Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 23/01/2025, 09:40 (GMT+7)
Công tác xây dựng đội ngũ giảng viên ở Trường Sĩ quan Công binh

Trường Sĩ quan Công binh là trung tâm giáo dục, đào tạo sĩ quan công binh trình độ đại học cho Quân đội. Những năm qua, để thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; chủ trương xây dựng và phát triển với “Ba trụ cột”1, Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt; trong đó, đột phá xây dựng đội ngũ giảng viên được xác định là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định. Với nỗ lực, quyết tâm cao, đội ngũ giảng viên của Nhà trường có sự phát triển toàn diện, cơ bản đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao. Đến nay, 100% giảng viên có trình độ đại học trở lên (tiến sĩ: 10,11%; thạc sĩ: 74,41%), có trình độ giảng dạy khá và giỏi, đáp ứng tốt các tiêu chí khung năng lực giảng dạy của giảng viên các học viện, nhà trường Quân đội. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021 - 2024, Nhà trường có 132 lượt giảng viên đạt giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở; 55 giảng viên được công nhận danh hiệu Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường2.

Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh kiểm tra toàn diện đối với Nhà trường.

Thành công của Nhà trường trong xây dựng đội ngũ giảng viên là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố; trong đó, đã đột phá vào những khâu cơ bản, phù hợp đặc thù của Nhà trường.

Đối với mọi nhà trường, đội ngũ giảng viên luôn được coi là nhân tố nòng cốt, quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo và vai trò đó càng quan trọng hơn trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Từ nhận thức đó, Phòng Chính trị tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường quán triệt, cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị về công tác giáo dục, đào tạo và xây dựng đội ngũ nhà giáo3, nhất là Nghị quyết số 463-NQ/ĐU, ngày 30/3/2023 của Đảng ủy Binh chủng Công binh; Nghị quyết số 680-NQ/ĐU, ngày 28/4/2023 của Đảng ủy Nhà trường về “Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới” thông qua các hội nghị quán triệt nghị quyết; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên; thực tiễn công tác giảng dạy; hội thi giảng viên giỏi, v.v. Qua đó, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong công tác kiện toàn đội ngũ này; việc kết hợp đánh giá cán bộ với đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách của đội ngũ giảng viên được tiến hành bài bản, chặt chẽ, đúng nguyên tắc; lấy kết quả giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của đồng chí, đồng nghiệp và người học để đánh giá, bình xét, xếp loại giảng viên hằng năm. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của giảng viên được tiến hành đồng bộ theo phân cấp, khắc phục triệt để biểu hiện thiếu tích cực trong tự học, tự nghiên cứu của đội ngũ giảng viên. Chất lượng, hiệu quả quản lý, duy trì các chế độ hành chính và chuyên môn đối với các hoạt động giảng dạy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, khoa giảng viên có bước tiến triển về chất. Các hoạt động của hội đồng khoa học, hội đồng phương pháp các khoa trong việc thông qua bài giảng, dự giờ, bình giảng, giảng mẫu được thực hiện nền nếp, đạt hiệu quả, chiều sâu vững chắc.

Trước thực trạng đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng, tỷ lệ đạt chuẩn về trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, chức danh khoa học chưa cao và chưa vững chắc; trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin của một bộ phận nhà giáo chưa tương xứng (mà nguyên nhân là có giai đoạn công tác tạo nguồn, xây dựng chưa được quan tâm đúng mức), Phòng Chính trị phối hợp với Phòng Đào tạo nghiên cứu, đề xuất Đảng ủy Nhà trường chủ trương xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý theo Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”. Theo đó, các cơ quan, khoa giảng viên rà soát tổ chức, biên chế, tiến hành xây dựng, quy hoạch đội ngũ giảng viên ở các khoa gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ theo hướng “chuẩn hóa”, tinh, gọn, có cơ cấu hợp lý, khắc phục tình trạng dư thừa ở bộ phận này, nhưng lại thiếu hụt ở bộ phận khác. Các khoa giảng viên tính toán chặt chẽ, có nguồn kế cận, kế tiếp theo quy hoạch nguồn đã xác định, bảo đảm tính kế thừa và phát triển vững chắc giữa các thế hệ, chuyên ngành. Để bổ sung giảng viên ở những khoa, tổ bộ môn còn thiếu, Phòng Chính trị tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa giảng viên chủ động tuyển chọn từ nhiều nguồn, nhiều hướng; trước hết, lựa chọn những học viên tốt nghiệp loại giỏi, có năng lực và tố chất sư phạm, sắp xếp ở lại trường để tạo nguồn phát triển. Đồng thời, Nhà trường chủ động đề nghị trên lựa chọn cán bộ tốt nghiệp các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội và lựa chọn cán bộ qua thực tế, có kinh nghiệm chỉ huy, quản lý từ các đơn vị để bổ sung vào đội ngũ giảng viên. Nhờ đó, đến nay các khoa giảng viên đã điều chỉnh, kiện toàn cơ bản, khắc phục được thực trạng bất cập về cơ cấu độ tuổi, trình độ đào tạo, bảo đảm sự phát triển liên tục, vững chắc.

Giảng viên thực hành huấn luyện chuyên ngành Công binh.

