triển sản xuất, gắn sản xuất, kinh doanh với xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh. Trong sản xuất, kinh doanh, Công ty xác định cao su, cà phê là cây chủ lực, đảm bảo cho Công ty hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, thiết thực đem lại cuộc sống ổn định cho nhân dân, tạo dựng “Đường biên xanh” ở khu vực biên giới.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, tạo nên “Đường biên xanh” ở địa bàn biên giới, Công ty đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, lập quy hoạch, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn, trọng tâm là trồng, chăm sóc, khai thác, kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su, cà phê, tạo động lực phát triển kinh tế và xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh. Những năm qua, Công ty phối hợp với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương; trong đó, chú trọng khai thác quỹ đất còn hoang hóa để mở rộng diện tích trồng cây cao su, cà phê, quy hoạch, bố trí lại dân cư, xây dựng một số bản, làng, khu vực dân cư mới dọc tuyến biên giới, v.v. Để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, Ban Giám đốc Công ty đã triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương “vườn cây đến đâu, hình thành cụm dân cư đến đó”. Theo đó, một mặt, Công ty kiên trì vận động người dân địa phương định canh, định cư, có chính sách ưu tiên tuyển dụng công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; mặt khác, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình thiết yếu: điện - đường - trường - trạm phục vụ phát triển sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào ổn định cuộc sống tại các điểm dân cư, hình thành các bản, làng mới. Đến nay, số lao động của Công ty lên đến gần 3.000 người, với 25 đội sản xuất, 01 nhà máy chế biến mủ cao su; trồng, chăm sóc và khai thác gần 8.000 ha cao su, cà phê, tạo nên dải “Đường biên xanh”. Công ty đã quy hoạch, phát triển được 22 điểm dân cư, đội sản xuất xen kẽ với bản, làng đồng bào địa phương, với trên 2.700 hộ, 13.500 nhân khẩu; đầu tư làm mới hơn 80 km đường liên thôn, liên xã; 28 cầu, cống bê tông, 25 km đường điện cao thế, hạ thế về các thôn, bản và đội sản xuất; xây mới 09 phòng học, 12 nhà trẻ với diện tích 2.594 m2 và 01 bệnh xá, 7 hồ, đập phục vụ sản xuất, dân sinh, tạo ra diện mạo mới cho các thôn, làng trên vành đai biên giới.
Những năm gần đây, do thị trường có nhiều biến động, giá mủ cao su xuống thấp, có thời điểm dưới giá thành sản xuất, nên tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động. Trước thực tế đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đã có nhiều biện pháp nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tập trung đổi mới công tác quản lý, điều hành sản xuất, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, cắt giảm lao động gián tiếp, phát động công nhân đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, Công ty chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân có tay nghề cao, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ năm 2010, Công ty đã phối hợp với Viện Cao su Việt Nam nghiên cứu hàm lượng khoáng chất trong đất để trồng các loại giống cao su, cà phê thích hợp có năng suất cao; đầu tư phân bón, đào hố ép xanh, hố tích mùn giữ ẩm để cải tạo đất; ứng dụng công nghệ Rim Flow, G-flex, sử dụng khí gas Ethylen để tăng năng suất mủ cao su; gắn máng che mưa 3 tầng để khai thác mủ cao su trong mùa mưa, v.v. Các sáng kiến và ứng dụng khoa học - công nghệ mới đã mang lại hiệu quả thiết thực, sản lượng mủ cao su tăng từ 35% - 40% so với công nghệ cũ. Nhờ đó, Công ty luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra; năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, các chỉ tiêu cơ bản của Công ty đều tăng so với năm 2005; trong đó, giá trị sản xuất đạt hơn 265 tỉ đồng (tăng 2,3 lần); doanh thu đạt hơn 282 tỉ đồng (tăng 1,9 lần); nộp ngân sách Nhà nước gần 75 tỉ đồng (tăng 3,2 lần); thu nhập bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng (tăng 3,5 lần).
