Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 09/06/2016, 17:45 (GMT+7)
Công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định

Nhận thức đúng vai trò, vị trí của công tác vận động quần chúng, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mặt công tác này, góp phần tăng cường “thế trận lòng dân” trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc.

Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển trên địa bàn chiến lược đối với khu vực Trung Trung Bộ và cả nước. Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trên, trực tiếp là Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Nghị quyết 152-NQ/ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong tình hình mới”, Nghị quyết 12-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về “Tăng cường công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng trong thời kỳ mới”, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai những biện pháp vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng.

Trước hết, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh ra Nghị quyết 80-NQ/ĐU ngày 08-7-2004 về “Tăng cường công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định trong thời kỳ mới”; Nghị quyết 28-NQ/ĐUBP, ngày 14-10-2015 về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng tỉnh trong tình hình mới”; Chương trình hành động 711-CTr/ĐUBP, ngày 01-4-2014 về “Thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Quy chế thực hiện công tác dân vận của Đảng ủy. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề và đưa nội dung vận động quần chúng vào nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, quý, năm; xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tình hình địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tiến hành công tác vận động quần chúng cho bộ đội. Do vậy, mọi tổ chức, lực lượng của Bộ đội Biên phòng Tỉnh đều thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công1. Qua đó, xác định rõ: công tác vận động quần chúng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng; là nội dung quan trọng của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị; trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp và cán bộ, chiến sĩ đội vận động quần chúng ở các đồn biên phòng. Đây là mũi tiến công có hiệu quả trong đấu tranh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch và là biện pháp nghiệp vụ cơ bản, làm cơ sở để tiến hành các biện pháp công tác khác của Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần tăng cường “thế trận lòng dân”, mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân - dân; củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, tạo chỗ dựa vững chắc để phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo Tổ quốc.

Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo các đơn vị phải thường xuyên nắm chắc tình hình, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân cho phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Theo đó, các đơn vị đã thực hiện tốt phương châm hướng về cơ sở, đa dạng hóa hình thức, kết hợp chặt chẽ giữa các phương tiện thông tin, truyền thông, phát huy vai trò các thiết chế văn hóa, tổ, đội tuyên truyền văn hóa ở cơ sở,… tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền cho hàng trăm ngàn người tham gia. Qua đó, làm cho người dân có nhận thức đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, trọng tâm là các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, Trung ương trên địa bàn; những nội dung cơ bản của Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 161/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển (hiện thay thế bằng Nghị định 71/2015/NĐ-CP, ngày 03-9-2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); các hiệp định, hiệp nghị ký kết giữa nước ta với các nước liên quan. Đặc biệt là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định nghề cá giữa Việt Nam với Trung Quốc và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về Biển Đông. Hằng tháng, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh thực hiện chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” để chuyển tải những nội dung liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia cũng như trách nhiệm công dân đối với nhiệm vụ này. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt công tác xây dựng, củng cố phong trào quần chúng ở những địa bàn còn nhiều khó khăn, phức tạp (Nhơn Lý, Nhơn Hội, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Hoài Mỹ,…). Bên cạnh tuyên truyền qua hệ thống pa-nô, áp-phích, tờ rơi, các đơn vị còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và lực lượng đóng quân trên địa bàn tổ chức các buổi tọa đàm, sân khấu hóa, giao lưu, kết nghĩa, thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam; kết hợp tuần tra, kiểm soát với phát loa tuyên truyền đến các đối tượng hoạt động trên biển. Những việc làm đó đã góp phần làm cho người dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương của ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết những bức xúc trong dân, nhất là những vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, tận thu khoáng sản ti-tan, tranh chấp ngư trường,... nâng cao trách nhiệm công dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh xác định: tham gia củng cố cơ sở chính trị xã, phường khu vực biên giới biển là nội dung trọng tâm của công tác vận động quần chúng. Hằng năm, trên cơ sở rà soát, nắm chắc tình hình, chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị địa phương, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn các tổ chức hoạt động còn kém hiệu quả. Cử những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, am hiểu địa bàn, có trình độ, năng lực tổ chức, vận động quần chúng, có uy tín với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trực tiếp tham gia sinh hoạt trong các đảng ủy xã và chi bộ thôn khu vực biên giới biển. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng Tỉnh có 17 cán bộ cấp đồn tham gia đảng ủy các xã; 28 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia sinh hoạt chi bộ thôn (khu phố) thuộc 21 xã (phường) khu vực biên giới biển. Các đồng chí này đã vừa trực tiếp tham mưu với trên và cấp ủy, chính quyền địa phương; vừa trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện những nội dung về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó, góp phần giúp hệ thống chính trị ở 07 xã, với 98 chi bộ, 1.022 lượt tổ chức chính trị - xã hội từ hoạt động kém hiệu quả, vươn lên hoạt động khá. Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức phát động, ký kết giao ước và duy trì hoạt động có hiệu quả phong trào “Quần chúng tham gia tự quản an ninh trật tự ở khu vực biên giới”. Đến nay, 5/5 huyện (thành phố), 33/33 xã (phường) khu vực biên giới của Tỉnh đã ký kết tham gia phong trào với 25.096 hộ gia đình, gồm 75.228 người; thành lập 994 tổ và 02 dòng họ tự quản; xây dựng 06 “Bến, bãi an toàn”, 250 “Tổ tàu, thuyền, bến bãi an toàn” và “Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển”, v.v. Qua đó, giúp Bộ đội Biên phòng Tỉnh thu thập tin tức làm cơ sở tham mưu, xử lý hàng chục vụ vận chuyển, mua bán trái phép khoáng sản, tranh chấp, lấn chiếm đất đai, khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp và hoạt động tôn giáo trái pháp luật; xử lý hành chính trên 643 vụ, với 645 đối tượng, tịch thu tang vật, xung công quỹ Nhà nước số hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng, v.v.

Lễ bàn giao Nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình địa bàn, các đơn vị đã đẩy mạnh phong trào “Bộ đội Biên phòng Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới” với những nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp các tổ chức, lực lượng, doanh nghiệp,… thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân; tổ chức, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, làm dịch vụ; giúp dân làm thủ tục vay vốn, sản xuất, đóng mới tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ; làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng công trình dân sinh; thu hoạch, chăm sóc hoa màu; vận động nhân dân hiến đất, hiến vườn,… phục vụ cho các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế khu vực biên giới biển. Với mô hình giúp dân xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo, khó khăn; “Vận động học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học trở lại trường lớp”; “Phụ nữ với chiến sĩ Biên phòng”, từ năm 2010 đến nay, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã xây dựng được 119 nhà “Đại đoàn kết”, thành lập và duy trì hoạt động 06 Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ Biên phòng”, xây dựng 03 công trình dân sinh khu vực biên giới biển, thiết thực giúp nhân dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh, tiêm chủng miễn phí cho nhân dân, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần làm cho nhân dân ngày càng tin yêu Bộ đội Biên phòng, truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Bình Định tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, thiết thực góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân - dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá LƯƠNG NGỌC CHINH, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh

________________   

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.