Đi liền với đó, Phòng Chính trị tham mưu cho Nhà trường tập trung đột phá nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên. Theo đó, cùng với gửi giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở các học viện, nhà trường trong và ngoài nước4, Nhà trường tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên có năng lực toàn diện và chuyên sâu theo từng chuyên ngành thông qua việc duy trì, thực hiện có chất lượng hoạt động ngày phương pháp, giờ giảng mẫu, bình giảng, thao giảng, dự giảng, thông qua bài, v.v. Về nội dung, chú trọng nâng cao kỹ năng sư phạm, khả năng tư duy khoa học, sáng tạo, gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn trong thực hành giảng dạy. Ngoài những kiến thức cơ bản, Nhà trường yêu cầu đội ngũ giảng viên phải thường xuyên cập nhật nội dung, phương pháp phù hợp với sự phát triển của phương tiện, trang bị mới ở các đơn vị công binh và toàn quân. Để cập nhật kiến thức thực tiễn trong giảng dạy, Nhà trường tăng cường số lượng giảng viên luân chuyển, thực tế từ cấp tiểu đoàn đến cấp lữ đoàn5; mời các đồng chí cán bộ công binh lão thành truyền thụ kinh nghiệm bảo đảm công binh trong chiến đấu, làm phong phú thêm nội dung trong giảng dạy. Đồng thời, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên tham gia các đợt tập huấn chuyên ngành, hội thảo khoa học, hội thi do Bộ Quốc phòng, Binh chủng Công binh tổ chức và tham quan huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập để học tập nghiên cứu thực tiễn, góp phần nâng cao kinh nghiệm, kiến thức và trình độ giảng dạy. Đặc biệt, Nhà trường đã xây dựng và triển khai “Quy chế phối hợp thực hiện công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo” với Lữ đoàn Công binh 25/Quân khu 7, Lữ đoàn Công binh 550/Quân đoàn 4 và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động/Bộ Công an, tạo điều kiện để giảng viên, học viên của Nhà trường trực tiếp tiếp cận với các hoạt động của đơn vị. Cùng với đó, Nhà trường hết sức chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nhân cách, lối sống cho đội ngũ giảng viên, để họ thực sự là những tấm gương mẫu mực, mô phạm, “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường cả trước mắt và lâu dài.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà trường theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Phòng Chính trị chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Nhà trường tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Theo đó, Nhà trường đã từng bước nâng cấp hạ tầng, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ; trong đó, tập trung số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo trình, bài giảng, tài liệu, kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu chuẩn hóa của từng chức danh, phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số. Cùng với đó, yêu cầu đội ngũ giảng viên tích cực học tập, nâng cao trình độ số hóa giáo trình, tài liệu, bài giảng điện tử; đổi mới phương pháp giảng dạy trong cách tiếp cận và truyền đạt kiến thức, sử dụng các công cụ số để làm cho bài giảng trở nên hấp dẫn và để học viên dễ tiếp thu hơn. Điều này không chỉ giúp học viên phát triển khả năng phân tích và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, mà còn giúp giảng viên cập nhật và điều chỉnh phương pháp giảng dạy đáp ứng nhu cầu lĩnh hội tri thức của học viên. Đến nay, Nhà trường có hơn 250 cán bộ, giảng viên có chứng chỉ công nghệ thông tin và đội ngũ này đã biên soạn được hơn 200 đầu tài liệu, với gần 29.000 trang được số hóa, 26 sản phẩm nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ thông tin được vận dụng hiệu quả. Quá trình giảng dạy, 100% giảng viên sử dụng thành thạo các nền tảng dạy - học trực tuyến, công cụ tạo bài giảng số và các phương pháp giảng dạy mới dựa trên công nghệ, góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ, năng lực, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Cùng với các giải pháp trên, Trường Sĩ quan Công binh làm tốt công tác chính sách đối với đội ngũ giảng viên thông qua thực hiện các quy chế trong hỗ trợ đào tạo sau đại học; vận dụng linh hoạt chính sách nhà công vụ; bảo đảm điều kiện làm việc và sinh hoạt, v.v. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, động viên khích lệ, tạo động lực trong tự nghiên cứu, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, xây dựng đội ngũ giảng viên ngày càng vững mạnh, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đại tá, TS. PHẠM NGUYỄN NGỌC ANH, Chủ nhiệm Chính trị Nhà trường
_____________________
        

1 - Nhà trường là nền tảng; học viên là trung tâm; giảng viên là người dẫn dắt, lan tỏa và truyền cảm hứng.

2 - Các khóa đào tạo gần đây: 100% học viên tốt nghiệp đạt yêu cầu; trong đó, trên 80% tốt nghiệp khá, giỏi (tăng so với nhiệm kỳ trước gần 10%).

3 - Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”; Quyết định số 3525/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”; Chỉ thị số 89/CT-BQP, ngày 04/4/2018 của Bộ Quốc phòng về “Tăng cường tổng kết thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu gắn với công tác giáo dục, đào tạo của các nhà trường Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

4 - Giai đoạn 2021 - 2024, Nhà trường có 139 giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường trong và ngoài nước.

5 - Đến năm 2024, có 34 giảng viên đã qua chức vụ thực tế cấp trung đoàn trở lên.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.