Để giữ cho biên giới ổn định, phát triển, bình yên, Công ty luôn chú trọng kết hợp sản xuất, kinh doanh với giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; thực hiện tốt quan điểm của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Binh đoàn: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng” và “Hộ gia đình công nhân người Kinh gắn với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số”, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các già làng, trưởng thôn, những người có uy tín ở địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình “Gắn kết hộ”. Với phương châm: tự nguyện, tự giác, “sướng khổ có nhau, no đói cùng nhau”, mô hình trên được cán bộ, chiến sĩ, người lao động và đồng bào đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện. Công ty đã kết nghĩa với huyện Đức Cơ, 04 xã, 01 thị trấn trên địa bàn và huyện Ô-za-đao, tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Vương quốc Cam-pu-chia); 16 đội sản xuất kết nghĩa với 16 làng (có 02 đội kết nghĩa với 02 làng của Cam-pu-chia); 1.012 hộ gia đình công nhân người Kinh gắn kết với 1.012 hộ gia đình người dân tộc thiểu số địa phương. Thông qua hoạt động kết nghĩa, đã hình thành nên các “cặp hộ” gia đình coi nhau như anh em ruột thịt, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá mới. Các phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp nhau thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình đã thiết thực giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo nhanh, định canh, định cư, bám trụ địa bàn, gắn bó với Công ty.
Song song với đó, các “cặp hộ” luôn nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu; nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo lời của kẻ xấu, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Nhờ đó, thời gian qua, trên địa bàn Công ty không có hộ gia đình, công nhân, người lao động tham gia biểu tình, gây rối hay vượt biên trái phép. Bên cạnh đó, Công ty luôn chú trọng thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, nhất là các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, gây quỹ, quyên góp ủng hộ “Ngày vì người nghèo”; đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, v.v. Hơn 10 năm qua, Công ty đã khai hoang được hơn 380 ha đất trống, đồi trọc; hỗ trợ nhân dân hơn 20 tấn phân bón chăm sóc cây trồng và giống, vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cao su, cây lương thực cho hàng trăm hộ đồng bào người dân tộc thiểu số; hỗ trợ hàng trăm tấn gạo cho các hộ nghèo trong mùa giáp hạt; tổ chức thăm khám và điều trị cho hàng ngàn lượt đồng bào dân tộc, với tổng kinh phí trên 30 tỉ đồng. Năm 2010 và 2011, Công ty được Ban Dân vận Trung ương tặng 02 Bằng khen; Tổng cục Chính trị tặng 03 Bằng khen, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tặng 06 Bằng khen về công tác dân vận.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, Công ty chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các đơn vị dự bị động viên, tự vệ được tổ chức, huấn luyện theo đúng Chỉ lệnh của Tư lệnh Binh đoàn, đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, nhất là chất lượng chính trị. Công ty phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an huyện Đức Cơ, các Đồn Biên phòng 719, 721, 723, 725 xây dựng quy chế, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho từng năm và từng giai đoạn theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc phối hợp giữa Quân đội với Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Các đội sản xuất cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân; rà soát, điều chỉnh, luyện tập các kế hoạch, phương án hiệp đồng tác chiến; duy trì tốt chế độ giao ban, hội ý, trao đổi thông tin tình hình mọi mặt, phối hợp quản lý hộ tịch, hộ khẩu, tuần tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, giữ vững chủ quyền biên giới, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Cùng với các nội dung, biện pháp trên, Công ty còn chú trọng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nhất là phối hợp với chính quyền, lực lượng biên phòng và nhân dân huyện Ô-za-đao, tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) trong tuần tra, kiểm soát khu vực đường biên; triển khai kế hoạch trồng 5.000 ha cao su theo kế hoạch hợp tác với nước bạn, giữ cho “Đường biên xanh” mãi, góp phần xây dựng biên giới hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đại tá PHẠM VĂN GIANG, Giám đốc Công ty
Công ty 72,đường biên xanh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm